Sự phân phái của Phật giáo thời kỳ đầu (p2)

HT.TS. THÍCH THANH QUYẾT

Phần 1: https://khuongviet.com.vn/nghien-cuu/su-phan-phai-cua-phat-giao-thoi-ky-dau-triet-hoc-bo-phai-p1-7343/00/

II. SỰ CHIA RẼ CỦA TĂNG ĐOÀN VÀ KINH ĐIỂN ĐƯỢC KẾT TẬP

Ngay từ thời đức Phật còn tại thế, nội bộ Phật giáo đã có sự chia rẽ. Truyền rằng, em họ của Phật là Đề Bà Đạt Đa (Điều Đạt, Devadatta), (nghĩa là “thiên thụ”) theo Phật xuất gia, thông hiển Kinh điển, thân cao một trượng sáu, đủ 30 tướng tốt, trí tuệ và dị tướng chỉ kém Phật Đà một chút, ông ta công nhiên đưa ra học thuyết lạ, chia rẽ tổ chức Tăng đoàn. Thuyết lạ của ông ta có 5 nội dung, 1/ hạt nhân là “Tỷ kheo suốt đời trụ nơi a lan nhã” 1 hành “phép tu đầu đà” 2. Căn cứ vào đó 2/ Tăng chúng chỉ có thể mang bát khất thực, không được vào nhà thí chủ ăn cơm hoặc tự làm cơm; 3/ Chỉ được ở ngoài trời, không được ở phòng xá; 4/ Chỉ được ăn chay, không được ăn thịt động vật; 5/ Chỉ được mặc quần áo vá, không được nhận quần áo của thí chủ cúng dàng. Phật Đà đối với cách nói phân biệt đó cho rằng: ở a-lan-nhã hay ở trong khu dân cư, có thể theo tâm mình muốn, đối với Đạo không bị chướng ngại ăn thịt hay ăn chay không quan trọng, chỉ cần không vì Tỷ kheo mà giết thì vẫn được ăn; cách nói của Đề Bà Đạt Đa là hành vi “phá hoà hợp Tăng” ắt đọa địa ngục. Thế là, Điều Đạt liền đem 500 Tỷ kheo lập riêng Tăng đoàn, chống Phật Đà.

Mức độ chân thực của chuyện này có thể phải xem xét. Nhưng giáo nghĩa ngũ pháp của Điều Đạt là nguyên bản của “12 hạnh đầu đà” về sau. Điều này là khẳng định. Khi Pháp Hiển (337 – 422) đời Tấn, tây du thành Xá Vệ nước Câu Tát La (Kosala), vẫn còn gặp người theo cách tu của Đề Bà Đạt Đa. Họ nói “Điều Đạt vẫn còn Tăng chúng lhi sinh hoạt luôn cúng dàng 3 đức Phật thời quá khứ, chỉ không cúng dàng Phật Thích Ca”. Trong Đại Đường tây vực ký, Huyền Trang ghi, lúc ở nước Kiệt Nỗ Tô Phạt Thứ Na (?): “Riêng có 3 già lan, không ăn bơ sữa, theo di huấn của Đề Bà Đạt Đa”.

Các câu chuyện liên quan đến bản thân Điều Đạt, ý kiến bất đồng giữa Tăng chúng với nhau ngày càng nghiêm trọng, do vậy cần phải thống nhất tư tưởng. Đến đời vua Ashoka, Phật giáo trải qua 3 lần kết tập Kinh điển. Kết tập nghĩa là hội họp tuyên tụng Kinh điển, thống nhất Kinh – Luật – Luận, để giữ gìn sự đoàn kết, loại trừ những bất đồng. Sự giáo giới trọn đời của Phật Đà, vốn không được ghi chép bằng văn tự. Những gì là tư tưởng của bản thân Phật Đà, trực tiếp từ kim khẩu thuật ra không thể khảo chứng. Trong số đệ tử của Phật Đà, những người tai nghe, miệng truyền cho nhau, có trí nhớ thuộc lòng chiếm con số rất đáng kể. Trong đó không tránh khỏi việc tự sáng tác của các học giả đời sau. Tập hợp lại tất cả những giáo giới của Phật Đà đang lưu truyền, qua cuộc họp lớn của Tỷ Kheo các vùng cùng nhau hiệp thương thảo luận, cuối cùng hình thành Kinh điển được mọi người nhất trí công nhận.

Chi tiết liên quan đến kết tập, cách nói của Nam truyền và Bắc truyền có khác nhau một chút. Căn cứ vào Thiện kiến luật Tỳ Bà Sa (Mahavibhāsā-sàstra) – Tài liệu của Nam truyền Phật giáo thì lần kết tập đầu tiên là vào mùa mưa của năm thứ nhất sau khi Phật nhập diệt, do Đại Ca Diếp (Mahakassapa), đệ tử của Phật triệu tập chủ trì, 500 vị Tỷ Kheo tham gia, cử hành tại hang Thất Diệp (Sapta-parịa-guhà) thành Vương Xá (Rajagaha), vua A Xà Thế (Ajatasattu) cung cấp tất cả phí dụng. Lần kết tập này trải qua 7 tháng, A Nan (Ananda) nhận mệnh tụng ra các Kinh (“Tu đa la” hoặc “Pháp tạng”); Ưu Ba Li (Upāli) tụng phần giới Luật. Kết cấu cơ bản của “Luật” bao gồm điều khoản, tính chất và duyên khởi chế luật của Giới luật, tất cả đều đã hình thành. “Kinh” lấy hình thức của A-hàm, chia làm 5 loại, về cơ bản đã ổn định. Nhưng các Kinh, Luật mà hội nghị tụng lần này không được ghi chép bằng văn tự.

Kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất

Khoảng hơn 100 năm sau Phật Đà nhập diệt, Ngài Da Xá (Yasa-kakandakaputta) triệu tập 700 vị Tăng tại thành Phệ Xá Ly (Vaisali), để cử hành kết tập lần thứ 2, một lần nữa thống nhất Kinh luật, trọng tâm thảo luận giới luật. Theo Nam truyền Thượng Tọa Bộ: Kết quả của kết tập là Chư tăng Tây phương thành Maurya (Khổng Tước) do Na Xá đứng đầu đã xác định “Thập phi Pháp sự’, tuyên bố người tiếp nhận vàng bạc cúng dàng, tích trữ nhiều thực phẩm, trái với luật cũ là phi pháp; Các Tỷ Kheo nước Bạt Kỳ (Vajjī) ở phương Đông thì ngược lại, chủ trương tiếp nhận tiền tài của thí chủ, để tiện cho Tăng chúng mua sắm y vật. Những người ủng hộ Na Xá tuy số ít, nhưng họ đều là những vị “Thượng tọa” có địa vị cao, cho nên cưỡng ép thông qua “Thập phi pháp sự’. Tỷ Kheo ở Bạt Kỳ thuộc phái đa số, phản đối quyết nghị này, chủ trương tổ chức cuộc kết tập khác, số người lên tới trên một vạn, thừa nhận mười việc đều là hợp pháp. Phật giáo thời kỳ đầu từ đó bắt đầu phân chia làm hai bộ: Thượng Tọa Bộ (Trưởng Lão) và Đại chúng Bộ (Đa số).

Theo Hán dịch Ma ha Tăng Kỳ luật (Đại chúng luật) ghi chép, lần kết tập này không phải là thảo luận “Thập phi pháp sự”, mà là “Ngũ tịnh pháp sự”. Khi đức Phật kết giới, một mặt theo nguyên tắc “Thiểu dục tri túc”, nghiêm cấm “Tà mệnh” khất thực tích giữ tiền tài. Nhưng trong điều kiện đặc thù, không những cho phép Tăng chúng tiếp nhận kim ngân tài vật, thậm chí còn có thể vào chợ buôn bán kiếm lời. Phải chăng việc cho phép Tăng chúng tích trữ thực phẩm dư thừa và tài vật, đó là sự tiếp tục bất đồng giữa tư tưởng Phật Đà và Đề Bạt Đạt Đa, là nguyên nhân nội tại kìm hãm phương hướng phát triển của Phật giáo, là nguyên nhân căn bản của sự phân phái phật giáo. Ngoài ra, học giả của thuyết Nhất thiết Hữu bộ viết Dị bộ Tông luân luận, cho rằng phân phái lần này của Phật giáo là từ “Đại thiên ngũ sự”. Đại Thiên cho rằng A La Hán vẫn còn bản năng dục vọng của sinh lý, không hoàn toàn tin làm đối với Phật, làm sao đắc Đạo? Còn phải cần sự chỉ giáo của Sư trưởng…. Mục đích là hạ thấp thanh danh quả vị cao nhất của Phật giáo thời kỳ đầu, đề cao địa vị của Phật và Bồ tát. Phái của Đại Thiên tạo thành “Đại chúng bộ” (Mahāsāṃghika). Phái phản đối Đại Thiên là “Thượng tọa Bộ” (Sthaviravāda). Thuyết này khó có thể biện biệt được chân hay giả. Nhưng cách khen chê này, đã phản ánh sự bất đồng sớm nhất giữa Đại thừa và Tiểu thừa Phật giáo.

Lịch sử Phật giáo Nam truyền còn ghi chép, đến thời vua A Dục, còn cử hành lần kết tập thứ 3, địa điểm tại thành Hoa Thị (Pàtaliputta), do quốc sư Mục-kiền-liên-tử-đế-tu (Moggaliputta-tissa) đứng đầu, có một nghìn Tỷ Kheo tham gia. Lúc đó vua A Dục đã xác định nguyên tắc “Tứ sự”: dùng thuốc thang, đồ ăn uống, y phục, đồ nằm để cúng dàng Tỷ kheo, ra sức ủng hộ sự phát triển của Phật giáo. Mục đích của kết tập chính là để đoạn trừ các loại giáo nghĩa của ngoại đạo đã pha trộn vào Phật pháp, chỉnh lý Tam Tạng một lần nữa: Kinh – Luật – Luận. Truyền rằng bộ Luận sự chính là do Mục-kiền-liên-tử-đế-tu sáng tác trong lần kết tập này. Đối với lần kết tập này, Phật giáo Bắc truyền không ghi chép, thường cho rằng đây chỉ là lần kết tập của Thượng Tọa Bộ. Qua Thiện kiến luật Tỳ bà sa thấy lần kết tập này có rất nhiều nội dung quan trọng, như các bậc quốc vương phải cúng dàng Phật pháp một cách mạnh mẽ; trong Phật giáo có nhiều vị thuộc đẳng cấp sát-đế-lỵ (kshastriya, quí tộc) xuất gia, đó là tiêu chí cho sự hưng long Phật pháp; bất luận là người giàu hay người nghèo, khi sinh con phải cho xuất gia mới được vào trong Phật pháp. Một số nội dung này chính là đặc sắc của Phật giáo Nam truyền.

Theo những thông tin của 3 lần kết tập, cho dù trong văn hiến Phật giáo ghi chép không hoàn toàn giống nhau, nhưng rõ ràng là kinh tiển Tiểu thừa phật giáo không phải là sản phẩm của một cá nhân hay tổ chức nào mà là kết quả của quá trình phát triển, kế thừa tư tưởng của nhiều thế hệ tăng chúng, qua các kì kết tập.

Trên thực tế, phải chăng Kinh điển đã hình thành sự thống nhất – Điều này đáng nghi ngờ. Pháp tạng của thời kỳ đầu cho đến nay, tức A Hàm Kinh thể hiện không phải một phái đồng nhất. Còn như Luật Tạng cũng là các phái tự chế. Luận Tạng chính là loại thể tài thời gian xuất hiện muộn hơn một chút. Sự khác biệt trên giáo nghĩa của các phái chủ yếu được thể hiện ở bộ phận này.

Mặc dù như vậy, quá trình kết tập vẫn cứ phác họa ra xu thế lớn cho sự phát triển Phật giáo thời kỳ đầu: Đa số Tăng chúng yêu cầu hoạt động ở nơi dân chúng sinh sống, số ít giữ phương châm “Viễn ly thế gian”. Đa số Tăng chúng tín phụng giáo nghĩa gồm cả thành phần “ngoại đạo”, tính quần chúng càng thêm rộng rãi, còn số ít các bậc Thượng Tọa thích tiếp cận, gần gũi với các bậc đế vương, nhằm phát huy vai trò trong chính trị xã hội hiện thực.

Chú thích:

  1. A-lan-nhã: núi rừng, đồng hoang
  2. Đầu đà hạnh, một phương pháp tu khổ hạnh của Phật giáo.

(còn tiếp)

(Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 1)

Chú thích ảnh đại diện: Bồ Đề Đạo tràng, Ấn Độ

Bình luận
Tin cùng chuyên mục