Sự hòa nhập Phật – Mẫu trong Phật giáo Bắc bộ

Từ khi du nhập vào Việt Nam, với triết lý nhập thế, khế lý khế cơ, Đạo Phật đã từng bước hòa nhập vào văn hóa Việt Nam một cách sâu rộng; đạo Phật đã trở thành một trong những bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam.

Trong tương quan đó, chính những yếu tố bản địa đã “khúc xạ” trở lại giúp Đạo Phật Việt Nam mang những đặc trưng tương đối so với Phật giáo ở một số quốc gia trong khu vực và vùng lãnh thổ khác. Chỉ xét riêng ở yếu tố nữ trong đời sống văn hóa Đạo Phật, chúng ta đã khẳng định được tính đặc trưng vừa thống nhất, vừa đa dạng mà Đạo Phật Việt Nam đã đóng góp vào kho tàng văn hóa Phật giáo thế giới. Là một quốc gia coi trọng tín ngưỡng thờ mẫu thần, Đạo Phật đã  từng bước hòa nhập, đưa tinh thần Từ bi – Hỷ xả vào các hình thức tín ngưỡng này. Và rồi, trong tâm thức của người Việt ở Bắc bộ, quan niệm “Tiền Phật – Hậu thánh”, “Phật – Mẫu” như “con đường” để chỉ dẫn quá trình định hình và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, nhiều hình thức tín ngưỡng bản địa của dân tộc nói chung đến ngày nay.

  1. Bối cảnh văn hóa

Việt Nam là quốc gia nằm ở cực đông bán đảo Đông Dương, gần trung tâm khu vực Đông Nam Á. Là một cộng đồng văn hoá khá rộng lớn, văn hoá Đông Sơn  được hình thành vào khoảng nửa đầu thiên niên kỉ thứ nhất trước Công nguyên, văn hóa Việt Nam đã có được những thuận lợi tương đối trong tiếp thu, giao lưu với các nền văn hóa trong khu vực. Với chủng gốc Nam Á và nền văn minh lúa nước gắn với những cộng đồng liên làng và siêu làng nên ngay từ thời xa xưa, người phụ nữ đã có vai trò, vị trí đặc biệt trong đời sống gia đình, cộng đồng, và trở thành hình tượng quan trọng trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam nhiều thế kỷ.

Dấu ấn cũng như hình tượng người phụ nữ có mặt ở hầu hết các phương diện của đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị của người Việt Nam từ trong lịch sử ngàn xưa. Từ truyền thuyết Mẹ Âu Cơ, Mẹ Thánh Gióng được định hình cụ thể thành Vương Mẫu, Quốc Mẫu, Thánh Mẫu… cho đến các dữ liệu chính sử ghi chép về những người phụ nữ xuất chúng trong lịch sử như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Nguyên Phi Ỷ Lan đều cho thấy sức ảnh hưởng của người phụ nữ đối với xã hội thật sự lớn lao. Họ không chỉ có vị trí quan trọng “đứng sau thành công” của chồng, của gia đình, thậm chí là đất nước, mà họ còn tạo ra lịch sử. Và, không khó lý giải tại sao trong hầu hết các phương diện của đời sống xã hội, người phụ nữ luôn có vị trí quan trọng như thế, cho dù cả thời kỳ dài nước ta lấy Nho giáo là hệ tư tưởng chủ lưu trong đời sống xã hội. Sự tôn vinh người phụ nữ không chỉ ở trong cuộc sống hằng ngày mà hình tượng ấy đã được thiêng hóa, đi vào đời sống tâm linh của người Việt Nam theo suốt chiều dài lịch sử.

Đạo Phật là một trong những tôn giáo du nhập vào Việt Nam ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Ngay từ những này đầu du nhập, Phật giáo đã biết hòa nhập triết lý của mình vào đời sống văn hóa bản địa, trong đó có việc mượn hình tượng người phụ nữ để gieo duyên lành Nhà Phật, vì thế, yếu tố nữ dường như có sự nổi trội. Có thể dẫn chứng cụ thể như trong tạo tác, chuyển đổi hình tượng Quan Âm Bồ Tát từ một hình tượng Quan Âm nam sang vị Nữ Quan Âm Bồ Tát vừa thánh thiện, nhân từ. Tương tự, ngay trong giai đoạn đầu Đạo Phật du nhập, hình tượng Phật hóa các vị thần – Tứ pháp ở vùng Dâu (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi)[1] và một số vùng khác ở Bắc bộ cũng là nhân vật nữ. Đáng chú ý là, trong tạo tác hầu hết các tượng Phật, người Việt đều “nữ hóa” chư vị Phật; các Ngài đều mang cốt cánh phúc hậu, thánh thiện và mềm mại hơn. Trong kiến trúc chùa, đặc biệt là các chạm khắc, hoa văn trên bệ đá, khắc gỗ chùa có nhiều chi tiết phản ánh yếu tố nữ.

Cùng với đó, trong đời sống tu tập của tu sĩ Đạo Phật miền Bắc nhiều thế kỷ qua cũng cho thấy người xuất gia là nữ giới khá đông; người xuất gia là nam cũng mang cốt cánh nhẹ nhàng, đi vào đời sống đạo bằng một sự thanh thoát hơn.Có thể nói, yếu tố nữ đã trở thành triết lý đặc thù tương đối trong đời sống đạo ở văn hóa Đạo Phật ở Bắc bộ. Triết lý này không ngừng được bồi đắp và phát triển về sau này, khi Đạo Phật đã Phật hóa, đưa các thánh nữ bản địa vào trong không gian tu tập là ngôi chùa.

Mặc dù từ thế kỷ thứ XV, Đạo giáo đã thâm nhập vào tín ngưỡng thờ Mẫu – Nữ thần, định hình, nâng cấp các hiện tượng thờ cúng này trở thành thờ Tam phủ rồi Tứ phủ như một loại hình Đạo giáo Việt Nam khi các vị nữ thần đều được nhìn nhận như những vị thần tiên thực thụ, song sự ảnh hưởng của Đạo Phật vẫn đậm nét, thể hiện rõ trong tư tưởng và thực hành triết lý “trước là Phật sau là Thánh”- thần thánh quy y Phật vẫn là một mô hình chủ đạo. Nói cách khác, Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo luôn có những hòa hợp, quan hệ chặt chẽ với nhau.

  1. Sự hòa nhập Phật – Mẫu trong Phật giáo ở Bắc bộ

Đạo Phật vào Việt Nam, với tinh thần Từ bi, Trí huệ, đã từng bước đi vào đời sống văn hóa cộng đồng, cứu nhân, độ thế, xây dựng xã hội thánh thiện, làm thiện, tránh ác và giàu lòng nhân ái. Đạo Phật đã rất coi trọng những yếu tố bản địa để đưa tinh thần của Phật vào đời sống của người dân bản địa. Một trong những dấu ấn đầu tiên khi Đạo Phật vào vùng Luy Lâu – Thuận Thành chính là việc Phật hóa các yếu tố nữ thần, nhiên thần bản địa, mà hiện tượng thờ Tứ pháp được định hình, lan tỏa và phổ biến ở Bắc bộ cho đến nay được coi như đỉnh cao của sự hòa nhập đó.

Quá trình chuyển hóa đi từ Phật Mẫu Man Nương đến Tứ pháp, rồi các loại hình thờ Mẫu, thờ Nữ thần sau này là những minh chứng sống động cho tinh thần nhập thế của Đạo Phật, khẳng định một tinh thần thống nhất trong đa dạng của Đạo Phật truyền thống và Đạo Phật ở Việt Nam.Từ một nhân vật dân gian Bà đã trở thành nhân vật kết nối giữa Đạo Phật với truyền thống văn hóa, tín ngưỡng bản địa của người Việt, thông qua đó, đưa tư tưởng, triết lý của đạo Phật vào đời sống văn hóa của người Việt Nam. Bà (cùng với Đạo Phật) sinh ra Tứ pháp. Tứ pháp là danh từ để chỉ các Phật nhưng lại là Phật – Bồ Tát vừa có chức năng đem lại sự bình an, may mắn, cho mùa màng được bội thu, mọi nhà được bình an, hạnh phúc. Như vậy, tuy cai quản các vấn đề tự nhiên, nhưng Tứ pháp lại khác với các Thần trong tín ngưỡng dân gian ở chỗ : nếu chư thần là cái gì đó thuộc vê tự nhiên có quyền năng ban phúc giáng họa thì Tứ Pháp, Bồ Tát là thể hiện của tâm đại Từ Bi, Trí tuệ . Như vậy, Tứ Pháp là quá trình Phật hóa từ hàng Bồ Tát thành các Vị cai quản các hiện tượng tự nhiên để nhân dân cầu mưa, cầu mát chứ không phải các thần tự nhiên thâm nhập vào Đạo Phật , tuy hình thức có điểm chung nhưng ý nghĩa lại khác xa nhau….

Cùng với Tứ pháp, trước và trong giai đoạn Nhà Lý, lịch sử cũng đã ghi nhận hiện tượng Phật hóa nữ thần. Đó là hiện tượng thờ nữ thần Phật ở chùa Bà Đá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ tượng của một nữ thần được phát hiện trong lòng đất dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) rồi được người dân thờ cúng cho đến khi trở thành tên của một ngôi chùa lớn. Sau đó, Chùa là nơi đến tu tập và gieo duyên bởi các vị sư trụ trì nổi tiếng như Thiền sư Khoan Giai, Thiền sư Giác Vượng, Hòa thượng Thích Tông Toàn, Thích Tâm Tịch…  Trong nhiều thế kỷ qua, Chùa Bà Đá (Linh Quang Tự) cũng đã trở thành một trong những danh thắng có giá trị không chỉ văn hóa, nghệ thuật mà còn bởi cả giá trị tư tưởng, tôn giáo mà hiện tượng Phật hóa nữ thần là một trong những giá trị tiêu biểu.

Bên cạnh những hòa nhập nữ thần – Phật, ở vùng phụ cận là khu vực Gia Lâm, ngay từ thời Nhà Lý, chúng ta còn ghi nhận hiện tượng đã tôn vinh, Phật hóa một nhân vật nữ xuất chúng trong lịch sử – Hoàng Thái Hậu – Phật, đó là Hoàng thái hậu Ỷ Lan. Bà được nhân dân tôn vinh và tiến hành thờ Bà như là “Quan Âm Bồ Tát” tái hiện, hoặc đồng hóa với “cô Tấm” trong truyện cổ tích, hoặc với “Phật mẫu Man Nương”. Hiện nay, ngoài Chùa Sủi, Chùa Bà Tấm thì Cụm di tích Đền Ghênh và Chùa Bà Tấm,  Đình Yên Thái (ở ngõ Tạm Thương, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) cũng thờ Bà. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần, “chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách Thiền uyển tập anh rất có giá trị sau này”[2].

Ngoài tinh thần Phật hóa các yếu tố bản địa, với vị trí của mình, Đạo Phật cũng đã có ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình định hình và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc bộ. Nói cách khác, trong hành trình gieo duyên lành, đạo Phật cũng đã có ảnh hưởng nhất định đối với quá trình định hình và phát triển nhiều loại hình tín ngưỡng bản địa khác, trong đó đáng chú ý là tín thờ Mẫu. Mặc thờ Mẫu có chịu ảnh hưởng của Đạo giáonhưng trải qua nhiều thế kỷ, Đạo Phật vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong quá trình thực hành tín ngưỡng. Cần nói thêm rằng, nếu như sự ảnh hưởng của Đạo giáo trong thờ Mẫu theo hướng ban tài, phát lộc thì Đạo Phật lại đi vào đời sống văn hóa thờ Mẫu theo hướng cứu nhân, độ thế thông qua xây dựng phương pháp thực hành đạo hạnh, khuyên con người sống lương thiện, làm điều lành, tránh điều ác. Đạo Phật không chủ trương thờ thần linh, nhưng với tinh thần vô ngã cùng với triết lý nhập thế, Đạo Phật đã sử dụng chính những phương tiện bản địa để gieo duyên, đưa tinh thần Đạo Phật vào đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, trong đó có văn hóa, tín ngưỡng thờ Mẫu.

Nhìn vào quá trình Phật giáo du nhập vào Việt Nam qua nghiên cứu vùng Dâu và một số địa phương khác cho thấy, sự kết hợp Mẫu – Phật, Phật – Mẫu không chỉ nâng tầm của việc thờ Mẫu nói chung, Phật giáo đã góp phần tạo nên đạo Phật Việt Nam có được sắc thái văn hóa độc đáo, nhưng thống nhất trong đa dạng. Đó là điều phù hợp với tâm thức và ước nguyện của nhân dân Việt Nam ở miền Bắc. Thông qua Phật – Mẫu, con người không chỉ được hướng về với Phật, hướng về cái thiện, tu nhân tích đức để hưởng phúc kiếp sau, còn đến với Mẫu – Mẹ với ước vọng Mẫu mang lại sức khỏe, may mắn và tài, lộc cho đời sống hiện tại.Tinh thần Phật – Mẫu hay Mẫu – Phật là sự thống nhất trong đa dạng của quá trình tiếp nhận Phật, Mẫu trong Phật giáo, đạo Mẫu và trong nhiều hình thức tín ngưỡng truyền thống khác ở Bắc bộ. Ngoài hiện tượng Phật hóa các yếu tố Mẫu, Phật – Mẫu trong đạo Phật ở vùng Dâu và các địa phương phụ cận, tín ngưỡng thờ Đinh Triều Quốc Mẫu cũng khẳng định vai trò và sức ảnh hưởng của Đạo Phật đối với quá trình định hình và thực hành thờ Quốc Mẫu ở một số tỉnh khác,như Ninh BìnhNam ĐịnhThái BìnhHà NộiBắc Ninh và được các triều vua sau này sắc phong là Đinh Triều Quốc Mẫu. Đinh Triều Quốc Mẫu bắt nguồn từ vị Mẫu được ghi chép trong chính sử[3]. Trong những ngồi chùa, đền thờ Đinh Triều Quốc Mẫu hiện nay đều thờ Chư vị Phật, đặc biệt là Phật bà Quan Âm ở những vị trí quan trọng của đền, điện thờ. Điều đó cho thấy, dù là Mẫu thần bản địa hay được địa phương thờ cúng, tôn vinh thì trong những cơ sở thờ tự đó đều thể hiện rõ yếu tố đạo Phật. Đến thế kỷ XVI, XVII, trong dân gian truyền rằng, chính Mẫu Liễu Hạnh – nhân thần quan trọng nhất trong Tam Tòa thánh mẫu, đã từng quy y Phật. Bà giác ngộ đạo Phật từ khá sớm, ngay trong những lần giáng trần đầu tiên. Theo truyền thuyết, trong lần giáng sinh thứ nhất, khi ấy Bà được 36 tuổi, đã có công xây một ngôi chùa gọi là chùa Kiêm Thoa. Lần giáng sinh thứ hai, năm Bà được 38 tuổi, đã phát tâm tu sửa những ngôi chùa như: Sơn Trường – Ý Yên, Nam Định, chùa Long Sơn – Duy Tiên, Hà Nam, chùa Thiện Thành ở Đồn Xá – Bình Lục, Hà Nam[4].Sau lần giáng sinh thứ ba, Mẫu đã chính thức quy y nhà Phật sau trận chiến đèo Ngang phố Cát[5].

Cần nói thêm rằng, từ nửa sau thế kỷ XV, khi Nho giáo được xem như tôn giáo chủ lưu, các triều đại sau đó lấy Nho giáo là hệ tư tưởng chính để thực hiện chuyên chế quân chủ phong kiến, Phật giáo từ chốn cung đình đã phát triển mạnh mẽ hơn ở các làng xã miền Bắc. Những giai đoạn phát triển mạnh mẽ ở vùng nông thông, Phật giáo tiếp tục có sự hòa hợp chặt chẽ với Nho giáo thông qua thiết chế văn hóa Đình – Chùa (bên cạnh phủ, các đền của đạo Mẫu) trong khuôn viên linh thiêng chung được đặt ở hầu hết các trung tâm văn hóa các làng xã. Những nhà sư trụ trì chùa đồng thời thực hiện công việc đại diện dân làng chăm lo, xây dựng đình, phủ, đền của làng; và ngược lại, những làng không có sư trụ trì thì ông Từ (cụ ông được cử trông nom đình làng) sẽ là người đại diện thực hiện những công việc tương tự. Đáng chú ý là, việc đưa và vị thần của Đạo giáo, Nho giáo như Ngọc hoàng – Thượng đế, Nam tào, Bắc đẩu…vào thờ trong Chùa nhiều thế kỷ qua đã khẳng định Phật giáo luôn chủ động trong việc hòa hợp giữa Nho giáo, Đạo giáo và nhiều hình thức tín ngưỡng bản địa khác. Như vậy, cùng với quan điểm giáo dục trên cơ sở triết lý “Tam cương Ngũ thường” của Nho giáo với tư tưởng “Tam quy Ngũ giới” trong Phật giáo, tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” thực sự có vị trí và vai trò quan trọng trong xây dựng nền đạo đức cho văn hóa, xã hội Việt Nam qua nhiều thế kỷ.

Có thể nói, trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc hiện nay, hiện tượng “Tiền Phật – Hậu thánh”, “Phật – Mẫu” và Phật thánh hài hòa đã trở thành hiện tượng phổ biến trong đời sống Phật giáo ở hầu hết các làng xã tại vùng Bắc bộ. Đây là một hệ giá trị mở, còn giữ nguyên giá trị truyền thống. Và trong tâm thức của người Việt ở Bắc bộ nhiều thế kỷ qua và cho đến tận ngày nay, triết lý “Tiền Phật – Hậu thánh” luôn là một nguyên tắc trong lập điện thờ công (trong các cơ sở thờ tự của cộng đồng làng xã) và điện thờ tư gia. Phần lớn các điện thờ, khi trình bày các lớp tượng thì bao giờ cũng theo nguyên tắc: lớp tượng trên cùng luôn là Bồ Tát Quan âm, sau rồi mới đến các lớp tượng khác, như Tam tòa thánh mẫu, Ngọc hoàng thượng đế, Nam Tào, Bắc Đẩu…

Như vậy, trong tâm thức của người Việt từ xa xưa, tục thờ Mẫu có những ảnh hưởng không nhỏ từ Đạo Phật. Phải chăng, tục thờ Mẫu sau này đã có một lịch sử định hình và phát triển từ Đạo Phật khi Phật hóa các yếu tố nhân thần, nhiên thần là nữ trong lịch sử?  Đáng chú ý là, với nhận thức vai trò của người phụ nữ trong xã hội nông nghiệp, với sự phát triển của xã hội truyền thống, nên khi du nhập vào nước ta giai đoạn đầu, Đạo Phật đã lấy hình tượng người phụ nữ để phát triển. Trong những nữ thần được Phật hóa, ngoài Phật Mẫu Man Nương và các con là Tứ pháp như Bà Dâu, Bà Tướng, Bà Đậu, Bà Dàn còn có những người phụ nữa khác có liên quan trực tiếp tới các “Bà” như Bà Keo, Bà Trắng, Bà Đỏ – là những người phụ nữ kết nghĩa với Tứ pháp và cũng đã được Phật hóa. Đặc biệt, Thờ Phật nữ Tứ pháp phổ biến ở miền Bắc nhiều thế kỷ qua, ảnh hưởng nhất ở Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Tây (nay là Hà Nội) và Hà Nam. Ở những địa phương này, các “Bà” lại một lần nữa lại bản địa hóa với các tên gắn với địa phương, như Bà Nành (Pháp Vân) ở Ninh Hiệp; Bà Đanh (Pháp Vũ), Bà Bầu (Pháp Điện), ở Hà Nam.

Ngày nay chúng ta thấy Đạo Mẫu và Đạo Phật luôn có những gắn bó khăng khít, đồng hành với nhau, trong chùa có thờ Mẫu và trong điện thờ Tứ Phủ thì ở đó có thờ Phật. Sau nhiền thế kỷ tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được hình thành và phát triển , Đạo Phật luôn có những vị trí, ảnh hưởng nhất định. Từ khoảng thế kỷ XV trở đi, hình thức thờ mẫu Tam phủTứ phủ được định hình và phát triển mạnh, đây cũng là thời kỳ xuất hiện các nhân vật như Thánh Mẫu Liễu HạnhMẫu Thượng NgànMẫu ThoảiCô Đôi Thượng Ngàn… với các nghi thức ảnh hưởng từ Đạo giáo. Tuy nhiên, vai trò và vị trí của Đạo Phật vẫn có những ảnh hưởng nhất định.

  1. Thay lời kết

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam, ngay từ những ngày đầu, đã hòa nhập vào đời sống văn hóa bản địa một cách toàn diện, lựa chọn những yếu tố truyền thống bản địa của người Việt để gieo duyên lành, đưa tư tưởng đạo Phật vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân một cách sâu đậm. Không chỉ thực hiện hòa nhập tín ngưỡng bản địa, lấy tinh thần cốt yếu của Đạo Phật để chuyên chở tinh thần của mình trong đó mà còn chủ động thực hiện hòa nhập với tôn giáo khác như Nho giáo, Đạo giáo. Đặc biệt ở tín ngưỡng thờ Mẫu của người ở Bắc bộ, sau nhiều thế kỷ định hình và phát triển, dù có những ảnh hưởng từ những tín ngưỡng khác, song Đạo Phật luôn chiếm vị trí chủ lưu trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt ở Bắc Bộ. Nói cách khác, trong hầu hết các làng xã ở Bắc bộ đều coi ngôi chùa luôn là trung tâm tâm linh, tín ngưỡng, ở đó, ngoài thờ cúng các vị thần khác thì vấn đề thờ Chư vị Phật là tâm điểm. Với tinh thần “Tam giáo đồng nguyên”, Phật giáo đã cùng với Nho giáo, Đạo giáo và nhiều hình thức tín ngưỡng bản địa khác đã có những yếu tố hòa nhập, tạo dựng một bản sắc văn hóa Phật giáo nói riêng, nền văn hóa Việt Nam nói chung mang đậm sắc thái văn hóa truyền thống của người Việt. Tuy vậy, dường như chính trong tâm thức dân gian đã chủ động hòa nhập, để các thần linh được thống nhất quy y Phật, quan niệm “Tiền Phật – Hậu thánh” là mô-típ phổ quát trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng truyền thống ở Bắc bộ. Chư vị Phật được coi như là trung tâm, bao trùm trong đời sống văn hóa Đạo Phật. Quan hệ Phật – Mẫu là mối quan hệ gắn bó khăng khít với nhau nhưng trên hết, Chư vị Phật vẫn là trung tâm, là vế chính của mối quan hệ đó.

                                                                                                             Đại đức Thích Thanh Phương

Tài liệu tham khảo:

 

  1. Nguyễn Đổng Chi (1957), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Tập 4, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  2. Bảo Nhân (2006) “Quan Âm Thị Kính cách nghĩ của người Việt về phụ nữ Việt về phụ nữ”, Tạp chí Nghiên cứu Hán Nôm, số 5, Hà Nội.
  3. Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam, Tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
  4. Nguyễn Khắc Thuần (2003), Việt sử giai thoại, Tập 1,2, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

 

[1] Phật hóa bốn vị thần trong tự nhiên: Mây, Mưa, Sấm, Chớp, theo quan niệm của dân gian.

[2]Nguyễn Khắc Thuần (2003),Việt sử giai thoại, Tập 1,2, Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

[3]Bà có tên gọi theo chính sử là Đàm Thị, tên húy theo dã sử là Đàm Thị Thiềm, là mẹ của Vua Đinh Tiên Hoàngtrong lịch sử Việt Nam. Ngài là vợ quan thứ sử Hoan Châu – Đinh Công Trứ dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền trị vì. Khi chồng mất, Bà đưa con nhỏ Đinh Bộ Lĩnh và đám gia nhân trở về quê hương sinh sống, sau này con bà giành thắng lợi trong việc đánh dẹp loạn 12 sứ quân để lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều đại Nhà Đinh và nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam.

[4] Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam, Tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

[5]Trận đánh diễn ra ba ngày đêm, Đèo Ngang trở thành một bãi chiến trường rùng rợn và vô cùng ác liệt. Mọi phép thuật của cả hai bên lần lượt giở ra mà vẫn bất phân thắng bại. Về sau, tám vị Kim Cang biết mình bất lực bèn bay lên Trời khẩn cầu Phật Bà. Phật Bà ném cho họ một cái túi, quả nhiên Liễu Hạnh sa lưới, lọt vào túi đó. Tám vị Kim Cang mang túi về kinh báo tiệp, vua lập tức ra sân điện tra hỏi.

Bình luận
Tin cùng chuyên mục