Quan niệm giáo dục của Khổng Tử
Khổng Tử (551 – 479 TCN) là một vị hiền triết của Trung Quốc, tên là Khâu, tên chữ là Trọng Ni. Năm 30 tuổi, Khổng Tử đã bắt đầu quy tụ học đồ để giảng dạy đạo lý. Đời sau tôn xưng ông là “Tố vương, vạn thế sư biểu” – (Ông vua thanh bạch, là một bậc thầy của muôn đời). Xã hội phong kiến Phương Đông gần 2000 năm đã vận dụng học thuyết của ông để duy trì thể chế chính trị và coi là quốc đạo. Vì vậy chúng ta thử tìm hiểu sơ lược quan niệm về giáo dục của bậc thầy mô phạm này.
1.Gương giáo dục của Khổng Tử
Theo ông, con người ít có kẻ sinh ra tự biết. Ông cũng tự nhận mình là: “Học nhi tri chi” (Do học mà biết), do đó trong sách Luận ngữ ông nói: “Ta 15 tuổi chí thú ở việc học, 30 tuổi lập thân, 40 tuổi không sai…” Do đó lứa tuổi để học vấn là từ 30 trở xuống. Đây là thời điểm tích luỹ kiến thức, tích lũy kinh nghiệm sống để rồi cống hiến cho đời.
2.Phương pháp học của Khổng Tử
a.Nghe rồi nghĩ, nghĩ rồi làm
Đã coi trọng việc học như vậy nên người học phải biết phương pháp học. Theo Khổng Tử người học phải: Nghe – Nghĩ – Làm. Ông nói: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi” (Học mà không nghĩ thì vô ích, nghĩ mà không học thì nguy hiểm). Đã nghe, nghĩ việc đang học phải “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?” (Học mà thực hành theo điều mình học há chẳng vui sao?). Điều này rất phù hợp với tư tưởng phương pháp học của Phật giáo là phải: “Văn – Tư – Tu” (Nghe rồi suy nghĩ, nghĩ rồi thực hành).
b.Học không chán
Cách học của ông là: “Mặc nhi thức tri, học nhi bất yếm” (Lặng lẽ mà ghi nhớ lấy, học mà không chán). Người học phải tạo được hứng thú trong việc học thì sự học mới không chán. Khi học phải “mặc” – lặng lẽ, có lặng lẽ, khép mình, đào sâu suy nghĩ mới tiếp thu được kiến thức.
c.Học cũ biết mới
Người học phải: “Ôn cố nhi tân, khả vi sư hỹ” (Ôn cũ biết mới, đáng làm thầy vậy). Theo ông người học phải học nữa, học mãi, nhà bác học không ngừng học. Học điều xưa để áp dụng cho thời nay, đó là người khéo vận dụng tri thức. Đạo lý của việc học là: không phải chủ đọc sách chết mà phải chú trọng trong hiện thực xử thế con người.
d.Học cả người dưới mình
Đối với người học phải học tất cả các tầng lớp người trong xã hội, ai cũng có điều hay điều dở, vậy ta hãy học điều hay của họ, học để tránh điều dở của họ, thậm chí phải học kể cả kẻ dưới mình: “Học bất xỉ hạ vấn” (Không thẹn học ngược dưới).
3.Cách thức giáo dục
a.Nhận thức về giáo dục
Theo Khổng Tử, người lãnh đạo đất nước phải coi trọng 3 vấn đề: “Thứ – Phú – Giáo”. Nghĩa là phải làm cho dân đông lên. Dân đã đông phải làm cho giầu, khi đã giầu phải dạy cho có giáo dục. Điều này tương đồng với tinh thần Phật dạy trong kinh Dược Sư là: Khi người ta đói thì cho cơm ăn áo mặc. Đã no đủ mới cho giáo pháp.
b.Việc học không phân biệt đẳng cấp
Khổng Tử chủ trương: “Hữu giáo vô loại” (việc giáo dục không phân biệt đẳng cấp). Ông quan niệm, đã là con người phải có giáo dục, có giáo dục thì mới thành người có lễ độ, có nhân nghĩa. Ông còn chủ trương việc học còn phải đi xuống tư nhân (Học hạ tư nhân). Nghĩa là việc giáo dục phải từng bước, từ gia đình. Gia đình phải là mái trường đầu tiên của con người rồi mới phân ra các cấp học cơ sở. Điều này rất phù hợp với xã hội ngày nay.
c.Thầy – trò phối hợp đồng bộ – Việc học không chỉ là học cho trò mà còn là cơ hội để thầy cũng học nên ông đưa ra học thuyết: “Giáo học bán” (Việc dạy và việc học, mỗi người một nửa).
Sở dĩ có trường, có thầy là vì có học trò, bởi có trò nên mới có thầy. Do đó việc dạy và học là quan hệ 2 chiều, thiếu một không thể được.
– Người thầy đưa ra một vấn đề, học trò phải suy được 3 vấn đề nữa (Cử nhất phản tam)giống như thời nay nói: Học một biết mười. Học như vậy mới sâu sắc.
d.Dạy không mệt
Theo quan niệm của Khổng Tử, người dạy học phải thật tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nên mới: “Hối nhân bất quyện” (dạy người không chán).
Khổng Tử được tôn xưng là: “Vạn thế sư biểu” (Bậc thầy khuôn mẫu của muôn đời) nên những học thuyết về giáo dục, học vấn trên đây cho đến ngày nay vẫn còn có nhiều điều rất phù hợp để chúng ra áp dụng theo.
Thích Di Sơn (Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 2)