Tóm luận về “Duy Thức học” (P.3)- Lý luận của Duy Thức

Trong Duy Thức học, đặc biệt rất nổi tiếng với câu nói: “Tất cả các pháp không thật có, chỉ do thức biến hiện”. Câu này tóm gọn toàn bộ mục đích của tông phái Duy Thức, đó là sự phân tích, giảng giải chỉ về “thức”. Tuy nhiên, câu này tuy ngắn mà sự giảng giải rất công phu và tốn thời gian chiêm nghiệm, mục đích cũng chỉ để phá chấp cho chúng sinh khỏi những vọng tưởng, mê lầm của đời, giúp chúng sinh thoát khỏi tội lỗi vì chấp mà có, gây ra tham luyến.

Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang

Dẫn nhập:

Trong Duy Thức học, đặc biệt rất nổi tiếng với câu nói: “Tất cả các pháp không thật có, chỉ do thức biến hiện”. Câu này tóm gọn toàn bộ mục đích của tông phái Duy Thức, đó là sự phân tích, giảng giải chỉ về “thức”. Tuy nhiên, câu này tuy ngắn mà sự giảng giải rất công phu và tốn thời gian chiêm nghiệm, mục đích cũng chỉ để phá chấp cho chúng sinh khỏi những vọng tưởng, mê lầm của đời, giúp chúng sinh thoát khỏi tội lỗi vì chấp mà có, gây ra tham luyến.

Đối với những người chấp nặng vào từ ngữ sẽ trở thành một tai hoạ rất lớn, khi không suy xét, trực nhận mà lại chấp vào đoạn diệt, hiểu nhầm ý vạn vật không thật có cho nên quả lành, quả ác cũng chẳng có.

Phần I. Thành lập “Bát thức”

Tại phần 1, tôi đã chia sẻ về cách thức thành lập “Tiền ngũ thức” bao gồm: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức. Ngoài ra, khi tiếp cận tới Duy Thức, chúng ta có thể gặp gỡ cụm từ 12 xứ, 18 giới, ở đây, tôi xin giải thích ngắn gọn như sau:

  • Khái niệm “12 xứ”:

Xứ dịch tạm là chỗ, nói về “địa điểm”; khi chúng ta bắt gặp tới cụm từ này, ý đang diễn tả tới cơ sở giao tiếp của chúng sinh gồm có 2 phần:

(1) 6 nội xứ (6 cơ sở thuộc thân): Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (2) 6 ngoại xứ (6 cơ sở bên ngoài): Cảnh, âm thanh, hương, vị, xúc chạm

  • Khái niệm “18 giới”:

Giới, theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm dịch tạm thì do 18 thứ này riêng biệt, nên gọi là “giới”. 18 giới được thành lập dựa vào 12 xứ sinh khởi thêm 6 thức thành 18

(1) 6 nội xứ (hay 6 căn) (2) 6 ngoại xứ (6 trần) (3) 6 nội xứ xúc chạm 6 ngoại xứ, sinh khởi 6 thức (chính là bao gồm tiền ngũ thức và thêm ý thức)

Tại bài viết này, tôi sẽ chú trọng làm sáng tỏ về lập luận của các nhà Duy Thức học đặt vấn đề về sự thành lập của “Mạt-na thức” và “A-lại-da thức”.

1. Ý thức (Thức thứ 6) và Mạt – na thức (Thức thứ 7)

Khi tiền ngũ thức được thành lập, một trong năm thức đó chỉ có phạm vi hiểu biết nhỏ, trong phạm vi của nó chứ không thể can thiệp sang phạm vi khác. Cụ thể, ví như mắt thấy sắc thì khởi ra nhãn thức, chứ tai thì không thể thấy sắc, và từ tai thì chỉ khởi ra nhĩ thức, chứ chẳng thể kết duyên để sinh ra tỷ thức.

Nhưng chính nhờ Ý thức nương vào tiền ngũ thức, để khởi sinh ra cái biết rõ ràng hơn, có sự phân biệt, có sự so sánh, có sự phân tích,…

Đặt vấn đề: Tại sao biết sau “Ý thức” còn có thêm 1 thức khác?

Con người khi sử dụng từ “tâm”, “tâm của tôi”, “tu tâm”, thông thường hay nhận nhầm rằng dòng chảy suy nghĩ của mình là tâm, dòng chảy suy nghĩ đó chính là thức thứ 6.

Đối với Duy Thức học, Ý thức (thức thứ 6) không phải là “tâm”, và nó đi kèm 2 đặc tính sau:

  • Đặc tính 1: Ý thức là ý thức sinh diệt, có sinh, có diệt, có gián đoạn
  • Đặc tính 2: Ý thức sinh ra cùng thân xác, và cũng mất đi cùng thân xác

Đặc tính 1: Ý thức là ý thức sinh diệt, có sinh, có diệt, có gián đoạn

Góc độ này, chúng ta cực kì dễ nhận biết. Chúng ta có thể nhận thấy các dòng chảy suy nghĩ luôn thay thế nhau, khi 1 dòng suy nghĩ về vấn đề nào đó hiện khởi, dòng suy nghĩ đó sẽ không hề tồn tại mãi, thậm chí, có những lúc dòng suy nghĩ nào đó chỉ tồn tại thoáng qua rất ngắn ngủi. Có nghĩa, dòng suy nghĩ sinh, thì sẽ đi tới diệt.

Khi dòng suy nghĩ về vấn đề này diệt, thì dòng suy nghĩ khác sẽ hiện khởi. Tuy nhiên, cũng có đôi lúc, chúng ta cảm nhận được rằng đầu óc mình rỗng không. Hoặc, những người rất mệt mỏi, có một giấc ngủ rất sâu, không mơ. Hoặc người bất tỉnh, chết lâm sàng,…

Như vậy, những lúc rỗng không, ngủ sâu, bất tỉnh đó,… Ý thức không hề hiện khởi, có nghĩa là gián đoạn.

Đặc tính 2: Ý thức sinh ra cùng thân xác, và cũng mất đi cùng thân xác

Giải thích theo đặc tính này, chúng ta hãy hình dung như sau:

Ở khía cạnh bao quát hơn, thì con người cùng hệ ý thức của con người, con nhím cùng hệ ý thức của con nhím, loài nào theo thân xác nào thì có hệ ý thức của loài đó, cùng đồng loại sinh tồn chung một hệ sinh thái với nhau.

Ví như con người có ý thức biết mình có thân nhiệt ổn định là 37 độ C, còn con nhím có ý thức biết rằng nếu gặp nguy hiểm thì mình xù lông gai. Đó là nhờ ý thức theo loài quyết định. Ở khía cạnh chi tiết hơn, ví như cùng là loài người, nhưng có người châu Á, có người châu Âu, có người châu Phi,… có người thích đồ ngọt, có người thích đồ mặn,…

Khi thân xác tứ đại này tan rã, tái sinh vào loài nào, thân nào, thì mang hệ ý thức của loài đó, thân đó, cho nên ý thức cũng sinh diệt theo thân, mất đi theo thân. Kinh MILINDA PANHA viết rằng: “Chúng sinh chết thì ngũ uẩn diệt và thức cũng diệt theo”. Cái thức này chính là Ý thức.

Từ 2 đặc tính này, các nhà nghiên cứu Duy Thức học tin rằng, hiển nhiên phải có 1 thức khác đằng sau Ý thức. Vì “thức” không phải là một bộ phận trên cơ thể, không như các sắc tướng có thể thấy được, chính vì thế, các nhà Duy Thức học chứng minh thức thứ 7 thông qua sự nghiên cứu hành tướng tâm lý, thông qua sự tu tập để lập luận.

Các vị theo Duy Thức tông cho rằng, nếu chỉ có Ý thức thì khi Ý thức gián đoạn, ví như đi ngủ, hoặc bất tỉnh, thì sau đó sẽ chẳng nhớ mình là ai, hoặc lúc Ý thức gián đoạn thì cũng là lúc chết. Như vậy, sau thức thứ 6, sẽ còn thêm thức nữa, gọi là thức thứ 7 (tên là: Mạt – na thức).

Mục đích chính là để duy trì cái ngã “Ta”, là 1 thức mà ở đó không hề gián đoạn, chấp ngã vi tế không mất, để luôn như một sự nhắc cho Ý thức về “ta”, những thứ “của ta”, và rộng hơn là sự thúc đẩy vô hình để luân hồi diễn ra, chết lại sinh.

Các nhà nghiên cứu Duy Thức đặt vấn đề rằng, mọi cái biết không thể tự dưng mà có, cái biết không nằm ngoài phạm trù của lý duyên khởi, có nghĩa cũng cần chủ thể và đối tượng nương nhau mà hiện hữu. Ví như tiền ngũ thức nương nơi ngũ căn, gặp đối tượng của chúng mà phát sinh hiện hữu. Từ tiền ngũ thức này sẽ là đối tượng, vậy cái gì làm “căn” để duyên sinh ra Ý thức (Thức thứ 6), theo các vị Duy Thức tông thì chính là Mạt – na thức (Thức thứ 7).

Vì thế, để tránh nhầm lẫn với “Ý thức” (Thức thứ 6), các sách Trung Hoa khi dịch thức thứ 7 chỉ gọi là “Ý”, hoặc “Ý căn”, hoặc thông dụng nhất, chính là “Mạt – na thức”.

2. Thành lập A – lại – da thức (Thức thứ 8)

Sự suy luận về thức thứ 8 cũng tương đồng như cách thức thứ 7 được thành lập. Các vị Duy Thức tông dựa vào nguyên lý chủ thể và đối tượng, tức đã có chủ thể thì buộc phải có đối tượng, chứ không thể có thức nào tự có và tự tồn tại độc lập.

Nếu thức thứ 7 được thành lập dựa vào yếu tố chấp ngã vi tế về cái “ta”, thì hiển nhiên phải có thức bị chấp, tức là đối tượng bị thức thứ 7 “chấp vào”. Chúng ta gọi chủ thể chấp ngã là “chấp” (năng chấp) và đối tượng là “bị chấp” (sở chấp).Ví dụ cho luận cứ này, đó là “cầm bút”. Để “cầm bút” hiển nhiên phải tồn tại song song 2 thứ, một là có tay để cầm (chủ thể cầm), và hai là bút để tay cầm (vật bị cầm). Không thể thành lập được trạng thái “cầm bút” nếu thiếu 1 trong 2.

Đặt vấn đề: Tại sao thức bị chấp lại là Thức thứ 8, mà không phải các thức trước?

Chủ thể chấp là Mạt – na thức là thức không gián đoạn, mà các thức trước đều có sự gián đoạn, lúc có, lúc không, lúc sinh, lúc diệt. Vậy Mạt – na thức nếu lấy các thức trước làm đối tượng bị chấp thì không thể được, vì như vậy khi các thức trước gián đoạn, không có thì Mạt – na không có đối tượng.

Vì lẽ đó, hiển nhiên tồn tại thêm một thức thứ 8 đằng sau thức thứ 7, gọi là A-lại-da thức. Thức thứ 7 là chủ thể chấp (năng chấp), thì thức thứ 8 là đối tượng bị chấp (sở chấp), cả 2 thức này bất luận chỗ nào, lúc nào cũng đều có, không gián đoạn.

Các bản dịch Trung Hoa, sử dụng cái là “Tàng thức” cho thức thứ 8, “tàng” có nghĩa là cái kho chứa. Vì thức này chứa toàn bộ các chủng tử, hạt giống, nhân duyên của 7 thức trước, của vạn vật. Theo Duy Thức tông, nếu không nhờ Thức thứ 8 này, thì 7 thức trước không được lập thành, vì lẽ đó mà các vị Duy Thức gọi đây là căn bản thức.

Phần II. Đi sâu vào lý “Duy Thức”

1. Hai loại “Ý thức” (thức thứ 6) và sự chấp ngã của thức thứ 7

Ý thức gồm có 2 loại, tuy nhiên, chúng ta cần làm rõ, 2 loại này được thành lập dựa vào tính chất, hình thái xuất hiện, còn về công năng của ý thức như sự phân tích, so sánh, phân biệt,… thì không khác.

  • Loại 1: Độc đầu ý thức.

Độc là độc lập, một mình. Hình thức này được thành lập dựa vào việc Ý thức được sinh khởi mà không liên hệ tới tiền ngũ thức.

Cụ thể là ví dụ như khi mắt không thấy bố mẹ mình, nhưng vẫn khởi lên suy nghĩ, hình ảnh về bố mẹ. Đó là do sự hoạt động độc lập của Ý thức khởi lên các vọng tưởng dù cho hiện tại hiện hữu này không có điều đó. Độc đầu ý thức hoạt động qua 5 trạng thái:

  • Loại 2: Ngũ câu ý thức.

Chính là sự hoạt động của Ý thức cùng với Tiền ngũ thức. Ngũ câu ý thức còn được gọi với cái tên là “Minh liễu ý thức” có nghĩa là cái biết phân biệt rõ ràng. Ngũ câu ý thức hoạt động qua 5 trạng thái:

Đối với ngũ câu ý thức, các nhà Duy Thức lập luận rằng Tiền ngũ thức chỉ có phạm vi cái biết ở tự tánh đối tượng của chúng:

Ví như nhãn thức biết hình sắc, chứ chẳng thể nhận định cái hình sắc đó là gì, đẹp hay xấu, thích hay không,… Ý thức tham gia cùng chung khởi thì dẫn tới nhận định, phân biệt các giả tướng. Ví như tai nghe âm thanh, thì biết là có tiếng ồn, có tiếng ù ù, nhưng Ý thức tham gia cùng chung khởi thì dẫn tới sự nhận đích âm thanh đó là gì, là của ai, hay của cái gì tạo ra, âm độ, tiết tấu nếu có thì ra sao, có hay hay không,…

Theo các nhà Duy Thức, chúng sinh gọi cái “Ta”, còn thánh nhân nói tới “Phật tính” đều đang nói về thức thứ 8 này, sự khác nhau nằm ở một bên còn bám chấp, một bên thì đã giác ngộ nên tạo ra hai công năng khác nhau của một thức. Ví dụ như cùng một câu chuyện bị trêu đùa, một người cho qua vì biết là đùa, còn một người nổi cơn sân vì chấp câu chuyện đùa là thật vậy.

Với thức thứ 8 này, theo các nhà Duy Thức thì nó vốn thuần khiết thanh tịnh, thức thứ 7 không chấp ngã thì thức thứ 8 được gọi là “Phật tính”, “Như Lai tính”. Khi thức thứ 7 bám chấp không buông xả thì thức thứ 8 bị tạp nhiễm gọi là A-lại-da thức. Trong Duy Thức nói về phá chấp thực chất là ý nói tới sự phá chấp của thức thứ 7 đối với thức thứ 8.

2. Do Duy Thức biến hiện, vọng chấp mới thấy có cảnh vật

Điểm cốt lõi ở đây của Duy Thức chính là sự khẳng định vạn pháp đều không thật, chỉ do Thức mà biến hiện, bao gồm cả sông, nước, núi, non,…Thức là chủ thể phân biệt, và cảnh vật là đối tượng bị phân biệt. Chỉ cần thiếu 1 trong 2, tức không có chủ thể, hoặc không có đối tượng thì chẳng thể có sự nhận biết phân biệt.

Vấn đề 1: Thế giới nếu thật không, tại sao chúng sinh tồn tại trong đó, và thấy thật có ?

Điều đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ sự khác nhau giữa “không có” và “không thật sự có”. Duy Thức giải đáp vấn đề này thông qua ví dụ như sau, một người nhìn vào hư không, vốn dĩ hư không chẳng có gì, nhưng nếu mắt bị mỏi thì sinh ra thấy các vệt loá sáng, chấm đen.

Hư không là đối tượng bị nhận biết, mắt là chủ thể nhận biết, 2 bên đối nhau mà sinh ra loá sáng, chấm đen. Vốn dĩ, con người đều biết loá sáng, chấm đen đó là hư ảo, không thật. Nếu nói loá sáng, chấm đen do mắt mỏi nhìn vào hư không sinh ra là không có là sai, vì rõ là nó đang có hiện hữu; mà phải nói rằng loá sáng, chấm đen đó là không thật sự có, chỉ là sự đối đãi mà sinh.

Ví dụ này là sự cơ bản nhất mà các nhà Duy Thức đưa ra để tượng trưng con mắt chính là Thức nhận biết, hư không là đối tượng bị nhận biết như sông, núi, nước, cảnh vật, vật chất,… Sự đối đáp này tạo ra vọng chấp mọi thứ là thật, và tạo tác bất thiện vì sự hư vọng đó.

Vấn đề 2: Tại sao Thức tạo được cả ra sông, núi, cảnh vật,…?

Đây có thể coi như một sự khúc mắc lớn nhất của nhiều học giả đặt cho Duy Thức học. Tất cả những sự giải thích của Duy Thức cho vấn đề này sẽ chỉ ở mức đặt ra ví dụ tương đối. Các vấn đề đặt ra với Duy Thức đều lấy những việc hiện tiền ở thế gian để làm tượng trưng.

Ví như cùng là cá, nhưng có loài sống nước mặn, có loài sống nước ngọt. Hai loài này nếu đổi môi trường sống sẽ chết, mặc dù đều là cá, và loài cá môi trường mặn chẳng thể giải thích được cuộc sống của nó cho loài sống môi trường ngọt hiểu được.

Vạn vật được biến hiện nhờ Thức, và sự vật được rõ ràng, thành hình bởi sự biến hiện nhờ vô số Thức trong vô số chúng sinh, vô số chủng loại khác nhau trong thời gian sâu dày từ rất lâu, vô thuỷ không thể tính được thời điểm bắt đầu. Khi Thức biến hiện vạn pháp, thức thứ 7 bám chấp mạnh mẽ, bám chấp từ thô sơ tới vi tế, khiến cho thức nương nhờ các xác thân tứ đại phù hợp để hiện hữu.

Vấn đề 3: Vạn vật, chúng sinh khởi sinh từ bao giờ, nếu Thức khởi sinh vạn vật, sao không diệt vạn vật ?

Vòng luân hồi là không thể tìm ra được điểm bắt đầu và kết thúc, được gọi là “vô thủy, vô chung”. Theo Kinh MILINDA PANHA, đại đức Na – tiên đã ví dụ về vấn đề này bằng cách vẽ một hình tròn trên cát và yêu cầu nhà vua tìm điểm bắt đầu của vòng tròn đó. Vòng tròn một khi đã vẽ xong, không thể tìm được điểm bắt đầu, chúng sinh cũng vậy.

Vậy tại sao, Thức không diệt vạn vật ?

Vấn đề này được giải đáp là có, chứ không phải là không. Tuy nhiên, chúng sinh phàm phu luôn bị cuốn theo vòng xoáy phiền não, chỉ có các vị chứng ngộ mới có thể thực hiện điều đó. Và sự diệt ở đây, không phải là sự diệt vạn vật, mà phải hiểu đúng là sự diệt tất cả vọng tưởng, vọng chấp, để thoát khỏi vòng tròn bánh xe luân hồi.

3. Chân như và vô minh

Vấn đề 1: Chân như, vô minh cái nào có trước ?

Có người cho rằng: Chân như có trước, vô minh có sau (Chân như do không bảo hộ được nên sinh tà niệm, tạo ra vô minh) – Duy Thức học giải đáp: Nếu như vậy, các vị Phật đã chứng nhập Chân như, đều có thể thoạt sinh lại tà niệm và trở về chúng sinh, nếu thế thì chẳng phải là Phật, nên giả thuyết này không được công nhận. Có người cho rằng: Vô minh có trước, chân như có sau (Vô minh nhờ có tu tập mà thành Chân như) – Nói như vậy, tức đồng nghĩa bản thể thế gian, bản thế vạn vật vốn là uế nhiễm. Ví như nói cái bàn gỗ nhờ cưa, cắt mà thành cái cây vậy. Vì vậy giả thuyết này cũng không được công nhận.

Đối với nhà Duy Thức, chân như và vô mình đồng thời sẵn có những chủng tử từ vô thỉ. Nhờ nhân duyên hợp thời mà thành. Ví dụ như hơi nước có sẵn trong không khí. Nước và không khí đều có mặt sẵn những chủng tử, không thể nói từ không khi lại sinh ra mưa được, mà do khi các chủng tử duyên lại với nhau, hợp thời thì sinh ra mưa.

4. Tâm và Thức không hai

Xét tại bản thể của thức thì chỉ đơn thuần là thức mà thôi, không có thức 1, thức 2 hay thức 3 cho tới 8 gì hết. Chẳng qua chúng ta xét tới công dụng riêng biệt mà phân chia thành có 8 thức. Từ 8 thức này chia ra theo nhóm phân loại của đặc điểm tương đồng thì có 3: Là tâm, ý và thức.

“Thức” là tác dụng của “Tâm”, là một thể, nhưng tác dụng chức năng có sự sai biệt nên phia chia ra các thành phần khác, rồi có tục tướng của mắt, mũi, tai, lưỡi, thân. Duy Thức học phân biệt ra các tên gọi để dễ cho luận về phân tích hành tướng, thực chất Duy Thức học quy mọi nghĩa lý trở về với Chân tâm vô phân biệt.

5. “Kiến phần”, “Tướng phần”, “Tự chứng phần”, “Chứng tự chứng phần”

(1) Kiến phần: Là phần thấy. Đây là công năng của ngũ quan: nhìn, nghe, ngửi, nếm, chạm. (2) Tướng phần: Là cái tướng bị làm đối tượng. Đây là đối tượng của ngũ quan: cảnh, âm thanh, mùi, vị, vật.

Thức chỉ có thể khởi lên khi đồng thời có sự đối đãi giữa 2 bên, chủ thể và đối tượng. Tự một phía tồn tại không thể khởi lên Thức. Ví như chúng ta nhìn lên trời ban ngày, Thức nhận định chói mắt, nhưng nếu chúng ta không nhìn lên để mắt tiếp xúc đối tượng thì Thức chẳng thể nào sinh ra nhận biết sự chói mắt. Phần (1), (2) được gọi là hiện tướng bên ngoài. Hai phần dưới đây được gọi là thể bên trong

(3) Tự chứng phần: Công năng của phần này là sự khảo sát bởi ý thức về ý thức nhận định trước (4) Chứng tự chứng phần: Công năng là sự phản biện qua lại cùng với phần tự chứng

Lý do được thành lập ra bốn phần bởi nguyên lý đối đãi đã chia sẻ từ trước. Một thức được thành lập luôn cần đảm bảo 2 bên, 1 bên chủ thể (năng duyên), 1 bên đối tượng (sở duyên). Như kiến phần muốn có thì phải có đối tượng là cái tướng bị thấy (tướng phần).

Các nhà Duy Thức lập luận vì rằng kiến phần là phần thấy từ ngoài, nên chẳng thể duyên với phần tự chứng, vì vậy quyết định phải có phần thứ (4), đó là “Chứng tự chứng phần” để duyên với phần tự chứng. Đối với thể bên trong, là thức của nhận biết, phản biện và suy tư, cho nên phần tự chứng và chứng tự chứng duyên qua lại với nhau mà không cần lập thêm phần thứ 5.

Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Duy Thức học, dịch giả: HT. Thích Thiện Hoa, Nxb Tôn Giáo, 2020
  2. https://thuvienhoasen.org/a7317/duy-thuc-hoc
  3. https://thuvienphatviet.com/ht-thich-tue-sy-dan-vao-duy-thuc-hoc/
  4. Kinh MILINDA PANHA (Milinda vấn đạo), NXB Tôn Giáo, 2015
Bình luận
Tin cùng chuyên mục