Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử
Phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của Đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh…
- Một vài nhận xét về Phật giáo Việt Nam trước khi thiền phái Trúc Lâm ra đời
Theo nhiều nguồn tài liệu cho biết, đạo Phật truyền vào nước ta khá sớm, vào những năm đầu Công nguyên 1. Tuy nhiên, chỉ có hai dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn thôn là ghi chéo đầy đủ hơn cả; còn phái Thảo Đường tuy du nhập vào muộn hơn, có vị thế ở chốn cung đình, nhưng lại ghi chép quá sơ sài2. Có thể nói, tuy Phật giáo du nhập vào nước ta không cung thời điểm, nhưng cùng tồn tại song song trong một thời gian dài và chịu ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Chốn tổ của dòng thiền này cũng là cũng là nơi tu hành của phái kia; thiền sư của các phái đều tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Các dòng thiền không có trung tâm nhất định, thiền sư Vô Ngôn thông đến tu ở chùa Lục Tổ vốn cũng là nơi tu hành của phái Tì Ni Đa Lưu Chi, thiền sư Biện Tài khen thiền sư Bản Tịch là nhà sư giỏi… Về mặt tư tưởng cũng như phương pháp tu tập, hành trì các dòng thiền có không ít những điểm giống nhau.

Sau sự kiện xảy ra vào cuối thể kỷ XII, vua Lý Cao Tông nghe theo Thái phó Đàm Dĩ Mông ra lệnh sa thải một số tăng sĩ bắt phải hoàn tục3 thì Phật giáo có phần lắng xuống mà đi vào chiều sâu, chất lượng hơn, không phát triển ồ ạt tự do như trước nữa. Tiếp theo là cuộc nội biến trong cung đình, nhà Trần lật đổ nhà Lý, phái Thảo Đường đương nhiên phải chịu chung số phận, vì phái này gắn kết chủ yếu với hang ngũ vua quan quý tộc là chính. Đại việt sử ký toàn thư cho biết: “Mùa đông năm ấy (1232) nhân người họ Lý làm tế lễ các vua Lý ở Thái Đường Hoa Lâm. Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết”4. Vì thế những người còn sống thuộc dòng tộc họ Lý hẳn rất khiếp sợ, họ phải trốn tránh ẩn náu khắp nơi, thậm chí còn thay tên đổi họ chỉ mong sao thoát nạn, còn nói chi đến chuyện tụ hội, học đạo dàm thiền chấn hưng dòng phái.
Cũng trong thời gian này, dòng thiền Vô Ngôn Thông lại có cơ duyên hơn hẳn hai dòng thiền kể trên, theo Thiền uyển tập anh và Lược dẫn thiền phái đồ cho ta biết, chỉ trong thế kỷ XIII đã có 6 thế hệ tiếp nối5, phát triển mạnh ở khắp mọi nơi, từ rừng núi xuống đồng bằng, nơi cung đình đến ngoài dân dã. Đặc biệt có hai chi: Một chi do cư sĩ Thông Sư truyền thông vào Thăng Long, một chi do thiền sư Hiện Quang sáng lập trên núi Yên Tử. Những người được nối pháp chi Thăng Long rất bình dẳng, không phân biệt tăng tục, người xuất gia hay người tại gia6.
Chi Thăng Long, ở giai đoạn này thuộc thế hệ thứ tư, thứ năm kể từ cư si Thông Sư trở xuống, có hàng ngũ hùng hậu, xuất hiện nhiều bậc cao tăng thạc đức như: Quốc sư Nhất Tông, thiền sư Tiêu Dao, Giới Minh, Giới Viên, Quốc Nhất, Đạo Si, Vô Sở, Ngu Ông, Thủ Nhân, Đạo Tiềm, Vị Hài, Tuệ Trung, Thạch Đầu, Thần Tán, Lãn Toàn, Thạch Lâu, Thôn Tăng…7
Chi Yên Tử có thiền sư Đại Đăng thuộc thế hệ thứ ba, thế hẹ thứ tư là thiền sư Tiêu Dao 8. Thượng si ngữ lục cho ta biết thêm, thế hệ tiếp nối Đại Đăng là Hoàng đế Thánh tông, Quốc sư Liễu Minh, Thường Cung, Huyền Sách…9
Ngoài ba dòng thiền kể trên, chúng ta còn thấy có ba dòng thiền khác cũng có mặt lúc bấy giờ:
Một là phái thiền do thiền sư Vương Chí Nhàn đứng đầu, theo danh sách này chỉ thấy có ba thế hệ:
- Thiền sư Vương chí Nhàn.
- Hòa thượng Nhậm Tạng.
- Cư sĩ Nhậm Túc.
Hành trạng của các thiền sư, cứ sĩ của dòng thiền này, Thượng sĩ ngữ lục không ghi chi tiết, cho nên chúng ta không biết cơ sở hành đạo của họ ở khu vực nào.
Hai là dòng thiền do Hòa thượng Nhật Thiển truyền xuống cho Đại Vương Chân Đạo, tài liệu này cũng nói rõ không biết ai là người đã truyền pháp cho Nhật Thiển.
Ba là dòng thiền thuộc phái Lâm Tế, do cư sĩ Thiên Phong từ Chương Tuyền (Trung Quốc) sang, truyền pháp cho Quốc sư Đại Đăng và Hòa thượng Nan Tư…

Việt Quốc An Tử Sơn Trúc Lâm chư tổ thánh đăng ngữ lục10 còn ghi, hai tăng sĩ nhà Tống là Đức Thành và Thiên Phong sang nước ta vào thời Trần Thái Tông, vua cho ở chùa Tư Phúc gần chốn cung đình để tiện tham vấn, tại đây Thiên Phong mở trường giảng đạo, tăng chúng theo học rất đông, hàng ngày trai tăng11 hơn 500 vị, ông đã độ cho hơn 30 người làm đệ tử12.
Trong ba dòng thiền kể trên, thì một dòng người Trung Quốc truyền vào, còn dòng do thiền sư Vương Chí Nhàn và Hòa thượng Nhật Thiển thì chúng ta không biết các vị này là người Việt hay người nước ngoài. Như vậy, có thể nói Phật giáo ở nước ta lúc này phát triển rất tự do, đã có mặt của 6 dòng thiền, trong đó còn chưa kể đến những vị không biết thuộc dòng phái nào như Đức Thành… cũng có mặt lúc bấy giờ.
- Nguyên nhân dẫn đến sự ra đời dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử
Như trên đã trình bày, trước khi dòng thiền Trúc Lâm ra đời, Phật giáo tồn tại với nhiều dòng phái. Đương thời, Phật giáo lại không có một tổ chức thống nhất. Các dòng phái phần lớn chỉ thuần túy Thiền Tông, tư tưởng lại không câu nệ vào văn tự, ngữ nghĩa, chỉ chú trọng đến tham cứu, tọa thiền; bài bác cách học tầm chương, trích cú. Như vậy, chỉ phù hợp với những người có căn tính lanh lợi, thông tuệ; cụ thể là hàng ngũ vua quan, trí thức tầng lớp thượng lưu, không thích hợp với quảng đại quần chúng. Trong khi đó nhu cầu học Phật, xây dựng một xã hội lành mạnh, bình đẳng, từ bi, bác ái rất cần thiết lại không được phổ cập.
Sách Tam tổ thực lực cho biết, sau khi Trúc Lâm xuất gia thời gian chưa được bao lâu, ông đã phải lặn lội khắp chốn thôn quê để khuyên dân chúng phá bỏ dâm từ, thực hành Thập thiện 13. Hiện nay, chúng ta chưa có một bản thống kê nào về các dâm từ thời đó, cũng như không biết trong đền thờ cách bài trí ra sao, nhưng có lẽ những ngôi đền thờ thế này khá phổ biến lúc bấy giờ. Theo Nguyễn Lang tác giả của Việt Nam Phật giáo sử luận cho biết: “Hồi đó trong dân gian còn có những nơi thờ tự những thần lõa thể và sinh thực khí…”14
Giáo lý Thập thiện mà Trúc Lâm khuyên dân chúng thực hành, là những điều giới căn bản của tín đồ Phật tử, thế mà Trúc Lâm còn phải đi rao giảng ở khắp mọi nơi. Điều đó càng chứng tỏ Phật giáo trước thời kỳ Trúc Lâm chỉ phát triển mạnh về tư tưởng thiền đại thừa, còn những tư tưởng giầu tính nhân sinh ít được phổ biến, nhất là những vùng thôn quê, hẻo lánh. Phải chăng, đó là những tác động không nhỏ đến sự xuất gia của Thượng hoàng Trần Nhân Tông.
Trúc Lâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình mộ Phật, đời ông, cha, chú bác… đã từng tu Phật, xuất gia. Chúng ta hay trở lại một vài sự kiện nổi bật của vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ đã tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp đến tư tưởng của Trần Nhân Tông.

Năm 1225, Trần Cảnh được đưa lên làm vua, mở ra một triều đại mới, tức triều Trần (1225-1400), chấm dứt tình trạng cát cứ cuối triều Lý. Về mặt tổ chức chính trị, cùng với việc củng cố và phát triển nhà nước nói chung, nhà Trần đặc biệt chú ý đến việc tập trung quyền lực cao độ trong tôn thất họ Trần; chính điều đó đã làm ổn định chính trị và đưa nhà nước phong kiến thời Trần phát triển đến đỉnh cao. Song song là những biện pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp như khai khẩn đất hoang nhằm mở rộng diện tích canh tác, chú ý việc đắp đê phòng lụt và mở rộng hệ thống sông ngòi để chống hạn. Sự phong cấp ruộng đát cho quý tộc ngày càng nhiều, khiến cho ruộng đất tư phát triển. Những chính sách tích cực trên dần dần tạo ra cuộc sống ổn định cho nông dân. Ngoài ra, các vua quan triều Trần còn tích cực xây dựng quân đội, phát triển nền văn hóa Đại Việt.

Sau khi lên ngôi vua được 10 năm, Trần Thái Tông trốn khỏi kinh thành vào núi Yên Tử tu15. Sự kiện này đã không ít người cho rằng, vì nhà vua bất bình với Thái sư Trần Thủ Độ chuyên quyền, ép ông phải bỏ người vợ yêu quý của mình để lấy chị dâu. Đại Việt sử kí toàn thư ghi rằng: “Lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa” 16.
Cho nên ông mới phải bỏ đi tu. Điều đó xem ra cũng có lý, nhưng phải nói rằng chính bản thân nhà vua là người rất mộ Phật, nên mới có hành động trốn khỏi kinh thành vào núi Yên Tử để cầu thành Phật17.

Những lời vàng ngọc của ông nội – Trần Thái Tông: “Phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của Đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh… nay lẽ nào trẫm không coi trách nhiệm của tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của Đức Phật là giáo lý của mình…”18. Phải chăng những lời tâm huyết và những định hướng về tư tưởng, đã thấm sâu vào máu thịt của người cháu hiếu thảo như Trần Nhân Tông.
Trần Thánh Tông, người cha tôn kính đã suốt đời chăm lo, giáo dưỡng cho ông. Phụ hoàng không chỉ là nhà Phật học uyên bác, mà còn là người tu Phật, chứng ngộ, liễu pháp, chẳng hạn như bài kệ Tự thuật sau đây:
Tuệ Trung Thượng Sĩ nói:
Trình bày rõ rang những điều trông thấy,
Là tự mình ấn tay vào mắt, làm cho mắt nhìn thành kỳ quái xong,
Sự sáng suốt lại trở lại trường tồn tự tại 20
Phụ hoàng – Trần Thánh Tông họa lại:
Sự sáng suốt vốn là ở nơi mình,
Cũng dụi mắt làm thành quái dị.
Nhưng thấy quái dị mà không coi là quái dị,
Thì điều quái dị kia tự nó mất đi 21.
Qua bài Tự thuật trên, chúng ta cũng đủ thấy Phật học của Trần Thánh Tông, sánh ngang với nhà thiền học lỗi lạc lúc bấy giờ – Tuệ Trung Thượng Sĩ. Thành quả này có được, đã phải trải qua nhiều năm tháng khổ công tu học, ông nói:
Từ thuở còn để trái đào đã ra nhập dòng thiền, Dùi rùa đập ngói 22 không cầu gì khác.
Đã nhận ra được bộ mặt thật vốn có 23,
Thì đến nơi nào mà lòng khồn thung dung…
Tuệ Trung Thượng Sĩ đã từng tán thán đạo học của ông:
Cái học của bậc thánh cao minh thông suốt cả xưa nay,
Rõ ràng kinh tạng ở Long cung 24 đã thấu suốt được tâm hoa 25.
Phong độ của thiền đã được pháp bảo mở bàn tay,
Ý Tổ hầu như không ý nào không phải là chiếc kim thấu tới đáy nước.
Trí hội nơi cửa thiền sánh ngang với Thiếu thất 26,
Tình vượt ngoài biển giáo át cả Uy âm 27
Người đời chỉ thấy núi non xanh tốt,
Nào ai nghe thấy tiếng vượn kêu sâu thẳm trong nơi sâu thẳm 28.
Sau khi nhường ngôi cho con, ông xuất gia ở chùa Tư Phúc và để lại khá nhiều tác phẩm29.
Những hình ảnh của người cha tôn kính kể trên, chắc chắn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp xuất gia của vua Trần Nhân Tông sau này.
Bên cạnh đó, chúng ta phải kể đến người có công trực tiếp dạy đạo cho Trần Nhân Tông là Tuệ Trung (anh của mẹ) một nhà thiền học nổi tiếng đương thời. Chúng ta hãy xem đoạn văn do chính Nhân Tông kể lại: “Nay ta cũng nguyện đội ơn dạy dỗ của Thượng Sĩ. Trước đây khi ta chưa xuất gia, gặp lúc cư tang Nguyên Thánh mẫu hậu, nhân đó đi thỉnh Thượng Sĩ. Người trao cho hai bộ ngữ lục của Tuyết Đậu và Dã Hiên30. Ta cho rằng quá tầm thường, sinh ngờ vực, bèn làm ra vẻ ngây thơ hỏi Thượng Sĩ rằng: Chúng sinh quen cái nghiệp uống rượu và ăn thịt, thì làm sao tránh được tội báo? Thượng Sĩ liền giảng giải rằng: Giả thử có một người đứng quay lưng lại, thình lình có nhà vua đi qua phía sau, người kia khoogn biết hoặc còn ném vật gì vào người vua, người ấy có sợ chăng? Ông vua có giận dữ chăng? Như thế thì biết hai việc không liên quan gì đến nhau vậy. Rồi Thượng Sĩ đọc hai bài kệ:
Mọi pháp đều biến diệt,
Tâm ngờ tội liền sinh.
Xưa nay không một vật, Mầm mống hỏi đâu thành.
Ngày ngày khi đối cảnh,
Cảnh cảnh từ tâm sinh.
Cảnh tâm không có thật,
Chốn chốn Ba la mật 31.
Ta lĩnh ý, giây lâu bèn nói: Tuy là như thế nhưng tội phúc đã rõ rang thì làm thế nào? Thượng Sĩ lại đọc tiếp bài kệ để chỉ bảo:
Ăn thịt và ăn cỏ,
Tùy theo từng loài đó.
Xuân về cây cỏ sinh,
Họa phúc nào đâu có.
Ta nói: Nếu vậy thì công phu giữ giới trong sạch không chút sao lãng là để làm gì? Thượng Sĩ chỉ cười mà không đáp. Ta cố nài. Thượng sĩ lại đọc tiếp bài kệ để ấn chứng cho ta:
Trì giới và nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Đừng trì giới nhẫn nhục…
Đoạn người dặn kín ta: Chớ có bảo cho người không đáng bảo. Vì vậy ta biết môn phong của Thượng Sĩ thật là siêu việt. Một ngày kia ta hỏi người về cái gốc của tông chỉ thiền, Thượng Sĩ ứng khẩu đáp: Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình chứ không tìm đâu khác được. Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ người làm thầy…”32
Ngoài những tác động trực tiếp hay gián tiếp đã trình bày trên, chúng ta cũng còn phải thấy rằng, chính Nhân Tông là người mộ Phật từ nhỏ, ông từng nằm mơ thấy Phật, tự nguyện ăn chay rồi vượt hoàng cung xuất gia. Nhưng ý nguyện không thành, sách Tam tổ thực lục ghi chép: “Vào giờ Tí một đêm kia, vua vượt thành ra đi, định vào núi Yên Tử, nhưng khi đến chùa Tháp, núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, lại vì quá mệt nên phải vào nghỉ trong tháp. Vị tăng chùa ấy thấy vua tướng mạo khác thường, liền đem thức ăn lên mời. Ngày hôm đó, Thái hậu đem chuyện ấy thuật lại đay đủ với Thánh Tông. Thánh Tông sai quần thần đi tìm khắp bốn phương, bất đắc dĩ vua phải trở về”.
Khi lên ngôi, tuy ở chốn cửu trùng cao sang mà vua vẫn sống thanh tịnh. Vua thường ngủ trưa ở chùa Tư Phúc trong đại nội, một hôm mộng thấy trên rốn trổ một hoa sen vàng lớn như bánh xe, trên hoa có Phật vàng. Có người đứng bên cạnh chỉ Điều Ngự hỏi: Biết vị Phật này không? Đức Biến Chiếu Tôn33 đấy… Vua thường dung chay lạt, chẳng ăn thứ mặn, nên long nhan trở nên gầy yếu”…
Sau khi hoàn thành vẻ vang sứ mạng lịch sử của mình34, ông liền trao lại ngôi báu cho con, rồi tiếp tục thực hiện hoài bão khi xưa, đó là xuất gia tu Phật.
Như vậy, đạo Phật truyền vào nước ta có 3 dòng thiền chính, đến thế kỷ XII dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi (VI-XIII) truyền đăng qua 19 thế hệ, dòng Vô Ngôn Thông (IX-XIII) tiếp nối 15 thế hệ, dòng Thảo Đường (XI-XIII) trải qua 5 thế hệ, đã không ngừng thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo Việt Nam nói chung, sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng.
Trước thế kỷ XIII, dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi còn phát triển rất mạnh, có uy tín lớn trong cung đình và ngoài xã hội. Các thiền sư ngoài việc tham thiền tu định, việc hoằng pháp độ sinh, phiên dịch kinh điển và cũng rất chú trọng viết sách, đồng thời còn tích cực tham gia vào công việc xã hội.
Dòng thiền Vô Ngôn Thông không chỉ phát triển ở trong tăng đoàn mà cả ngoài dân chúng, có uy tín nơi cung đình. Trong hệ thống truyền đăng lúc này, đã có mặt của hàng cư sĩ Phật tử. Đặc biệt, dòng thiền đã phát triển ra hai chi lớn: Yên Tử và Thăng Long, chiếm một vị trí quan trọng chi phối toàn bộ Phật giáo lúc bấy giờ.
Dòng thiền Thảo Đường vào nước ta muộn hơn, nhưng lại có vị thế trong cung đình. Các thế hệ tiếp nối ngay từ buổi đầu đã có mặt của giới cư sĩ – vua quan. Đây là điều nổi bật so với hai dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông.
Về tư tưởng: cả 3 dòng thiền rất phong phú, đa dạng bao gồm cả Thiền – Mật – Luật, nhưng tư tưởng Thiền vẫn trội hơn. Riêng dòng Thảo Đường ít ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng, nhưng lại có tác động lớn đến dòng Vô Ngôn Thông, nhất là trong tư tưởng truyền đăng.
Các dòng thiền kể trên đã để lại một cơ sở khá vững chắc, đa dạng về văn hóa, mỹ thuật, phong tục thông qua hàng loạt hệ thống đền, đình miếu, văn bia…, tiêu biểu như An Nam tứ đại khí35.
Phật giáo Việt Nam trước khi thiền phái Trúc Lâm ra đời, cả 3 dòng thiền đều có ảnh hưởng lẫn nhau, không có trung tâm cố định, dòng thiền này có khi sang trụ trì chốn tổ dòng thiền kia.
Sau sự kiện vua Lý Cao Tông sa thải tăng sĩ năm 1198 thì Phật giáo có phần lắng xuống và đi vào chiều sâu.
Vào thế kỷ XII, dòng thiền Vô Ngôn Thông phát triển rất mạnh, chia thành 2 chi: Thăng Long và Yên Tử đã tạo thuận duyên lớn cho sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm sau này.

Dòng thiền Thảo Đường mất chỗ dựa khi triều lý sụp đổ. Dòng Tì Ni Đa Lưu Chi cũng bị phai mờ, chỉ có dòng Vô Ngôn Thông phát triển mạnh với 2 chi Thăng Long và Yên Tử. Chi Thăng Long đứng đầu là cư sĩ Thông Sư, trong thế hệ truyền đăng chi này không phân biệt giữa tăng sĩ và cư sĩ. Chi Yên Tử do thiền sư Thiện Quang khai sáng, chỉ chấp nhận người xuất gia mới được nối pháp.
Ngoài 3 dòng thiền chính với 2 chính kể trên, lúc đó còn 3 chi khác do thiền sư Vương Chí Nhàn, Hòa thượng Nhật Thiển và cư sĩ Thiên Phong đứng đầu. Bên cạnh đó còn chưa kể đến một số tăng sĩ nước ngoài cũng có mặt trong thời kỳ này.
Những nhân tố có tính quyết định, thúc đẩy sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm:
Trước khi dòng thiền Trúc Lâm ra đời, Phật giáo tuy phát triển với nhiều dòng phái khác nhau, nhưng không đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn lịch sử, cụ thể là tư tưởng Thiền Tông không phù hợp với quảng đại quần chúng, bên cạnh đó là sự phát triển quá tự do của các dòng phái không có một tổ chức thống nhất, đạo đức Phật giáo không được phát huy, tệ nạn mê tín dị đoan lan tràn ở khắp mọi nơi, nhất là vùng thông quê hẻo lánh, không có người đứng ra khuyên bảo.

Ảnh hưởng đến Trần Nhân Tông từ trong dòng tộc, không chỉ mộ Phật mà còn có trí xuất gia từ đời này sang đời khác, như ông nội Trần Thái Tông, thân phụ Trần Thánh Tông, bác Tuệ Trung… Sự hiện diện của các thiền sư, các vị cao tăng thạc đức, đặc biệt là khu rừng Yên Tử cũng đã ảnh hưởng đến cả triều đại thời Trần nói chung, Nhân Tông nói riêng ngay từ thuở nhỏ.
Bản thân là người có chí xuất gia thực sự, tự nguyện từ bỏ quyền lực, công danh, phú quý; sống cuộc đời tu sĩ khổ hạnh, vì giải thoát giác ngộ, vì lợi lạc muôn dân và thịnh trị của đất nước. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Chú thích:
1.Xem truyện Tấm Cám, truyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung, Các nữ thần là liệt nữ Việt Nam, Lý hoặc luận…
2.Ba dòng thiền chính truyền vào nước ta: năm 580 dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, năm 820 dòng Vô Ngôn Thông, 1069 dòng phái Thảo Đường.
3.Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, VKHXHVN, HN 1993; trang 330 (viết tắt Đại việt sử ký toàn thư)
4.Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, trang 14
5.Xem Thiền uyển tập anh và “Lược dẫn thiền phái đồ” đã in trước Trúc Lâm Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục in năm 1683.
6.Xem Thiền uyển tập anh: Hành trạng của các thế hệ dòng Vô Ngôn Thông, từ thiền sư Thường Chiếu đến Tuệ Trung Thượng Sĩ.
7.Xem Thiền uyển tập anh, NXBVH HN 1990, tr63 và Thượng Sĩ ngữ lục Tr 6A
8.Xem Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục tự Trần chư tổ Lâm Tế Tào Động, tr 11A.
9.Thượng sĩ ngữ lục, tr 5B.
10.Việt Quốc An Tử sơn Trúc Lâm chư tổ thánh đăng ngữ lục, in 1730.
11.Trai tăng: Bữa cơm trưa vào giờ Ngọ của các sư.
12.Việt Quốc An Tử sơn Trúc Lâm chư tổ thánh đăng ngữ lục, in 1730, tr 4A
13.Thập thiện là 10 điều thiện: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời ly dán, không nói lời độc ác, không nói lời tạp uế, không tham lam, không giận dữ, không tà kiến.
14.Việt Nam Phật giáo sử luận, tập I, NXBVH HN 1994, tr363.
15.Năm 1236.
1.6Đại Việt sử ký toàn thư TII, VKHXHVN, HN 1993, tr15.
17.Xem thêm Thiền Tông chỉ Nam tự của Trần Thái Tông.
18.Thiền học thời Trần, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam 1995.
19.Theo đạo Phật, Tính Thấy là một trong những lục thức là do lục căn tiếp xúc với lục trần mà tạo ra. Nhưng giữa những hiện tượng bên ngoài và nhận thức bên trong (con người) có sự khác nhau về bản chất. Tính Thấy thì không lay động còn những hiện tượng khách quan ta nhìn thấy thì luôn thay đổi. Xem Thủ lăng nghiêm
HT.TS.Thích Thanh Đạt (Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 4)