Thiền phái Trúc Lâm ở miền Tây Yên Tử
NGUYỄN VĂN PHONG*
NGUYỄN NGỌC ANH
Bài viết được tài trợ bởi đề tài QG.20.65 của Đại học Quốc gia Hà Nội “Di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm thời Trần ở tỉnh Bắc Giang: Hiện trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị” do TS. Nguyễn Ngọc Anh chủ trì.
Tây Yên Tử là địa danh chỉ báo không gian văn hóa nằm ở sườn phía tây cánh cung Đông Triều, ở miền đông bắc tổ quốc, thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang. Sử sách xưa đã ghi nhận núi Yên Tử là một trong những phúc địa của Giao Châu xưa. Núi này cao, lớn, đồ sộ một mặt ăn thông ra biển Đông ở khu vịnh Hạ Long, mặt kia ăn liền với lục địa của hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Như vậy, nhìn trên toàn cục núi Yên Tử được chia làm hai phần: phần phía Đông, núi này thuộc địa phận hai tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương. Phần phía Tây, núi này thuộc tỉnh Bắc Giang.
Người xưa đã đến vùng đất này cư trú từ lâu đời, từ thời Lý trở đi, đạo Phật đã được truyền bá tới đây. Núi Yên Tử là cái tên gắn với nhân vật An Kỳ Sinh là người đến dãy núi này tu hành đạo pháp và lưu danh lại trong trong truyền tích.
Kế theo đó vào thời Trần, từ thế kỷ XIII, các vua Trần nước Đại Việt do hâm mộ đạo Phật đã lần lượt tìm đến Yên Tử tham thiền học đạo. Đặc biệt, với Phật hoàng Trần Nhân Tông, Ngài đã nhường ngôi cho con rồi lên núi Yên Tử tu hành, lấy đạo hiệu Giác Hoàng Điều Ngự. Năm 1299, sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sau Ngài chọn chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang) làm trụ sở, trung tâm Thiền phái Trúc Lâm nước Đại Việt lúc bấy giờ. Ngài thu nạp nhiều đệ tử và chọn ra hai đệ tử kế truyền là Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Thiền sư Huyền Quang Lý Đạo Tái. Tại Vĩnh Nghiêm Thiền sư Pháp Loa đã lập sổ Tăng ni cho cả nước, lại ba năm độ một lần, từ đó thống nhất đạo Phật trong cả nước.
Trong thời kỳ ba vị tổ sư khai sáng Thiền phái Trúc Lâm trụ trì thì công việc hoằng dương Phật pháp mở mang chùa chiền, am tháp được quan tâm xây dựng ở nhiều nơi với qui mô lớn. Đặc biệt, thời kỳ Thiền sư Pháp Loa nhận lãnh đạo tổ chức Phật giáo Trúc Lâm, Ngài đã đứng ra hưng công trùng tu, xây dựng được hơn 700 chốn già lam trong cả nước.
Phật giáo thời Trần mà thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập lấy thiền tâm làm gốc; Lấy tu tâm, thiền tâm làm trọng. Tu tâm ở đây là tu lòng, rèn lòng. Rèn lòng không chỉ cho bản thân người tu hành mà trong cả lòng dân. Ngài chỉ ra mỗi người dân đều có thể rèn lòng mà thành Phật chứ không phải tìm đâu xa. Câu ca: “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa” là câu nói phản ánh tinh thần tu tập theo Trúc Lâm mà đời đã đúc kết lại. Cho nên, khi còn sống Phật hoàng đã tổng kết kinh sách nhà Phật trước đó rồi chuyển tinh thần của đạo Phật vào bài phú “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca” viết bằng chữ Nôm được hậu học khắc in trong sách “Yên Tử nhật trình” để truyền trong dân cho dân dễ học, dễ nhớ.
Phép tu này đã chuyển hoá bản thân các Tăng ni vào trong đời sống dân cư làng xã. Nhà tu hành chỉ là người đại diện cho dân tu theo Phật ở chùa, ở nơi thờ tự còn mọi người dân dù không có sư thì họ vẫn tự “rèn lòng” ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả nơi chợ quê hay chốn thị thành, miễn sao lòng mình trong sáng, tâm mình trong sáng, thanh tịnh tức là đã giác ngộ được đạo rồi. Cũng vì thế, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã chủ trương không lấy nơi tu hành ở núi cao làm chính mà chuyển đạo Phật về trong dân, về làng xã. Cho nên, từ đó về sau các sơn môn ở núi cao, các Tăng ni đã xuống núi về các làng xã truyền bá đạo Phật, sau đó chùa chiền ở làng xã lần lượt được xây dựng và hầu như làng nào cũng có chùa chiền. Vì thế mà có câu “đất vua, chùa làng”. Trải qua nhiều thế kỷ, Thiền phái Trúc Lâm có lúc thịnh, lúc suy, nhưng khi đất nước thanh bình thì lòng dân lại hướng về Trúc Lâm Yên Tử và hành hương về Yên Tử. Sau những tháng ngày hành hương về sơn môn Yên Tử, mọi người lại hướng về chốn tổ Vĩnh Nghiêm và cùng nhau về chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) lễ Phật và cùng ba vị tổ sư. Cũng phải nói rằng, trong các chùa ở Việt Nam duy nhất chùa Vĩnh Nghiêm có nơi thờ tự riêng ba vị tổ (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), vì thế người đời cũng gọi chùa này là chốn tổ Vĩnh Nghiêm.
Thiền phái Trúc Lâm ra đời ở núi Yên Tử. Trong quá trình hoằng dương Phật pháp của Tam tổ Trúc Lâm đã hình thành tuyến phát triển Phật giáo Trúc Lâm về phía Tây Yên Tử. Đó là tuyến lấy chùa Vĩnh Nghiêm làm trung tâm.
Những năm qua, chúng tôi đã tổ chức điều tra tìm hiểu về những ngôi chùa cổ trên dãy núi Yên Tử thuộc địa phận tỉnh Bắc Giang, tức là điều tra, tìm hiểu con đường phát triển Phật giáo Trúc lâm Yên Tử ở phía Tây dãy núi Yên Tử và đã thống kê ra được một số chùa là: Chùa Hồ Bấc, chùa Hòn Trứng (xã Nghĩa Phương), chùa Bình Long (xã Huyền Sơn), chùa Mã Yên (xã Bắc Lũng), chùa Hòn Tháp (xã Cẩm Lý), chùa Cao, chùa Khám Lạng (xã Khám Lạng), chùa Nhạn Tháp (xã Tiên Nha), chùa Tè (xã Cương Sơn) huyện Lục Nam; chùa Am Vãi, chùa Hàm Long (xã Nam Dương), chùa Sú (xã Mỹ An) huyện Lục Ngạn… Trong số những ngôi chùa này có một số chùa nằm ở núi cao như chùa Hồ Bấc, chùa Am Vãi, chùa Hòn Trứng, chùa Bình Long, chùa Mã Yên, chùa Hòn Tháp. Còn các ngôi chùa khác thì nằm ở địa phận đồi núi thấp của các làng xã ven đôi bờ sông Lục Nam.
Qua điều tra điền dã thấy rằng: trong lịch sử đạo Phật đã để lại dấu ấn sâu đậm ở miền Tây Yên Tử. Dấu ấn còn lưu qua các địa danh núi sông như tên các núi: Núi Phật Sơn, Liên Sơn, Thù Sơn, Độn Sơn, Quan Âm, Am Vãi, Lòng Thuyền… Các núi này đều là những danh lam thắng tích nằm trong dãy núi Yên Tử. Núi Phật Sơn là khối núi lớn nằm ở địa phận xã Lục Sơn. Đứng từ xa nhìn thấy núi giống tựa như đức Phật nằm ở tư thế nhập Niết Bàn, đầu hướng về phía Tây, phía chùa Vĩnh Nghiêm. Còn núi Quan Âm là núi lớn có chùa Am Vãi thuộc địa phận xã Nam Dương. Các núi Liên Sơn, Thù Sơn, Hòn Tháp… đều nằm xung quanh khu vực núi Phật Sơn và núi Quan Âm. Các dải núi này là các danh sơn đã được ghi nhận trong sách Đại Nam nhất thống chí và sách Lục Nam địa chí.
Đi cùng với địa danh mang ý nghĩa Phật giáo ấy còn có các truyền tích liên quan tới sự ra đời và tồn tại của các ngôi chùa cổ. Ở khu vực chùa Bát Nhã (般若寺) có truyền tích kể về cái giếng chùa Bát Nhã. Giếng có nước nhưng chỉ chảy ra nước đủ cho một vị sư trụ trì dùng. Về sau nhà sư ấy có khách nên cố lấy thêm nước, thế là từ đó về sau giếng cạn hết nước nên chùa không còn sư trụ trì. Thành ra, ngôi chùa Bát Nhã ấy chỉ ngày Rằm, mồng một dân xã cho người lên thắp hương cúng Phật mà thôi. Do chùa ở núi cao, xa làng nên dân chuyển chùa về chân núi, chỗ ấy gọi là núi Hòn Chùa và đổi tên thành Bình Long tự (chùa Bình Long). Đến thời Nguyễn, giữa thế kỉ XIX, chùa này được chuyển về bên làng gọi là Làng Chùa. Như thế, chùa Bát Nhã trong lịch sử đã có hai đợt di chuyển để thành chùa làng. Còn hai ngôi chùa ban đầu kia hoang phế đổ nát chỉ còn dấu tích nền, tường, gạch ngói lẫn trong cây rừng rậm rạp. Chúng tôi đã đến thăm hang tiền, hang gạo và cả cái giếng nước cổ thì ở đây ba nơi ấy hiện có bát hương cho dân sơn tràng ghé qua thăm viếng và thắp hương. Cái giếng nước cổ nay cạn khô. Xem xét thì ra chỗ ấy đúng chỉ là một cái hõm có mạch nước chảy từ khe đá ra, bên bờ giếng này có một khối đá lớn trên vách có đề hai chữ “thanh thuỷ 清水” khá lớn.
Theo tuyến phía Tây Yên Tử, còn nhiều điểm lưu dấu tích các chùa tháp cổ thời Lý Trần. Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi chép về bàn chân thần ở núi Bắc Lũng (nay thuộc xã Khám Lạng, huyện Lục Nam). Nhưng dấu bàn chân này vừa bị người dân đập vỡ, hiện chỉ còn hai dấu bàn chân trên đá ở khu vực chùa Am Vãi (陰妮寺), một vết ở khu vực chùa Mã Yên, một vết ở chùa Bòng (tức Bạch Liên tự 白蓮寺). Một dấu bàn chân trên đá ở khu vực chùa Am Vãi được đục khắc trên bãi đá mang tên Bàn Cờ Tiên và một vết khắc trên tảng đá dựng đứng ở gần giếng nước. Vết trên Bàn Cờ Tiên khắc/đục trên đá cát kết hạt thô. Chiều dài bàn chân có tới gần 1m, rộng chừng 40cm, sâu độ 20cm. Trên mặt nền còn dấu ngấn nước chứng tỏ lòng bàn chân ở đây khi mưa xuống còn lưu nước lại. Vết gần giếng nước khắc vết chân như bàn chân người thực có đủ năm ngón nhưng vết khắc đã bị phong hóa mòn dần, nay chỉ có độ sâu chừng 0,3 cm.
Vết bàn chân trên đá ở khu vực chùa Mã Yên được đục trên đá gan gà. Hình bàn chân này dài chừng 25cm, rộng 10-15cm, được tạc giống như bàn chân đi giầy cỏ. Trong lòng bàn chân lúc nào cũng có nước. Chúng tôi tát nước đi, một lúc nước lại rỉ ra. Có lẽ ở khối đá này có mạch nước ngầm nên lòng bàn chân không bao giờ cạn hẳn. Xung quanh rìa bàn chân, chúng tôi xem xét thì nhận ra có các vết đục vào đá rất rõ, nên chúng tôi cho rằng cái bàn chân mà sử sách cổ cho là vết chân thần thực ra là do con người tạo ra. Nhưng người xưa tạo ra bàn chân ấy để làm gì lại là một vấn đề cần lưu tâm. Chúng tôi có đọc một số tài liệu Phật học thì mới hiểu ra rằng dấu bàn chân kia thực chất là một biểu tượng của Phật giáo cổ. Có điều khác nhau là biểu tượng dấu bàn chân của Phật giáo cổ ở Ấn Độ được khắc tạc rất cụ thể. Cả bàn với 5 ngón chân rõ ràng và trong lòng bàn chân ấy có một số hình vẽ khác nhau nữa như vòng bánh xe luân hồi, hay cái cây…, còn những bàn chân Phật khắc trên đá ở những ngôi chùa cổ Bắc Giang chỉ là hình bàn chân mà thôi. Tuy thế, chúng tôi cũng cho rằng ở Bắc Giang cũng gắn với yếu tố Phật giáo cổ đã được du nhập và tồn tại từ lâu đời và có ý nghĩa văn hoá Phật giáo rất sâu sắc.
Ở đất Bắc Giang ngày nay có thể vạch ra tuyến đường văn hoá tâm linh Tây Yên Tử với những cơ sở thờ tự liên quan tới thiền phái Trúc Lâm Yên Tử như sau: Con đường này nếu tính từ thành phố Bắc Giang đi tới miền rừng núi phía Tây Yên Tử vào điểm dừng chân cuối cùng ở Đồng Thông (xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động) sẽ có các ngôi chùa sau đây:
– Chùa Hồng Phúc 洪福寺: Phường Trần Nguyên Hãn, là trụ sở của hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang đóng ở đây. Nơi đây có Thượng toạ Thích Thanh Văn là môn đệ chính tông của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thượng toạ đang giữ quyền trụ trì chính chùa Vĩnh Nghiêm (h.Yên Dũng). Thượng toạ Thích Thiện Văn là học trò của Thượng toạ Thích Tâm Duyệt. Hoà thượng Duyệt là đệ tử kế truyền của Hòa thượng Thích Thanh Hanh. Cụ Duyệt là người đã từng trụ trì chính ở chùa Vĩnh Nghiêm, cụ mất năm 106 tuổi và giao quyền trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho Thượng toạ Thích Thanh Văn.
– Chùa Đống Nghiêm 棟嚴寺 (tức Chùa Kế) nằm trên địa phận làng Kế, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang. Chùa này hiện là trụ sở của trường Trung cấp Phật giáo tỉnh, do Thượng Toạ Thích Thiện Văn quản lý.
– Chùa Dền: ở phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, là ngôi chùa cổ mà hoà thượng Thích Tâm Duyệt trụ trì những năm cuối đời, chùa này do Đại Đức Thích Thanh Thạch trụ trì.
– Chùa Vĩnh Nghiêm 永嚴寺ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Đây là trung tâm Phật giáo từ thời Trần (thế kỷ XIII). Là nơi có nhà Tổ Đệ Nhất thờ ba vị tổ sư của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bên cạnh nhà thờ Tổ Đệ Nhất còn có nhà thờ Tổ Đệ Nhị thờ các vị tổ sư tiếp theo ba vị tổ sư khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa có qui mô to lớn với các công trình: Tam quan, Tiền đường, Toà Thiêu hương, Thượng điện, nhà thờ tổ đệ nhất, gác chuông, nhà thờ tổ đệ nhị, hai dãy hành lang, nhà trai, tăng phòng và các công trình phụ khác. Chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay vẫn là đại danh lam trên đất Bắc Giang. Trong chùa có cả một thống tượng Phật, đồ thờ tự, pháp khí, bia ký… Đặc biệt, kho mộc bản ván in kinh Phật chữ Nôm, chữ Hán đã được tổ chức UNESCO đã ghi danh là Di sản tư liệu trong Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nơi đây, vào ngày 14 tháng 2 âm lịch hàng năm vạn lượt khách thập phương trong nước hành hương về chùa này thắp hương lễ Phật, giỗ tổ sư thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa Vĩnh Nghiêm ở thành phố Hồ Chí Minh là chi nhánh cùa chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
– Chùa Hưng Long 興隆寺 (còn gọi là chùa Cao) ở xã Khám Lạng, huyện Lục Nam – chùa này có từ thời Lý (thế kỷ XI, XII), thời Trần (thế kỷ XIII) chùa nằm trên một quả đồi lớn ở bên bờ sông Lục Nam. Ngôi chùa cổ thời Lý – Trần đã đổ nát, sau được xây dựng lại qui mô nhỏ hơn. Kết quả khai quật khảo cổ học tại khu vực chùa đã xác nhận địa tầng chùa Hưng Long lưu dấu ấn văn hoá thời Lý – Trần rất đậm nét, một công trình kiến trúc tôn giáo rất lớn của thời Lý – Trần ở bên bờ sông Lục Nam.
– Chùa Sơn Tháp 山塔寺, ở xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam. Chùa này còn có tên cổ là chùa Hòn Tháp. Chùa này nằm trong núi Tượng Sơn, cũng có niên đại từ thời Trần. Chùa nằm giữa lưng chừng núi nhìn về phía sông Lục Đầu. Chùa cũ không còn, tháp cũng đổ. Tấm bài vị bằng đá ở tháp cho biết đạo hiệu vị sư trụ trì xưa ở đây là “Huyền Cơ Thiện Thọ Pháp Vân Hoà thượng vị“. Ngôi chùa Sơn Tháp xưa cũng là một bảo sái thuộc Trúc Lâm Yên Tử.
– Chùa Mã Yên 馬鞍寺 ở núi Lòng Thuyền (thuộc xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam). Chùa này nằm ở phía thượng nguồn khe nước của chùa Sơn Tháp. Sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam cho biết là do Thiền sư Pháp Loa cho xây dựng. Đây cũng là một nơi có cảnh quan đẹp. Nhưng tiếc rằng đến nay chỉ còn dấu tích nền chùa với gạch, ngói… lẫn trong cây rừng.
– Chùa Phúc Chủ 福主寺 (còn gọi là chùa Hồ Bấc) thuộc núi Bác Mã (thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam). Sách Đại Nam nhất thống chí ghi rằng: “Núi Bác Mã cách huyện Đông Triều 11 dặm về phía Bắc. Mạch núi từ Yên Tử kéo đến đây thì nổi bật lên các ngọn như làn sóng xô dồn đến. Phía hữu có một ngọn đột ngột nổi lên, cao ngang với ngọn núi Bác Mã, bên dưới có ao rộng hơn 50 trượng, nước rất trong mát. Trên bờ ao có chùa Phúc Chủ.” Đầu năm 2013, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức khai quật và xác định khu chùa này có qui mô rất rộng, chiếm toàn bộ một ngọn núi. Bên dưới trước chùa có một hồ nước nhưng vì mùa khô nên nước đã cạn. Đây là điểm du lịch có vị trí cao nhất trong khu du lịch thắng cảnh Suối Mỡ đã qui hoạch.
– Chùa Âm Ni 陰妮寺 (tức chùa Am Vãi) ở xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn. Chùa nằm trên đỉnh núi Am Vãi là nơi có cảnh quan đẹp đẽ bên dòng sông Lục Nam. Sách Đại Nam Thống chí chép: “Núi Âm Ni ở xã Nam Điện, phía Nam huyện Lục Ngạn. Mạch núi từ Phật Sơn, Thù Sơn kéo đến. Phía tả có giếng, nước trong không bao giờ cạn. Cạnh núi có hai cái bồn bằng đá, trên núi có nền chùa cũ”. Qua khảo sát cho thấy chùa Am Vãi xưa gồm các toà Tiền đường, Tam bảo, hậu đường, hành lang, nhà bếp, giếng nước, vườn tháp. Hiện còn lại hai tháp đá cổ. Nội dung bài vị trong tháp “Liên Hoa bảo tháp 蓮花寶塔” như sau: “Trúc Lâm viên tịch ma ha bất thương tỳ khưu Như Liên Thiền sư hoá thân bồ tát 竹林圓寂摩訶不倉比丘如蓮禪師化身菩薩” [Nghĩa là “Thiền sư là Ma ha bất thương Tỳ khưu Như Liên đã viên tịch hoá thân là vị bồ tát của Thiền Phái Trúc Lâm”].
Sách Lục Nam địa chí 陸南地誌 cũng cho biết thêm rằng chùa Am Vãi là ngôi chùa cổ ban đầu có vị công chúa nhà Trần đến tu hành vì thế mà có tên gọi là chùa Âm Ni.
– Chùa Bát Nhã 船若寺, gồm hệ thống có ba chùa: Chùa Bát Nhã ở trong núi, chùa Bình Long cũ ở rừng Hòn Chùa và chùa Bình Long mới ở Làng Chùa, thuộc xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam. Qua khảo sát cho thấy rằng chùa Bát Nhã là ngôi chùa cùa thời Lý – Trần. Chùa Bình Long ở Hòn Chùa là ngôi chùa của thời Lê – Mạc (thế kỷ XV, XVI) và chùa Bình Long ở Làng chùa là ngôi chùa của thời Nguyễn (thế kỷ XX). Ba chùa này đã phản ánh quá trình hạ sơn để trở thành chùa làng. Nó cũng thể hiện đạo Phật đã dần dần đi sâu vào lòng dân của làng xã qua những chặng đường dài của lịch sử.
Ở xã Lục Sơn, huyện Lục Nam và Khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động) tuy ít di tích nhưng vẫn còn địa danh gắn với nhà Phật như Đèo Bụt, suối Cầu, Đồng Thông, Hòn Tròn, Kim Qui… là những địa danh, địa điểm trong khu vực phía tây giáp với khu di tích chùa Đồng Yên Tử. Hàng năm, nhân dân các dân tộc ở khu vực Sơn Động theo trục suối Cầu, Đồng Thông, Kim Qui lên lễ Phật ở chùa Đồng suốt ba tháng hội xuân hàng năm.
Như vậy, con đường văn hoá tâm linh phía Tây Yên Tử nằm trọn vẹn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đây là con đường hình thành và tồn tại từ nhiều thế kỷ qua. Nó gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong con đường ấy, điểm chùa Vĩnh Nghiêm là điểm quan trọng nhất và đáng quan tâm lưu ý nhất bởi nó là nơi phụng thờ các Phật và Tam tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử./.
* Viện Trần Nhân Tông