Khái quát về lịch sử Phật giáo Việt Nam
Đạo Phật truyền vào nước ta từ những năm đầu Công nguyên bằng hai con đường: Đường bộ đi từ Ấn Độ qua cao nguyên Tây Tạng vào Nam Trung Quốc rồi xuống nước ta; đường thuỷ men theo Ấn Độ Dương sang Inđônêxia vào phía Nam Việt Nam. Theo gió mùa Đông Bắc và Tây Nam, các nhà truyền đạo ban đầu là những tăng sĩ và các thương nhân.
Trung tâm Phật giáo của Giao Châu vào những năm đầu kỷ nguyên là ở Luy Lâu (tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Nơi đây, cũng là một trong ba trung tâm lớn Phật giáo Châu Á lúc bấy giờ (gồm Luy Lâu, Việt Nam; Lạc Dương, tỉnh Hà Nam và Bành Thành, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).
Những truyền thuyết và tài liệu lịch sử cho biết, ban đầu Phật giáo truyền vào đã vận dụng tư tưởng thần bí Mật Tông với tín ngưỡng bản địa, sau đó là những luận thuyết nhằm xiển dương Phật giáo trong mọi tầng lớp, đặc biệt là giới quan chức – trí thức đương thời. Điển hình qua những truyền thuyết và sách vở như chuyện Tấm Cám, chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung, chuyện Man Nương, Lý hoặc luận, Lục độ tập kinh, Sáu lá thư…
Tiếp theo là các dòng Thiền được tiếp tục truyền vào, trong đó đáng kể nhất là ba dòng Thiền lớn, đó là Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi vào nước ta năm 580, dòng Vô Ngôn Thông vào năm 820, dòng Thảo Đường vào năm 1069. Trong các thê’ hệ truyền đăng kê’ nối của ba dòng Thiền kể trên, chỉ có dòng Tì Ni Đa Lựu Chi và Vô Ngôn Thông là ghi chép khá đầy đủ còn phái Thảo Đường có ảnh hưởng lớn đến vương triều Lý thì lại ghi quá sơ sài và đã làm cho các thế hệ sau khó mà khảo cứu một cách tường tận về thê’ hệ kê’ đăng của phái này. Tuy nhiên, cả ba dòng thiền kể trên, cũng chỉ cho chúng ta biết đến đầu thế kỷ XIII mà thôi. Sau đó, không còn thấy tài liệu nào ghi nối các thê’ hệ tiếp theo.
Căn cứ vào những tài liệu hiện có, chúng ta biết, tăng sĩ Phật giáo bắt đầu trực tiếp tham gia vào chính trị từ thời Đinh. Sang nhà Tiền Lê (980-1009), Phật giáo đã có một vị thê’ quan trọng đối với vương triều. Đến đời Lý, Phật giáo càng phát triển rực rỡ, ngoài vai trò xuất sắc của các vị Quốc sư, chúng ta còn phải kể đến sự mộ đạo và ủng hộ Phật giáo của các vị vua đầu triều như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông… Phật giáo thời kỳ này, có thể coi như quốc giáo, không chỉ trong cung đình mà còn lan khắp kinh đô Thăng Long và xuống nhiều vùng miền đất nước.
Sang Thời Trần, có thể nói vẫn tiếp nối được văn hoá Thăng Long – văn hoá Phật giáo thời Lý. Càc vua Trần không chỉ sùng tín Phật, mà họ còn xuất gia tu đạo, lập ngôn, chế định quy củ thiền gia. Đặc biệt với sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, đã mở ra một trang sử vẻ vang không chỉ cho Phật giáo mà cho cả văn hoá Đại Việt.
Như chúng ta đã biết, Nho giáo vào Lão giáo cũng đã có mặt khá sớm, có thể nói hai đạo này truyền vào đổng thời cùng với Phật giáo, nhưng Phật giáo vẫn có được cảm tình và chiếm ưu thế hơn. Phải chăng, đó là tính ưu việt của Phật giáo, cho nên khi đất nước giành lại chủ quyển, các vương triều đều lấy Phật giáo làm tư tưởng và sức sống tâm linh cho cả dân tộc. Ở giai đoạn này, cũng cần phải nói thêm rằng, trong những luồng tư tưởng cốt lõi của Phật giáo, đến đây có thể nói đã hội tụ đầy đủ, đó là Mật Tông, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Luật Tông (Trong đó, Thiền Tông được ghi chép đầy đủ hơn cả).
Sang thế kỷ XV, với sự thất bại của nhà Hồ, nước ta lại chìm trong sự đô hộ của nhà Minh suốt hai thế kỷ. Vào thời hậu Lê, Phật giáo bước sang một giai đoạn mới, có thể nói Phật giáo Việt Nam từ đây không còn vị thê’ ưu trội trên vũ đài chính trị, tiếng nói của các tăng sĩ không còn trọng lượng trong cung đình. Bởi vì, cac vua đầu thời Lê cho đến nhà Mạc rồi các chúa Trịnh – Nguyễn và cả triều Nguyễn sau này, đều lấy Nho giáo làm tư tưởng chính thống cho vương triều của mình; đặc biệt, hệ thống đào tạo Nho giáo dần được hoàn thiện từ trung ương xuống các địa phương, đã thu hút hầu hết cả tầng lớp trong xã hội, nhất là việc bổ nhiệm hệ thống quan lại qua khoa cử lại càng hấp dẫn.
Trong khi đó, Phật giáo chí thuần túy hướng người ta vào việc làm thiện, đành rằng phần nhiều ai cũng thấy là tốt, nhưng vẫn không lôi cuốn bằng việc học Nho giáo, nếu thuận buồm xuôi gió sẽ được ra làm quan, có quyền uy tiền tài bổng lộc, ai mà chẳng thích; không thì ít ra cũng trở thành người thầy – giới tri thức được cả xã hội kính trọng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, khái quát chung tình hình chính trị- tôn giáo là như vậy, nhưng trong từng giai đoạn, nhất là thời kỳ đất nước phân tranh: Đàng Trong, Đàng Ngoài, thì có thể thấy rằng các chúa Nguyễn Đàng Trong đều mộ Phật, áp dụng tư tưởng Phật giáo trong chính sách cai trị của mình nên xã hội có phần ổn định, kinh tế phát triển đất đai được mở mang. Chính vì thế, các chúa thường được dân chúng tôn xưng là Tiên là Phật.
Như trên đã nói, cái học Nho giáo hấp dẫn là thế, nhưng không phải vì thế mà Phật giáo tuyệt diệt. Trái lại Phật giáo lại càng lan sâu rộng và phát triển trong chốn dân gian, nhất là vùng thôn quê, miền núi. Nhiều cơ sở Phật giáo được xây mới, trùng tu; và không ít vua chúa, quan chức, các nhà trí thức đương thời lại tìm về Phật giáo. Tuy rằng, ý thức hệ Nho giáo có sự độc tôn ràng buộc, thậm chí còn bài xích những người theo Phật giáo, nhất là Đàng Ngoài, nhưng cũng không thể ngăn chặn được tư tưởng của họ đến với Phật giáo. Cho nên, Phật giáo suốt từ thế kỷ XV- giữa thế kỷ XIX vẫn song song tồn tại và phát triển cùng với Nho giáo.
Căn cứ vào những sử liệu cho biết, ngoài những dòng phái Phật giáo xưa, còn có hai dòng Thiền mới cũng từ Trung Quốc truyền vào, đó là dòng Lâm Tế và phái Tào Động. Đàng Ngoài: phái Lâm Tế do thiền sư người Trung Quốc là Chuyết Công sang nước ta năm 1630. Phái Tào Động do thiền sư ngưòi Việt Nam là Thuỷ Nguyệt (1937 – 1704) sang Trung Quốc học đạo, sau khi đắc đạo về nước lập ra dòng thiền này. ở Đàng Trong: Phái Lâm Tế do thiền sư người Trung Quốc là Nguyên Thiều sang nước ta năm 1665, còn phái Tào Động do thiền sư Thạch Liêm cũng người Trung Quốc sang muộn hơn, vào năm 1695. Trong hai phái Thiền truyền vào Đàng Trong, Đàng Ngoài kể trên, điều đặc biệt ta thấy có những bài kệ truyền đăng, ví dụ như bài kệ của phái Lâm Tế: “Minh chân như tính hải, kim tường phổ chiếu thông, chỉ đạo thành chính quả, giác ngộ chứng chân không”.
Những thế hệ tiếp nối, mỗi đời được mang theo một chữ trong bài kệ đó. Qua bài kệ trên, chúng ta có thể dễ nhận biết thế thứ nối pháp của dòng Thiền. Điểm nổi bật nữa, chúng ta không thể không biết đến, đó là thời kỳ nở rộ nhiều tác phẩm Phật giáo do các tu sĩ dịch thuật, biên soạn, sáng tác, dưới nhiều hình thức triết học, văn học, y học, lịch sử, thơ ca…; nhiều trung tâm in khắc kinh sách Phật giáo ra đời. Giáo lý Phật Đà không những xiển dương đa dạng trên mọi lĩnh vực, Thiền giáo, Tịnh giáo, Mật giáo, Luật giáo xuống cả đến dân chúng, mà còn phản ánh đời sống thực tại xã hội đương thời qua những tác phẩm trên.
Dưới triều Nguyễn, Phật giáo lại còn phát triển mạnh hơn, ngoài sơn môn pháp phái ở các vùng, miền thôn quê; nhiều chùa ở kinh đô Huế còn phân chia chùa quan chùa dân. Chùa quan, tức chùa do nhà nước trực tiếp quản lý, mọi hoạt động của chùa đều liên quan đến phủ tôn nhân, tức quý tộc nhà Nguyễn – cung đình Huế. Cụ thể là các khoản chi tiêu phục vụ tín ngưỡng, tu sửa, trông nom, từ việc lớn đến việc nhỏ đều do bộ Lễ, bộ Công thông qua Nội các trình lên vua. Các tăng sĩ trụ trì ở những ngôi chùa quan, đều là cao tăng, nói rõ hơn các vị sư ở đây đều phải có tuổi đời cao, tuổi đạo nhiều, tinh thông Tam tạng, giới luật tính nghiêm, đã trải qua các kỳ sát hạch, tuyển cử… Ngoài vị tăng trụ trì, còn có tăng ni giúp việc, quân lính bảo vệ, dân phu lao động… Họ đều có lương bổng theo từng cấp bậc và nhiệm vụ khác nhau.
Từ giữa thê’ kỷ XIX về sau, đứng trước nguy cơ bị xâm lược, ban đầu nhà Nguyễn đã có những biện pháp để phòng thủ, chiến đấu tích cực, nhưng vẫn không giành được thắng lợi, cuối cùng bị người Pháp đô hộ, triều đình Huế chỉ còn là hư danh, là con bài cho chủ nghĩa thực dân sai khiến. Chính sách khai thác thuộc địa đã đưa đến sự phân hoá sâu sắc trong xã hội Việt Nam, trong đó có vấn đề về văn hoá tư tưởng, đã tác động không nhỏ đến Phật giáo lúc bấy giờ.
Cùng với sự xuất hiện của phong trào Chấn hưng Phật giáo trên thế giới trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam đã dần chuyển mình theo xu hướng chung của thời đại, đó là sự ra đời của ba tổ chức giáo hội, đại diện cho ba miền: Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội, An Nam Phật học hội, Bắc Kỳ Phật giáo hội. Tiền đề cho sự thống nhất Phật giáo trong cả nước vào đầu thập niên sáu mươi là Giáo hội Tăng già Việt Nam, đây là một tổ chức Phật giáo khá quy mô với cơ cấu hoạt động mang tính hiện đại, tuy nhiên sau đó không lâu, đất nước bị chia cắt làm hai miền, Phật giáo cũng bị đứt đoạn từ đó. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Phật giáo ở cả hai miền đã đóng góp không ít sức người sức của vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sau ngày đất nước thống nhất Phật giáo lại có cơ duyên thống nhất, đó là sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là một tổ chức Phật giáo đã quy tụ được các tổ chức Phật giáo trước đó, với hệ thống quản lý quy mô, hiện đại, từ trung ương xuống địa phương; hoạt động rộng trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, đã trải qua 5 kỳ Đại hội, chuẩn bị tổ chức Đại hội VI sắp tới vào cuối năm 2007. Căn cứ vào văn bản báo cáo qua các thời kỳ Đại hội, ta thấy Phật giáo có những bước phát triển lớn mạnh. Có thể nói, Phật giáo có được thành quả này, trước tiên phải kể đến sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, sự hội nhập quốc tế…. Bên cạnh những thành quả đạt được, vẫn còn không ít nhưng yếu kém, bất cập, trong đó phải kể đến không ít ban ngành hoạt động chủ yếu của giáo hội lại chỉ mang tính hình thức, nhiều tỉnh vẫn chưa thành lập được tổ chức Phật giáo. Bộ máy điều hành ở Trung ương thì to lớn hoành tráng, nhưng ở dưới cơ sở thì bé nhỏ, xuống cấp huyện chỉ còn là Ban đại diện, như vậy thì hoạt động kém hiệu quả; điều này đã được nêu qua các kỳ hội nghị thường niên, nhưng sự chuyển biến còn rất chậm chạp. Đó là những việc cần phải khắc phục, để đưa Phật giáo Việt Nam ngang tầm thời đại.
HT.TS. Thích Thanh Đạt
(Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 1)