Sự phân phái của Phật giáo thời kỳ đầu Triết học Bộ phái Phật giáo (P4)

HT. TS. THÍCH THANH QUYẾT

Phần 1: link

Phần 2: link

Phần 3: link

2. Tranh luận giữa Ngã”vô ngã

Như phần trên đã nói, mệnh đề “Chư pháp vô ngã” là một tiêu chí quan trọng của Phật giáo, khác với những giáo phái khác ở Ấn Độ. Do vậy, khi đề cập tới vấn đề căn bản là “nghiệp báo luân hồi”, thì đã nảy sinh mâu thuẫn. Các phái đã đưa ra những khái niệm, phạm trù mới để tranh luận lẫn nhau.

Trước tiên là Độc Tử bộ của Thượng Toạ bộ đưa ra khái niệm “Bổ đặc già la”. “Bổ đặc già la” dịch ý là “số ác thú”, nghĩa là chủ thể có thể nhiều lần theo đuổi cuộc sống, nhiều lần luân hồi sinh tử. Là một thể thống nhất của toàn bộ hoạt động sinh mệnh, cũng là thứ liên hệ từ đời trước chuyển đến đời sau, từ thế gian chuyển hướng sang xuất thế gian. Trên thực chất. Bổ đặc già la là chỉ linh hồn của người và giống hữu tình. Các phái Phật giáo đều thừa nhận “con người” là sự hòa hợp của “ngũ uẩn”. Cách nói đặc biệt của Độc Tử bộ là “Bổ đặc già la” vừa không thể nói là ngũ uẩn, cũng không thể nói là xa lìa ngũ uẩn. “Tức uẩn”“Ly uẩn” đều không thể nói được. Cách lập luận này rất huyền diệu, nhưng mục đích ở chỗ che giấu sự thừa nhận đối với “ngã”. Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ trên lý luận kiên quyết bác bỏ thuyết “Hữu ngã”, cho rằng “Bổ đặc già la” chỉ là giả danh mà không chân thực. Nhưng phái này lại thừa nhận có “Đồng Tùy đắc”, về tác dụng không khác với “ngã” trên bình diện bản chất. Kinh Lượng bộ nhằm vào thuyết “giả danh bổ đặc già la” của Hữu bộ mà đưa ra “Thắng nghĩa bổ đặc già la”, “thắng nghĩa” tức là “chân thực”.

Ngoài ra, Hóa Địa bộ đưa ra thuyết “cùng sinh tử uẩn” có công năng của “Sắc” “Tâm”, Đại Chúng bộ lập “căn bản thức”… đều chỉ là cách gọi khác của “ngã”.

Các thuyết mà các phái nêu ra ở trên, đều vì muốn hoàn thiện giáo nghĩa cơ bản của Phật giáo: Vừa kiên trì nhân sinh quan “vô ngã”, vừa khẳng định tính tích cực của nghiệp báo và tu tập. “Ngã” là do sự hợp thành và chuyển hoá của “ngũ uẩn” – “danh sắc”, chuyển hóa theo phương hướng tinh thần thuần túy của “tâm”“thức”. Mỗi khi có sự chuyển hóa là kéo theo sự cách tân của thuyết “nghiệp lực”, và cũng ấp ủ nên một thứ bản thể luận triết học mới.

3. Tranh luận giữa Tịnh”Bất tịnh của Tâm tính

Thông thường Phật giáo chia “nghiệp” ra làm 3 loại: Thân – Khẩu – Ý. Độc Tử Bộ và các phái khác cho rằng: Ba nghiệp này là nhân tố cùng có tác dụng ngang nhau. Hữu bộ thì chủ trương ba nghiệp thống nhất ở “ý”, “ý” có tác dụng chi phối đối với “thân” “khẩu”. Các phái khác, không những liên tục thừa nhận có đấng chủ tể của hành vi, mà còn từng bước quy kết đấng chủ tể này là thực thể tinh thần. Cho đến vấn đề bản tính của tâm cũng đã trở thành điểm nóng cho việc thảo luận.

Đại Chúng hệ đưa ra: “Tâm, tự tính vốn thanh tịnh, do khách trần nhiễm trước”. Ý là nói “tâm tính” vốn dĩ là thanh tịnh, chỉ là chịu “khách trần” phiền não bên ngoài làm dơ bẩn tâm tính, cho nên mới không còn thanh tịnh, đó là nguyên nhân của thế gian; Thông qua tu đạo, đoạn trừ phiền não, tâm tính bản tịnh mới xuất hiện ra, đây là giải thoát. Theo quan điểm này còn có Hóa Địa bộ của Thượng Toạ hệ. Nam phương Thượng Toạ bộ cũng có quan điểm tương tự. Hữu bộ của Thượng Toạ hệ cho rằng: Các phiền não căn bản như Tham – Sân – Si là tương ứng với tâm, vận hành theo tâm, cho nên “tâm tính ” không thể nói là “Bản tịnh”, Nhưng giải thoát cũng phải dựa vào tâm mà thực hiện, cho nên tâm cũng có một mặt là “Ly nhiễm”. “Tạp nhiễm”“Ly nhiễm” là tính hai tầng của tâm. Nhiệm vụ của tu đạo chính là gạt trừ tạp nhiễm tâm, chuyển thành thanh tịnh tâm.

Ngoài ra, Hữu bộ còn cho rằng “tâm tính”“tự tính ” của các sự vật khác nhau đều giống nhau; đều là do nhân duyên của hậu thiên hình thành; Không có sự vật hiện tượng nào rời khỏi nhân duyên mà vĩnh viễn bất biến. Sự tranh luận giữa các hệ phái với các luận thuyết khác nhau trên đây đã có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của nghĩa học Phật giáo từ đó về sau.

4. Tranh luận về Phật, Bồ Tát và A La Hán

Trong Kinh điển của Phật giáo thời kỳ đầu, Phật Đà cho rằng: Thuyết giáo của Phật Đà là chân lý rốt ráo. Bản thân Phật Đà là một vị đạo sư phát hiện và truyền bá chân lý. Học thuyết của Phật Đà phải nên tín phụng, hành vi của Phật Đà đáng được học theo. Phật Đà có thần thông siêu nhân, nhưng Phật Đà rốt cuộc là người chứ không phải là thần. Nghe nói khi Phật sắp nhập diệt dặn dò các đệ tử rằng: Phải “y pháp bất y nhân”, vì con người thì có sinh diệt, còn pháp là vĩnh hằng bất biến. Sau khi Phật giáo phân phái, xung quanh vấn đề Phật Đà là người hay là thần, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau. Nhìn chung, Thượng Toạ hệ coi Phật Đà là nhân vật lịch sử, cho rằng nhục thể của Phật Đà là có hạn, thọ mệnh có giới hạn. Điểm chủ yếu mà Phật Đà khác với đời thường là: Tư tưởng vĩ đại, tinh thần thuần khiết cao thượng, trí tuệ sâu rộng. Hóa Địa bộ cho rằng: Phật Đà vẫn thuộc Tăng số, công đức cúng dàng Chư Tăng hiện tại còn lớn hơn công đức cúng dàng Phật Đà đã nhập diệt. Pháp Tạng bộ phản đối chủ trương này, cho rằng Phật Đà tuy thuộc Tăng số, nhưng phúc quả cúng Phật lớn hơn cúng Tăng.

Top 10 bức tượng Phật lớn nhất thế giới hiện nay - Toplist.vn
Phật Đà là một vị đạo sư phát hiện và truyền bá chân lý…

Theo Dị bộ Tông luân luận, các bộ phái của Đại Chúng hệ thần hóa Phật Đà một cách phổ biến, cho rằng Phật Đà hoàn toàn xuất thế gian, đã dứt hết mọi lậu, căn trừ hết phiền não; từng câu nói của Phật Đà đều là chân lý, những chúng sinh được giáo hóa hết thảy đều tin tưởng. Nhục thể, thọ mệnh, uy lực của Phật Đà là vô hạn. Phật mà người đời nhìn thấy chỉ là một bộ phận của Phật thân, mà không phải là toàn bộ. Người đời cho rằng Phật Đà dùng ngôn ngữ thuyết pháp cho mọi người, sự thật Phật ở trong Đại định mà không ngôn thuyết. Tướng cao đẹp của Phật Đà khác với người thường, gọi là 32 tướng tốt và 80 tướng vi diệu đẹp đẽ. Tóm lại, từ hình thể đến tinh thần, Phật Đà có rất ít chỗ giống với người thường. Phật Đà đã được coi là thần. Từ quan niệm đó, Phật giáo đồ bắt đầu thần hóa cuộc đời của Phật Đà. Họ cho rằng Phật sở dĩ trở thành Phật là do kết quả nhiều đời tu tập… Phật Đà tu hành ở đời trước, gọi là “Bồ tát hạnh”. Người thực hành Bồ tát hạnh gọi là “Bồ tát”. Bồ tát nhập thai là do voi trắng, sinh ra từ nách phải của mẹ. Bồ tát là giai đoạn chuẩn bị của Phật, cũng là Thần dị.

“Bồ tát” là gọi tắt của “Bồ’ Đề tát đóa”, dịch ý là “giác hữu tình”. Đại Chúng hệ tôn sùng Bồ tát, và việc tôn sùng đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với toàn bộ quá trình phát triển của Phật giáo. Vì cùng với sự xuất hiện của khái niệm Bồ tát này, đã xuất hiện rất nhiều giáo nghĩa hoàn toàn mới. Đại Chúng hệ cho rằng: Bổ tát đã dứt hết tâm dục tưởng, giận dữ, sân hận. “Vì muốn làm lợi ích hữu tình” Bồ tát nguyện sinh ở trong Địa ngục… các đường ác và “tùy ý qua lại”. Phẩm cách cơ bản này của Bồ tát đã thai nghén những quan điểm chủ yếu của học thuyết Đại thừa. Ngược lại, Thượng Toạ hệ coi Phật Đà là nhân vật lịch sử, đồng thời đề cao Địa vị của A La Hán. Phật chỉ có một vị hoặc vài vị có thể đếm được. Quả vị cao nhất của người thường tu theo Phật là A La Hán; A La Hán là tiêu chí cho sự giải thoát cuối cùng của con người. Từ góc độ giải thoát cuối cùng mà nói, Phật và A La Hán không có sự sai khác. Nhưng như đã nói phía trước, Đại Chúng bộ coi Đại Thiên là đại biểu, cho rằng A La Hán vẫn còn 5 điều hạn chế (“ngũ sự”), không thể so sánh với Phật.

Nhìn chung, sự tranh luận của các phái Phật giáo thời kỳ đầu, đã phản ánh phân hoá phức tạp trong nội bộ Phật giáo, sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống tinh thần và xã hội của Ấn Độ lúc bấy giờ. Từ đó về sau, lịch sử Phật giáo phát triển theo hai phái rõ nét: Một là, coi Đại Chúng bộ là chủ yếu, phát triển theo hướng nội dung ngày càng phong phú, phức tạp; Hai là, coi Thượng Toạ bộ là chính, chủ trương giữ gìn khá nhiều đặc sắc Phật giáo thời kỳ đầu, gọi là Tiểu thừa Phật giáo. Hai hệ thống này, ở Nam và Bắc Ân Độ đều có phong cách và quá trình khác nhau.

Số bộ phái này về sau phân tách vô cùng phức tạp, có đến hơn 40 bộ phái. Theo tài liệu khảo cổ học văn bia, đã xác định được 18 bộ phái, còn một số chưa được kiểm chứng chắc chắn. Đến thế kỷ thứ VI SCN, số bộ phái này quy hợp về 4 hệ thống lớn:

– Thượng Toạ bộ (Bắc truyền coi Hóa Địa bộ, Pháp Tạng bộ là đại biểu. Nam truyền coi Đại tự bộ làm đại biểu, từ Đại tự bộ lại chia làm Vô úy sơn bộ, Kỳ đa lâm trụ bộ.)

– Chính lượng bộ (Độc Tử bộ làm đại biểu).

– Đại chúng bộ.

– Thuyết Nhất thiết Hữu bộ.

Sau đây chúng tôi chỉ căn cứ vào 4 hệ thống lớn này để nói về tư tưởng triết học chủ yếu của các bộ phái Phật giáo.

(còn nữa)

Xem tiếp Phần 5

Bình luận
Tin cùng chuyên mục