Trần Nhân Tông – Một Hoàng đế anh minh – Một Thiền sư đắc đạo
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng, triều Trần là một điểm son rực rỡ nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, với những chiến công chống giặc ngoại xâm oanh liệt, hào hùng; với đường lối trị quốc đã có những bước phát triển mới để khẳng định vị thế ngày một vững chắc của một quốc gia độc lập sau hàng ngàn năm bị đô hộ bởi phong kiến phương Bắc…
Sự nghiệp vĩ đại ấy có được là do công sức của cả dân tộc, song không thể không nhắc tới “sợi dây liên kết” sức mạnh của quần chúng nhân dân – những vị vua anh minh, những danh tướng tài ba…, mà ở đó không thể không nhắc đến hoàng đế Trần Nhân Tông, một hoàng đế đặc biệt, người có nhiều đóng góp quan trọng trong cả ba lĩnh vực: dựng nước, giữ nước và mở nước và là một thiền sư đắc đạo.
Trần Nhân Tông sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (tức ngày 7/12/1258), là con trưởng của Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu; lên ngôi năm 1278, mất ngày 1/11 năm Mậu Thân (tức ngày 16/11/1308). Vua húy Trần Khâm, Nhân Tông là miếu hiệu, ngoài ra còn có tên là Phật Kim và Nhật Tôn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khi đức vua sinh, được tinh anh của thánh nhân, đạo mạo thuần túy, nhan sắc như vàng, thể chất hoàn toàn, thần khí tươi sáng… gọi là Kim Tiên đồng tử, ở vai bên tả có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn…”[1]
Về sự nghiệp giữ nước: Ngài lên ngôi khi 21 tuổi, cũng là thời kỳ đế quốc Mông Cổ chiếm toàn cõi Trung Hoa, lập ra triều Nguyên và là kẻ thù hung hãn nhất lúc bấy giờ. Chỉ trong vòng nửa thế kỷ, phong kiến Nguyên Mông đã kéo thế giới vào một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Kết quả, một đế quốc Nguyên Mông rộng mênh mông được thành lập, từ bờ Hắc Hải đến Thái Bình Dương. Nhưng, cả ba lần đụng đầu với quân dân Đại Việt, thì cả 3 lần đội quân “bách chiến bách thắng” ấy đều bị đánh bại một cách thảm hại (trong đó 2 lần diễn ra dưới thời Trần Nhân Tông trị vì: năm 1285 và 1288). Lẽ tất nhiên, chiến công hiển hách này là của toàn dân tộc, trong đó nổi bật lên những danh tướng như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản,… . nhưng vai trò của Trần Nhân Tông với tư cách là người tổng chỉ huy phải được đặt ở vị trí hàng đầu, bởi lẽ, nếu “vua không hiền” thì dù “tôi có giỏi” cũng không thể phát huy được hết thế mạnh của mình trong việc điều binh nơi trận mạc. Hiểu rõ sức mạnh của đoàn kết, Ngài đã đích thân mở hội nghị quân sự Bình Than để phân bổ các tướng lĩnh, vương hầu đóng giữ những nơi hiểm yếu của đất nước, phong Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn quân, mở hội nghị tại điện Diên Hồng để hỏi ý kiến các bô lão đại diện cho trăm họ về việc nên hoà hay nên đánh giặc Nguyên – Mông. Hơn thế nữa, chính vua cũng cầm quân ra trận. Tập hợp được sức mạnh của toàn dân tộc, với những dòng chữ “Sát Thát” thích trên cánh tay hay “Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc” (vì việc nghĩa mà quên mình, liều thân để báo đền ơn nước) mà toàn thể quân sĩ thích trên bụng, quân dân thời Trần Nhân Tông đã đè bẹp ý đồ bành trướng xuống phía Nam của tên đế quốc cường bạo nhất lúc bấy giờ qua những chiến thắng vang dội như Vạn Kiếp, Vân Đồn… và nhất là chiến thắng Bạch Đằng- trận chiến lớn nhất, mang tính chất quyết chiến chiến lược.
Về sự nghiệp dựng nước: tiếp nối sự nghiệp của các bậc tiền nhân, sau cơn binh lửa, Trần Nhân Tông chú trọng ngay đến việc khuyến khích nông tang, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thuỷ lợi, chia ruộng đất cho dân, khuyến khích học hành thi cử, tuyển chọn nhân tài, tha tô thuế tạp dịch cho những vùng bị tàn phá, miễm giảm cho các vùng khác…
Là một vị vua nhân hậu, lại đánh giá được vai trò to lớn của quân dân Đại Việt trong hai cuộc kháng chiến, Trần Nhân Tông đã cho sử quan chép tập Trung hưng thực lục và sai vẽ tượng các tướng lĩnh, công hầu có nhiều công lao. Đối với những người có tư tưởng hàng giặc, nhà vua cũng khoan thứ, cho đốt hết những tờ biểu tư thông với giặc để kẻ biết lỗi yên lòng và xoá bỏ mọi hiềm nghi. Còn những người vì hoàn cảnh nào đó mà phải hàng giặc cũng chỉ xử không cho mang họ Trần. Việc làm này đã chứng tỏ đường lối chính trị nhân đạo nhằm ổn định đất nước sau chiến tranh, để bách gia trăm họ an lòng mà xây dựng đất nước,…
Có lẽ bởi đường lối “trị quốc, an dân” đúng đắn ấy nên “lúa mỗi năm gặt bốn lần, tuy vào mùa đông rét, mạ vẫn phơi phới”. Còn về thương mại, không những nền nội thương phát triển, “thôn xóm đều có chợ, mỗi hai ngày họp một lần, trăm món tạp hóa đều dồi dào” mà “cứ 5 dặm thì dựng một ngôi nhà 3 gian, bốn mặt đều đặt sạp để làm chỗ họp chợ” và “nước không có dự trữ, chỉ trông cậy vào việc thuyền bè đến buôn bán”.[2]
Trong lĩnh vực văn hóa, có thể xem Trần Nhân Tông là một trong những người đi tiên phong trong việc sử dụng tiếng Việt trong sáng tác văn học. Cư trần lạc đạo phú và Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca là hai tác phẩm của Trần Nhân Tông được viết bằng tiếng Việt (chữ Nôm). Theo Lê Mạnh Thát: “Hai tác phẩm không những đã lôi cuốn được sự chú ý của người đương thời, mà còn có sức hấp dẫn đối với hậu thế. Tiếng Việt tự bản thân nó đã trở thành một ngôn ngữ văn học. Đây chính là một trong những cống hiến lớn, mà hai tác phẩm này đã mang lại cho văn học Việt Nam”[3]. Như vậy, tiếng Việt vào thời Trần Nhân Tông đã xác lập được vị trí chính thức trong các văn bản mang tính hành chính của nhà nước. Từ kinh nghiệm của các triều đại trước, đồng thời là người lãnh đạo cao nhất trong một giai đoạn lịch sử hết sức cam go và ác liệt, Trần Nhân Tông ý thức sâu sắc rằng, việc bảo vệ độc lập dân tộc không tách rời việc xây dựng và phát huy nền văn hóa dân tộc. Việc sử dụng tiếng Việt trong sáng tác văn học, do đó, đối với Trần Nhân Tông không chỉ dừng lại ở chỗ “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà còn phải “vị nhân sinh”, tức là phải đáp ứng được yêu cầu phát huy tính độc lập dân tộc ngay cả trong văn tự và lệnh đại xá của ông cũng phải được đọc thêm bằng tiếng Việt đã chứng thực quan điểm ấy.
Đóng góp quan trọng thứ 3 của Ngài là trong việc mở nước: Cho đến trước thời Trần Nhân Tông, biên giới phía Nam của Đại Việt mới chỉ dừng đến nam Diễn Châu. Vì thế, nói đến mở nước là nói đến “công cuộc Nam tiến” của dân tộc ta, mà ở đó, Trần Nhân Tông phải được đặt ở vị trí cao nhất- người thành công trong việc mở rộng bờ cõi bằng hòa bình, không dùng sức mạnh quân sự – một việc làm hiếm thấy, đưa 2 châu: châu Ô và châu Lý (từ Triệu Phong – Quảng Trị đến Duy Xuyên – Quảng Nam ngày nay) vào bản đồ nước Đại Việt. Châu Ô chính là vùng đất Ô Mã của Chiêm Thành, nơi mà Toa Đô trong lần xâm lược năm 1283 đã báo cáo là vùng đất “nằm gần nước An Nam”; còn châu Lý, tức vùng đất Việt Lý, mà Toa Đô phải đi qua trước khi tiến công vào trại Bố Chính và đất Hoan Ái của ta và đã gây cho ta nhiều tổn thất. Chính cánh quân Toa Đô từ miền Nam kéo ra này đã gây nên diễn biến chính trị và quân sự phức tạp, đến nỗi vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Thánh Tông đã phải đích thân chỉ huy cánh quân phía Nam của ta đối phó lại và làm nên chiến thắng vang dội, với việc chém đầu Toa Đô, bắt sống gần một vạn quân địch tại trận Tây Kết lần thứ hai.
Có thể thấy, Chiêm Thành có một vị thế hết sức xung yếu trong chiến lược phòng thủ quốc gia Đại Việt. Và vì thế, việc yên ổn biên cương phía Nam được vua Trần Nhân Tông đặt ra. Nhưng giải quyết vấn đề đó bằng cách nào? Có lẽ không có gì êm đẹp và hiệu quả hơn một cuộc hôn nhân mang tính chất quốc gia. Lịch sử đã ghi nhận “cuộc đối thoại” giữa hai vương triều Việt – Champa do Trần Nhân Tông khởi xướng là ngọn nguồn dẫn đến cuộc hôn nhân Chế Mân – Huyền Trân. Để có được “cuộc đối thoại” đầy ngoạn mục ấy, Trần Nhân Tông vừa gây dựng thế lực của Đại Việt, vừa tạo cho chính bản thân mình một uy đức bằng việc gửi 2 vạn quân và 500 chiến thuyền chi viện, góp phần giúp Champa chiến thắng quân Nguyên Mông trong cuộc chiến tranh Nguyên – Champa (1283). Điều đó đã giúp Ngài đủ sức thuyết phục Champa đi theo con đường hòa bình trong việc bang giao giữa hai quốc gia. Trong lời đề từ cho bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, Trần Chí Chính viết: “Có lúc Ngài viễn du hóa độ cho các nước lân bang, phía Nam đến tận Chiêm Thành, đã từng khất thực ở trong thành. Vua nước Chiêm Thành biết được điều đó, hết sức kính trọng mời, dâng cúng trai lễ, sắp sẵn thuyền bè, thân hành tiễn Ngài về nước và đem đất hai Châu làm lễ cúng dâng cho Ngài. Ấy là Thần Châu và Hóa Châu nay vậy”[4]. Nhưng, cái vĩ đại của vua Trần Nhân Tông là ở chỗ, sau 2 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1285 và năm 1288 thắng lợi, dù cho thanh thế Đại Việt đã lẫy lừng khắp cõi Đông Nam Á, vậy mà Ngài vẫn chọn kế sách mở nước bằng con đường hữu nghị và hòa bình chứ không dùng đến binh đao.
Có thêm vùng đất mới, địa giới Đại Việt về phía Nam đã vượt qua đèo Hải Vân, trong đó có hai cửa biển: Tư Hiền và Đà Nẵng. Đây là những cửa biển sâu và rất thuận lợi cho thủy quân, lại kết hợp với núi cao hiểm trở nên không chỉ góp phần bảo vệ biên cương phía Nam, mà hơn thế nữa, nó đã mở ra bước phát triển mới trong chiến lược Nam tiến của dân tộc ta. Có thể xem việc làm của vua Trần Nhân Tông là bước then chốt của quá trình Nam tiến, bởi chỉ chưa đầy một thế kỷ sau khi Ô, Lý sáp nhập vào Đại Việt, Hồ Quý Ly đã có thêm Thăng Hoa và Tư Nghĩa và thêm nửa thế kỷ nữa, Lê Thánh Tông đã cắm mốc trên núi Đá Bia ở Phú Yên…
Như vậy là ở cả 3 lĩnh vực: giữ nước, dựng nước và mở nước, Trần Nhân Tông đều có những đóng góp đáng kể; song, điểm được coi là nổi bật nhất trong cuộc đời, sự nghiệp của Ngài là việc sáng lập ra phái thiền Trúc Lâm – Yên Tử – dòng thiền của riêng người Việt. Có thể nói, thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp của 4 dòng thiền đã có mặt ở nước Việt: thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (thế kỷ VI), Vô Ngôn Thông (thế kỷ XI), Thảo Đường (thời Lý) và Lâm Tế (thế kỷ 13). Như vậy, chỉ riêng sự ra đời của dòng thiền này cũng đã thể hiện tinh thần và khả năng đoàn kết/dung hội của nó. Không chỉ là sự kết hợp giữa các dòng thiền, ta còn có thể thấy giáo lý của thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp giữa triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo, là sự thể hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên”…, mà 4 câu cuối hội thứ nhất trong bài phú Cư trần lạc đạo của Trần Nhân Tông đã nói rõ điều đó:
…Lò hoán cốt, ước phi thăng, đàn thần mới phục;
Nhắm trường sinh về thượng giới, thuốc thỏ còn đam,
Sách Dịch xem chơi, yêu tính sáng, yêu hơn châu báu,
Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim.
Đặc biệt hơn, đây là thiền phái đầu tiên do một người Việt Nam sáng lập, mà người đó lại chính là một vị hoàng đế đứng đầu một đất nước, đã từng chiến thắng đội quân hung hãn nhất ở thế kỷ 13.
Thiền phái Trúc Lâm đề cao sự tự ngộ, sự nỗ lực rèn luyện của hết thảy mọi người. Dù xuất gia hay tại gia, sống trong chùa hay ở ngoài đời, miễn là biết tu tập, cải tạo tâm từ ác chuyển thành thiện, biết phá trừ vô minh, tham dục thì đều đi đến con đường giác ngộ. Nhắc tới thiền phái Trúc Lâm còn là nhắc tới tinh thần “nhập thế” của Phật giáo với tư tưởng “hòa quang đồng trần”. Đó “là Phật giáo của mọi người, nó không hạn chế trong tăng sĩ cũng không hạn chế trong chùa chiền. Ai cũng biện tâm được, không kể là xuất gia hay tại gia. Ở giữa trần tục chứ không cần ở chùa, ở núi vẫn có thể vui với đạo. Tư tưởng đó làm cho đạo Phật mặc dù có giáo lý cao siêu thâm diệu nhưng vẫn có nền tảng quần chúng rất rộng rãi. Đó là sức mạnh của số đông”[5]. Tính nhập thế cao độ ấy được thể hiện ở chỗ: Trần Nhân Tông đã từng tu Phật trước khi lãnh đạo 2 cuộc kháng Nguyên – Mông vĩ đại, nhưng khi đất nước gặp cơn nguy biến thì cầm gươm hiệu triệu toàn dân ra trận, lúc thiên hạ thái bình thì tham thiền nhập định, thuyết giảng từ bi, bác ái, khoan hòa…

Ðiều quan trọng hơn, sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát huy những giá trị văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống. Ðây cũng chính là sự đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng người ở từng thời đại, giai đoạn lịch sử cụ thể. Chính Ngài đã đem giáo lý ngũ giới, thập thiện đi khắp nơi để giáo hóa nhân dân, khuyên họ nên phá bỏ “dâm từ”, giúp họ trở nên hiền hòa và đạo đức hơn. Có thể nói, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tạo nên lực hấp dẫn mạnh mẽ, là nền tảng cho sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, tập hợp tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành mang đậm sắc thái Phật giáo dân tộc. Bản thân hình tượng ba vị sư tổ cũng được nghệ thuật hóa thành tranh thờ, tượng thờ, tạo ra một loại chùa riêng của một thiền phái trong hệ thống chùa tháp Việt Nam, như chùa Hoa Yên (Quảng Ninh), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Thanh Mai, chùa Côn Sơn, chùa Minh Khánh (Hải Dương), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), chùa Đại Bi (Bắc Ninh)… và hình tượng hóa thành những nhân vật trong kho tàng văn học bác học cũng như văn học bình dân. Không những thế, sự ra đời của dòng thiền này còn mở ra phong trào học Phật mới. Lấy tôn chỉ Thiền tông: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” làm chủ đạo, Đức đệ nhất Tổ đã khéo léo kết hợp giảng kinh thuyết pháp, giúp cho người học Phật hiểu sâu kinh điển, chuyển những lời kinh chết trong sách vở thành những bài kinh sống nơi người, chứng minh cho tâm thiền sáng ngời không có gì sai khác.
Đánh giá về dòng thiền này, Nguyễn Lang viết: “Phật giáo Trúc Lâm là một nền Phật giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hóa Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình”.
Điểm qua vài nét chính trong cuộc đời và sự nghiệp của đức vua Trần Nhân Tông để có thể thấy, các nhà nghiên cứu đã không quá lời khi khẳng định, Ngài là một vị minh quân, một thiên tài chính trị, một nhà quân sự tài ba và là người có công lớn trong tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Cuối cùng, xin được mượn mấy lời kệ trong Cư trần lạc đạo phú của Ngài để kết thúc bài tham luận của mình:
Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa
Nhân khuây bổn
Nên ta tìm Bụt
Chín mới hay
Chính Bụt là ta.
Đó cũng chính là cốt lõi, là tư tưởng chủ đạo của đức đệ nhất tổ Trần Nhân Tông, của Thiền học Trúc Lâm, của Phật giáo thời Trần nói riêng và của Phật giáo Việt Nam nói chung, luôn đề cao tư tưởng “Phật tại tâm” mà chúng ta vẫn hằng theo đuổi.
HT.TS.Thích Bảo Nghiêm (Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 5)