Sự phân phái của Phật giáo thời kỳ đầu (p1)

HT.TS. THÍCH THANH QUYẾT

I. BỐI CẢNH THỜI KỲ PHẬT GIÁO PHÂN PHÁI

Cuối thế kỷ thứ VI TCN, tại cao nguyên lran đã hưng khởi vương triều Achaemenes của nước Ba Tư cổ đại. Thời kỳ mà Đại đế Darius thống trị (521TCN – 486TCN), thế lực của đế quốc cổ Ba Tư từng bước mở rộng đến lưu vực sông Ấn Độ. Trong sự ghi chép về đế quốc của Darius có 23 tên châu, trong đó có 3 châu: Gandhara (nay là Pakistan), Magadha và Bindusara (nay là lưu vực sông Ấn) duy trì đến năm 330 TCN. Thời kỳ hưng vượng của nước Ba Tư nơi lãnh thổ từ sông Ấn kéo dài tới Địa Trung Hải, tạo cho các dân tộc trên diện tích rộng này điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu lẫn nhau, giao lưu văn hoá Đông – Tây. Khu vực thượng lưu sông Ấn đã trở thành hội điểm của văn hoá Ba Tư cổ đại, văn hoá Hy Lạp và văn hoá Ấn. Sagala – thủ phủ của Gandhara là trung tâm giáo dục, văn hoá Ấn cổ đương thời. Từng xuất hiện rất nhiều trường học, các con em ở giai cấp thượng tầng của khu vực phía Đông sông Hằng đều nườm nượp đến đây cầu học. Chính trị gia, nhà khảo cổ Kautylia và Panini – học giả nổi tiếng của Ấn Độ cổ đều từng đến đây học tập. Mãi đến vương triều Maurya (Khổng Tước) về sau, vẫn còn nhìn thấy ảnh hưởng chế độ chính trị của Ba Tư. Trong văn học Ấn Độ, cũng bảo lưu tên gọi của Darius.

Quá trình bành trướng dưới các vương triều thuộc đế chế Achaemenes

Năm 327 TCN, quân đội của Hoàng đế xứ Macedonia – Alexandros Đại đế tiến vào phía Tây Bắc Đại lục. Do sự chống trả ngoan cường của các nước nhỏ địa phương, thêm vào đó là tâm lý chán ghét chiến tranh của binh sĩ Hy Lạp và tin đồn sự mạnh mẽ của vương triều Nanda ở lưu vực sông Hằng, Đại đế Alexandros đành phải kết thúc cuộc đông chinh tại vùng sát sông Ancyre, đến năm 325 TCN thì rút quân. Alexandros tiến quân vào khu vực Bactria tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng cũng đã tạo ra điều kiện tốt hơn cho văn hoá Hy Lạp thấm sâu vào mảnh đất này.

Alexandros sau khi rút đi, cục diện chính trị khu vực Bactria bấp bênh không yên. Chandragupta (Nguyệt Hộ vương) xuất thân từ đẳng cấp sudra (nô lệ), lợi dụng lực lượng khởi nghĩa của nhân dân, đã nhanh chóng tiêu diệt đội quân đóng giữ ở đây. Năm 324 TCN ông tự lập làm vua, sau đó đưa quân thẳng tiến lưu vực sông Hằng, lật đổ vương triều Nanda lớn mạnh nhất đương thời, định đô tại Pataliputta (nay là Patna) kiến lập lên vương triều Maurya (Khổng Tước) (~ 324 -187 TCN). Đến thời cháu của ông ta là vua Ashoka (A Dục vương) (~ 269 – 236 TCN) thống trị thì bản đồ của Vương triều Maurya đã rộng lớn mênh mông, trở thành một đế quốc thống nhất chưa từng có trên lịch sử Ấn Độ cổ đại (thiết lập quan hệ với Ai Cập, Syria và các quốc gia Hy Lạp hoá khác). Về chính sách đối nội, vua Ashoka thực hành “Đạt ma” (ý dịch: “Pháp”) trị quốc, tạo cơ hội truyền bá tự do cho các loại tôn giáo tín ngưỡng.

Cuối đời ông quy y Phật giáo, ra sức ủng hộ sự phát triển của Phật giáo: Xây nhiều chùa tháp lớn, thành tâm cúng dàng Tăng chúng. Qua sự tích cực ủng hộ của vua Ashoka, Phật giáo trong toàn Ấn Độ đạt được sự truyền bá rộng lớn chưa từng có, đồng thời bắt đầu truyền bá mạnh mẽ ra nước ngoài. Kinh điển Phật giáo ghi chép rất nhiều câu chuyện về vua Ashoka, coi ông như vị “chuyển luân vương”, là một điển phạm của Hộ pháp vương thế gian, khiến ông nhận được sự tán tụng của Phật giáo các thời đại.

Lãnh thổ cực đại của đế quốc Maurya

Sau khi vua Ashoka mất, vương triều Maurya bắt đầu suy yếu, khoảng năm 187 TCN bị tổng tư lệnh của quân đội Maurya Pusyamitra Shunga tiêu diệt. Bắc Ấn Độ từ đó ở vào trạng thái phân chia. Mãi đến năm 320 SCN, sau khi đế quốc Chandragupta chấm dứt, Pusyamitra Sunga kiến lập Vương triều Shunga (~ 180-75 TCN), phạm vi thống trị của vương triều này chủ yếu là khu vực trung và hạ lưu sông Hằng. Bản thân ông ta tin theo đạo Bà La Môn, từng nhiều lần huỷ Phật giáo. Kinh điển và chùa chiền của Phật giáo bị phá hoại, chư Tăng bị bức hại, có người lánh nạn về phía Tây Bắc, có người chạy trốn về phương Nam. Phật giáo bị tàn phá nơi cố hương của mình, trái lại được hưng thịnh ở phương Bắc và phương Nam.

Khoảng năm 75 TCN, vương triều Shunga bị thay thế bởi vương triều Kanvas (75-30 TCN). Phật giáo ở thời kỳ Shunga phân hoá thành hai hệ thống lớn: Nam truyền và Bắc truyền, ảnh hưởng vô cùng sâu xa tới lịch sử Phật giáo về sau.

Ngay từ trước thời kỳ suy sụp của vương triều Maurya, ở Nam bán đảo và cao nguyên đã hưng khởi một số quốc gia độc lập, trong đó lớn mạnh một thời có hai nước: Kerala và Án Đạt La (?). Nước Kerala thế kỷ thứ I TCN từng đem quân chinh phạt phương Bắc, khiến cho các nước nhỏ thuộc vùng Magadha Ấn Độ thần phục. Nước Án Đạt La thống trị vùng đất đai rộng lớn của phía Nam bán đảo, buôn bán trên biển thuận tiện, thương nghiệp phát triển, Phật giáo ở đây cũng được phát triển thuận lợi, trở thành một cứ điểm quan trọng cho việc sinh ra một tư trào mới. Về phía Nam của Ấn Độ, còn có 3 nước nhỏ của người Cholas, người Pandyas và người Satya. Rất có khả năng họ cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo.

Đại thể đồng thời hoặc chậm hơn một chút cùng với các nước này, Tây Bắc Ấn Độ liên tục bị dị tộc xâm nhập. Người Bactria Hy Lạp vào thế kỷ thứ II TCN tiến vào khu vực Punjab, trong đó có vua Menandros từng đưa quân tới lưu vực sông Hằng. Vị thống trị của người Hy Lạp có thái độ tích cực ủng hộ Phật giáo. Bản thân vua Menandros tin theo Phật giáo. Tiếp đó người Parthian cũng tiến vào khu vực Tây Bắc Ấn Độ, họ kiến lập Vương triều Bactria. Đến thế kỷ I TCN, thế lực của họ đã chiếm hữu vùng đất đai rộng lớn của tiểu Minor Asia, Siria và Palestine. Họ tin theo Đạo Zoroastrianism (Hoả giáo)1.

Người Turk vốn sống ở dải sông Ili, bị sự bức bách của Nguyệt Thị (Yuezhi) vào thế kỷ thứ II TCN, phải vượt qua dãy núi cao, chinh phục nước Kasmira, tiến vào phía Tây Bắc Ấn Độ. Họ Nguyệt Thị vốn ở Đôn Hoàng và Kỳ Liên Sơn, bị sự công kích của Hung Nô và Điểu Tôn, chạy sang phía Tây đến sông Amudarja, về sau xuống phía Nam chiếm lĩnh Bactria, sử gọi là Đại Nguyệt Thị. Người Turk và người Nguyệt Thị đều là dân tộc du mục. Sau khi người Nguyệt Thị đến Bactria bắt đầu định cư bằng nghề nông. Người Turk sùng bái mặt trời và lửa, cũng lưu hành thuật phù thuỷ nguyên thuỷ.

Sang thế kỷ thứ I, khi vương triều Kushan thống nhất Bắc Ấn Độ, Phật giáo đã có sự thay đổi mới.

Bản đồ lưu vực hồ Balqash với sông Ili và các chi lưu của nó.

Chú thích:

(1)   Còn gọi là Hoả áo giáo, hoả giáo. Đây là Tôn giáo cổ đại của l-ran. Đưa ra nội dung triết học là vũ trụ quan nhị nguyên thiện, ác, về sau hình thành “Nhất luận nhị thuyết”, tức lý luận thần học nhân thiên cảm ứng , chủ yếu là diệt ác hướng thiện.

(Chú thích ảnh đại diện: Trụ đá Ashoka đầu 3 con sư tử, hình ảnh sau này trở thành quốc huy của Ấn Độ)

(còn tiếp)

(Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 1)

Phần 2: https://khuongviet.com.vn/nghien-cuu/su-phan-phai-cua-phat-giao-thoi-ky-dau-p2-7546/00/

Bình luận
Tin cùng chuyên mục