Ths.Thích Nữ Hạnh Hiển
Uỷ viên Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Ths.Trần Thị Thanh Nga
Thành viên Ban Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Minh Trần

Tóm tắt: Sau khi lên nắm quyền trị vì đất nước, nhằm ổn định lòng dân, củng cố vương triều còn non trẻ, nhà Trần vạch ra nhiều kế hoạch cố kết lòng dân trong công cuộc xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước. Trong bối cảnh đất nước hoàn toàn tự chủ, nhà Trần ước mơ một nền Phật giáo thống nhất mang màu sắc dân tộc của riêng người Việt. Thiền phái Trúc Lâm nhất tông ra đời bởi Sơ tổ Trần Nhân Tông kế thừa tinh hoa kết hợp các dòng thiền trước đó là Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và thiền phái Thảo Đường hình thành thiền phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông trở thành Sơ tổ. Tông chỉ của thiền phái là kiến tánh thành Phật, xuất phát từ nhận thức Phật tại tâm, kết hợp với tín ngưỡng văn hóa dân gian, dung hòa Nho, Lão, một nền Phật giáo mang đậm đà bản sắc dân tộc góp phần làm cho nước nhà hưng thịnh. Do đó bài học cố kết lòng dân của nhà Trần thông qua tư tưởng các vị tổ Trúc Lâm đáng được nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn hiện nay.

Từ khoá: Phật giáo, Trúc Lâm, Tư tưởng Phật học, Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Xây dựng bảo vệ tổ quốc

1. Dẫn nhập

Vào khoảng thế kỷ thứ 2, thứ 3 trước Công nguyên, Phật giáo được du nhập vào nước ta, những thế kỷ đầu Công nguyên, Trung tâm Phật giáo Dâu đã khá phát triển, đến thế kỷ thứ III tổ sư Tăng Hội, ngài được xem là sáng tổ của thiền học Việt Nam. Thông qua tác phẩm Lục độ tập kinh, An ban thủ ý… do ngài Khương Tăng Hội phiên dịch biên soạn. Đây được xem là những tác phẩm dạy về phương pháp thiền đầu tiên ở nước ta, tuy nhiên đây chưa phải là một thiền phái chính thức, mãi đến những thế kỷ sau mới xuất hiện một số dòng thiền có đường hướng, có tư tưởng thiền chính thức và có sự truyền thừa rõ ràng.  Khoảng năm 580 cuối thời kỳ hậu Lý Nam Đế, có nhà sư người Ấn Độ tên Tỳ Ni Đa Lưu Chi đến Trung Quốc theo học đạo với tổ Tăng Xán, sau đó ngài đến Giao Châu ở lại chùa Pháp Vân truyền đạo, tại đây hình thành thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Chủ trương thiền bất lập văn tự, nhưng vẫn nghiên cứu kinh sách, thiên về mật tông, phong thủy sấm vĩ, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ.

Tổ sư Vô Ngôn Thông người Quảng Châu Trung Quốc, vốn là đệ tử của ngài Bách Trượng thuộc thế hệ thứ ba của Lục tổ Huệ Năng. Năm 820 Thiền sư Vô Ngôn Thông đến Việt Nam ở tại chùa Kiến Sơ (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), hình thành Thiền phái Vô Ngôn Thông truyền được 16 đời. Thiền phái này chịu nhiều ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc, chủ trương đốn ngộ, sử dụng thoại đầu cùng nhiều kinh điển khác.

Vị vua – Phật tử Lý Thánh Tông trong một lần chinh phạt Chiêm Thành năm 1069 thấy Thiền sư Thảo Đường trong số tù binh bắt được, tình cờ thiền sư Thảo Đường được chia cho một vị tăng quản việc tăng sự. Thời gian sau, vua biết được thiền sư là một nhân tài có đạo đức, có học vấn uyên bác, thông đạt lý thiền liền phong cho ngài chức quốc sư. Từ đó vua Lý Thánh Tông cùng với Thiền sư Thảo Đường thành lập ra một thiền phái mang tên Thảo Đường. Thiền phái Thảo Đường chú trọng về tri thức yêu văn chương nên rất phù hợp với tầng lớp cao trong xã hội mà ít có ảnh hưởng phổ rộng đến quần chúng nhân dân.

Thế kỷ thứ XIII dưới thời nhà Trần nhu cầu đoàn kết thống nhất để xây dựng và bảo vệ đất nước được đề cao, vua Trần Thái Tông người chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện cho vua Trần Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Trần người sát nhập các dòng thiền Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, hợp lại thành một dòng thiền còn gọi là Phật giáo nhất tông Trúc Lâm, một dòng thiền duy nhất dưới thời Trần. Thiền phái Trúc Lâm ra đời chủ trương thiền nhập thế tích cực, các thiền sư, thiền gia bằng những hành động đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước cho nhân dân, với những cống hiến của mình thiền phái đã có sức ảnh hưởng sâu rộng trong tâm thức của nhân dân Đại Việt.

2. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Nhà Lý chấm dứt vai trò lãnh đạo đất nước ta khi nữ vương cuối cùng của nhà Lý nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Nhà Trần tiếp quản sự nghiệp nhà Lý trong cục diện rối ren của đất nước, kinh tế xa sút đời sống nhân dân cơ cực, loạn lạc nổi dậy khắp nơi. Nhằm ổn định lòng dân, củng cố vương triều còn non trẻ, nhà Trần vạch ra nhiều kế hoạch cố kết lòng dân trong công cuộc xây dựng bảo vệ và phát triển đất nước. Trong bối cảnh đất nước hoàn toàn tự chủ, họ Trần ước mơ khao khát có một Phật giáo mang màu sắt dân tộc hoàn toàn của riêng người Việt. Để thiền phái Trúc Lâm được ra đời bởi vua Trần Nhân Tông thì trước đó là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài của chư vị tổ sư. Bắt đầu từ “Thiền sư Hiện Quang khai sơn núi Yên tử mở đầu cho Phật giáo Trúc Lâm”, kéo dài qua các đời tổ sư cho đến vua Trần Thái Tông khi nhận được yếu chỉ của Phù Vân quốc sư núi Yên tử, khuyên vua rằng trong núi không có Phật, Phật ở trong lòng, làm vua thì nên lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình. Vua Trần Thái Tông vừa trị nước vừa nghiên cứu kinh Phật, vua khuyến cáo mọi người, không kể tăng hay tục, xuất gia hay tại gia muốn tu hành trước hết phải biện tâm, “Nào biết bồ đề giác tính, ai nấy viên thành; hay đâu trí tuệ thiện căn, người người đều đủ. Chẳng cứ đại ẩn, tiểu ẩn; đâu nề xuất gia tại gia. Chẳng nề tăng tục, chỉ cốt tỏ lòng; chẳng kể gái trai, cớ sao nệ tướng… Nếu hay phản chiếu hồi quang, đều được rõ tính thành Phật”. Mục đích của người tu hành không phải hướng ngoại tìm cầu giải thoát mà chính là quay về thấu rõ được bản tâm của mình. Tư tưởng ấy được Tuệ Trung thượng sĩ tiếp nhận khi ngài khẳng định “Cái tâm muôn pháp là tâm Phật. Tâm Phật lại cùng tâm ta hợp. Lẽ ấy như nhiên suốt cổ kim” với quan điểm đó thượng sĩ đã truyền đến cho hàng triệu con dân Đại Việt một niềm tin mạnh mẽ vào chính bản thân mình. Niềm tin có Phật hiện diện trong lòng, Phật và chúng sinh không khác với quan điểm đó đến Sơ tổ Trần Nhân Tông trở thành chủ thuyết Cư trần lạc đạo.

Phật hoàng Trần Nhân Tông kế thừa tư tưởng thiền học của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và thầy mình là Tuệ Trung thượng sĩ, tiếp tục sự nghiệp thống nhất các dòng thiền đã có trên cơ sở sẵn có hình thành một dòng thiền mang màu sắc phong vị của dân tộc Đại Việt ta.

Sơ tổ Trần Nhân Tông kế thừa tinh hoa kết hợp các dòng thiền trước đó là Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông, và thiền phái Thảo Đường hình thành Thiền phái Trúc Lâm, Trần Nhân Tông trở thành Sơ tổ. Tông chỉ của thiền phái là kiến tính thành Phật, xuất phát từ nhận thức Phật tại tâm, kết hợp với tín ngưỡng văn hóa dân gian, dung hòa Nho, Lão, một nền Phật giáo mang đậm đà bản sắt dân tộc. Phật giáo thời kỳ này mang tính chất đại chúng không còn dành riêng cho một bộ phận nào của xã hội, mọi tầng lớp đều có thể tu học, đều có thể trở thành đệ tử của thiền phái.

Ảnh: St
Ảnh: St

Chủ thuyết Cư trần lạc đạo của Sơ tổ Trần Nhân Tông trở thành con đường sống đạo chi phối đến xã hội, con người thời kỳ này ai ai cũng có đủ bản lĩnh, sự tự tin, tin vào bản thân mình, tin vào dân tộc mình. Chính nhờ sức mạnh nội tại ấy đã sản sinh ra lớp người ưu tú cho đất nước, họ vừa làm vua, vừa làm Phật, vừa là thiền sư cũng có thể là một nghệ sĩ, nhà quân sự, nhà ngoại giao tài ba lỗi lạc, và mặc dù ở vị trí nào, vai trò nào cũng đều thành công rực rỡ.

Sau đệ nhất tổ Điều ngự Trần Nhân Tông, người nối pháp là Nhị tổ Pháp Loa (1284 -1330), “nếu Sơ tổ Trần Nhân Tông người đã thắp sáng ngọn đuốc Phật giáo Trúc Lâm, thì Pháp Loa là người làm lan tỏa rực rỡ huy hoàng ngọn đuốc đó”. Cuộc đời của Nhị tổ Pháp Loa được xem như một tấm gương lớn về sự dấn thân nhập thế tích cực, vừa phục vụ nhân sinh, vừa xiển dương đạo pháp. Bên cạnh đó, cùng với sự hỗ trợ phò tá của Tam tổ Huyền Quang hai vị tổ đã có nhiều đóng góp to lớn cho thiền phái, từ khâu tổ chức, quản lý giáo hội, thuyết pháp giảng kinh, độ chúng xuất gia, xây chùa đúc tượng, mở mang tòng lâm, in ấn đại tạng kinh…Có thể thấy cuộc đời sự nghiệp của ba vị tổ đã đi vào lịch sử thiền phái Trúc Lâm như một huyền thoại hào hùng của Phật giáo Việt Nam.

3. Tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông với việc xây dựng bảo vệ tổ quốc

Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), vua thứ ba của nhà Trần, đệ nhất tổ khai sáng thiền phái Trúc Lâm. Ngài là một nhà lãnh đạo tài ba, một thiên tài quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất, và là vị thiền sư uyên thâm Phật pháp, cũng là Phật hoàng duy nhất của Phật giáo Việt Nam.

Ảnh: St
Ảnh: St

Tư tưởng thiền trong tác phẩm Cư trần lạc đạo của đức Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông từ lâu đã trở thành một triết lý sống động kết hợp đạo với đời. Triết lý sống đời vui đạo còn là biểu tượng trí tuệ tâm linh của thiền phái Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Tác phẩm Cư trần lạc đạo phú được sáng tác năm nào thì chưa rõ lắm, nhưng dựa vào hội đầu tiên, bắt đầu câu “Mình ngồi thành thị nết dụng sơn lâm. Muôn nghiệp lặn an nhàn thể tính, nửa ngày rồi tự tại thân tâm”. Nếu căn cứ vào đây, thì tác phẩm Cư trần lạc đạo phú, có thể được sáng tác vào khoảng những năm sau đại thắng Nguyên – Mông lần thứ ba. Khi đất nước được hòa bình, vua quan nhà Trần cũng rảnh rang chiến sự, lúc này, có lẽ Điều ngự đã có nhiều thời gian hơn cho việc sáng tác văn học, Cư trần lạc đạo phú có thể cũng được chấp bút trong khoảng giai đoạn này. Tuy nhiên, cũng trong bài phú nhưng ở hội thứ 5 có đoạn, “Thiền ngỏ năm câu, nằm nhãng cong quê Hà Hữu, kinh xem ba bận, ngồi ngơi mái quốc Tân La. Lánh thị phi ghê danh sắc, ngại chơi bời dặm liễu đường hoa, áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, cơm cùng cháo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu tha”. Và ở hội thứ 10 cũng có câu “Núi hoang rừng quạnh, ấy là nơi dật sĩ tiêu dao; chiền vắng am thanh, chỉn thực cảnh đạo nhân du hý”. Như vậy, theo lời Điều ngự đây không còn là cảnh xa hoa vương giả chốn cung đình nữa, mà là một cuộc sống nơi núi rừng yên tĩnh. Tới đây, có thể Điều ngự đã xuất gia và cư trú ở núi Vân Yên, vậy thì bài phú Cư trần lạc đạo hẳn phải mất một thời gian khá dài để hoàn thành.

Tác phẩm Cư trần lạc đạo gồm 10 hội bằng chữ Nôm và một bài kệ bằng chữ Hán. Điều ngự sử dụng thể loại phú có lẽ vì chức năng của phú thường dùng để diễn tả cái đẹp, lấy sự vật hiện hữu mà nói lên tâm trạng và cảm xúc con người. Xét về hình thức, “lời văn của phú cốt ở tỉ mỉ đầy đủ. Xét về trình bày, cốt ở sự dồi dào, thiên về kỹ xảo”. Điểm thú vị, thể phú từ xưa thường được viết bằng chữ Hán, nhưng trong Cư trần lạc đạo được Điều Ngự kết hợp với chữ Nôm tạo thành thể phú Nôm. Dưới thời Trần, văn học chữ Nôm xuất hiện như một bước phát triển lớn trên con đường tiến lên của lịch sử, là điều đáng tự hào về sức sống mạnh mẽ của dân tộc. Phú Nôm xuất hiện dưới thời Trần càng làm đẹp cho nền văn hóa, góp phần phát triển ngôn ngữ tiếng nói của dân tộc thời kỳ độc lập tự chủ.

Trên cương vị là vua của một nước, vừa là người khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm, Điều ngự đã dùng ngôn ngữ Việt để sáng tác thơ văn, nhằm truyền tải giáo lý đến gần với quần chúng nhân dân, qua đó giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về tư tưởng thiền, và đường lối tu tập của thiền phái.

Theo các tác giả “Thiền học Việt Nam”, cho rằng tư tưởng Cư trần lạc đạo đã manh nha từ thời Lý, “tiếp thu nhận thức “tùy tục” của Thiền sư Trường Nguyên, thế hệ thứ mười phái Kiến Sơ, cùng những bổ sung của Thiền sư Thường Chiếu, thế hệ thứ mười hai phái Kiến Sơ”. Kế thừa tư tưởng thiền học thời Lý, dưới thời Trần, vua Trần Thái Tông người được xem là nhà tiên phong, có công đầu trong việc đặt nền móng cho sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm. Bên cạnh đó cũng dựa vào các yếu tố thiền Nguyên thủy, cùng với các bản kinh điển Đại thừa vua Trần Thái Tông chú giải rồi lấy đó làm cơ sở “biện tâm”. Với chủ trương Phật tại tâm, Phật giáo thời Trần không chỉ dừng lại ở giới tu sĩ mới là người có tâm Phật, mà mọi tầng lớp trong xã hội, ngay cả cành cây ngọn cỏ cũng đều có Phật tính. Vua Trần Thái Tông trong quá trình nghiên tầm giáo lý đã ngộ ngay câu ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, vì không có chỗ trụ nên mới trụ được trên ý muốn và tấm lòng của thiên hạ. Không còn cái ngã riêng tư của mình, vua mới có thể xem ước muốn tâm tư tình cảm của nhân dân, như chính ước muốn của mình. Với chủ trương Phật tại tâm thiền phái Trúc Lâm đã tạo ra lớp người ưu tú, siêu việt, vừa là vua, vừa là thiền sư, thiền gia, ngộ đạo, họ đã hết lòng cống hiến tài năng cho đất nước. Bởi vì, con người dù làm bất cứ việc gì, ở địa vị nào trong xã hội thì tính Phật luôn bình đẳng hằng hữu trước mỗi cá thể con người. Phật giáo Đại thừa ra đời, trong kinh Pháp Hoa quan điểm ấy lại rõ ràng hơn với câu tuyên ngôn “Nhất thiết chúng sinh, giai hữu Phật tính”. Tất cả chúng sinh đều có tính Phật, chỉ vì phiền não tham ái che lấp nên không thấy được thể tính thanh tịnh của chính mình. Người thì có phân biệt cao thấp, tốt xấu, giàu nghèo, Nam, Bắc nhưng tính Phật vốn không có Bắc, Nam. Trần Thái Tông trong Niệm Phật luận đã nói “thân ta tức là thân Phật”, Tuệ Trung Thượng sĩ trong Thượng sĩ ngữ lục thì cho rằng “Phật và chúng sinh không khác nhau”. Sơ tổ Trần Nhân Tông tiếp nhận yếu chỉ Phật tại tâm của những bậc tiền bối đi trước, trong tác phẩm Cư trần lạc đạo phú, Phật ở trong lòng càng được rõ nét hơn:

“Bụt ở trong nhà chẳng phải tìm xa,
Nhân khuấy bổn nên ta tìm bụt,
Đến mới hay chính Bụt là ta”.

Phật ở ngay trong tâm của mỗi con người chúng ta, vậy mà từ lâu ta luôn hướng ra ngoài tìm kiếm, bởi vọng tâm xao động không thể thấy Phật được, nay giác ngộ rồi thấy Phật ở ngay trong chúng ta. “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương, Di Đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm về cực lạc”. Tuy nói thiền phái Trúc Lâm chịu sự ảnh hưởng từ Phật giáo Đại thừa, thế nhưng xét về phương pháp thực hành thì vẫn không xa rời thiền Tứ niệm xứ của Phật giáo Nguyên thủy. Trong lòng không còn chứa đựng những tạp niệm xấu ác, tham ái đều dừng, thay vào đó những ý niệm tốt đẹp, để tâm được trong sáng thanh tịnh, thì đây chính là niệm tâm trong Tứ niệm xứ. Chính niệm hay còn gọi là trạng thái nhất tâm trong Phật giáo Nguyên thủy, giữ được chính niệm trong tất cả mọi sát na, trong mọi hoàn cảnh việc ấy giúp dưỡng tâm, rèn luyện sự kiên định.

Với một quan điểm như thế, hình ảnh của đức Phật bỗng trở nên bình dị gần gũi hơn với con người. Phật ở trong nhà như một người thân thích, lúc nào cũng ở cạnh chúng ta nên chẳng phải nhọc lòng chạy khắp Đông Tây tìm kiếm. Niềm tự tin có Phật trong tâm của vua Trần Nhân Tông và các phật tử thời Trần được đẩy lên cao đến mức tất cả mọi người đều nhận thấy bản thân mình chính là Phật, mỗi người là một vị Phật thì đất nước Đại Việt hóa thành cõi Phật giữa nhân gian chứ không cần phải tìm kiếm đâu xa xôi. Bên cạnh đó, kết hợp với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc, nó như dòng máu nóng chảy trong tim mỗi người, tạo nên một sức mạnh đoàn kết mà không một thế lực nào có thể nào lay chuyển được.

Đức Phật dưới thời Trần không còn quá cao xa trên tòa sen uy nghiêm, hay những hình tượng trầm mặc lặng lẽ nhìn thế sự, cảnh giới của Phật cũng không còn là cõi huyền ảo mơ hồ xa xăm. Hình ảnh đức Phật bây giờ chính là con người thật, biết làm lợi ích cho đất nước, cho mọi người, biết hy sinh lợi ích cá nhân để chung sức vì lợi ích cộng đồng. Cõi Phật chính ngay đời sống hiện tại, trong tâm mỗi con người không phải tìm kiếm đâu xa xôi. Chính triết lý sống đơn giản không nặng tính giáo lý, điều đó đã hình thành nên lớp người phật tử khéo léo biết đem đạo ứng dụng vào đời. Hầu hết những gương mặt phật tử, thiền gia, thiền sư của giai đoạn này đều tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội mà không đòi hỏi lợi ích cá nhân. Họ có thể là thiền sư, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà giáo dục, thầy thuốc, cho đến thường dân, nam nữ lão ấu, tùy theo khả năng của mình mà có những đóng góp tích cực cho vận mệnh nước nhà. Thiền phái Trúc Lâm chủ trương người yêu mến đạo Phật không nhất thiết phải xuất gia, chỉ cần sống nhân nghĩa trung hiếu, sống có đạo đức biết cống hiến cho đạo cho đời thì ai cũng là Phật Thích Ca, Di Lặc.

“Tích nhân nghì, tu đạo đức, ai hay này chẳng Thích Ca,
Cầm giới hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc”

Sơ tổ Trần Nhân Tông cho rằng đạo phải trải nghiệm qua những hành động trong cuộc sống, gắn bó với những hoạt động của xã hội, bởi Phật giáo là cuộc sống, không thể tìm chân lý ngoài cuộc sống. Thân ở chốn thị thành làm muôn việc, nhưng vẫn không xa rời chính niệm, thì đây cũng chính là niệm thân trong Tứ niệm xứ của Phật giáo Nguyên thủy.

Trên tinh thần tùy duyên tùy tục, bản thân Sơ tổ vừa làm vua, vừa làm tổ thiền phái Trúc Lâm. Khi đứng trước hai cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Điều ngự đã vận dụng tinh thần tùy duyên để cứu nguy đất nước. Mặc dù, giới luật nhà Phật cấm sát sinh, thế nhưng trong hoàn cảnh nước mất thì nhà tan, nhân dân đồ thán, ở vị trí quân chủ không cho phép ngài nhân nhượng trước kẻ thù. Tùy duyên với đức Điều ngự Trần Nhân Tông không có gì cao xa khó nghĩ bàn mà đơn giản chỉ là, làm những việc cần làm, đúng lúc đúng thời, như đói thì ăn mệt thì ngủ liền. Trong kinh Trung Bộ 1, đức Phật dạy các tỳ kheo về pháp hành thiền: “Khi bước tới bước lui biết rõ việc mình đang làm, khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm, như vậy, vị ấy sống quán thân trên nội thân, hay sống quán thân trên ngoại thân, vị ấy sống không nương tựa chấp trước một vật gì trên đời, an trú chính niệm”. Với tư tưởng thiền mọi lúc mọi nơi của đức Phật, đến thời Trần trong bối cảnh xã hội Đại Việt, Trần Nhân Tông đã Việt hóa tư tưởng thiền của đức phật qua Cư trần lạc đạo phú.

“Ở đời vui đạo phải tùy duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Vô tâm đối cảnh chớ hỏi thiền”.

Ở Trần Nhân Tông thiền cũng đến từ những việc nhỏ hằng ngày như ăn uống, ngủ nghỉ, đi đứng và tất cả mọi hoạt động trong cuộc sống đều trong sự tỉnh giác chính niệm. Đối cảnh vui buồn thuận nghịch mà không sinh tâm phân biệt, không có đối đãi, không yêu ghét, giữ tâm thái trong sạch yên tĩnh thì đó là thiền chứ còn hỏi đâu xa. Như đức Phật đã dạy trong kinh Trung Bộ: “Pháp nào đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chính trí, chứng ngộ Niết bàn đó là Bốn niệm xứ”. Đức Phật dạy người có tỉnh giác thì không còn bị tham ái, sân hận xen vào chi phối, Điều ngự Trần Nhân Tông nói trong nhà có báu thôi tìm kiếm, “báu” ở đây chính là chân tâm Phật tính.

Trong bối cảnh đất nước hướng đến sự đoàn kết dân tộc, cùng nhau giữ vững biên cương lãnh thổ, phát triển kinh tế văn hóa giáo dục, thì sự đoàn kết hòa hợp giữa các tôn giáo là điều không thể thiếu được. Chính việc dung hòa tôn trọng các tôn giáo và tinh thần chung sống hòa hợp bình đẳng đã tạo nên sức mạnh phi thường của dân tộc trước kẻ thù. Nhà Trần thể hiện rõ tinh thần bình đẳng khi lấy Phật giáo làm chỗ dựa tinh thần, bên cạnh đó lại dùng Nho giáo trong việc tổ chức và quản lý xã hội. Qua tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Sơ tổ Trần Nhân Tông tinh thần dung hợp bình đẳng tam giáo Nho – Lão – Phật được thể hiện rõ nét nhất, mặc dù Điều ngự luôn đề cao con đường tu dưỡng giải thoát của Phật giáo, thế nhưng ở cương vị là vua của một nước, Sơ tổ cũng thường đề cập đến những tư tưởng  của Nho giáo như trung quân, ái quốc, kính thầy, thờ cha.

“Sạch giới lòng, chùi giới tướng, nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, thi đỗ mới trương phu trung hiếu
Tham thiền kén bạn, nát thân mình mới khá hồi âm
Học đạo thờ thầy, dọt xương óc chưa thông của báo”.

Tuy nói những việc làm trên là tư tưởng của Nho giáo nhưng nhìn sâu bên trong, ở đó tồn tại yếu tố tứ ân của Phật giáo mà một người con Phật cần phải thực hiện trong đời sống này để đền ơn quốc chủ, ơn thầy bạn, sư trưởng, cha mẹ, anh em và bạn bè. Qua đoạn phú trên ta thấy được ở đức Điều Ngự có sự dung hợp tư tưởng hòa đồng tam giáo, tuy Phật giáo vẫn ở vị trí chủ đạo nhưng Nho giáo cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đối với Điều ngự. Bên cạnh đó, với tư tưởng ẩn dật, tu tiên tìm đến những phép trường sinh bất tử của đạo Lão cũng được Sơ tổ nhắc đến ngay trong hội thứ nhất của Cư trần lạc đạo phú.

“Lo hoán cốt, ước phi thăng, đan thần mới phục
Nhắm trường sinh, về thượng giới, thuốc thỏ còn đam
Sách Dịch xem chơi, yêu tính sáng hơn yêu châu báu
Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàn kim” .

Đạo giáo chủ trương tu tiên về thượng giới để trường sinh bất tử, đây cũng có lẽ là niềm đam mê và khát vọng của con người thời phong kiến. Với tư tưởng trên Điều ngự cũng đồng tình chấp nhận thế nhưng, mục đích cuối cùng của ngài không phải để trường sinh bất tử mà ngài quý trọng ở tâm sáng, hay lòng trong sạch. Bởi vì, tâm sáng, lòng trong sạch, theo Điều ngự đó chính là chân tâm Phật tính. Tuy rằng, mục đích cuối cùng của Phật – Nho – Lão có sự khác nhau, “đạo sĩ muốn đạt được trường sinh bất tử, cư sĩ hướng tới giác ngộ, dật sĩ thì tích nhân nghĩa”. Thế nhưng cả ba tôn giáo đều có chung mục đích cùng hướng đến xã hội, mong muốn đem đến cho con người một đời sống tốt đẹp, một xã hội cường thịnh giàu mạnh.

Chính triết lý sống đơn giản không nặng tính giáo điều đã hình thành nên lớp lớp tăng, ni, phật tử khéo léo biết đem đạo ứng dụng vào đời, sống chan hoà, biết sẻ chia, hết lòng phụng sự đất nước, đạo pháp. Hầu hết những gương mặt phật tử, thiền gia, thiền sư của giai đoạn này đều tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội mà không đòi hỏi lợi ích cá nhân. Tùy duyên, tùy thời, tùy vào hoàn cảnh môi trường xã hội, văn hóa, khiến cho tư tưởng thiền của Điều ngự mang tính thế sự, qua những hành động thực tiễn trong cuộc sống nhưng xét về bản chất vẫn không xa rời bản hoài của đức Phật. Cùng với bối cảnh đất nước đang trong thời kỳ độc lập tự chủ, Cư trần lạc đạo, được Điều ngự Trần Nhân Tông áp dụng vào cuộc sống là đỉnh cao của nền Phật giáo thế sự có một không hai trong lịch sử nước nhà.

4. Tư tưởng thiền của tam tổ Huyền Quang với việc xây và bảo vệ tổ quốc

Tam tổ Huyền Quang tục danh là Lý Đạo Tái, (1254 – 1334) quê làng Vạn Tải, lộ Bắc Giang (đời Lê đổi lại là làng Vạn Tư, huyện Gia Định), thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Theo sách Tam tổ thực lục ghi chép tổ tiên chín đời của Huyền Quang tên Lý Ôn Hòa từng làm quan hành kiểm dưới triều vua Lý Thần Tông, ông nội là Chuyển vận xứ thời Trần, cha là Lý Tuệ Tổ có công chống giặc nên được bổ làm quan, nhưng ông từ chối không làm mà xin về với ruộng vườn quê nhà. Xuất thân từ một làng quê có nền văn hóa, lâu đời (Bắc Ninh) lại được sinh ra trong gia đình có truyền thống thi thư, nên từ nhỏ Tam tổ Huyền Quang đã có khiếu văn chương, lại là người thông minh ưu tú học đến đâu thông làu đến đó. Niên hiệu Bảo Phù thứ hai (1274), đời vua Trần Thánh Tông, lúc này tài thơ văn của Tam tổ Huyền Quang đã nổi danh khắp nơi, Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú hai nhà Nho nổi danh thời bây giờ cũng phải khâm phục tài thơ văn của Huyền Quang “ý tinh tế cao siêu, lời bay bướm phóng khoán”“năm 20 tuổi thi Hương, năm sau đậu luôn thủ khoa kỳ thi Hội”, sau kỳ thi hội ông tiếp tục đỗ Trạng nguyên, được bổ vào làm việc trong viện Hàn lâm. Trong thời gian làm quan ở viện Hàn Lâm, Tam tổ Huyền Quang đã từng được vua chỉ định trọng trách tiếp đón xứ thần phương Bắc, với học vấn uyên bác, lại có tài văn chương ăn nói lưu loát khiến xứ thần phương Bắc nể phục.

Ảnh: St
Ảnh: St

Sách Tam tổ thực lục của hòa thượng Phước Sơn dịch có ghi lại rằng: Huyền Quang từng tháp tùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm nghe Thiền Sư Pháp Loa giảng kinh, cảm mến Phật pháp đã lâu, nay như được khơi dậy ý chí xuất trần. Ông cảm thán mà thốt rằng: “Làm quan lên Bồng Đảo, đắt đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là tiên, cảnh giới Tây phương là Phật. Phú quý vinh hoa nào khác lá vàng màu thu, mây trắng mùa hạ, há nên lưu luyến mãi”. Nhân đó, tổ nhiều lần dâng biểu xin từ quan xuất gia tu đạo. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang cho rằng: vào năm (1305) lúc này Tam tổ đã 51 tuổi mới xuất gia và thờ thiền sư Bão Phác làm thầy. Trong một pháp hội, thiền sư Bão Phác khi đến tham dự có dẫn theo Huyền Quang, Điều ngự Trần Nhân Tông gặp lại Huyền Quang thì vô cùng vui mừng. Bởi vì, đức Điều ngự biết Huyền Quang trước khi đến với Phật pháp từng trải qua cửa Khổng sân Trình, là viên ngọc quý nổi tiếng trong giới văn nhân thời bây giờ. Điều ngự liền đề nghị thiền sư Bão Phác cho Huyền Quang theo hầu bên mình, với học vấn uyên bác tài văn chương xuất chúng Huyền Quang được Điều ngự tin tưởng giao cho nhiệm vụ biên soạn những sách thực dụng để lưu hành rộng rãi khắp nơi như “Chư Phẩm Kinh, Công Văn Tập, Thích Khoa Giáo” . Đức Sơ tổ Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã rất hài lòng với công việc sáng tác của Huyền Quang, “khi đọc xong bản thảo Thích Khoa Giáo, vua ngự vút phê như sau: Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa”, chỉ tiếc là những tác phẩm này theo dòng thời gian biến thiên của lịch sử đến nay không còn tồn tại nữa.

Niên hiệu Hưng Long thứ 17 (1309), đức Điều ngự giao phó núi Yên tử cho Huyền Quang lãnh đạo, “Sư vâng lệnh trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử. Do sư đa văn bác học, tinh thâm đạo lý, nên học đồ bốn phương nghe danh tụ hội về tham vấn thường xuyên không dưới ngàn người”. Cuối năm 1308 Điều ngự viên tịch, Huyền Quang tiếp tục phò tá Nhị tổ Pháp Loa đưa thiền phái Trúc Lâm ngày càng phát triển rộng ra khắp cả nước Đại Việt. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận nói rằng: “Năm 1330, Nhị tổ Pháp Loa viên tịch, thọ 47 tuổi”, Huyền Quang nối tiếp ngọn đèn làm đệ tam tổ, vị tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm ở tuổi 77.  Sau khi nhận trọng trách lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm, Tam tổ Huyền Quang không về ở chùa Quỳnh Lâm hay chùa Báo Ân, như các đời tổ sư trước đã từng cư trú. Tam tổ lúc này tuổi cao nên có lẽ ngài không thích sống những nơi đô thị huyên náo ồn ào, lựa chọn về với núi rừng tĩnh lặng, sống bình dị trong những năm tháng còn lại của mình, “Huyền Quang sau khi giao phận sự cho An Tâm đã về núi Thanh Mai ở sáu năm, rồi dời sang Côn Sơn ở chùa Tư Phúc, tháng riêng năm 1334 Tam tổ tịch tại đây”. Về sự nghiệp sáng tác văn chương ngài có hơn cả nghìn bài, nhưng theo sự biến thiên thăng trầm của lịch sử qua các thời kỳ, đến nay chỉ còn xót lại 25 bài, được Lê quý Đôn chép trong Toàn Việt thi lục, Bùi Huy Bích chép trong Hoàng Việt thi tuyển. Nổi bậc nhất là tác phẩm phú Nôm, (Vịnh vân yên tự phú), được xem là một kiệt tác nghệ thuật, lời phú bay bổng lãng mạn mà lại chứa đựng tư tưởng thiền sâu sắc. Cùng với bài Cư trần lạc đạo phú và bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đây là ba tác phẩm văn học thiền bằng chữ Nôm xưa nhất hiện còn lại trong văn học trung đại Việt Nam.

Tác phẩm Vịnh vân yên tự phú của Tam tổ Huyền Quang được sáng tác khi ngài đang cư trú tại chùa Vân Yên. Bài phú được mệnh danh là một trong những bài phú thiền thuộc vào loại đẹp nhất của văn chữ Nôm thời Trần. Nếu Cư trần lạc đạo phú chủ yếu giảng giải về con đường tu đạo, nó có sức ảnh hưởng rất lớn vì đã từng chi phối đến đời sống của hàng triệu triệu người Phật tử Đại Việt. Bên cạnh đó, Vịnh Vân Yên tự phú của Tam tổ Huyền Quang là một bài phú gián tiếp trình bày giáo lý thiền tông qua việc miêu tả, ca ngợi nét thanh tú diễm lệ của thiên nhiên, đất nước và con người tu hành.

Bài phú nổi bật lên hình ảnh thiền sư ẩn sĩ với tinh thần tự tại phóng khoáng, tiêu dao thoát tục, cảnh Phật, cảnh tiên, chất đạo chất đời hòa quyện vào nhau một cách rất chân thật và gần gũi. Tư tưởng thiền của Tam tổ Huyền Quang được biểu hiện qua hình ảnh thế giới thiên nhiên nơi núi rừng Vân Yên. Tại đây, ngài Phật hóa cõi thiên nhiên non nước hữu tình, Vân Yên dưới nhãn quan của Tam tổ trở thành cảnh giới thiền thiên vằng vặc trăng soi sáng. Bằng lời phú bay bổng chất thơ mượt mà, hình ảnh con người và thiên nhiên hòa quyện tạo thành một bức tranh thiền, vừa có động vừa có tĩnh, vừa hữu tình lại vờ như vô tình. Khác với tư tưởng thiền của đức Điều ngự, tư tưởng thiền của Tam tổ phảng phất trong bài phú vừa mang vẻ đẹp siêu thoát tự tại thanh cao, lại vừa hàm chứa sức sống yêu đời, phóng khoáng của kẻ sĩ nơi trần thế.

Trong ba vị tổ thiền phái Trúc Lâm thì Tam tổ là người có tư tưởng thiền đặc biệt nhất. Nếu như, Sơ tổ Trần Nhân Tông vừa là tổ Trúc Lâm, vừa là nhà cầm quyền đầy uy lực, người khởi xướng thiền phái Trúc Lâm, với đôi cánh đạo đời vẹn toàn. Nhị tổ Pháp Loa người có nhiều cống hiến to lớn trong việc hoằng dương Phật pháp mở rộng thiền tông trên khắp cả nước. Cả hai vị tổ đều chủ trương thiền nhập thế đi thẳng vào cuộc sống làm tất cả mọi việc phụng sự cho thiền phái, cho đất nước. Ngược lại Tam tổ Huyền Quang mang hình ảnh thuần túy của một nhà tu hành hướng nội, ngài thích ẩn cư trong chốn núi rừng tĩnh lặng, thích cảm giác tự do tự tại, bất kể giữa phồn hoa đô thị, hay núi rừng u tịch, đều trân trọng mỗi khoảnh khắt tươi đẹp quý giá của cuộc sống.

Có lẽ, bản thân là thiền sư nhưng tố chất bên trong con người Tam tổ Huyền Quang luôn ẩn chứa một tâm hồn khao khát cuộc sống tự tại, để có được sự tự do tiêu dao ấy ngài đã bắt đầu cho cuộc hành trình về Vân Yên của mình bằng cách buông. “Buông niềm trần tục, Náu tới Vân Yên, Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy, Gió tiên đưa đôi bước thần tiên”. Để bước chân về Vân Yên được nhẹ nhàng thanh thoát, Tam tổ Huyền Quang đã buông bỏ hết thảy mọi ràng buộc của thế gian, buông bỏ chín nghìn nhân duyên, buông bỏ danh vọng, khoa cử bảng vàng. Buông bỏ hết mọi phiền não kiếp nhân sinh, buông xuống gánh nặng cuộc đời, buông hết rồi nên con đường về Yên tử mới nhẹ nhàng vô ưu. Chân bước thỏng thả mang theo bầu nước đủng đỉnh tự do dạo chơi khắp núi sông, vừa đi vừa cất tiếng ca hát vang khắp cả đất trời, “Bầu đủng đỉnh giảng hòa thế giới, Hài thong thả dạo khắp sơn xuyên”.  Ở đó một tinh thần sống lạc quan vô biên vô tận, không còn bị chi phối bởi giáo lý kinh điển, không còn chấp vào cái có, cũng không vướng vào cái không. Tam tổ thật sự đạt đến trạng thái vô ngã, vô phân biệt, quên đời quên hết cuộc tang thương. Hơn nửa cuộc đời trải thân nơi cõi thế, ngần ấy thời gian đủ để ngài kinh qua mọi thăng trầm vinh nhục, rồi một sớm mai chợt bừng tỉnh giấc mộng nhân sinh, nhuốm phồn hoa đầu đà bạc tỷ. Nhìn thấu hồng trần như mộng như huyễn, nhân gian vốn chỉ là chốn dừng chân không phải nơi quay về, chỉ có Phật pháp mới có thể giúp ngài tìm lại cố hương. Từ đó, người thanh niên khoa bảng thuở nào buông bỏ hết bao nỗi niềm trần tục, tránh xa bệ rồng, mỹ nữ giai nhân thong thả mà dạo chơi khắp núi sông.

Con đường lên núi Vân Yên như đường vào cung điện, ở đó có hoa mai, có tùng bách đứng chầu hai bên như quan ngự sử đứng chầu vua. Hoa tử vi ví như chư vị công hầu khanh tướng, hoa phỉ thúy sắp thành hai hàng loan phượng, tới đây một khung trời thịnh thế chốn cung đình được Tam tổ đem về núi Yên Tử. Nhưng rồi từ cảnh sắc lộng lẫy vương giả kia người tu hành chuyển hóa nó thành cảnh Phật siêu thoát, “Lạ những ôi, Tây trúc dường nào, Nam châu có mấy, Non linh thứu ai đem về đây” . Phật pháp không tách biệt thế gian, dù trong hoàn cảnh nào thì mối quan hệ đạo đời vẫn luôn khăn khít hỗ tương nhau không thể tách rời. Qua tác phẩm Vịnh Vân Yên tự phú ta thấy Huyền Quang là Tam tổ của một Thiền phái, hành trạng, trước tác của ngài tuy thấm nhuần tinh thần phóng khoán tự do, phá chấp của Phật giáo Đại thừa, song vẫn bắt rễ sâu trong mạch nguồn tuệ giác của Phật giáo nguyên thủy.

5. Kết luận

Thiền phái Trúc Lâm nhất tông ra đời dựa trên nền tảng dung hợp hài hoà các hệ tư tưởng, thiền phái; kết hợp với tinh thần Phật giáo Đại thừa cùng tín ngưỡng dân gian bản địa, tạo ra một nét riêng biệt của Việt Nam góp phần không nhỏ trong sự nghiệp cố kết lòng dân, tập trung sức mạnh toàn dân tộc xậy dựng và bảo vệ đất nước Đại Việt thân yêu của chúng ta.

Dưới thời Trần, tư tưởng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói chung, tư tưởng sơ tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông và Tam tổ Huyền Quang nói riêng, có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến đời sống xã hội, là sợi dây kết nối nhân tâm khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn của người dân Đại Việt. Phật giáo thời kỳ này trở thành nhân tố uy lực dung hợp đoàn kết dệt nên ý thức tự cường tự chủ mang đậm tính dân tộc. Ngoài việc giải thoát cho tự thân thì mục đích tối hậu của các thiền sư, thiền gia không chỉ lo tu tập giải thoát cho tự thân, mà còn đem tinh thần ấy vào đời làm lợi ích cho nhân dân, cho quốc gia xã tắc. Trong bối cảnh đất nước đang không ngừng nỗ lực đấu tranh chống giặc ngoại xâm, Phật giáo chủ trương ở đời vui đạo, yêu đạo chính là yêu đời. Chính vì vậy, các thiền sư, phật tử không những tích cực nhập thế hộ quốc an dân, giúp đời cứu người mà thậm chí có nhiều nhà sư trực tiếp cầm quân đánh giặc, tham gia vào triều đình, để cùng với vua quan, nhân dân chung tay xây dựng bảo vệ đất nước. Bài học sâu sắc và thực tiễn về việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung sức mạnh toàn dân, kiến thiết bảo vệ, phát triển đất nước từ tư tưởng Phật học của Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông và Tam tổ Huyền Quang rất đáng để chúng ta suy nghĩ.

Ths.Thích Nữ Hạnh Hiển
Uỷ viên Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Ths.Trần Thị Thanh Nga
Thành viên Ban Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Minh Trần

Nguồn: tapchinghiencuuphathoc.vn

***

Tài liệu tham khảo
1. Thích Minh Châu dịch (2017), Trung Bộ 1, kinh Niệm xứ, Nxb. Tôn giáo.

2. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế (2022), Thiền học Việt Nam, Nxb. Phụ Nữ Việt Nam.

3. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích nữ Thanh Quế (2021), Đại cương tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội.

4. Thích Tâm Đức (2022), Đường đến thiền phái Trúc Lâm tại Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. Thích Mãn Giác (1974), Phật học thiền học thi ca, Nxb. Tu thư đại học Vạn Hạnh.

6. Nguyễn Công Lý (2002), Văn học Phật giáo thời Lý-Trần, Nxb. Văn hóa Thông tin Hà Nội.

7. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học Hà Nội.

8. Thích Thanh Quyết, Nguyễn Quốc Tuấn (2013), Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) con người và sự nghiệp, Nxb. Khoa học xã hội.

9. Thích Phước Sơn (1995), Tam tổ thực lục, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

10. Thích Thanh Từ (1996), Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục giảng giải, Nxb. Tp. HCM.

11. Thích Thanh Từ (1997), Tam tổ Trúc Lâm giảng giải, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

12. Thích Hạnh Tuệ (2012), Suy nghĩ về Tam tổ Huyền Quang với sự hưng suy của Phật giáo Trúc Lâm đời Trần, Tạp chí nghiên cứu Phật học, số 2, ra ngày 15/3/2012.

13. Viện Trần Nhân Tông (2021), Thiền sư Pháp Loa sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử, Nxb Tôn giáo.

14. Viện văn học (1989), Thơ văn Lý Trần, tập 2, quyển thượng, Nxb. Khoa học xã hội Hà Nội.

15. Nhiều tác giả (2019), Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội