TƯ TƯỞNG BẤT NHỊ TRONG PHÁP BẢO ĐÀN KINH VÀ NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TU HỌC ĐỔI MỚI CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

ThS. Võ Thị Hồng Thúy

Học viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội

Tóm tắt: “Bất nhị” nghĩa là Vô nhị, lìa hai bên, là không có đối đãi nhị nguyên. Nhị nguyên là những cặp phạm trù đối lập nhau như hữu vô, đúng sai, thiện ác, sinh tử v.v.. Cho nên “bất nhị” chính là hai mặt của sự vật hiện tượng, là bản chất thống nhất của vạn pháp. Pháp Bảo Đàn Kinh thường đề cập đến “định tuệ bất nhị”, “động tĩnh bất nhị”, “thiện ác bất nhị”, “chúng sinh, Phật bất nhị” v.v. để dẫn dắt chúng sinh thực hiện “ra vào tức lìa hai bên”. Đặc biệt, những tư tưởng này đều xuất phát từ cảnh giới đã chứng ngộ của bản thân Lục Tổ, từ đó đã xây dựng được một hệ thống lý thuyết tu hành thực tiễn hoàn toàn đổi mới, sáng tạo, phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội. Trong kinh có tới hai bài “Tụng Vô tướng” để chỉ dạy chúng sinh các phương pháp hành trì Bồ-tát đạo tự lợi, lợi tha, tức Lục độ Ba-la-mật (gồm Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Trí tuệ) để đạt tới giải thoát cho bản thân (tự lợi) và những người xung quanh (lợi tha). Những đổi mới trong phương pháp tu học của Pháp Bảo Đàn kinh là cuộc cách mạng về giáo lý Phật giáo, nó không những thoát khỏi mọi trói buộc trong tu hành, xây dựng một bình diện hoàn toàn mới mẻ, mà còn vô cùng phù hợp với con người hiện đại thời nay.

Từ khóa: Pháp Bảo Đàn Kinh, Bất nhị, Bồ-tát đạo, Lục độ Ba-la-mật

MỞ ĐẦU

Hệ thống tư tưởng Bát-nhã của Lục Tổ Huệ Năng trình bày chủ yếu trong Pháp Bảo Đàn kinh đã đặt nền móng cho lý luận của Thiền tông, trở thành bộ Thiền kinh quan trọng hàng đầu của Thiền Tông, chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Những tư tưởng Bát-nhã Duyên khởi tính không, Trung đạo, Bất nhị, tức Tâm tức Phật v.v. là những nhân tố quan trọng nhất để hình thành lý luận Bát-nhã của Pháp Bảo Đàn Kinh. Đặc biệt, tư tưởng “Bất nhị” trong kinh được Lục Tổ Huệ Năng phát huy ở mức độ đầy đủ, chính xác và trọn vẹn, những tư tưởng này đều xuất phát từ cảnh giới đã chứng ngộ, thuyết pháp ngộ người của bản thân Lục Tổ. Cho nên có thể nói Pháp Bảo Đàn kinh đã xây dựng một hệ thống lý thuyết tu hành thực tiễn hoàn chỉnh và hoàn toàn đổi mới, sáng tạo, phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, sự ra đời của Pháp Bảo Đàn kinh đã đưa việc thực hiện giáo lý Phật giáo phát triển lên một đỉnh cao mới.

  1. TƯ TƯỜNG BẤT NHỊ TRONG PHÁP BẢO ĐÀN KINH

 “Bất nhị” cũng gọi là Vô nhị, nghĩa là không hai, lìa hai bên, không có đối đãi nhị nguyên, không có sự phân biệt đối với hết thảy pháp. Nhị nguyên là những cặp phạm trù đối lập nhau như hữu vô, đúng sai, thiện ác v.v.. Cho nên “bất nhị” chính là hai mặt của một sự vật hiện tượng. Pháp Bảo Đàn Kinh thường đề cập đến “định tuệ bất nhị”, “động tĩnh bất nhị”, “thiện ác bất nhị”, “chúng sinh, Phật bất nhị” v.v. để dẫn dắt chúng sinh thực hiện “ra vào tức lìa hai bên”. Phẩm Hành do đã nói về pháp môn “Bất nhị”, tức không có nhận thức khác biệt về mọi hiện tượng, nhận thức đó chính là chân lý của Phật giáo, cho nên “Bất nhị” cũng là “chân như”, “Phật tính” v.v. như sau:

Pháp Sư giảng Kinh Niết Bàn, đã rõ Phật tính là Pháp Bất Nhị của Phật Pháp! ……………. Phật nói: Thiện căn có hai, một là thường, hai là vô thường, Phật tính phi thường phi vô thường, nên chẳng đoạn dứt, gọi là bất nhị. Một là thiện, hai là bất thiện, Phật tính phi thiện, phi bất thiện, gọi là bất nhị. Uẩn và Giới, phàm phu thấy cho là nhị, người trí liễu đạt thì biết tính ấy bất nhị, tính bất nhị tức là Phật tính vậy.” [1]

Mở đầu Phẩm Bát-nhã lại dùng một loạt các cặp phạm trù “…phi…phi…”, “…vô…vô…” v.v. để nói rõ ý nghĩa đích thực của trí tuệ Bát-nhã, khẳng định tự tính Bát-nhã vốn không, không có tự tính, nên vô sở đắc, yêu cầu chúng sinh không được chấp trước vào bất kỳ pháp ngoại tại nào, bởi hết thảy pháp đều ở trong tự tâm con người, phải thấy ngay bản tính chân như từ trong tự tâm của chính mình. Kinh nói: “Ma Ha là đại, tâm lượng quảng đại như hư không, chẳng có biên giới, cũng chẳng vuông tròn lớn nhỏ, cũng chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, cũng chẳng trên dưới dài ngắn, cũng chẳng giận, chẳng vui, chẳng phải chẳng quấy, chẳng thiện chẳng ác, chẳng đầu chẳng đuôi….”[2]

Trên cơ sở này, Pháp Bảo Đàn Kinh đã nhận rõ không có sự đối lập tuyệt đối giữa chúng sinh và Phật, phiền não với Bồ-đề, bởi phàm phu chính là Phật, phiền não chính là Bồ-đề, phẩm Bát-nhã nói: “Thiện tri thức, phàm phu tức Phật, phin não tức Bồ Ð; niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật. Niệm trước chấp cảnh tức phin não, niệm sau lìa cảnh tức Bồ Ð.” [3]

Đặc biệt, Phẩm Phó chúc dùng “Tam khoa 36 cặp đối pháp” để nói rõ về tư tưởng này, đồng thời chỉ dạy chúng sinh phải phá bỏ lối tư duy hai mặt đối lập, phá bỏ sự chấp trước đối với hết thảy mọi pháp, tuy chúng đối nhau, nhưng là duyên cấu thành lẫn nhau, kinh nói:

“Ngoại cảnh vô tình có năm đối. Trời đối đất, …. Pháp tướng ngôn ngữ có mười hai đối: ngữ đối pháp, hữu đối vô, …., Tự tính khởi mười chín đối: dài đối ngắn, tà đối chánh,…., Sư bảo: Ba mươi sáu pháp đối này nếu biết dùng thì thấu đạo và tất cả Kinh Pháp, ra vào thường lìa nhị biên…..” [4]

36 cặp đối pháp đã chỉ rõ thực tướng của vũ trụ, tự tính Phật tính cho tới ngôn ngữ văn tự v.v. đều là “không” “hữu” bất nhị, nếu chấp có thì không đúng, nhưng chấp không cũng không phải chính đạo, mà phải nhìn nhận chúng với quan niệm tương tức, là hai mặt của một chỉnh thể thống nhất. Vì thế chỉ cần nắm bắt được lý luận “Bất nhị” thì pháp tức là “chính pháp”, ngôn ngữ là “chính ngôn ngữ”, “chính niệm” không ngừng. Như vậy, người chứng ngộ tuy bị ảnh hưởng bởi các đối pháp trong cuộc sống thế gian, nhưng nhờ nhận thức và tư duy đối lập với thế gian, nên dù không lìa xa xã hội hiện thực, không lìa xa ngôn ngữ văn tự, thấy nghe nhận biết của thế tục mà vẫn tùy duyên tu hành, ra vào tự tại.

Có thể thấy Pháp Bảo Đàn Kinh đã dùng tư tưởng “Bất nhị” để thống nhiếp toàn bộ Phật tính, Tự tính, Tự tâm v.v., bởi nếu Tự tâm xứ xứ bất nhị, thời thời bất nhị, thì Tự tâm chính là Tự tính, lúc này Tự tâm cũng chính là Phật tính. Từ đó nói rõ Phật và chúng sinh không khác, để dẫn dắt chúng sinh không chấp trước vào “hữu” với “thế gian”, cũng không mê chấp vào “không” với “xuất thế gian”, trong cuộc sống tu hành hay cuộc sống ngoài đời đều có thể thuận theo lẽ tự nhiên, không chấp trước cuộc sống hiện thực danh lợi, đạt đến cảnh giới tinh thần thanh tịnh và giải thoát. Những tư tưởng này của Pháp Bảo Đàn Kinh đã mở ra một sự đổi mới hoàn toàn trong phương pháp tu học, nó đã xóa bỏ ranh giới giữa mối quan hệ của thế gian và xuất thế gian, nói rõ ngoài thế gian, không có xuất thế gian nào khác tồn tại. Xóa bỏ sự đối lập giữa thế gian và xuất thế gian, về nhân sinh quan và xã hội đã làm giảm đi sự lợi hại, khen chê, xóa nhòa thiện ác, đúng sai. Những quan niệm này khác biệt hoàn toàn so với khuôn phép bó buộc trong tu hành của Phật giáo truyền thống, nhưng nó vô cùng phù hợp với yêu cầu của con người về một đời sống tinh thần tự tại siêu việt ngay trần gian. Vậy Pháp Bảo Đàn Kinh chỉ dạy những phương pháp này như thế nào trong đời sống hiện đại của chúng ta?

  1. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TU HỌC ĐỔI MỚI CỦA LỤC TỔ HUỆ NĂNG

Kinh điển Đại thừa đã chỉ cho chúng ta con đường thực hành Bồ-tát đạo tự lợi, lợi tha, tức Lục độ Ba-la-mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ) để đạt tới giải thoát cho bản thân (tự lợi) và những người xung quanh (lợi tha). Nói đến phương pháp tu hành và tu dưỡng đức hạnh của chúng sinh, thì không thể không nhắc tới Pháp Bảo Đàn kinh, trong kinh có tới hai bài Tụng Vô tướng, một bài ở Phẩm Bát-nhã và một bài ở Phẩm Nghi Vấn, nội dung chủ yếu dạy chúng sinh các phương pháp hành trì Lục Ba-la-mật, giúp con người sống cuộc đời có ý nghĩa và giá trị. Những phương pháp này không câu nệ ở hình thức, hình tướng tu tập, mà có thể thực hành mọi lúc mọi nơi cho tất cả chúng sinh.

  1. Bố thí Ba-la-mật

Đạo Phật là đạo từ bi cứu khổ, mà những nỗi khổ lớn của con người đa phần là sự mê mờ về tinh thần và thiếu thốn về vật chất. Vì thế Phật dạy muốn hành Bồ-tát đạo, thì trước tiên phải làm hạnh Bố thí. Do sự bố thí của mình mà cảm phục được người xung quanh, khiến họ gần gũi thân cận và mong cầu học đạo giải thoát. Bố thí gồm có Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí. Bố thí là do lòng từ bi vô hạn mà làm, phải bố thí với tinh thần “tam luân không tịch” mới có được công đức vô lậu. Khi ấy, bố thí không còn là một việc làm phúc hay ban ơn nữa, mà là một việc tự nhiên như ăn uống hàng ngày.

Trong Pháp Bảo Đàn kinh Tổ dạy người tu hành trước tiên hãy thực hiện hiếu nghĩa ngay trong mối quan hệ với gia đình và xã hội, hàng ngày hiếu dưỡng cha mẹ, làm nhiều việc lợi ích chúng sinh. Đây chính là thực hiện hạnh bố thí Tứ vô lượng tâm trong cuộc sống, Vô tướng tụng dạy:

Báo ân là nuôi dưỡng cha mẹ, Nhân nghĩa thì già trẻ thương nhau. [5]

Đối với hàng đệ tử thì khuyên bảo phải quảng hành Bồ-tát đạo, phổ độ hết thảy chúng sinh hữu tình, đây là tinh thần Bồ-tát đạo không cầu an lạc cho chính mình, chỉ nguyện chúng sinh được thoát khổ. Cũng trong Vô tướng tụng Tổ dạy:

Hằng ngày thường lợi ích chúng sinh, Thành đạo chẳng do bố thí tiền.

Bồ-đề chỉ ở nơi tâm ngộ,                      Ðâu cần hướng ngoại để cầu huyền.

Nghe xong hãy theo đây mà tu hành, Tịnh độ đã ở ngay trước mắt.” [6]

          Bài kệ trên đã chỉ rõ, việc thành đạo chẳng do tài thí, mà quan trọng hơn là pháp thí và Vô úy thí. Làm thế nào chỉ rõ cho chúng sinh biết trong họ đều có sẵn Phật tính, chỉ vì các phiền não vọng tưởng che lấp, nên không thể minh tâm kiến tính, tự tính Chân như không thể hiển hiện, giúp họ đến được Phật địa. Vô tướng tụng dạy:

Muốn hoá độ chúng sinh,                   Tự phải có phương tiện,

Khiến họ hết nghi ngờ,                         Tức là tự tính hiện.” [7]

Có thể thấy, việc thiện làm lợi ích cho chúng sinh không chỉ có tài thí v.v. mà pháp thí mới là tối thượng.

  1. Trì giới Ba-la-mật

“Trì giới” nghĩa là giữ gìn giới luật một cách trọn đủ để đối trị nghiệp ác, khiến cho thân tâm thanh tịnh và an lạc. Việc thụ giới của Phật giáo là quy tắc phòng phi chỉ ác mà các tín đồ xuất gia cũng như tại gia phải phụng hành. Giới là một trong tam học Giới, Định, Tuệ, là một trong Lục độ Ba-la-mật, có vị trí vô cùng quan trọng trong việc tu tập, tùy theo tông phái, đối tượng mà Giới được chia thành nhiều loại như “Ngũ giới”, “Bát giới”, “Thập giới”, “Cụ túc giới”, nếu theo Tứ phần luật thì Tăng có 250 giới, Ni có 348 giới v.v.

Theo đó, một người thụ giới thì nhất thiết phải chấp nhận thụ trì những giới tướng theo qui định trên, từ đó hình thành Giới thể trong tự tâm, có quyết tâm và ý niệm về việc trì giới, có thể nói đây là “Hữu tướng giới”. Nhưng Giới mà Tổ Huệ Năng dạy lại là “Vô tướng giới”, tức đề cao tự tính (còn gọi là bản tâm, Phật tính) là Giới thể, là cội nguồn vốn thanh tịnh của giới, được thể hiện ngay trong tự tính chân như. Nếu mọi lúc mọi thời đều tự tịnh nơi tâm, tự tu tự ngộ, tự thấy bản tâm, thì chính là tự giới, hay cũng là cảnh giới “Tâm bình cần gì giữ giới, Hạnh thẳng cần chi tu thiền [8]. Bởi khi đã trở về bản tâm thanh tịnh, thì còn giới nào cần giữ, thiền nào cần tu, mọi thời khắc đều là thanh tịnh, tự tại, giải thoát, đây chính là “Vô tướng giới” mà Tổ Huệ Năng đã kế thừa và phát huy từ Giới pháp truyền thống, thể hiện quan điểm độc đáo của mình trong vấn đề trì giới. Nội dung cụ thể được phản ánh qua những phương pháp tu tập cụ thể như “Vô tướng sám hối”, “Tứ hoằng thệ nguyện”, “Vô tướng tam quy y giới”, “Quy y tam thân tự tính Phật”.

Như vậy, theo quan niệm của Lục Tổ, thì việc giữ giới quan trọng nhất là phải được thực hiện từ trong tâm, phải chuyển được các giới tướng ngoại tại thành vô tướng giới trong tâm, từ quy Phật thành quy y tự tính, phá bỏ mọi hình thức và sự sùng bái bên ngoài, thống nhất “giới tướng” và “giới thể” hợp nhất trong nội tâm, làm được như vậy chính là xóa bỏ mọi sự cứng nhắc trong qui định về giới luật, mở ra cho chúng sinh một phương pháp trì giới với phạm vi rộng hơn, linh hoạt hơn, dễ dàng thực hiện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày.

  1. Nhẫn nhục Ba-la-mật

Nhẫn nhục là một trong sáu Ba-la-mật, nghĩa là dù bị người hủy nhục, bức hại, hoặc gặp những hoàn cảnh khổ đau do bên ngoài đem đến v.v., thì thân tâm vẫn an tịnh mà không chấp tướng, nó có thể đối trị sân hận, khiến tâm an trụ. Nhẫn nhục đóng vai trò rất quan trọng trong việc tu tập của chúng sinh, là hạnh tối cao mà Phật dạy để chứng ngộ Niết-bàn. Trong kinh Pháp Cú dạy: “Chư Phật thường giảng dạy; Nhẫn, khổ hạnh tối thượng, Niết bàn, quả tối thượng; ……. [9]

Trong Pháp Bảo Đàn kinh dạy người tu hành phải biết khiêm nhường từ trong tâm, kính trên nhường dưới, khiêm cung để dứt trừ mọi sân hận, đố kỵ, ghen ghét, từ đó được trên thuận dưới hòa, khiến không sinh các nghiệp ác, đây không những là nền tảng đạo đức của con người, mà cũng là nền móng của Phật giáo nhân gian. Điều này được thể hiện trong Vô tướng tụng:

Khiêm nhường thì sang hèn hoà thuận, Nhẫn nhục thì việc ác chẳng sinh.” [10]

Trong Pháp Bảo Đàn kinh nói rõ, chúng sinh tự chứng tự ngộ, tự thành Phật quả là dạy người tự tín tự lập. Việc tu hành đạt đạo luôn nhấn mạnh trong ngoài cùng tu, không được thiên lệch, như “Trong tâm khiêm tốn là công, ngoài hành lễ phép là đức [11], hay “tự tu tính là công, tự tu thân là đức [12] v.v.. Những biểu hiện phóng túng, những ngôn hạnh khinh miệt không có ích lợi cho việc tu đạo, như phẩm Cơ duyên nói:

Lễ vốn trừ ngã mạn,       Ðầu sao chẳng chấm đất?

Có ngã tội liền sinh,         Quên công, phước vô tận.” [13]

Phẩm Sám hối cũng dạy người tu hành luôn phải hạ mình, cung kính tất cả, thì sẽ được minh tâm kiến tính, thông đạt hết thảy, đó cũng chính là quy y tự tính Tam bảo: “Thường phải hạ mình, cung kính mọi người, tức là KIẾN TÁNH, thông đạt chẳng còn trệ ngại, ấy là TỰ QUY Y.” [14]

Nhẫn nhục, khiêm nhường là sự tu dưỡng cơ bản nhất trong quá trình học Phật, nếu học mà không tu đạo, trong tâm thường coi khinh người khác, lâu dần sẽ hình thành ngã mạn ngăn cản sự tu đạo của mình, như vậy thì Ngã không đoạn, tự tính hư vọng không thực, liền chẳng đạt được thành tựu gì, nói chi đến minh tâm kiến tính với giải thoát!

  1. Tinh tiến Ba-la-mật

Tinh tiến là một trong sáu Ba-la-mật, là sự cố gắng không ngừng để nhanh đạt được quả vị tối thượng trong việc tu hành. Muốn làm được điều đó hành giả phải nương theo lời dạy của đức Phật, gắng sức tiến lên trong quá trình tu hành làm thiện, dứt ác, chuyển nhiễm thành tịnh, cho nên Tinh tiến là gốc của việc tu đạo. Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:

Lúc trẻ không phạm hạnh,        Không tìm kiếm bạc tiền;

Như cây cung bị gẫy,                 Thở than những ngày qua.” [15]

Tinh tiến không những quan trọng đối với Đạo, mà đối với Đời cũng vậy, trong Trong bài thơ “Khuyên thanh niên” của bác Hồ đã từng dạy:

Không có việc gì khó,              Chỉ sợ lòng không bền.

Đào núi và lấp biển,                Quyết chí ắt làm nên.” [16]

Có thể thấy, ngoài đời cũng như trong đạo, tinh tiến luôn là tinh thần cần có trong mọi lĩnh vực, trong Vô tướng tụng nói:

Nếu công phu miên mật mãi mãi, Kẻ ngu độn cũng phải kiến tánh…..[17]

Như vậy chỉ cần siêng năng chuyên cần, có chí tiến thủ, thì dù là người ngu độn cũng có thể minh tâm kiến tính. Pháp Bảo Đàn kinh còn đặc biệt nhấn mạnh người học Phật cũng chính là người tu dưỡng đức hạnh, cho nên người tu hành chân chính phải không ngừng kiểm điểm phiếm khuyết và nhận ra lỗi của bản thân để sửa, từ đó biến thất bại thành thành công, Vô tướng tụng Phẩm Bát-nhã dạy:

Người đời muốn tu đạo,          Tất cả đều chẳng ngại,

Thường tự thấy lỗi mình,           Với đạo tức tương ưng.[18]

Người tu đạo nếu thường thấy lỗi của mình, thì chính là quy y Tam bảo của mình, bởi vì không quy y tự tính nơi mình, thì không có chỗ quy y. Cho nên muốn thấy chính đạo thì phải tu hạnh chính, Vô tướng tụng phẩm Bát-nhã nói:

Muốn được thấy chân đạo,      Hạnh chính tức là đạo,

Nếu tự chẳng đạo tâm,               Ðen tối chẳng thấy đạo.” [19]

Đây cũng chính là quá trình không ngừng hoàn thiện bản thân, đặc biệt là những bậc lãnh đạo cấp cao, hay những người làm chủ trong gia đình, phải luôn nhớ câu tục ngữ “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”, biết tiếp thu và vận dụng ý kiến của nhiều người bằng trí tuệ sáng suốt, mới có thể trị quốc an dân, trong Vô tướng tụng phẩm Nghi vấn đặc biệt nhấn mạnh:

 “Thuốc đắng hay trừ được bệnh khổ, Lời trái tai ắt là trung ngôn.

Tự sửa quấy sẽ sinh trí huệ, Giấu lỗi thì trong tâm chẳng lành.” [20]

Có thể thấy, người tu hành không những phải khiêm tốn tiếp thu ý kiến của người khác, thường kiểm điểm lại lỗi lầm của bản thân, mà còn phải đạt tới cảnh giới “không thấy lỗi thế gian”, đây là yêu cầu cơ bản đối với người tu hành. Bởi mỗi người sinh ra trên thế gian đều có hoàn cảnh và môi trường giáo dục khác nhau, nên nhận thức v.v. cũng không giống nhau, từ đó dẫn đến hàng loạt sự phân biệt ta đúng người sai v.v.. đúng như lời Cổ nhân đã dạy: “Con người không phải Thánh hiền, Ai mà không mắc lỗi? Lỗi rồi biết hối cải, Còn gì tốt đẹp hơn. (Nhân phi Thánh hiền, thục năng vô quá? Quá nhi năng cải, thiện mạc đại yên).”

  1. Phương pháp Thiền định và Trí tuệ Ba-la-mật

Tọa thiền là một trong những biện pháp then chốt của Phật giáo, là một trong những phương tiện để nhập Định, nhân Định phát Tuệ, chia tách rõ ràng hai khái niệm Định và Tuệ, thông qua Thiền để khắc chế tâm tính, dứt trừ phiền não, phát sinh trí tuệ, cuối cùng đạt được giải thoát. Nhưng tọa thiền trong Pháp Bảo Đàn kinh không phải cứ giữ tâm xem tịnh, ngồi như cây khô, mà phải ngoài không chấp trước, trong không tán loạn mới là tọa thiền đúng nghĩa, phẩm Định Tuệ nói:

Thiện tri thức, sao gọi là TỌA THIỀN? Trong pháp môn này vô chướng, vô ngại, bên ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là TỌA, bên trong thấy tự tính chẳng động gọi là THIỀN.” [21]

Chủ trương Định Tuệ là một và bình đẳng không khác, giống như mối quan hệ giữa đèn với ánh sáng, hai thứ tuy hai mà một không thể rách rời. Nói rõ Định là thể của Tuệ, Tuệ là dụng của Định, khi giác ngộ được tự tính, thì Tuệ chính là Định, lúc này cũng không có Định nào ngoài Tuệ. Cũng như vậy, khi tu Định thì Tuệ chính là Định, không có Tuệ nào ngoài Định. Do vậy, khi tu hành không được chia Định Tuệ làm hai, không được thiên chấp một bên, đây cũng là sự nhấn mạnh vào cứu cánh “Bát-nhã vô sở đắc” của thiền định, Phẩm Tọa thiền nói:

Sao gọi là Thiền Định? Bên ngoài lìa tướng là Thiền, bên trong chẳng loạn là Ðịnh. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm liền loạn, ngoài nếu lìa tướng thì tâm chẳng loạn. Bản tính tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh chấp cảnh thành loạn, nếu người thấy mọi cảnh mà tâm chẳng loạn, đó là Chân Định vậy….” [22]

Như vậy, chỉ cần không sinh vọng niệm đối với mọi cảnh giới, tự tính tự định chính là thiền định. Nếu chấp trước ở tướng tọa thiền để mong vào được định, thì lại là nhân duyên chướng ngại bản tính, trái với đạo lý, Phẩm Đốn tiệm nói: “Sinh ra ngồi không nằm, Chết đi nằm không ngồi. Một bộ xương hôi thối, Có gì lập công phu? [23] hay trong phẩm Tuyên chiếu: “Đạo do tâm ngộ, há ở việc ngồi [24]. Nói như vậy không có nghĩa là Pháp Bảo Đàn kinh phản đối việc ngồi thiền, trên thực tế Tổ chỉ phản đối việc chấp trước ở tướng “tọa thiền”, cho rằng tu thiền không nhất thiết cứ phải tọa thiền, bởi hạnh trực cần chi tu thiền, hay “nhất  hạnh  tam  muội, là ở tất cả mọi nơi đi đứng nằm ngồi thường hành trực tâm [25]

Trực tâm cũng chính là Tâm bình trong Pháp Bảo Đàn kinh, cũng chính là trạng thái tinh thần vô niệm. Như vậy, thiền định theo quan niệm của Tổ là coi trọng Định từ trong nội tâm, chứ không phải tướng tọa thiền ngoại tại. Tướng tọa thiền ngoại tại đã hoàn toàn biến đổi thành tác dụng của bản tính, nó được thực hiện mọi lúc mọi nơi trong đời sống thường nhật, khiến mọi hành động của hành giả đều chính trực, phù hợp với yêu cầu của Phật pháp, lúc này mọi cảnh giới đều là Thiền định. Điều này đã nói rõ tư tưởng cầu giải thoát ngay tại thế gian, không lìa sinh tử chứng Niết-bàn, đây chính là quan niệm “Định tuệ bình đẳng” trong Pháp Bảo Đàn kinh!

KẾT LUẬN

Rõ ràng rằng, những đổi mới trong phương pháp tu học của Pháp Bảo Đàn kinh là cuộc cách mạng về giáo lý Phật giáo, nó không những thoát khỏi mọi trói buộc trong tu hành, xây dựng một bình diện hoàn toàn mới mẻ, mà còn vô cùng phù hợp với con người hiện đại thời nay. Nhất là trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hoá, những vấn đề xã hội và tâm linh đang ngày càng phức tạp, nhưng thế giới đã có trí tuệ Bát-nhã của Phật giáo, lấy tâm từ bi làm bản thể cho hành động tạo tác của thân, khẩu, ý, thì chắc chắn sẽ cùng nhau chung sống hòa bình, chung tay giải quyết mọi vấn đề, như vậy thì mọi áp lực hay khó khăn trong cuộc sống đều trở thành động cơ cho ta phấn đấu, tiến lên phía trước.

Thiết nghĩ, thực hành Lục độ Ba-la-mật mà Pháp Bảo Đàn kinh đã chỉ dạy, lĩnh ngộ và vận dụng vào học tập, công việc v.v. trong cuộc sống hàng ngày, quản lý tốt cuộc đời mình, thì sẽ mở ra cho nhân loại trên thế giới một con đường hạnh phúc, lành mạnh và tràn đầy hy vọng! Đó cũng chính là con đường để nhân loại tìm ra chính mình trong sự tồn tại hiện hữu một cách tích cực nhất!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại Tập 31 – Bộ Bát-Nhã XIV – Số 223 – 224, Kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật (Thích Tịnh Hạnh dịch, 2000), Nxb Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc.
  2. Thích Quảng Độ dịch giải (2012), Phật Quang Đại Từ điển, Nxb Phương Đông.
  3. Tuyên Hóa (2010), Kinh Lục Tổ Pháp Bảo Đàn, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
  4. Trần Trọng Kim (2003), Thiền học, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
  5. Kinh Trung Bộ 2, 115. Kinh Đa Giới (Thích Minh Châu dịch, 2012), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội.
  6. Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Thích Minh Châu dịch (năm 1999), Nxb Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh
  7. Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana
  8. Nguyễn Minh Tiến (2008), Lục Tổ Đại Sư Con Người & Huyền Thoại, Nxb Tôn Giáo.
  9. Thơ Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1977
  10. Tuệ Sỹ dịch (2007), Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo, Nxb Phương Đông, TP HCM.

[1] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 13.

[2] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 14

[3] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 16

[4] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 72-73.

[5] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 29

[6] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 30

[7] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 23

[8] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 29

[9] Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Thích Minh Châu dịch (năm 1999), Nxb Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, Trang 68.

[10] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 29

[11] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 26

[12] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 26

[13] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 44

[14] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 38

[15] Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Thích Minh Châu dịch (năm 1999), Nxb Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, Trang 63.

[16] Thơ Hồ Chí Minh, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1977, trang 179.

[17] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 30

[18] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 22

[19] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 23

[20] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 30

[21] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 34

[22] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 34

[23] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 65

[24] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 70

[25] Thích Duy Lực (1992), Pháp Bảo Đàn Kinh, Nxb Từ Ân Thiền Ðường, Santa Ana, trang 31.

Bình luận
Tin cùng chuyên mục