Tây Yên Tử, một vùng huyền thoại

Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc nước ta, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh. Sườn phía Tây của dãy núi Yên Tử trải dài qua địa phận các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, nơi lưu giữ xá lị của Ngài, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của Ngài. Vậy nên, nơi đây xuất hiện hàng loạt công trình di tích lịch sử liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như: Chùa Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Hồ Bấc, Bình Long v.v.

Theo truyền thuyết, sau khi đắc đạo, Phật hoàng tiếp tục phổ độ chúng sinh bằng hai con đường: giáo dục, đào tạo tăng tài để tạo nguồn nhân lực phát triển Phật giáo ở Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh) và hành đạo tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang) – nơi được coi là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm lúc bấy giờ.

Sau khi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, các Tổ Đệ nhị, Đệ tam cũng đi theo con đường này để tiếp nối sứ mệnh của Phật hoàng. Các ngài đã cho xây dựng nhiều ngôi chùa lớn nhỏ nằm rải rác ở vùng núi cao Tây Yên Tử. Đó chính là lý do cho tới ngày nay, nhiều dấu tích văn hóa đồ sộ thời Trần, chứng minh quy mô, sự hưng thịnh của Phật giáo thế kỷ XI đến XIV vẫn được tìm thấy ở khu vực Tây Yên Tử.

Qua khảo sát bước đầu, tỉnh Bắc Giang đã thống kê trên 130 di tích lớn nhỏ nằm trong khu vực Tây Yên Tử, đã lập hồ sơ đề nghị và 26 điểm di tích được công nhận cấp tỉnh và cấp quốc gia. Với hệ thống các chùa tháp, di tích lịch sử – văn hóa và sự kỳ vĩ của núi rừng trùng điệp, thảm thực vật và nhiều loài động vật phong phú đã tạo nên một Yên Tử đầy huyền thoại, giàu tiềm năng phát triển du lịch. Cùng với Đông Yên Tử thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Tây Yên Tử sẽ phối hợp, kết nối thành quần thể danh thắng Yên Tử thống nhất, tạo điều kiện để phát triển du lịch, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa từ ngàn đời.

Ảnh: Hồ Cấm Sơn, Khu du lịch sinh thái Tây Yên Tử

 Đông Yên Tử (vẫn được biết đến với tên gọi Yên Tử) thuộc tỉnh Quảng Ninh, đã được Phật tử và du khách xa gần biết tới từ nhiều năm nay, thì Tây Yên Tử vẫn là cái tên khá xa lạ do những hạn chế về giao thông, cơ sở hạ tầng. Nhằm từng bước khôi phục, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh khu vực Tây Yên Tử, tháng 3/2014, UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt dự án khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử. Dự án tập trung vào các điểm chùa khu vực Đồng Thông xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động với diện tích 13,8 ha, gồm chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang), chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy). Các điểm chùa có cao độ từ 145m đến điểm cao nhất gần 1000m.

Bên cạnh việc xây mới, dự án cũng sẽ phục dựng các di tích, công trình tín ngưỡng, góp phần xây dựng một quần thể hoàn chỉnh, thống nhất, là tổng hòa của thiên nhiên – lịch sử – tâm linh, làm sống lại không gian văn hóa, hệ thống đền chùa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tạo thành một hệ thống liên hoàn nhằm giới thiệu vùng đất Bắc Giang văn hiến với nhân dân cả nước một cách trọn vẹn. Dự kiến, khi dự án hoàn thành sẽ nối liền Tây Yên Tử với Đông Yên Tử, tạo thành một vùng cảnh quan du lịch hài hòa, gắn kết các di tích, danh thắng của hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.

Sau bốn năm triển khai, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục của giai đoạn 1, với Chùa Hạ được khánh thành vào tháng 2/2018 nhân dịp Lễ hội Khai xuân Tây Yên Tử.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử có tổng diện tích 25ha, là nơi chứa đựng tiềm năng, đa dạng sinh học cao, có nhiều nguồn gen động, thực vật hiếm, đặc trưng cho vùng Đông Bắc (Việt Nam) mà nhiều khu bảo tồn thiên nhiên khác không có.

Đến với Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử, du khách có thể đi xe ô tô liên tục hơn một giờ đồng hồ, bắt đầu từ cầu vượt đường Hùng Vương – thành phố Bắc Giang, theo đường tỉnh lộ 293 là đến Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử và Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử.

Khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử được tổ chức thành 3 khu vực: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Khu vực xung quanh chùa Hạ là trung tâm của khu du lịch vói địa hình bằng phẳng, nằm ở vị trí thuận lợi, phía trước có núi, là trung tâm – nơi thường diễn ra các hoạt động du lịch và là nơi để các du khách chuẩn bị cho  hành trình leo núi cùng với các hoạt động tôn giáo. Khu vực chùa Hạ bao gồm nhiều hạng mục như: công viên sinh thái, khu tái hiện Hoàng thành Thăng Long, các nhà hàng, trung tâm hội nghị, trung tâm du khách, bảo tàng, làng tâm linh, quảng trượng sự kiện, khách sạn, ga cáp treo, khu nghỉ dưỡng bên suối và khu đi bộ cho du khách…

Khu vực chùa Trung nằm giữa núi Yên Tử, chủ yếu là các đài vọng cảnh, đường đi bộ lên chùa Thượng, đường cáp treo, khu vực hiên Yên Tử – điểm tốt nhất để dừng chân nghỉ ngơi, khu nghỉ dưỡng trong rừng, khu dịch vụ du lịch, ga cáp treo…

Cuối cùng là khu chùa Thượng. Đây được coi là đích đến của hành trình leo núi và thực hành Thiền.

Đến với Tây Yên Tử, du khách sẽ được tìm hiểu về di tích Chùa Am Vãi, thuộc làng Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn. Đây là một trong những di tích trọng yếu của quần thể di tích và danh thắng nơi đây. Chùa Am Vãi được dựng ở gần đỉnh phía Bắc của núi Am Vãi, có độ cao hơn 700m so với mực nước biển, nằm trong hệ thống chùa tháp thời Lý – Trần thế kỷ XVII-XVIII. Xưa kia, nơi đây có công chúa nhà Trần đến tu hành nên được gọi là chùa Am Vãi hay còn gọi là Am Ni tự. Giữa núi rừng trùng điệp chùa vẫn còn in lại nhiều dấu xưa như: hang Tiền, hang Gạo, giếng cổ, bàn cờ tiên, dấu chân Phật…

Ngày 09/11/2007, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định số 20/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Lịch sử – Văn hóa và danh thắng chùa Am Vãi, huyện Lục Ngạn với tổng diện tích khoảng 1065ha. Nếu lấy điểm xuất phát là di tích Lịch sử địa điểm  chiến thắng Xương Giang, du khách theo đường tâm linh Tây Yên Tử có thể thỏa sức khám phá những vẻ đẹp hoang sơ của thắng cảnh Suối Mỡ, Khuôn Thần, Am Vãi, Đồng Cao, Khe Rỗ… rồi vòng lại với chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng… sẽ là một hành trình hứa hẹn đầy thú vị,  và có biết bao điều ẩn chứa trong hành trình khám phá vẻ đẹp của vùng đất Bắc Giang – miền đất thiêng Tây Yên Tử đang gọi mời bước chân du khách tìm về.

Có thể nói, khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử là một điểm nhấn du lịch của tỉnh Bắc Giang, góp phần tạo nên một hành trình du lịch khám phá mới hấp dẫn và nhiều trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước.

MINH THANH (TH)

Bình luận
Tin cùng chuyên mục