Sự phân phái của Phật giáo thời kỳ đầu (P8)
3. Tư tưởng chủ yếu của thuyết Nhất thiết Hữu bộ
Thực tế của thuyết Nhất thuyết Hữu bộ được phân ra từ Hóa đại bộ thuộc Thượng Tọa Bộ. Cho nên những tư tưởng chủ yếu của thuyết này đều không giống với Hóa địa bộ thậm chí còn có nhiều đối lập. Dị bộ Tông luân luận đã liệt kê được hơn 50 điểm khác nhau và đã được Thành thực luận khái quát thành 10 vấn đề. Trong đó có một số vấn đề liên quan đến lý luận bên trong, có một số dường như chỉ là sự trình bày khác nhau mà thôi.
Trong ý kiến đối lập, đáng chú ý là vấn đề tâm tính tịnh hay bất tịnh. Vấn đề chiền, tùy miên của phiền não phải chăng là tương ứng với tâm.
Hữu bộ không chủ trương “tâm tính bản tịnh” đối với “tùy miên” và “chiền” cũng không giống như thượng tọa bộ dùng “Hiện hành” và “Tập khí” để phân biệt. Cho rằng cả hai đều là phiền não, chỉ là do biểu hiện khác nhau mà có tên gọi khác là “chiền” hay “tùy miên”. Theo sự giải thích của họ, “tùy miên” là chuyển theo Hữu tình, mà còn là theo một cách mật thiết không thể phân khai được, có nghĩa là “Tùy phọc”. Lại không có sự phân chia ra “Tập khí” và “Hiện hành”. Họ còn chỉ ra có 7 thứ có tính căn bản phiền não gọi là “thất tùy miên” tức dục tham, mạn, vô minh, sân, hữu tham, kiến, nghi. Tùy miên đã là phiền não, thường có, cho nên tương ứng với tâm cũng là một loại tâm sở. Đây chứng tỏ tâm là “tạp nhiễm” mà không phải là “bản tịnh”. Tâm tính đã không phải là “bản tịnh” thì làm thế nào đạt được giải thoát? Vốn dĩ họ chia tâm làm 2 loại “tạp nhiễm tâm” và “ly nhiễm tâm”, gạt trừ “tạp nhiễm tâm”, thực hiện “ly nhiễm tâm” là đạt được giải thoát.
Ngoài ra, hai phái cũng có một số lý luận mang tính chung, ví dụ Thuyết nhất thiết Hữu bộ cuối cùng quy Nhất thiết pháp thành hai loại lớn “Danh” và “Sắc”. “Danh” là 4 uẩn trong Ngũ uẩn, trừ Sắc uẩn. Tức tương đương với bộ phận “tâm” mà Thượng Tọa bộ giảng. Đối với quan hệ giữa “Danh” và “Sắc”, cũng giống như Thượng Tọa coi bộ “Danh”(tâm) làm điểm xuất phát, như nói sắc là cái bị thấy, danh là cái bị nghe.… Tiếp đó, khi giảng đến pháp hữu vi, Hữu bộ và Thượng Tọa bộ đều cho là sát na diệt, cho rằng các pháp Hữu vi đều là sát na sinh diệt.

Sự phân tích đối với Nhất Thiết pháp của Hữu bộ là có sự phát triển, nhưng không phải là sự phát triển theo phương diện phân tích tỉ mỉ, mà tổng hợp cách nói rải rác ở trong các loại kinh điển và hệ thống hóa lên. Công việc này Thế Hữu đã hoàn thành một cách hoàn toàn xuất sắc, có thể trở thành đại biểu của Hữu bộ. Trong Phẩm loại túc luận Thế Hữu đã quy mọi cách nói của Phật làm “ngũ sự” (“sự” là chỉ loại pháp). Phẩm thứ nhất của luận này là Ngũ sự phẩm, là một chương có tính độc lập:
(1) Sắc pháp
(2) Tâm pháp
(3) Tâm sở hữu pháp (tức Tương ứng hành pháp)
(4) Tâm bất tương ứng hành
(5) Vô vi pháp
Trong mỗi loại pháp, Thế Hữu lại liệt cử ra thành những pháp cơ bản, có tự tính riêng (tức đơn vị cơ bản). Cách bao quát các pháp cơ bản, có tự tính riêng (tức đơn vị cơ bản). Cách bao quát các pháp cơ bản trong 5 loại lớn này có thể cấu thành pháp phức hợp khác, ví dụ:
(1) Sắc pháp có 4 đại chủng (địa, thủy, hỏa, phong) và sắc do 4 đại chủng tọa nên (nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc và vô biểu sắc). Tổng cộng 15 loại.
(2) 6 loại tâm pháp, tức lục thức
(3) Tâm sở pháp, bỏ những cái trùng lặp đi, có thể quy làm 27 loại.
(4) Bất tương ứng hành pháp có 16 loại
(5) Vô vi pháp có 3 loại. Tổng cộng có 67 loại. “Ngũ sự lục thập thất” pháp này, người sau có sự thêm thắt vào những quy mô vẫn đã được định ở vào thời kỳ này (sẽ được giải thích kỹ phần trước Triết học Phật giáo Tiểu thừa).
Sở dĩ gọi là “Thuyết Nhất thiết Hữu” là nói 5 loại 67 pháp này là có tự tính của nó, mà còn tiến thêm một nức nữa. Các pháp này là đối đãi với nhau, nương tựa vào nhau, lấy hình thức duyên khởi để tồn tại. Cũng chính là nói ở vào trong mối liên hệ nhân quả, thay nhau làm nhân quả cho nhau. Như pháp A làm nhân cho Pháp B, pháp A lấy tính chất nhân để xuất hiện, loại nhân này là thực tại; Như pháp A làm quả cho pháp B, pháp A lấy tính chất quả để xuất hiện, loại quả này cũng là thực tại. Tóm lại, Hữu bộ không chỉ cho rằng mọi pháp là thực tại mà nhân quả cũng thực tại. Cho nên hữu bộ còn có một cái tên khac “thuyết nhân bộ”. Đây là tiêu chí làm nỗi rõ đặc điểm của nó. Các bộ phái khác cũng nói “nhân”, nhưng xác định tính thực tại của Nhân, đối với nhân tiến hành phân tích kỹ thì chỉ có Hữu bộ mới có đặc sắc này.
Pháp tụ luận của Nam phương giảng 2 duyên, Xá Lơi Phất Tỳ đàm của Bắc Phương giảng 10 duyên, đều rất rườm rà, không rõ rang. Hữu bộ đã tiến hành giản hóa nó, nay chỉ liệt cử 4 loại đầu của hai loại luận Nam phương và Bắc phương: Nhân duyên, Đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, Tăng thượng duyên. Trong 4 “nhân duyên”. “Nhân duyên” là có tác dụng chủ chốt trong đó, có thể gọi là nhân trong nhân. Họ phân tích một cách tỷ mỉ đối với nhân duyên, tính cả những nhân khác làm duyên, cấu thành thuyết “lục nhân”: Tương ưng nhân, Câu hữu nhân, Đồng loại nhân, Biến thành nhân, Dị thục nhân, Năng tác nhân. Sau này đây chúng ta tiến hành phân tích qua “tứ duyên lục nhân” của Hữu bộ.
a. Tứ duyên
(1) Nhân duyên
Phật giáo thông thường phân chia nhân và duyên. Nếu nói từ góc độ kết quả được sinh ra thì những điều kiện gần trực tiếp sinh là nhân, những điều kiện xa có tính chất trợ duyên là Duyên. Nhân duyên, mà ở đây giảng là nói nhân tức nói duyên, gọi là nhân duyên. Nhân duyên chính là cái nhân có tác dụng chủ yếu. Ví dụ như đồ tre lấy tre làm điều kiện chủ yếu. Tre chính là nhân duyên của đồ tre. Các học giả của hữu bộ cho rằng nhân duyên chính là nhân trực tiếp sản sinh quả, bao gồm ngũ nhân (câu hữu nhân, tương ưng nhân, đồng loại nhân, biến hành nhân, dị thục nhân) trong Lục nhân trừ Năng tác nhân sẽ luận thuật ở sau. Cũng chính là nói ngũ nhân đều gọi là nhân duyên. Về sau Đại thừa Phật giáo nhấn mạnh một cách thiên lệch rằng là nhân duyên gần gũi nhất, chủ yếu nhất, không thể thiếu được trong các nhân duyên sản sinh ra kết quả. Ví dụ như, Du già hành phái coi chủng tử thức thứ 8 làm “thân nhân duyên” của mọi sự vật, tức là nguyên nhân chân thực.

(2) Đẳng vô gián duyên còn gọi là “Thứ đệ duyên”.
Loại duyên này chỉ được tồn tại trong hiện tượng tinh thần, là niệm trước được sinh ra cho niệm sau, tức là điều kiện hình thành hoạt động nhận thức. Khi niệm trước đã diệt, vì sự sản sinh của niệm sau, tức là điều kiện hình thành hoạt động nhận thức. Khi niệm trước đã diệt, vì sự sản sinh của niệm sau mà nhường chỗ, mở đường khiến cho niệm sau được sinh ra. Cho niệm trước là duyên của niệm sau. Phật giáo cho rằng sự mở rộng của tư duy chủ quan, các loại trước sau là liên quan tới nhau. Tư duy của hành trước đã quy định một cách đại thể chủng loại của tư duy sinh sau. Cái trước đồng đẳng với cái sau, gọi là “Đẳng”. Nếu như khoảng giữa tư duy trước và tư duy sau không có bất kỳ một chướng ngại khác, thế là cái trước dẫn cái sau liên tục không ngừng, gọi là “vô gián”. Như vậy, Tiền niệm tâm trực tiếp sinh duyên cho hậu niệm tâm, gọi là “Đằng vô gián duyên”. Lại nữa, Tiền niệm tâm dẫn dắt, sản sinh Hậu niệm tâm, cho nên gọi là “Thứ đệ duyên”.
(3) Sở duyên duyên cũng gọi là “Duyên duyên”.
Chỉ cảnh giới của Tâm và Tâm sở phan duyên với nhau, tức là đối tượng của nhận thức. Phật giáo cho rằng: Tâm là năng duyên, duyên của Năng duyên là duyên lự, tư lự; Ngoại cảnh là Sở duyên. Vì có Sở duyên mới dẫn tới Năng duyên. Tâm biết tư lự phải dựa vào ngoại cảnh mới có thể sản sinh ra tư lự. Như xem hoa thích cả mùi thơm của hoa. Ngắm trăng thì khen ngợi sự thanh khiết, trong sáng của trăng. Chính là nói, sự vật khách quan bên ngoài đối với tâm thức chủ quan vừa có khả năng khiến nó sinh ra tác dụng tư lự, lại có khả năng hạn chế phạm vi tư lự của nó. Có thể nói bản thân sự khách quan ngoại giới vừa là sở duyên, đồng thời lại là một thứ duyên, tức là làm duyên cho chỗ tâm sinh ra, cho nên gọi là “Sở duyên duyên”. Ở đây nhấn mạnh ảnh hưởng của sự vật khách quan đối với tác dụng của nhận thức chủ quan.
(4) Tăng thượng duyên
Chỉ ảnh hưởng và tác dụng của bất cứ sự vật nào đối với mọi sự vật khác. Chia làm 2 loại: Một là “Hữu lực Tăng thượng duyên” tức là điều kiện có tác dụng giúp đỡ cho sự tăng trưởng đối với sự vật khác. Như ánh sáng mặt trời, không khí, nước mưa, phân bón, nhân công, công cụ.… Đối với nghề nông thì những thứ này đều là Tăng thượng duyên; Hai là “Vô lực tăng thượng duyên”. Tức là điều kiện không gây chướng ngại cho sự sinh trưởng đối với các sự vật khác. Phật giáo cho rằng trong vũ trụ bất cứ một sự vật nào đều có công năng tăng thượng duyên. Có điều là không thể ảnh hưởng cho chính mình. Hơn nữa, hết thảy pháp hữu vi do nhân duyên hòa hợp mà sinh ra không ảnh hưởng được pháp vô vi, không thể tăng thượng duyên để ảnh hưởng đến vô vi pháp. Vô vi pháp là không chịu sự chi phối của nhân duyên.
Trong tứ duyên nêu trên, mọi hiện tượng vật chất do nhân duyên và tăng thượng duyên sinh ra. Còn hiện tượng tinh thần phải đủ 4 duyên mới sinh ra được. Nhưng tâm pháp ở cõi trời Vô Tưởng Thiên thì ngoại lệ, vì trời và người ở cõi Vô Tưởng Thiên là không có tri giác, ngoại cảnh tự nhiên cũng không thể nói là có tác dụng của sở duyên duyên.
(còn nữa)