Lịch sử Phật giáo Myanmar – Vùng đất giáo lý nguyên thủy
Cư sĩ Phúc Quang tổng hợp
Phần I. Tổng quan
1. Địa lý và tên gọi Myanmar
Myanmar tên chính thức là Cộng hòa Liên bang Myanmar (còn gọi là Miến Điện – tên chính thức cho đến năm 1989), là một quốc gia tại Đông Nam Á. Myanmar có biên giới với Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Một phần ba tổng chu vi của Myanmar là đường bờ biển giáp với vịnh Bengal và biển Andaman.
“Miến Điện” hay “Diến Điện” là tên nước này được người Việt Nam đọc theo cách gọi của người Trung Quốc. “Miến” có nghĩa là xa tắp, xa vời, “Điện” là chỉ vùng đất nằm bên ngoài “giao”. Theo cách gọi của người Trung Quốc thì tường trong của thành gọi là “thành”, tường ngoài gọi là “quách”. Vùng ngoại vi của quách gọi là “giao”. Vùng đất bên ngoài giao gọi là “điện”, cách thành khoảng từ một trăm dặm trở lên. “Miến Điện” ý là vùng ngoại thành xa xôi.
Năm 1989, hội đồng quân sự đổi tên tiếng Anh từ Burma thành Myanmar, cùng với nhiều thay đổi trong tên gọi tiếng Anh của nhiều vùng trong đất nước, chẳng hạn tên gọi trước kia của thủ đô đổi từ Rangoon thành Yangon. Tuy vậy, tên chính thức của đất nước trong tiếng Myanmar là Myanmar vẫn không đổi.
Sự thay đổi trong tên gọi là biểu hiện của một cuộc tranh cãi chính trị. Nhiều nhóm người Myanmar tiếp tục sử dụng tên “Burma” vì họ không chấp nhận tính hợp pháp của chính quyền quân sự cũng như sự đổi tên đất nước. Một vài chính phủ phương Tây, chẳng hạn Hoa Kỳ, Úc, Ireland và Anh tiếp tục sử dụng tên “Burma”, trong khi Liên minh châu Âu sử dụng cả hai. Liên Hợp Quốc sử dụng tên “Myanmar”.
Việc sử dụng tên “Burma” vẫn còn phổ biến ở Hoa Kỳ và Anh. Trong tiếng Anh, người ta vẫn dùng từ “Burmese” như một tính từ.
Sau khi giành được độc lập từ Đế quốc Anh, Myanmar đã sử dụng các quốc hiệu sau:
Liên bang Miến Điện: 1948 – 1974
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Burma: 1974 – 1988
Liên bang Myanmar: 1988 – 2011 (từ năm 1989 thì quốc hiệu tiếng Anh dùng Myanmar thay cho Burma)
Cộng hòa Liên bang Myanmar: 2010 – nay
Ngoài ra, người miền tây Nam Bộ ngày xưa còn gọi nước Burma là nước Cù Là (nguồn gốc tên từ “dầu cù là” – một loại dầu thoa ngoài da người Việt hay dùng).
2. Bối cảnh lịch sử hình thành nền văn minh Myanmar
Myanmar trải qua thời kỳ sơ khai như mọi lãnh thổ khác, xuất phát từ quá trình con người thuộc nhiều chủng tộc, bộ tộc khác nhau di cư tới.
Người Karen
Người Karen là một trong những nhóm dân tộc người bản địa sống chủ yếu tại các vùng đồi núi và thung lũng phía nam và đông nam Myanmar, gần biên giới Thái Lan. Họ được cho là định cư ở khu vực này từ rất sớm, họ duy trì các truyền thống văn hoá phong phú, nghệ thuật dệt may, âm nhạc, điệu múa truyền thống. Ngoài ra, người Karen cũng được cho rằng có sự đa tôn giáo bao gồm cả Phật giáo, tín ngưỡng thờ thần linh, tín ngưỡng vật linh,… tuy nhiên do họ định cư tại các vùng biên giới, đồi núi phía Đông Myanmar, vì vậy ít sự tác động, hay mức độ giao thoa với các tộc người sâu trong đồng bằng là không nhiều.
Người Pyu
Nhóm dân cư cổ đại Pyu được cho là có nguồn gốc từ các khu vực Tây Tạng hoặc Trung Á. Họ di cư đến đồng bằng sông Irrawaddy và thiết lập nền văn minh Pyu. Người Pyu là một trong những nhóm đầu tiên phát triển hệ thống thành phố và tổ chức xã hội phức tạp tại Myanmar. Họ tiếp thu và truyền bá Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravada), đồng thời phát triển thương mại và nông nghiệp. Các thành phố lớn của họ như Sri Ksetra và Beikthano trở thành trung tâm văn hóa và tôn giáo.
Người Mon
Người Mon có nguồn gốc từ các khu vực Đông Nam Á và di cư đến miền nam Myanmar, dọc theo đồng bằng sông Irrawaddy và ven biển Andaman, từ khoảng thiên niên kỷ thứ nhất TCN (Tức khoảng từ năm 1000 TCN đến năm 1 TCN).
Người Mon đã xây dựng nền văn minh thịnh vượng tại miền nam Myanmar và trở thành một trong những nhóm dân tộc đầu tiên tiếp nhận Phật giáo Theravada. Họ thiết lập các vương quốc mạnh mẽ như Thaton và Pegu (Bago), đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo và văn hóa Ấn Độ vào nhiều khu vực khác của Myanmar
Người Mranma (Bamar/Burman)
Người Mranma, còn gọi là Bamar, di cư từ cao nguyên Tây Tạng và Vân Nam (Trung Quốc) vào khoảng thế kỷ 9. Họ định cư tại khu vực trung tâm Myanmar, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Irrawaddy.
Người Bamar đã thành lập Vương quốc Pagan/ Bagan vào thế kỷ IX SCN, vương quốc đầu tiên thống nhất phần lớn lãnh thổ Myanmar hiện đại. Pagan/ Bagan trở thành trung tâm của văn hóa và Phật giáo Theravada, với hàng ngàn ngôi đền và bảo tháp được xây dựng. Vương quốc Pagan cũng đặt nền móng cho hệ thống chính trị, ngôn ngữ và văn hóa của Myanmar sau này.
Ngoài ra còn một số tộc người khác, ví dụ như tộc người Shan, người Rakhine (Arakan), người Chin, người Kachin và các dân tộc thiểu số khác, tuy nhiên một phần ở đấy là các dân tộc tới muộn, có những tộc người tới vào quãng khoảng thế kỷ XIII SCN, hoặc là những tộc người không có sự ảnh hưởng lớn tới Phật giáo Myanmar.
Nền văn minh Myanmar được hình thành bởi sự giao thoa và đóng góp của nhiều tộc người , chính điều đó mà tạo nên một nền văn hóa đa dạng, phong phú, phản ánh qua lịch sử, tôn giáo, ngôn ngữ và nghệ thuật của quốc gia này.
Ngày nay, người Myanmar hiện đại (Bamar) là nhóm dân tộc chiếm đa số tại Myanmar, tiếp tục phát triển dựa trên di sản của các nhóm dân tộc khác, đặc biệt là từ người Pyu, Mon, và Bamar cổ.
Khi sản xuất gia tăng, xã hội phát triển, tài sản dư thừa xuất hiện, lòng tham lớn hơn, nỗi sợ mất mát nhiều hơn, có sự phân hoá, phân chia đẳng cấp theo hình hài, nghề nghiệp, … tạo tiền đề cho sự hình thành thể chế. Các liên minh ra đời, cho tới khi hình thành vương quốc.
Vương quốc Pyu hay còn được biết tới là Thị quốc Pyu, được ghi nhận là nền văn minh quân chủ đầu tiên thuộc dạng có tổ chức hệ thống nhà nước rõ ràng, có sự phân hoá chức vụ lớn tại lãnh thổ Myanmar. Tất nhiên trước thời đại vương quốc này, chắc chắn Myanmar tồn tại các thể chế nhỏ hơn, các hệ thống quân chủ dưới hình thức bộ lạc, liên minh nhóm chính trị. Thế nhưng xét về mặt là một nền văn minh quân chủ đầy đủ nhất, thì Pyu được các nhà nghiên cứu công nhận là đầu tiên.
3. Vài nét về Vương quốc Pyu (Thị quốc Pyu)
Người Pyu được cho là đã di cư đến khu vực Myanmar ngày nay từ phía tây bắc vào khoảng thế kỷ II TCN, có thể từ khu vực phía tây của Trung Quốc, Tây Tạng hoặc thậm chí từ các vùng Trung Á, và dần dần tiến về phía nam, vào khu vực đồng bằng miền trung Myanmar. Khi đến Myanmar, người Pyu đã định cư dọc theo sông Irrawaddy, một trong những con sông lớn và quan trọng nhất trong khu vực, nơi có điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp và phát triển thương mại.
Dựa trên các bằng chứng khảo cổ và ngôn ngữ học, người Pyu có nguồn gốc từ các tộc người nói ngôn ngữ Tạng – Miến. Họ là một trong những nhóm cư dân đầu tiên thiết lập nền văn minh và hình thành các thành phố có tổ chức tại Myanmar, tạo tiền đề cho sự phát triển của các vương quốc sau này.
Khi định cư tại Myanmar, người Pyu đã xây dựng nhiều thành phố lớn có tổ chức và thành lũy, chẳng hạn như Beikthano, Sri Ksetra, và Halin. Những thành phố này được bảo vệ bằng tường thành, trở thành trung tâm văn hóa, kinh tế và tôn giáo của người Pyu. Vào thời kỳ này, người Pyu đã phát triển một hệ thống canh tác nông nghiệp lúa gạo tiên tiến và có nền văn minh phức tạp, với sự giao thương mạnh mẽ với các vùng khác của Đông Nam Á và Ấn Độ.
Vương quốc Pyu có nơi ghi chép kéo dài từ thứ kỷ II TCN – IX SCN (Khoảng 1.100 năm), nhưng cũng có tài liệu ghi rằng từ thế kỷ II TCN – XI SCN (Khoảng 1.300 năm). Thực chất ở đây không có sự mâu thuẫn nào về lịch sử, mà điều này liên quan tới góc nhìn nhận của từng người. Sự chồng chéo của mốc thời gian là do quá trình suy tàn của vương quốc Pyu.
Vào thế kỷ thứ IX SCN, vương quốc này bắt đầu suy yếu do nhiều yếu tố như xung đột với các vương quốc láng giềng, đặc biệt là các cuộc tấn công từ đế chế Nanzhao (nay là tỉnh Vân Nam, Trung Quốc).
Cũng trong thế kỷ đó, người Mranma (Bamar) bắt đầu di cư vào trung tâm Myanmar, nơi từng thuộc về vương quốc Pyu. Họ dần thống nhất các vùng đất xung quanh và thành lập vương quốc Pagan/ Bagan vào khoảng năm 849 SCN. Thế nhưng, điều đáng nói là sự thành lập vương quốc này được diễn ra khi vương quốc Pyu chưa hoàn toàn thoái vị, và vẫn kiểm soát một số nơi. Cho tới tận thế kỷ thứ XI SCN, Pagan/ Bagan mới thống nhất và kiểm soát đại đa số lãnh thổ Myanmar. Xét trên phương diện lịch sử thì không có sự mâu thuẫn nào trên các văn kiện, còn xét trên quan điểm cá nhân thì có người coi vương quốc Pyu kết thúc từ thế kỷ IX, phần còn lại chỉ là tàn dư, cũng có những người cho rằng tới thế kỷ XI mới đúng chính xác là chấm hết kỷ nguyên Pyu.
4. Tín ngưỡng Myanmar cổ trước khi hiện diện Phật giáo
Trước khi Phật giáo du nhập vào Myanmar, khu vực này chủ yếu theo các tín ngưỡng và tôn giáo bản địa.
Tín ngưỡng Animism
Đây là tín ngưỡng nổi bật hơn cả tại Myanmar, được coi là hệ thống tôn giáo bản địa chiếm ưu thế nhất trước khi Phật giáo xuất hiện. Tín ngưỡng Animism hay còn được gọi là tín ngưỡng “vật linh”, với niềm tin rằng tất cả các hiện tượng tự nhiên, vật thể đều có linh hồn, ví như núi, cây, suối, đá, sông ngòi… chứ chúng không hề vô tri. Các lễ nghi thờ cúng, cầu nguyện thường được diễn ra tại các khu vực mà họ coi là thiêng liêng như núi lớn, cây đại thụ, sông suối lớn, hoặc đầu nguồn con sông,…
Tín ngưỡng đa thần (Thần linh địa phương)
Người dân Myanmar cổ đại thờ nhiều vị thần để mong muốn được bảo hộ cho địa phương mình sinh sống, cho gia đình mình, ví như lễ nghi xin thần mưa phù hộ cho việc kiếm ăn không xảy ra nguy hiểm.
Tôn thờ tổ tiên
Một số bộ lạc và dân tộc có tục thờ tổ tiên, coi trọng việc cầu nguyện cho tổ tiên.
Theo các ghi chép, không rõ người Myanmar xưa dâng lễ vật cụ thể là gì trong tục thờ cúng, cầu xin thần linh che chở. Tuy nhiên, đối chiếu với các nước lân cận về tục thờ cúng thần linh nói chung, thì các nhà nghiên cứu tin rằng con người sẽ dâng lễ vật là các món ăn khu vực mình, các thực phẩm mình có như hoa quả, thịt động vật,… và các bài cầu xin mang tính chất riêng của lãnh thổ.
Tôn giáo Bà – la – môn
Cũng được ghi nhận là xuất hiện ở một số khu vực, đặc biệt là gần biên giới Ấn Độ, thông qua các hoạt động thương mại, tuy nhiên đạo Bà – la – môn lại không ảnh hưởng lớn tới người dân Myanmar, vì thế mà đạo này chỉ điểm nhấn ở vài nơi rải rác, chứ không đủ sức tạo thành một hệ thống tôn giáo như ở Ấn Độ hay Tích Lan (Sri Lanka).
Phần II. Thời kỳ Myanmar tiếp nhận Phật giáo
1. Thời kỳ du nhập
Phật giáo bắt đầu du nhập vào Myanmar từ thế kỷ III TCN, thời đại vua Ashoka của triều đại Maurya thông qua các nhà truyền giáo, nhà sư từ Ấn Độ và Tích Lan (Sri Lanka), nhanh chóng trở thành tôn giáo chủ yếu trong khu vực.
Theo các tài liệu lịch sử, hai vị được cho là ngài Sona và ngài Uttara, là hai trong số các sứ giả Phật giáo được vua Ashoka cử đi khu vực Suvannabhumi (một tên cổ chỉ vùng Đông Nam Á, bao gồm Myanmar hiện nay), để truyền bá giáo lý Phật giáo. Từ đó, Phật giáo bắt đầu lan rộng trong cộng đồng địa phương và trở thành tôn giáo chính ở Myanmar, đặc biệt là Phật giáo Nam tông (Theravãda).
Vào thời điểm này, khu vực Myanmar vẫn đang trong quá trình chuyển đổi thể chế từ những cộng đồng bộ lạc thành vương quốc, với các tín ngưỡng bản địa, thờ cùng thần linh và thiên nhiên. Nhờ sự giao thương trên biển, cũng như sự ảnh dưới nền văn minh Ấn Độ, mà giáo lý, văn hoá vẫn được lưu truyền từ Ấn Độ sang Myanmar một cách bền vững.
2. Các yếu tố giúp Phật giáo được đón nhận tại Myanmar và sự hoà nhập với tín ngưỡng bản địa
Tính hòa hợp với tín ngưỡng bản địa
Giáo lý Phật giáo tập trung vào từ bi, tu dưỡng bản thân và trí tuệ, không có tính chất đối kháng với các tín ngưỡng bản địa. Nhiều yếu tố của tín ngưỡng bản địa được kết hợp với các nghi lễ Phật giáo, giúp Phật giáo dễ dàng thâm nhập vào đời sống văn hóa của người dân.
Sự bảo trợ từ các thủ lĩnh đứng đầu
Người dân nhanh chóng chấp nhận Phật giáo nhờ sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo chính trị. Trong các thế kỷ tiếp theo, vào triều đại lớn tại Myanmar, như vương triều Pagan dưới thời vua Anawrahta (thế kỷ 11), đã chính thức hóa Phật giáo và biến nó thành quốc giáo.
3. Vương quốc Pyu với Phật giáo
Phật giáo sau khi du nhập vào Myanmar thì trở thành tôn giáo chính thức của vương quốc Pyu, và các nhà sư đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, văn hóa, chính trị. Các vị vua Pyu không chỉ ủng hộ Phật giáo mà còn xây dựng nhiều công trình tôn giáo lớn, bao gồm các ngôi chùa và bảo tháp.
Dù có những ảnh hưởng từ Phật giáo Đại thừa, nhưng Phật giáo Nam tông đã trở thành nhánh Phật giáo chiếm ưu thế tại Pyu. Từ Pyu, Phật giáo Nam tông dần lan tỏa sang các vùng khác của Myanmar.
Các bằng chứng khảo cổ và văn học
Sri Ksetra là thành phố lớn nhất và quan trọng nhất của người Pyu, nằm gần thành phố Bago ngày nay. Các cuộc khai quật ở Sri Ksetra đã phát hiện nhiều hiện vật Phật giáo, bao gồm các tượng Phật bằng đá và kim loại. Bên cạnh đó, tại đây ghi nhận nhiều di tích chùa chiền và bảo tháp.
Các tượng Phật bằng đá và đồng được tìm thấy tại Sri Ksetra, thường trong các bảo tháp, đền thờ có phong cách chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ, đặc biệt là từ nền văn hóa Gupta. Những bức tượng này thường thể hiện đức Phật trong tư thế thiền định (Dhyana Mudra) hoặc tư thế chạm đất (Bhumisparsha Mudra), với nét mặt thanh thản, tượng trưng cho sự giác ngộ, từ bi.
Bảo tháp Bawbawgyi là một trong những bảo tháp cổ nối tiếng nhất tại Sri Ksetra, được xây dựng theo hình trụ với đỉnh hình nón. Kiến trúc bảo tháp này có nhiều điểm tương đồng với các bảo tháp Phật giáo ở Ấn Độ và Tích Lan (Sri Lanka), cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo ngoại quốc.
Bảo tháp Lemyethna có kiển trúc đặc trưng với đế vuông và đỉnh hình chóp. Các bảo tháp này thường là nơi lưu giữ xá lợi của đức Phật hoặc các nhà sư có uy tín trong cộng đồng Phật giáo Pyu.
Nhiều bia ký bằng tiếng Pyu và tiếng Pali đã được tìm thấy tại Sri Ksetra, trong đó ghi chép các bài kinh Phật giáo, các lời cầu nguyện, tên của các nhà hảo tâm đã tài trợ cho việc xây dựng các ngôi chùa và bảo tháp. Các văn bản này minh chứng cho việc người Pyu đã tiếp nhận ngôn ngữ và giáo lý Phật giáo từ rất sớm. Các ngôi đền Phật giáo tại Sri Ksetra được trang trí bằng nhiều phù điêu và điêu khắc tinh xảo. Các phù điêu này thường mô tả các cảnh trong cuộc đời của đức Phật, bao gồm các giai đoạn giác ngộ và các bài giảng quan trọng. Các hình tượng như hoa sen, biểu tượng của sự giác ngộ, và bánh xe Pháp (Dharma) thường xuất hiện trong các phù điêu này.
Các bản kinh Phật giáo Theravada được khắc trên đá cũng được phát hiện, cho thấy Phật giáo Nam tông đóng vai trò trung tâm trong đời sống tôn giáo và văn hóa của người Pyu.
Nhiều hiện vật điêu khắc tại Sri Ksetra cũng mô tả các sinh vật thần thoại như Nagas (rắn thần) và Makara (quái vật biển), kết hợp giữa văn hóa Phật giáo và các tín ngưỡng bản địa.
Nhiều hiện vật bằng vàng, bao gồm nhẫn, dây chuyền, và trang sức được chạm khắc với các biểu tượng Phật giáo, đã được phát hiện tại các ngôi mộ hay bảo tháp, chứng tỏ sự kết nối giữa quyền lực hoàng gia và Phật giáo trong vương quốc Pyu. Các hộp xá lợi được tìm thấy trong các bảo tháp tại Sri Ksetra là những hiện vật vô cùng quan trọng trong việc thờ phụng Phật giáo. Các hộp này thường được làm bằng vàng hoặc bạc, chạm khắc tinh xảo và chứa xá lợi của đức Phật hoặc các nhà sư nổi tiếng. Các hộp xá lợi thường có hình dạng phức tạp, được trang trí với các hình ảnh Phật giáo và các hoa văn tinh xảo, biểu tượng cho sự tôn kính đối với những vị thánh trong Phật giáo.
Tượng Phật Địa Tạng (Bodhisattva Ksitigarbha)
Một hiện vật quan trọng khác được tìm thấy tại Sri Ksetra là các tượng Bodhisattva Ksitigarbha (Địa Tạng Vương Bồ Tát), một vị Bồ Tát nổi tiếng trong Phật giáo Đại thừa. Điều này cho thấy rằng không chỉ có Phật giáo Nam tông mà cả Phật giáo Đại thừa cũng đã có sự hiện diện nhất định trong văn hóa Pyu.
Một số đồng tiền cổ, dấu ấn hoàng gia có mang hình ảnh đức Phật hoặc các biểu tượng Phật giáo cũng đã được khai quật tại Sri Ksetra. Điều này cho thấy Phật giáo có mối liên hệ chặt chẽ với quyền lực nhà nước và được giai cấp cai trị bảo trợ, ủng hộ.
Những hiện vật, di tích này đã đóng góp quan trọng vào việc hiểu biết về sự phát triển của Phật giáo tại Myanmar trong thời kỳ Pyu và ảnh hưởng sâu sắc của nó đến văn hóa, xã hội của quốc gia này. Hay như tại Beikthano và Halin cũng được tìm thấy những bức tượng Phật, các toà bảo tháp, bia ký khắc kinh tạng Pãli,…
Tầm ảnh hưởng của người Pyu đối với Phật giáo tại Myanmar
Người Pyu không chỉ tiếp nhận Phật giáo mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tôn giáo này đến các vùng lân cận, đặc biệt là toàn bộ lãnh thộ Myanmar ngày nay. Khi vương quốc Pyu suy tàn, người Bamar dần trở thành lực lượng chính ở vùng đồng bằng sông Irrawaddy và kế thừa truyền thống Phật giáo từ người Pyu.
Ảnh hưởng đến vương triều Pagan
Người Bamar, khi thiết lập vương triều Pagan (Bagan) vào thế kỷ 11, đã tiếp nối truyền thống Phật giáo của người Pyu. Pagan trở thành trung tâm Phật giáo lớn, với hàng nghìn ngôi chùa và bảo tháp được xây dựng. Sự phát triển của Phật giáo tại Pagan có nguồn gốc từ những di sản mà người Pyu để lại.
Vào thế kỷ IX, vương quốc Pyu bị tấn công bởi người Nanzhao từ Vân Nam. Cuộc xâm lược này dẫn đến sự suy tàn của Pyu, và người Bamar sau đó dần trở thành dân tộc chủ đạo ở Myanmar. Tuy nhiên, di sản của người Pyu, đặc biệt là về Phật giáo, đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa Myanmar.
4. Di sản văn hóa Pyu và Phật giáo
Các thành bang của người Pyu, như Sri Ksetra, Beikthano và Halin, đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2014, minh chứng cho vai trò quan trọng của Pyu trong lịch sử Myanmar và Phật giáo Đông Nam Á. Những di tích Phật giáo từ thời Pyu vẫn còn tồn tại và được bảo tồn như những biểu tượng của sự phát triển tôn giáo và văn hóa của Myanmar.
Như vậy, vương quốc Pyu không chỉ là nền văn minh tiên phong ở Myanmar mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển và lan tỏa Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Nam tông, trong suốt lịch sử của đất nước này.
Phần III. Thời kỳ hưng thịnh Phật giáo Myanmar
1. Vương quốc Pagan (Bagan) và Phật giáo
Sau khi vương quốc Pyu suy tàn, vương quốc Pagan được thành lập vào khoảng thế kỷ 9 và phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 11 dưới triều đại của vua Anawrahta, người đã sát nhập và thống nhất các tiểu quốc, thống nhất đất nước. Một phần quan trọng trong chính sách trị quốc của ông chính là đưa Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravada) vào vị trí quan trọng trong xã hội, và Phật giáo nói chung trở thành tôn giáo chính thống.
Vương quốc Pagan nối tiếng với hàng ngàn ngôi đền và chùa chiền, nhiều công trình trong số đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay, làm cho Bagan trở thành một trong những di sản văn hóa quan trọng của Myanmar.
Vai trò của vua Anawrahta
Vua Anawrahta (trị vì từ 1044 – 1077) được coi là người sáng lập Vương quốc Pagan và là người bảo trợ chính của Phật giáo Theravada. Dưới sự lãnh đạo của ông, Phật giáo Theravada đã được củng cố thông qua việc ông nhận kinh sách từ Tích Lan (Sri Lanka) và đưa các tăng sĩ Theravada vào Pagan. Điều này đã giúp định hình văn hóa và tôn giáo của cả vùng đất Myanmar.
Di sản của Anawrahta đã vượt ra ngoài cả biên giới Myanmar hiện đại. Việc ông hậu thuẫn Phật giáo Thượng tọa bộ (Nguyên thuỷ) và việc ông ngăn chặn thành công sự mở rộng về phía tây của đế quốc Khmer, một nhà nước theo đạo Hindu, đã giúp cho tông Phật giáo này có được chỗ dựa an toàn. Ông đã giúp Phật giáo Thượng tọa bộ phục hưng ở Ceylon (tên khi Tích Lan bị thực dân Anh đô hộ). Sự thành công của triều Pagan đã giúp cho Phật giáo Thượng tọa bộ sau này phát triển ở Lan Na (miền Bắc Thái Lan ngày nay), Ayutthaya và Sukhothai (miền Trung Thái Lan ngày nay), Lan Xang (Lào ngày nay), và Đế quốc Khmer ở thế kỷ 13 và 14.
Sự phát triển của Pagan
Trong thời kỳ hoàng kim của vương quốc (thế kỷ 11 đến 13), được thống kê có hơn khoảng 10.000 ngôi đền, tháp và bảo tháp được xây dựng, trong đó nhiều ngôi đền vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Những công trình kiến trúc này không chỉ là nơi thờ phụng mà còn là biểu tượng cho sự phồn thịnh của Phật giáo tại Myanmar
Phật giáo Theravada đã trở thành tôn giáo chính thức và là nền tảng tinh thần cho đời sống của người dân Pagan. Các vị vua và quan lại thường xuyên bảo trợ việc xây dựng chùa chiền và cúng dường cho tăng đoàn. Các vị tăng sĩ có ảnh hưởng lớn đối với xã hội và giáo dục, giúp lan truyền tư tưởng Phật giáo khắp cả nước.
Đền Ananda
Thời gian xây dựng: Khoảng năm 1105 dưới thời vua Kyanzittha.
Đặc điểm: Đền Ananda là một trong những công trình kiến trúc quan trọng và nổi tiếng nhất tại Bagan. Được xem là “kiệt tác kiến trúc Mon”, ngôi đền có hình dạng hình vuông, với bốn bức tượng Phật đứng cao khoảng 9.5 mét đặt ở bốn phía. Bên trong đền còn có nhiều bức phù điêu và điêu khắc tinh xảo mô tả các sự kiện từ cuộc đời của đức Phật.
Chùa Shwezigon
Thời gian xây dựng: Khởi công dưới thời vua Anawrahta và hoàn thành dưới triều vua Kyanzittha vào cuối thế kỷ 11.
Đặc điểm: Chùa Shwezigon được cho là nơi lưu giữ xá lợi của đức Phật, bao gồm một phần xương trán và một chiếc răng.
Chùa có hình dạng bát giác với các tầng mái cao dần, được dát vàng rực rỡ, biểu tượng cho sự thịnh vượng và tâm linh Phật giáo Theravada. Shwezigon là một trong những bảo tháp quan trọng nhất ở Bagan.
Đền Dhammayangyi
Thời gian xây dựng: Thế kỷ 12, dưới triều vua Narathu.
Đặc điểm: Đây là ngôi đền lớn nhất tại Bagan và được xây dựng theo phong cách kiến trúc gạch. Đền Dhammayangyi nổi bật với kiến trúc vuông vắn và kiên cố, nhưng nó chưa bao giờ được hoàn thiện hoàn toàn. Đền có các phòng lớn bên trong và nhiều bức tượng Phật. Theo truyền thuyết, vua Narathu xây đền này để chuộc tội sau khi ám sát cha và anh trai để giành ngai vàng.
Đền Thatbyinnyu
Thời gian xây dựng: Thế kỷ 12, dưới triều vua Alaungsithu.
Đặc điểm: Đây là ngôi đền cao nhất tại Bagan, với chiều cao khoảng 66 mét. Thatbyinnyu thể hiện sự phát triển của phong cách kiến trúc tại Bagan với cấu trúc hai tầng, nhiều hành lang và cầu thang bên trong. Đền được xem như biểu tượng của trí tuệ tối thượng (Thatbyinnyu) trong Phật giáo.
Đền Sulamani
Thời gian xây dựng: Thế kỷ 12, dưới triều vua Narapatisithu.
Đặc điểm: Sulamani là một trong những ngôi đền tinh xảo nhất tại Bagan, với các bức tường gạch đỏ và điêu khắc tinh tế.
Bên trong đền có các bức bích họa phong phú miêu tả nhiều sự kiện trong cuộc đời của đức Phật. Đây cũng là một trong những di tích được bảo tồn tốt nhất tại Bagan.
Chùa Htilominlo
Thời gian xây dựng: Đầu thế kỷ 13 dưới thời vua Htilominlo.
Đặc điểm: Htilominlo nổi bật với kiến trúc ba tầng và các chi tiết trang trí tinh xảo.
Chùa cao khoảng 46 mét, với nhiều bức tượng Phật lớn. Đây là một trong những ngôi chùa cuối cùng được xây dựng theo phong cách truyền thống của Bagan trước khi vương quốc suy tàn.
Đền Gubyaukgyi (Myinkaba)
Thời gian xây dựng: Thế kỷ 12 dưới triều vua kyanzittha.
Đặc điểm: Đền Gubyaukgyi nối tiếng với các bức bích họa bên trong, mô tả các sự kiện trong cuộc đời của đức Phật. Các bức bích họa tại đền này được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật quý giá nhất từ thời kỳ Pagan, thể hiện sự tinh tế và sáng tạo của nghệ nhân thời bấy giờ.
Đền Manuha
Thời gian xây dựng: Thế kỷ 11 dưới triều vua Manuha, vị vua cuối cùng của vương quốc Thaton.
Đặc điểm: Đền Manuha được xây dựng bởi chính vua Manuha khi ông bị bắt làm tù binh và đưa về Bagan. Ngôi đền có nhiều bức tượng Phật lớn, với bức tượng Phật nằm được cho là biểu tượng cho sự khổ đau và áp bức mà vua Manuha phải chịu trong cảnh tù đày.
Chùa Lawkananda
Thời gian xây dựng: Thế kỷ 11 dưới thời vua Anawrahta.
Đặc điểm: Chùa Lawkananda nằm gần bờ sông Ayeyarwady và được xây dựng để lưu giữ một xá lợi Phật. Ngôi chùa có hình bát giác đơn giản nhưng rất trang nghiêm, với khung cảnh sông nước bao quanh tạo nên không gian thanh tịnh.
Đền Mingalazedi
Thời gian xây dựng: Thế kỷ 13, dưới triều vua Narathihapate.
Đặc điểm: Đây là một trong những bảo tháp cuối cùng được xây dựng tại Bagan, với cấu trúc hình kim tự tháp gồm nhiều bậc thang. Mingalazedi được biết đến với các bức điêu khắc tinh tế và bộ sưu tập kinh điển Phật giáo bằng đất nung, một di sản quý giá về văn hóa Phật giáo.
Các di tích Phật giáo tại Bagan không chỉ là những công trình kiến trúc đẹp mắt mà còn là biểu tượng cho lòng tin sâu sắc vào Phật giáo của người dân thời kỳ này. Những ngôi đền và chùa đã trở thành điểm đến hành hương quan trọng cho phật tử từ khắp nơi trên thế giới. Thành phố cổ Pagan với khoảng hơn 3.500 di tích được tìm thấy đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào tháng 7 năm 2019.
Phần IV. Thời kỳ tiếp nối và duy trì Phật giáo Myanmar
1. Vương quốc Sagaing – Pinya
Sau khi vương quốc Pagan (Bagan) sụp đổ vào khoảng thế kỷ 13 bởi sự khủng hoảng xã hội, khủng hoảng vương triều, và đặc biệt là do sự xâm lược của người Mông Cổ. Sau sự sụp đổ của đế chế Pagan, Myanmar trải qua giai đoạn phân mảnh quyền lực, và xung đột nội bộ quyền lực chính trị. Vương quốc kế thừa di sản của Pagan là Pinya và Sagaing. Vương quốc Sagaing và Pinya lần lượt được thành lập vào khoảng năm 1297, 1312. Vương quốc Sagaing nằm ở phía Tây của sông Irrawaddy, nằm về phía Nam so với Pinya. Vương quốc Pinya nằm khoảng 40 km về phía Bắc của Mandalay, gần thành phố Pyinya.
Vương quốc Sagaing được cho là có 15 năm hưng thịnnh, và suy yếu dần. Vương quốc Pinya thành lập trong giai đoạn Sagaing bắt đầu suy tàn. Hai triều đại này được cho là có sự chuyển giao, tiếp quản về quyền lực, lãnh thổ.
Thời kỳ này được xem là kém nổi bật nhất về văn hoá và tôn giáo khi đem lên bàn cân so sánh với 2 thời đại trước, đó là thời Pyu và Pagan. Thời kỳ Pyu được xem như là bước ngoặt tôn giáo và để lại gốc rễ, thời kỳ Pagan là sự đỉnh cao tinh hoa của phát triển Phật giáo, thì cho tới Sagaing – Pinya, chỉ được xem như là sự kế thừa và bảo tồn di sản.
Một số di tích nổi bật nhất từ thời kỳ Sagaing – Pinya
Chùa Sagaing
Được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 hoặc đầu thế kỷ 14, chùa Sagaing là một trong những trung tâm tôn giáo quan trọng của vương quốc Sagaing. Ngôi chùa này nằm gần thành phố Sagaing hiện đại và tiếp tục là một địa điểm quan trọng cho các hoạt động tôn giáo và học thuật.
Chùa U Min Thonze
Xây dựng vào thế kỷ 14, chùa U Min Thonze nổi bật với các bức tượng Phật nằm trong một hang động hình bán nguyệt. Đây là một trong những di tích nổi bật còn lại từ thời kỳ Sagaing và là điểm đến quan trọng cho các tín đồ Phật giáo.
Chùa Yaza Mani Sanda
Đây là một ngôi chùa nổi tiếng ở Pinya, được xây dựng vào thế kỷ 14. Chùa này nổi bật với kiến trúc truyền thống và các tác phẩm điêu khắc.
Chùa Htukkanthein
Một trong những di tích quan trọng ở Pinya, chùa Htukkanthein có kiến trúc độc đáo với thiết kế của các bức tranh tường Phật giáo và các bức phù điêu.
Chùa Myazedi
Một ngôi chùa nhỏ nhưng quan trọng vì chữ khắc trên bia đá của chùa được coi là cung cấp thông tin quý giá về thời kỳ Pinya.
2. Triều đại Ava (Inwa)
Triều đại Ava (Inwa) (1364-1555) là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử Myanmar và cũng là thời kỳ Phật giáo tiếp tục phát triển.
Dưới triều đại Ava, Phật giáo Nam Tông (Theravada) tiếp tục được ủng hộ và phát triển. Các vua Ava duy trì truyền thống Phật giáo và bảo trợ cho các hoạt động tôn giáo. Điều này bao gồm việc xây dựng chùa chiền, tu viện, và hỗ trợ cho các học viện Phật giáo.
Triều đại Ava đã chứng kiến sự xây dựng nhiều chùa và tu viện. Các công trình này không chỉ là nơi thờ cúng mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và văn hóa của người dân. Ví dụ nổi bật là chùa Maha Aung Mye Bon Zan và chùa Bagaya.
Các vua nổi bật như vua Thado Minbya, vua Kyawswa I, và vua Mingyinyo đã đóng góp vào việc bảo trợ Phật giáo, xây dựng các công trình tôn giáo, và ủng hộ các học viện Phật giáo. Họ thường mời các nhà sư từ các quốc gia láng giềng như Tích Lan (Sri Lanka) và Thái Lan đến để giảng dạy và duy trì các nghi lễ tôn giáo.
Các học viện Phật giáo dưới triều đại Ava tiếp tục phát triển, với các nhà sư và học giả đóng góp vào việc bảo tồn và truyền bá giáo lý Phật giáo. Văn hóa và nghệ thuật Phật giáo cũng tiếp tục phát triển trong thời kỳ này.
Trong thời kỳ Ava, Phật giáo vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và chính trị, mặc dù triều đại này cũng trải qua nhiều cuộc xung đột, biến động. Sự ảnh hưởng của Phật giáo vẫn được duy trì, thể hiện qua các công trình tôn giáo và các hoạt động tôn thờ.
Một số di sản Phật giáo thời kỳ này
Tu viện Maha Aung Mye Bon Zan
Còn được gọi là Maha Aungmye Bonzan, chùa này là một trong những công trình nổi bật từ thời kỳ Ava, được xây dựng vào thế kỷ 19. Chùa có kiến trúc độc đáo và mang đậm phong cách của triều đại Ava.
Tháp Nanmyin
Còn được gọi là tháp Nanmyint, đây là tháp nổi tiếng với kiến trúc đặc trưng và các bức tranh tường mô tả các câu chuyện Phật giáo. Tháp Nanmyin nằm gần thành phố Ava và có giá trị lịch sử cao.
Ngôi danh lam cổ tự Kyauk – taw – gyi
Kyauk – taw – gyi được xây dựng vào thế kỷ 15 dưới triều đại Ava. Nổi tiếng với bức tượng Phật lớn và là một trong những địa điểm hành hương quan trọng của thời kỳ.
Chùa Thadominlo
Chùa Thadominlo là một công trình quan trọng khác từ thời kỳ Ava, nối bật với kiến trúc và trang trí phong phú, phản ánh sự phát triển của nghệ thuật Phật giáo thời kỳ này.
3. Triều đại Taungoo
Sau thời kỳ triều đại Ava (Inwa), Myanmar bước vào một giai đoạn lịch sử quan trọng với sự nổi lên của triều đại Taungoo (1531-1752). Triều đại Taungoo được thành lập vào năm 1531 bởi vua Minkhaung I. Nó đánh dấu sự kết thúc của triểu đại Ava và là thời kỳ đầu của sự thống nhất Myanmar dưới quyền của Taungoo.
Dưới sự trị vì của các vua nối bật như Bayinnaung và Nanda Bayin, triều đại Taungoo mở rộng lãnh thổ, thống nhất các vùng đất đã bị chia cắt, bao gồm các khu vực đã nằm dưới quyền kiểm soát của các vương quốc nhỏ hơn và các nhóm dân tộc khác.
Tại thời đại này, Phật giáo vẫn là tôn giáo chính thống được bảo trợ, phát triển, và đặc biệt được tu sửa chùa chiền, xây thêm nhiều tu viện để phục vụ chấn hưng Phật giáo.
Một số di sản triều đại Taungoo để lại
Chùa Kyaikhto (Golden Rock)
Mặc dù ngôi chùa này có nguồn gốc từ trước đó, triều đại Taungoo đã thực hiện công việc bảo trì và mở rộng, làm cho đây trở thành một địa điểm hành hương quan trọng trong thời kỳ này.
Chùa Mahamuni
Được xây dựng vào thời kỳ Konbaung, nhưng triều đại Taungoo đã có ảnh hưởng trong việc bảo trì và phát triển các công trình Phật giáo tại đây. Chùa nổi tiếng với bức tượng Phật lớn.
Chùa Mingun
Mặc dù phần lớn các công trình tại Mingun được xây dựng vào thế kỷ 19, triều đại Taungoo đã có ảnh hưởng đến việc phát triển và duy trì các công trình Phật giáo trong khu vực này.
4. Phật giáo trong triều đại Konbaung và sự áp đặt đô hộ của thực dân Anh lên đất Myanmar
Sau triều đại Taungoo, Myanmar bước vào sự lên ngôi thống trị của triều đại Konbaung. Triều đại Konbaung (1752 – 1885), được sáng lập bởi vua Alaungpaya, kéo dài cho tới khi bị thực dân Anh chinh phục vào cuối thế kỷ 19. Trong thời đại này, Myanmar trải qua xung đột xã hội, biến động chính trị được nói là cực kỳ lớn.
Phật giáo tại thời kỳ này tiếp tục được bảo hộ, duy trì, gìn giữ và tu sửa những di sản được để lại. Tuy nhiên, do những biến động xã hội, cũng như việc vương triều tập trung nhiều hơn cho đô thị hoá và xây dựng quân đội; cho nên Phật giáo thời Konbaung không khởi sắc hay có những bước đột phá so với các thời kỳ khác.
Phật giáo thời kỳ thuộc địa và độc lập
Sau thời kỳ triều đại Konbaung, Myanmar bước vào một giai đoạn mới trong lịch sử với sự xâm lược của thực dân Anh và trở thành thuộc địa của Anh. Đây là một giai đoạn đầy biến động, đánh dấu sự kết thúc của quyền lực truyền thống của các triều đại Myanmar và bắt đầu thời kỳ thuộc địa.
Thế kỷ 19, thực dân Anh xâm lược Myanmar. Tuy thực dân Anh áp đặt thống trị lên Myanmar nhưng đối với tôn giáo thì thực dân Anh thực hiện chính sách khoan dung, tôn trọng. Phật giáo được cho phép tiếp tục duy trì, tồn tại và lưu truyền trong người dân. Thực dân Anh cũng không can thiệp vào các hoạt động Phật giáo như phổ độ giáo lý, thực hành giáo lý, … tại Myanmar.
Các bằng chứng cho thấy thực dân Anh không có động thái cụ thể liên quan tới mục đích nhắm tới phá hoại những di tích Phật giáo. Chính quyền Anh chủ yếu tập trung vào việc quản lý và khai thác tài nguyên của Myanmar, tuy nhiên sự ảnh hưởng, hư hại các di tích vẫn có do tác động của những lần xảy ra xung đột vũ trang.
Myanmar giành độc lập từ Anh vào năm 1948, từ đó cho tới nay, tuy Myanmar trải qua nhiều biến động chính trị, xã hội, nhưng Phật giáo vẫn là vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần và con người Myanmar. Cho dù ở giai đoạn nào, Phật giáo nói chung, đặc biệt là hệ Nguyên thuỷ Theravada nói riêng, vẫn luôn được bảo trợ, duy trì, trùng tu các chùa chiền, tu viện.
Phần V. Lời kết
Một số nghi lễ và lễ hội địa phương ở Myanmar ngày nay, nơi có sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa
1). Lễ hội Thadingyut (Festival of Lights)
Lễ hội này diễn ra vào tháng 10 và được tổ chức để kỷ niệm sự trở về của Phật từ cõi trời sau ba tháng trì trú ở đó. Trong lễ hội, người dân thắp sáng đèn lồng, trang trí nhà cửa bằng ánh sáng.
Đây là một phần của truyền thống Phật giáo tại Myanmar, cùng với đó, người dân kết hợp cả việc mời gọi các tinh linh và thần linh địa phương để tham gia cho mục đích ban phước.
2). Lễ hội Thingyan (Tết nước)
Đây là lễ hội Tết cổ truyền Myanmar, diễn ra vào tháng 4, cũng như là lễ hội năm mới theo lịch Myanmar. Trong lễ hội này, người dân tổ chức các trận chiến nước, vui chơi và cúng dường.
Lễ hội Thingyan có sự hòa quyện giữa các nghi lễ Phật giáo như cúng dường, cùng với các nghi lễ truyền thống như thờ cúng thần linh bản địa, cầu nguyện an lành.
3). Lễ hội Phaung Daw Oo
Lễ hội này tổ chức tại đền Phaung Daw Oo vào khoảng tháng cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 dương lịch. Đây là một trong những lễ hội quan trọng, tiêu biểu nhất của bang Shan nói riêng và Myanmar nói chung, kéo dài 18 ngày với mục đích biểu lộ lòng tôn kính với chư Phật.
Trong lễ hội, có sự kết hợp giữa các nghi lễ Phật giáo với các truyền thống, tín ngưỡng địa phương, bao gồm các nghi lễ dân gian, trình diễn múa và nhạc truyền thống.
4). Lễ hội chùa Ananda
Lễ hội này diễn ra khoảng 15 ngày, từ ngày trăng tròn đến cuối tháng Pyatho (khoảng tháng 1 dương lịch). Đây được xem như lễ hội chùa nổi tiếng bậc nhất Myanmar. Tại lễ hội này, người dân vừa được tôn vinh Phật giáo, vừa kết hợp văn nghệ múa hát truyền thống tạo thành lễ hội đặc sắc.
Sự bền bỉ và sức sống của Phật giáo trong suốt các thời kỳ khác nhau tại Myanmar chứng minh rằng Phật giáo không thể thiếu trong tinh thần con người Myanmar. Có thể nói rằng một phần lý do nằm ở việc Phật giáo được truyền vào Myanmar từ khi đất nước này vẫn còn sơ khai về mặt tôn giáo. Người dân Myanmar cổ không có hệ thống tôn giáo lớn mạnh trước khi Phật giáo tới. Bên cạnh đó, giáo lý thâm sâu, tinh thần giáo dục đạo đức mà Phật giáo đem lại có tác động là quá lớn, giúp cho sự lưu truyền được bền bỉ và không thoái trào tại mảnh đất này.
Cư sĩ Phúc Quang tổng hợp
***
TÀI LIỆU NGUỒN
2. The ancient Pyu of Burma, Janice Stargardt, NXB Đại học Cambridge, 1990.
3. Pagan: The origins of modern Burma, Michael Aung-Thwin, NXB Đại học Hawaii, 1985.
4. History of Buddism in Burma A. D. 1.000 – 1.300, Dr Than Tun, 1959.
5. Buddhism in Myanmar: A Short History, Roger Bischoff, 1995