Đặc điểm, giá trị của mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu
NGUYỄN QUỲNH TRÂM*
Tín ngưỡng thờ Nữ thần đã có từ nguyên thủy của loài người và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Ở Việt Nam tín ngưỡng thờ Nữ thần được biểu hiện ở hình tượng gần gũi với cuộc sống đó là Mẫu- Mẹ. Bên cạnh đó, trong bức tranh tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam có sự hiện diện rất sớm của Phật giáo với hai dòng Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Cùng với tiến trình lịch sử, mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với Phật giáo đã mất đi ranh giới, và tiến đến sự hòa hợp, gắn kết với nhau. Và sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu đã tạo nên những đặc điểm riêng và đóng góp những giá trị nhất định trong xã hội Việt Nam.
- Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu trong lịch sử của Việt Nam
Lịch sử hình thành với tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam chưa có công bố chính xác là vào thời gian nào; các nhà nghiên cứu cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III hoặc thứ II trước công nguyên, và khởi phát ở Bắc bộ[1].
Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa, hình thành trên cái nền chung là tín ngưỡng thờ Nữ Thần, một đặc trưng cơ bản của tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Tín ngưỡng thờ Mẫu lấy tôn thờ Người mẹ (Mẫu) làm biểu tượng cho sức mạnh sáng tạo, bảo trợ, che chở với con người, mang lại cho con người sức khỏe, tài lộc và may mắn.
Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vùng đồng bằng Bắc bộ là một loại hình tín ngưỡng dân gian được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ – Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu – đấng sáng tạo, bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành của tự nhiên, xã hội và con người. Tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là sản phẩm văn hóa của người Việt trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội mà nền tảng là chế độ nông nghiệp lúa nước với gia đình tiểu nông phụ quyền làm trung tâm trong một môi trường làng xã khép kín[2].
Phật giáo là một tôn giáo ra đời sớm trên thế giới và cũng là tôn giáo du nhập sớm vào Việt Nam. Với bản chất của Phật giáo là hòa bình và mang tính thế tục, hòa hợp cùng dân tộc; ngay từ khi du nhập vào Việt Nam đã có sự tương đồng với tín ngưỡng truyền thống.Đặc biệt, khi Phật giáo tiếp xúc với tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam đã tìm được sự đồng điệu.
Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam có hai dòng là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông, có điều này là xuất phát từ lịch sử truyền giáo và đặc trưng vùng miền nơi Phật giáo du nhập vào. Với đặc trưng phía Bắc, đặc biệt là văn hóa sông Hồng lại chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc nên tín ngưỡng truyền thống vẫn ăn sâu vào tâm thức của người Việt nhất là hình ảnh của Mẫu.Chính vì vậy, Phật giáo Bắc tông đã có sự kết hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu mà đặc điểm này không có ở Phật giáo Nam tông của Việt Nam[3].
Tín ngưỡng thờ Mẫu được hòa nhập cùng với Phật ở trong chùa từ khoảng thế thế kỉ XVII[4]. Trong quá trình phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam, trên cơ sở tồn tại của tín ngưỡng thờ Mẫu, người Việt sau đó tiếp nhận sự du nhập của Phật giáo và sự giao lưu và tiếp biến văn hóa đã diễn ra như một quy luật. Thờ Tứ pháp ở Bắc Bộ là một biểu hiện của sự giao lưu văn hóa giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với văn hóa Phật giáo rất rõ nét. Đó là dấu hiệu cho thấy việc tôn thờ tự nhiên, phụ nữ và kết hợp với Phật giáo. Các Mẫu thần lúc này chính là một sự hiện sinh cho tầm ảnh hưởng to lớn của người Mẹ Việt Nam. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý khi đặt trong vùng văn hóa của Việt Nam, và đậm nét ở khu vực Đồng bằng sông Hồng.
- Những đặc điểm trong mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam
2.1. Sự tương đồng giữa Mẫu với Phật bà Quan Âm trong Phật giáo
Có một câu hỏi khá phổ biến, Phật Quan âm là nam giới hay nữ giới và câu trả lời khá linh hoạt. Ở Việt Nam, chỉ xét ở khu vực Phật giáo Bắc tông ảnh hưởng thì khi nói đến Phật Quan Âm thì chắc chắc sẽ là cụm từ Phật Bà Quan Âm.
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam được thể hiện đầu tiên chính là nét tương đồng giữa Mẫu và Phật Bà Quan Âm. Theo sách nhà Phật thì Quan Âm là một vị Bồ Tát nam giới nhưng khi Phật giáo du nhập vào nước ta, qua mối quan hệ với tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp, luôn đề cao bà Mẹ Đất – Nước với các yếu tố âm nên Quan Âm trong đạo Phật Việt Nam đã ứng hiện ra dưới bộ mặt nữ thành Phật Bà Quan Âm[5].
Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh: “Không chỉ có con đường các điện Mẫu đi vào chùa mà còn có con đường ngược lại – Phật đi vào các đền phủ thờ Mẫu. Trong điện thần cũng như cách thức phối tự ở các ngôi đền, phủ ta đều thấy sự hiện diện của Phật, mà đại diện cao nhất là Phật bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh”[6].
Nếu xét về nguồn gốc hình thành và ra đời của Phật giáo, Phật Quan Âm ở Ấn là Nam giới. Nhưng với đặc trưng trong phương cách truyền giáo và bản chất nhập thế của đạo Phật, khi du nhập vào Việt Nam, mà đặc biệt là khu vực Bắc Bộ với nền văn hóa tín ngưỡng Mẫu mạnh mẽ đã có sự chuyển đổi cho phù hợp đó là Phật Bà Quan Âm. Vì thế trong các ngày giỗ Mẫu – giỗ Mẹ, đều có nghi thức rước Mẫu lên chùa, đón Phật về đền, phủ cùng tham dự ngày hội.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu có tích về Mẫu Liễu Hạnh, là một trong tứ bất tử. Sự tích về Mẫu Liễu Hạnh có sự dung hòa với Phật giáo khi nhân vật huyền thoại bị các đạo sĩ của Phái Đạo nội thu hết phép thuật, đang lúc nguy nan thì được đức Phật ra tay cứu độ[7].
2.2. Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu cùng chung không gian sinh hoạt tâm linh
Khi nói đến tín ngưỡng và tôn giáo, một trong những yếu tố cần thiết đó là phải có một không gian sinh hoạt tâm linh. Đối với các tôn giáo ngoại nhập ở Việt Nam như Công giáo, Tin Lành hay Hồi giáo gần như không có chung không gian sinh hoạt tâm linh chung với tín ngưỡng truyền thống. Nhưng đối với Phật giáo thì lại có trường hợp cùng chung không gian sinh hoạt tâm linh.
Khi tiếp nhận Phật giáo, người Việt đã đưa vào chùa rất nhiều tín ngưỡng khác như tục thờ đá (Thạch Quang Phật), cây Dâu nuôi tằm (Dung Thụ) và điều quan trọng là các nữ thần, các bà mẹ bộ lạc (xứ sở) trở thành các vị thần mang sức mạnh tự nhiên như mây, mưa, sấm, sét của một nền nông nghiệp lúa nước. “Trong các ngôi chùa Việt ở Bắc Việt Nam, hình thức thờ động Phật là một trong những hình thức khá phổ biến.Các động Phật được đắp chủ yếu nhất là động Quan Âm. Một số chùa thờ động tiêu biểu có thể kể ra là chùa Mía, chùa Thổ Hà, chùa Kiến Sơ, chùa Huyền kỳ, chùa Láng, chùa Xuân Lũng, chùa Nôm…Ở các ngôi chùa này động Phật thường gắn liền với kiến trúc chùa, chiếm vị trí trong cùng hai bên thượng điện, hoặc trung tâm của hậu điện. Về cách thức xây dựng, các động Phật này mang những nét tương đồng rất lớn với hình thức thờ Mẫu tại các đền phủ hoặc đa số các chùa ở miền Bắc”[8].
Quan sát các ngôi chùa ở Việt Nam (xét với Phật giáo Bắc tông) có thể thấy, trừ Chùa Quán Sứ là trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì đều có sự hòa hợp không gian sinh hoạt tâm linh của chùa và tín ngưỡng thờ Mẫu; bên cạnh Tòa Tam Bảo của điện thờ Phật cũng có khu Phủ hay điện thờ Mẫu; với cách kiến trúc như vậy còn được gọi là tiền Phật hậu Thánh. Các Mẫu trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt được thờ trang trọng trong chùa, tạo ra những kiểu chùa độc đáo của Phật giáo Việt Nam: tiền Phật hậu Mẫu.
Từ sự kết hợp của kiến trúc suy rộng ra chính là sự hòa hợp trong văn hóa, giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa tín ngưỡng; hòa hợp trong tâm lý tình cảm của người dân Việt Nam đối với Phật giáo và Mẫu.
2.3. Tương đồng về nghi thức, nghi lễ
Vì Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu cùng chung không gian sinh hoạt tâm linh nên về nghi lễ cũng ít nhiều có sự đồng điệu. Đến chùa vừa có thể lễ Phật, vừa có thể lễ Mẫu. Việc thờ Tam tòa Thánh Mẫu: “là một bước phát triển, một quá trình “nâng cao” “lên khuôn” từ một số hành vi tôn thờ rời rạc đến một thứ tín ngưỡng, một “đạo” có tính hệ thống hơn”[9].
Trong các lễ nghi của Phật giáo có bốn cuộc lễ quan trọng, đó là: lễ Thượng Nguyên (tháng Giêng), Nhập hạ (tháng Tư), Tán hạ (tháng Bảy), Tất niên (tháng Mười hai). Đối với tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng tồn tại bốn lễ nghi tương tự như Phật giáo.
Ở các ngôi chùa có kết hợp với thờ Mẫu, ngay từ sáng sớm đã có những bước chuẩn bị cho nghi thức đầu tiên và khoa cúng Phật – Mẫu[10]. Đối với những ngày Tứ quý, người ta thường cúng khoa cúng Phật (nếu đền thờ vọng Phật), khoa cúng Mẫu, hoặc cúng chung cả hai khoa cúng trên gộp thành khoa cúng Phật – Mẫu[11].
Trong các nghi lễ đều có nghi thức Tụng kinh, và cả Phật giáo và Tin ngưỡng thờ Mẫu đều không có sự phân định trong việc sử dụng kinh tụng. Nhưng ở đây, sự du nhập của kinh tụng Phật giáo vào nghi lễ của tín ngưỡng thờ Mẫu đậm nét hơn. Trong buổi lễ Thượng Nguyên được các thầy cúng đồng thanh tụng bản kinh Cứu khổ. Việc hòa trộn tư tưởng và câu chữ trong bài kinh giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu tạo nên sự hòa hợp và càng làm tăng sự gắn bó khăng khít. Ngoài ra, các bài văn khấn cúng lễ: Văn khấn Mẫu, văn khấn mồng một, văn khấn rằm …thường có câu mở đầu và kết thúc đều là “Nam mô A Di Đà Phật” là câu tụng của Phật giáo.
Về vật phẩm cúng lễ, thông thường ở Phật giáo chỉ cần đồ cúng chay là hương, hoa, quả hay bánh… mang ý nghĩa tượng trưng. Nhưng khi kết hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu đã có xuất hiện của đồ cúng mặn…
Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu đề có cúng chúng sinh[12] và được thực hiện ở bên ngoài sân. Cúng chúng sinh là cúng các cô hồn, các cô hồn nghe thấy tiếng chuông, tiếng trống sẽ kéo về.Pháp giới lục đạo gồm: thiên đạo, nhân đạo, a tu la đạo (cõi quỷ), địa ngục đạo, ngã quỷ, súc sinh. Thông thường, lễ vật của cúng chúng sinh gồm cháo, bỏng, khoai, sắn, mâm quần áo chúng sinh.
Các nghi lễ thờ cúng của tín ngưỡng dân gian nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu dần được kết hợp vào các nghi lễ của nhà chùa. Việc tiến hành các nghi lễ thờ Mẫu tại chùa ở đồng bằng Bắc Bộ đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân.
2.4. Mối quan hệ cộng sinh giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo
“Nhìn tổng quát các tôn giáo ngoại sinh muốn tồn tại và phát triển ở Việt Nam đều tìm cách bản địa hóa để phù hợp với tâm thức tôn giáo đa thần, có tính phiếm thần của cư dân nông nghiệp. Phật giáo cũng không nằm ngoài quy luật này,… ngoài thờ Phật, còn thờ nhiều vị thần của các tôn giáo, tín ngưỡng khác”[13].
Tín ngưỡng thờ Mẫu tác động đến Phật giáo đã làm hình thành một hệ thống chùa “Tiền Phật, hậu Mẫu”, tuy nhiên, xét đến cùng, chính mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam là cơ sở cho sự ăn sâu, bám rễ trong tâm thức của người dân.
Tín đồ Phật giáo ở Việt Nam khoảng 5 triệu[14], nhưng số người đên chùa Phật giáo lại đại đa số người dân Việt Nam. Chính có sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu đã thu hút nhiều người đến chùa cho dù không phải là tín đồ Phật giáo.
Hiện nay, các hình thức dâng sao, giải hạn cũng được phổ biến trong nhà chùa và mang tính dịch vụ; điều này vừa thỏa mãn tín đồ Phật giáo, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân với ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng truyền thống.
Giáo sư Đỗ Quang Hưng đã viết: “Sinh hoạt Phật giáo, người Phật tử hiện nay chịu tác động không những ở sự biến đổi của “quần chúng tín đồ” mà còn có sự tác động mạnh mẽ của những hình thức tín ngưỡng dân gian. Nếu trước đây sinh hoạt chủ yếu của người Phật tử là cầu an và cầu siêu thì hiện nay nhiều nghi lễ của tín ngưỡng dân gian một cách phổ biến như cúng sao giải hạn, cắt giải tiền duyên và bán khoán”[15]
“Dịch vụ Phật giáo là một trong những giải pháp tâm linh được Phật giáo lựa chọn để giải quyết vấn đề đương đại và nó đã thực sự thể hiện một công cụ hữu ích. Dịch vụ nghi lễ Phật giáo mang tính dân gian. Chủ thuyết cơ bản của dịch vụ nghi lễ là giúp tín đồ an lạc ngay trong cuộc sống hiện tại”[16].
Như vậy, chùa Phật giáo là nơi sinh hoạt tâm linh của tín đồ nhưng với sự dung hòa với tín ngưỡng thờ Mẫu đã thu hút đông người dân đến với chùa Phật giáo.
- Những giá trị đóng góp của mối quan hệ giữa Phật giáo và Tín ngưỡng thờ Mẫu
Lịch sử truyền bá và phát triển của Phật giáo, mà đặt ra ở đây là Phật giáo Bắc tông ở Việt Nam đã có sự dung hòa với tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Điều này càng được thể hiện rõ nét trong mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu. Với những đặc điểm của mối quan hệ giữa hai hình thức tôn giáo và tín ngưỡng là Phật giáo và Mẫu đã có những đóng góp giá trị đối với nền văn hóa và xã hội Việt Nam.
Tính nhân văn, dân chủ trong mối quan hệ giữa Phật giáo và Mẫu
Khi du nhập vào Việt Nam, với sự dung hòa với tín ngưỡng thờ Mẫu, tính nhân văn và dân chủ của Phật giáo được nâng cao. Mặc dù là tôn giáo ra đời sớm nhất nhưng Phật giáo mang trong mình đầy đủ những yếu tố tiến bộ, văn minh, hiện đại. Khi là một tín đồ của đạo Phật, mọi tầng lớp nhân dân, thuộc mọi đẳng cấp, không phân biệt giàu nghèo đều được thực hành chung một nghi thức tôn giáo và đều có cơ hội nhập cõi niết bàn. Bên cạnh đó, việc bình đẳng trong quan niệm nam và nữ được bảo đảm.
Xã hội càng dân chủ hóa thì thế giới thần linh cũng càng trở nên dân chủ hơn. Với mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu, tư tưởng nam nữ bình đẳng và biết tôn trọng đức sinh thành đã là những giáo lý sẵn trong Phật giáo và tư tưởng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Đó cũng là tinh thần nhân văn cao cả khi mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội luôn trở nên gắn bó, thân thiết, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Hiện tượng các Mẫu người Việt xuất hiện trong chùa thờ Phật và chiếm địa vị quan trọng trong buổi đầu Phật giáo khi mới từ Ấn Độ sang Việt Nam được coi như một “phản trình” của quá trình cải đạo – một quá trình “Việt hóa” các thần ngoại cũng như xác tín vị trí quan trọng của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam ngày đó”[17]
Tăng cường sự liên kết, đoàn kết cộng đồng
Trong xã hội loài người luôn yêu cầu có một sự liên kết giữa các cá nhân với nhau, mà đỉnh cao là liên kết tinh thần để tạo nên một sức mạnh cho cộng đồng. Tín ngưỡng có khả năng liên kết những người cùng niềm tin, vì họ có chung một niềm tin, cùng thực hiện một số nghi lễ,… tạo cho mối liên kết này khá chặt chẽ và lâu bền. Sự cố kết ngày càng được tăng lên nhờ sự thiêng liêng của thánh thần, được phát huy và thủ thách qua cuộc chiến đấu giữa đức tin và cuộc sống thực mà không ít trường hợp, đức tin lại mang lại sự an ủi đáng kể.
Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu bao giờ cũng có một hệ chuẩn quan niệm bất thành văn đòi hỏi người có niềm tin vào đó phải thực hiện.Trên ý nghĩa nhất định, đó là những chuẩn mực sống, ứng xử của nền đạo đức địa phương tương ứng. Những chuẩn mực của Phật giáo và tín ngưỡng không những có giá trị giáo dục to lớn đối với người có đức tin, mà trong nhiều trường hợp, còn là những đòi hỏi, những chuẩn mực chung của toàn xã hội.
Những hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo hầu hết là hoạt động tập thể, bởi vậy, nó gắn bó, đoàn kết cá nhân với cộng đồng, bảo vệ lợi ích chung. Nó có ảnh hưởng tích cực trong việc xây dựng lối sống, nếp sống văn hóa ở mỗi gia đình, làng, xóm, tổ dân phố, khu dân cư; đồng thời có tác dụng giáo dục, khuyến khích phát huy truyền thống hiếu học của các gia đình, dòng họ ở mỗi địa phương.
Góp phần củng cố giá trị đạo đức, lối sống cho nhân dân
Trong đời sống xã hội hiện nay, tình trạng xuống cấp về đạo đức đang là vấn đề được quan tâm của các cấp, các ngành nhưng chưa khắc phục được bao nhiêu. Đặc biệt, trong giới trẻ, tệ nạn xã hội hiện tượng văng tục, chửi thề, thiếu tôn trọng ông bà, bố mẹ, thầy cô giáo và những người lớn tuổi có phần gia tăng hơn trước. Tuy nhiên các nơi thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo thì hiện tượng này lại ít xẩy ra so với ở những môi trường khác.
Thực hành giáo lý Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu trong điều kiện xã hội hiện nay còn giúp bổ sung vào hệ thống giá trị đạo đức xã hội những giá trị đạo đức mới như tính nhân văn, sự công bằng, bình đẳng, mình vì mọi người. Sự tồn tại yếu tố thiêng giúp điều chỉnh nhận thức và hành vi của con người, hướng con người đến hoàn thiện nhân cách cá nhân theo chuẩn mực đạo đức chung của xã hội. Vì vậy, tín ngưỡng dân gian đó góp phần không nhỏ vào việc giáo dục và hướng con người đến với những giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống của nhân dân. Hướng con người nghĩ và làm theo cái Thiện, tránh xa và từ bỏ cái Ác vốn là xu hướng của mọi tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời cũng rất phù hợp với xu hướng đạo đức chung của xã hội.
Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu khi hòa hợp với nhau đã tạo nên là sợi dây cố kết cộng đồng dựa trên các yếu tố Cộng cư – cộng lợi – cộng cảm – cộng mệnh tạo nên sự đoàn kết giữa các tộc người, các vùng – khu vực. Những yếu tố, giá trị mà Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu đem lại góp phần sự định hình hệ giá trị bền vững, mang bản sắc riêng có của Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Tâm Đắc và Tạ Quốc Khánh với công trình: Tính hỗn dung của người Việt thể hiện qua đối tượng thờ trong các các ngôi chùa ở Hà Nội, tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2-2003.
- Nguyễn Mạnh Cường, Trần Văn Thành, Hình tượng Mẫu trong các ngôi chùa Việt vùng Đồng Bằng Sông Hồng, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo số 10, 2012
- Vũ Ngọc Khánh (2012),Tục thờ Thánh – Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin.
- Mai Thanh Hải, Tìm hiểu tín ngưỡng truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, 2005
- Trang Thanh Hiền, Văn hóa thờ Nữ thần- Mẫu ở Việt Nam và châu Á, Nxb Văn hóa thông tin, 2006
- Đỗ Quang Hưng, Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo Thăng Long – Hà Nội, NXB HN, 2010
- Nguyễn Thị Minh Ngọc: Dịch vụ Phật giáo: Hoạt động mang tính dân gian và cách thức giải quyết nhu cầu tâm linh của tín đồ Việt Nam đương đại (Nghiên cứu trường hợp Hà Nội), trong cuốn: Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, NXB Thế giới, Hà Nội 2008
- Nguyễn Cao Thanh, Khái lược Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2008.
- Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
- Nguyễn Hữu Thụ, Về cơ sở hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vùng Đồng Bằng Bắc Bộ-xét dưới góc độ triết học, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo số 1, 2012.
- Nguyễn Hữu Thụ, Đôi điều về sự tiếp xúc giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu Man Nương và thánh Mẫu Liễu Hạnh, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo số 4, 2009.
* Học viện Chính trị khu vực I
[1] Xem thêm Vũ Ngọc Khánh (2012), Tục thờ Thánh – Mẫu ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin.
[2]Nguyễn Hữu Thụ (2008), “Về thái độ ứng xử của người Việt với tự nhiên trong tín ngưỡng thờ Mẫu”, in trong Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần 3, bản PDF., tr.1
[3]Xem thêm Nguyễn Cao Thanh, Khái lược Phật giáo Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2008.
[4]Tuy nhiên các công trình chưa có sự giải thích thỏa đáng tại sao thờ Mẫu vào chùa ở thế kỉ XVII mà không phải vào từ trước hoặc sau đó.Vì vậy, vấn đề này đề cập ở những nghiên cứu chuyên sâu.
[5]Xem thêm TS Đào Đình Thưởng, ĐTCS Tín ngưỡng thờ Mẫu trong các ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,2016
[6]Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
[7] Xem thêm Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb Tôn giáo, 2009
[8] Trang Thanh Hiền, Văn hóa thờ Nữ thần- Mẫu ở Việt Nam và châu Á, Nxb Văn hóa thông tin, 2006,tr 295.
[9]Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu ở Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2001.
[10]Trong tín ngưỡng thờ Mẫu có nhiều khoa cúng khác nhau, như: khoa cúng Phật, khoa cúng Mẫu, khoa cúng Tứ phủ trình đồng (dành cho người bắt đầu xin gia nhập tín ngưỡng Tứ phủ để đi hầu bóng), khoa Tam phủ đối kháng (cúng để xin cắt tình duyên cho người người trần khỏi cõi người âm), khoa Tam phủ thục mệnh di cúng hoán số (cúng Nam tào Bắc đẩu để xin đổi số, phê cho số trường sinh) v.v..
[11]Nội dung khoa cúng có thể chia làm ba phần. Phần đầu để khai quang đàn tràng, dâng hương và nói lên ý nghĩa của buổi lễ. Phần giữa với mục đích để thỉnh chư Phật, chư Thánh theo thứ tự từ cao xuống thấp. Phần cuối mời chư Phật, chư Thánh an tọa, thụ hưởng và cuối cùng các vị thần trở lại nơi mình ngự trị.
[12]Trong pháp giới lục đạo, chúng sinh là những hồn người không có nơi nương tựa, ma đói ma khát.
[13] Lê Tâm Đắc và Tạ Quốc Khánh với công trình: Tính hỗn dung của người Việt thể hiện qua đối tượng thờ trong các các ngôi chùa ở Hà Nội, tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 2-2003, tr 39.
[14]Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tôn giáo và Tín ngưỡng, Giáo trình CCLLCT, Nxb Lý luận chính trị, H 2018.
[15] Đỗ Quang Hưng, Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo Thăng Long – Hà Nội, NXB HN, 2010, tr.251
[16] Nguyễn Thị Minh Ngọc: Dịch vụ Phật giáo: Hoạt động mang tính dân gian và cách thức giải quyết nhu cầu tâm linh của tín đồ Việt Nam đương đại (Nghiên cứu trường hợp Hà Nội), trong cuốn: Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay, NXB Thế giới, Hà Nội 2008, tr. 86-87
[17] Nguyễn Mạnh Cường, Trần Văn Thành, Hình tượng Mẫu trong các ngôi chùa Việt vùng Đồng Bằng Sông Hồng, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo số 10, 2012, tr 66.