Về Tâm linh
Tác giảng: Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh
Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.
Gần đây có một số độc giả của Tạp chí Khuông Việt gửi thư về Tòa soạn, đề nghị làm rõ một số vấn đề trong các bài “‘Tâm linh’ và ‘Du lịch tâm linh’ ở Việt Nam từ góc nhìn lý thuyết về thị trường tôn giáo” của PGS TS Đinh Hồng Hải (đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 6 (208) năm 2021), cuộc trò chuyện giữa nhà báo Phan Đăng với Tác giả bài báo với chủ đề Chúng ta đang hiểu nhầm về Tâm Linh (trên Youtube Phan Đăng, ngày 09 tháng 10 năm 2022) và gần đây nhất là bài Tâm linh không phải như những gì chúng ta đang tưởng (https://cand.com.vn, thứ sáu, ngày 25/11/2022. Mục Trò chuyện cuối tháng).
Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, không những trong học thuật có tính chuyên sâu mà ngay trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, cũng như trên báo chí, được đông đảo độc giả theo dõi, có nhiều bình luận trái chiều… chúng tôi cho rằng cần phải trao đổi lại cho thấu đáo tường minh về vấn đề này.
Bài “‘Tâm linh’ và ‘Du lịch tâm linh’ ở Việt Nam từ góc nhìn lý thuyết về thị trường tôn giáo” (tại đây viết tắt là “TL và DLTL”) đăng trên Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo có 3 ý lớn: Tên gọi thuật ngữ và ý nghĩa; Sự bùng nổ du lịch tâm linh ở Việt Nam; Thị trường tôn giáo Việt Nam hiện nay từ góc nhìn lý thuyết. Trong bài trao đổi ngắn này, chúng tôi chỉ tập trung bàn về khái niệm, thuật ngữ “tâm linh”, bởi vì khái niệm là cơ sở, là “công cụ” của tư duy. Chúng ta tư duy là tư duy bằng khái niệm, chứ không phải tư duy bằng sự vật. Một khi khái niệm, thuật ngữ khoa học không rõ ràng thì mọi suy luận logic đều không đáng tin cậy hoặc là chủ quan ngụy biện.
- “TÂM LINH” LÀ TỪ MỚI ĐƯỢC SÁNG TẠO, BẰNG CÁCH GHÉP HAI TỪ CÓ SẴN TRONG TIẾNG VIỆT LÀ “TÂM” VÀ “LINH”?
Quan điểm nhất quán của PGS,TS. Đinh Trọng Hải trong ba tài liệu mà chúng tôi đã dẫn ra là: Xét về từ nguyên, “trong hàng chục bộ từ điển lớn của Việt Nam được xuất bản không có mục từ “tâm linh” nào mang hàm nghĩa bao trùm tôn giáo và tín ngưỡng như hiện tại”; “cho đến trước những năm 1986 – 1990, từ “tâm linh” với ý nghĩa tôn giáo không hề xuất hiện” ; “trong bối cảnh thị trường tôn giáo Việt Nam”, nó là sản phẩm được sáng tạo trên cơ sở truyền thống, “bằng cách ghép hai từ có sẵn là “tâm” và “linh”, để giải tỏa những ẩn ức của đời sống tinh thần sau nửa thế kỉ vắng bóng các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng… để đáp ứng nhu cầu Du lịch tâm linh đang bùng nổ” v.v.
Thoạt đọc và xem qua, tôi thật sự bất ngờ! Cũng như PGS TS và Nhà báo đã dày công nghiên cứu để rồi bất ngờ phát hiện ra “không có mục từ “tâm linh” nào mang hàm nghĩa bao trùm tôn giáo và tín ngưỡng như hiện tại”. Khởi đầu của nghiên cứu khoa học là nghi ngờ. Dù PGS đã dẫn ra hàng chục bộ từ điển lớn và khẳng định không hề có mục từ “tâm linh” mang hàm nghĩa tôn giáo nhưng tôi vẫn nghi ngờ, rằng “không thấy không có nghĩa là không có”!
Giở ngay cuốn Từ điển Tiếng Việt [1], mục từ Tâm linh ghi rõ có 2 nghĩa: “1/(danh từ). Khả năng biết trước một biến cố nào đó, sẽ xảy ra đối với mình, theo quan niệm duy tâm. 2/ (ít dùng). Tâm hồn, tinh thần”. Xem tiếp từ điển tiếng Trung Từ nguyên và Phật học đại từ điển (Đinh Phúc Bảo), đều có mục từ “Tâm linh” (心靈) và giải nghĩa rất rõ: “là “thuật ngữ Phật học”, “Cái biết của tâm một cách linh diệu nên gọi là “tâm linh” (心識靈妙故曰心靈)” ; “Phật giáo, chỉ ý thức, tinh thần của con người” (佛教指人的意識,精神). Hai cuốn này đều dẫn một đoạn trog kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật truy vấn phản bác khi A nan cho rằng “tâm ở trong thân” : 汝之心靈,一切明了 (Nhữ chi tâm linh, nhất thiết minh liễu), các nhà phiên dịch sang tiếng Việt đều dịch là: “Tâm linh của ông thông suốt rõ ràng tất cả mọi vật”, hay “Cái tâm của ông rõ biết hết thảy”.
Như vậy rõ là, từ Từ điển Tiếng Việt phổ thông cho đến những bộ Từ điển tiếng Trung, từ điển thuật ngữ Phật học, đều có mục từ “tâm linh” mang hàm nghĩa tôn giáo (từ điển của Hoàng Phê Chủ biên thận trọng giải thích và gọi là “theo quan niệm duy tâm”), chứ không phải như PGS TS khẳng định và luận giải: “tâm linh” là khái niệm mới được sáng tạo một cách tùy tiện từ sau “Đổi mới” (1986 -1990) để giải tỏa những ẩm ức nào đó trong đời sống tinh thần, phục vụ nhu cầu Du lịch tâm linh đang bùng nổ, và nó là căn nguyên của mọi sự hỗn loạn trong đời sống tôn giáo/Phật giáo (mà tác giả gọi là “Thị trường tôn giáo”) hiện nay.
- TẠI SAO TỪ “TÂM LINH” ÍT ĐƯỢC DÙNG VÀ GIẢI TÍCH RÕ RÀNG NHƯ MỘT THUẬT NGỮ KHOA HỌC?
Đúng là từ “tâm linh” ít được dùng và giải thích rõ ràng trong các từ điển, ngay cả từ điển chuyên ngành (chứ không phải không có!) và trong các văn bản pháp quy về tín ngưỡng tôn giáo. Điều này có lý do của nó, chứ không phải do “quá mơ hồ và quá ít tính học thuật” như tác giả bài báo “TL và DLTL” đã nhận định.
Thứ nhất, “tâm linh” là gì? Theo chúng tôi, ngoài việc được dùng phổ biến trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày và trên báo chí, từ “tâm linh” còn là một thuật ngữ căn bản, có tính chất nền tảng của Triết học Phật giáo nói chung và Duy thức học Phật giáo nói riêng. Tại Hội thảo khoa học Triết học về tôn giáo, ngày 30 tháng 11 năm 2022 tại Viện Nghiên cứu tôn giáo, chúng tôi đã khẳng định: Phật giáo là một tôn giáo đồng thời cũng là một hệ thống triết học. Trong tác phẩm Lút vích Phoiơbắc và sự cáo chung của Triết học cổ điển Đức, Ph.Ăngghen viết: “Vấn đề lớn của mọi triết học, đặc biệt là của triết học hiện đại, là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại”. Triết học Phật giáo thừa nhận “tồn tại”, “vật chất” là tồn tại khách quan, luôn luôn vận động (vô thường) theo quy luật sinh – trụ – dị – diệt trong từng sátna (đơn vị thời gian ngắn nhất), thực tại tối hậu của nó (bản thể) là “tính không”; “Tư duy”, hoạt động ý thức, là phản ánh cái “tồn tại”. Vấn đề là ở chỗ, các ngành khoa học hiện đại còn có nhiều giới hạn trong việc tìm hiểu về “tư duy”, về hoạt động của ý thức, cũng như các trường phái triết học và tôn giáo còn những quan niệm rất khác nhau về “tư duy”.
Triết học Phật giáo dùng thuật ngữ “tâm”, “tâm linh” để nói về tầng sâu nhất trong cấu trúc của hoạt động của tư duy: TÂM –Ý –THỨC. Vỏ ngoài cùng là Thức, nhận biết được đối tượng (cảnh) qua các giác quan (căn), gọi là thức thường nghiệm; Ý là hoạt động của tâm lý, đo lường, phán đoán… (Phật giáo gọi là “tư lường”); Tâm là sự tích tập (積集名心 : tích tập danh tâm). Ba tầng nhưng thống nhất trong nội hàm của nhận thức, trong đó, Ý và Tâm là thức siêu nghiệm, tức là không thể nhận biết được bằng kinh nghiệm giác quan, logic suy luận thông thường hay dụng cụ đo lường tính toán. Bởi vì đối tượng của nhận thức (“tồn tại”, vật chất) là vô thường nên mọi kết quả thu được, phản ánh đều không trung thực (hư vọng, vọng tâm).
Điều này đã từng bước được khoa học chứng minh. Vật lý lượng tử khám phá vật chất có dạng lưỡng tính sóng – hạt, và như vậy, bản chất (thực tướng) của sự vật mà chúng ta hay nói đến là tùy thuộc vào chủ quan của người quan sát. Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh, hiện nay với tri thức thường nghiệm, chúng ta chỉ mới biết được chưa tới 10% vật chất vũ trụ, còn lại trên 90% là chưa biết, nên goi là vật chất tối (dark matter). Khoa học sinh học đã xác lập được bản đồ gien “mật mã di truyền” nhưng chưa phải đã hiểu hết, chưa chủ động điều khiển được các quy luật sinh học để tạo ra con người theo ý muốn v.v.
Phật giáo không đặt trọng tâm vào mục đích giải thích thế giới và con người, mà là bằng Từ Bi – Trí Tuệ, thông qua Giới – Định – Tuệ, Tín – Hạnh – Nguyện… hành trì một cách miên mật, phát huy mọi khả năng của thân và tâm, để từng bước vén màn vô minh, nhận thức đúng bản chất (thực tướng) của “tồn tại”, mục đích tối hậu là mỗi cá nhân tự chuyển hóa thân – tâm theo hướng tích cực.
“Tâm linh” – tầng bậc sâu nhất của cấu trúc nhận thức, của hoạt động tư duy, như Phật học đại từ điển (đã dẫn) giải thích là “Tâm thức linh diệu” (“cái biết của tâm một cách linh diệu”), nghĩa là “cái biết” này không thể suy luận hay chứng minh bằng thực nghiệm, tính toán.
Là con người, ai cũng có “tâm linh”.
Có hiện tượng tâm linh là trực giác tiềm thức, là kết quả của phức hoạt động TÂM – TRÍ: như đứng trước bàn thờ tổ tiên, nghĩa trang liệt sĩ… xuất hiện phức cảm tâm linh mà không thể suy luận chứng minh cơ chế cụ thể; còn Trí là kết quả hoạt động của tiềm thức và xuất hiện ở vỏ não dưới dạng tư duy ý thức… Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê gọi là “Khả năng biết trước một biến cố nào đó, sẽ xảy ra đối với mình”. Có hiện tượng tâm linh bậc cao hơn, như Đức Phật nói với Ngài A nan, cái “biết linh diệu của tâm” không thể dùng ngôn ngữ hay văn tự để diễn đạt” (đạo đoạn ngôn ngữ), là cái biết siêu nghiệm của bậc hành giả công phu trí tuệ – hành trì, rồi từng bước tu – chứng. Thiền tông nói: “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri” (Như người uống nước, nóng hay lạnh chỉ tự mình biết – Dù có nói với người khác hay dùng máy đo độ nóng lạnh của nước cũng chỉ rất tương đối).
Thứ hai, “niềm tin”, “tín ngưỡng” và “tâm linh” là cơ sở nền tảng của mọi tôn giáo. Tất nhiên mỗi tôn giáo có cách hiểu và lý giải khác nhau về ba phạm trù này trong hệ thống giáo lý của mình. Chẳng hạn, Ki tô giáo nói chung và Công giáo (Catholic Church) nói riêng nâng niềm tin lên thành Đức tin. Trong Kinh Thánh (G.A 20,29), ngày chúa nhật thứ 2, Chúa hiện ra với các Tông đồ và nói: “Vì đã thấy Thầy nên các anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”. Tin để thấy chứ không phải thấy mới tin!” Cách lý giải về Tín (tin) trong Tín – Hạnh – Nguyện, Tín căn đứng đầu trong Ngũ căn… của Phật giáo khác căn bản với Ki tô giáo. “Tín ngưỡng” là niềm tin thành kính có tính chất thiêng liêng có xúc cảm tâm linh.
Đảng và Nhà nước Việt Nam tuyên bố mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, trong cấu trúc tôn giáo có hành vi tôn giáo (lễ nghi, tổ chức hoạt động, cơ sở vật chất…) có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Do vậy các văn bản pháp quy (chẳng hạn, Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo 2016) chỉ dùng những từ ngữ rõ nghĩa hoặc được giải thích rõ ràng, là công cụ pháp lý để điều chỉnh các hành vi tôn giáo, thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo. Từ việc các văn bản pháp quy “không hề đề cập tới từ tâm linh”, các tác giả bài báo “TL và DLTL” khẳng định “tâm linh không phải là tôn giáo”, chẳng khác gì nói “bức tường không phải là ngôi nhà”! Đúng, tâm linh không phải là tôn giáo, nhưng không tôn giáo nào không được xây dựng trên nền tảng tâm linh.
Tóm lại, “tâm linh” là từ được sử dụng rộng rãi, là thuật ngữ có tính học thuật sâu sắc, đã có trong các từ điển thông dụng cũng như từ điển thuật ngữ tôn giáo và được sử dụng chính xác trong ngôn ngữ đời thường từ rất lâu, chứ không phải “mới được sáng tạo một cách tùy tiện từ những năm 1986 – 1990 lại đây để phục vụ nhu cầu “Du lịch tâm linh”.
Tạm kết bài, chúng tôi xin khái quát lại những nội hàm chính của khái niệm “Tâm linh”: 1. Theo cách hiểu thông thường, là “khả năng biết trước một biến cố nào đó” (Hoàng Phê), là niềm tin thành kính có xúc cảm tâm linh. 2. Là thuật ngữ Phật học, chỉ hình thức và kết quả đặc biệt của hoạt động tâm thức.
Vấn đề có “Du lịch tâm linh”, “Thị trường tôn giáo” hay không, cũng như đâu đó có hiện tượng lợi dụng tâm linh tôn giáo làm biến thái “Du lịch tâm linh” để trục lợi… lại là câu chuyện khác, chúng tôi sẽ trao đổi lại trong dịp sau.
[1] Hoàng Phê Chủ biên (1995), Từ điển Tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học, Nxb Đà Nẵng.