Giá trị đạo đức Phật giáo thấm sâu vào tiềm thức, văn hóa của người Việt
Đạo đức Phật giáo ngay từ đầu du nhập vào Việt Nam đã được người Việt Nam chấp nhận vì nó phù hợp với những quan niệm về đạo đức vốn có của con người nơi đây. Qua quá trình tồn tại và phát triển những giá trị đạo đức Phật giáo đã thấm sâu vào tiềm thức, vào văn hóa của người Việt.
Giá trị đạo đức của các tôn giáo nói chung, giá trị đạo đức Phật giáo nói riêng luôn hướng con người đến cái chân, cái thiện, cái mỹ mà từ đó nó bồi đắp và nâng cao bản chất “Người”. Khi hội nhập vào văn hóa Việt Nam, hệ giá trị đạo đức Phật giáo luôn ẩn tàng trong những chuẩn mực ứng xử giữa người và người trong xã hội. Chính vì vậy mà hệ giá trị đạo đức Phật giáo góp phần điều tiết sự phát triển của xã hội loài người, nó luôn hướng con người đến những cái đích như chân, thiện, mỹ và nâng xã hội loài người lên một tầm cao mới.
Những giá trị đạo đức Phật giáo hội nhập vào hệ quan niệm về giá trị đạo đức của mỗi dân tộc hoặc quốc gia theo những cấp độ và khía cạnh riêng. Đạo đức Phật giáo ngay từ đầu du nhập vào Việt Nam đã được người Việt Nam chấp nhận vì nó phù hợp với những quan niệm về đạo đức của con người nơi đây, mà không chỉ ở người Việt Nam, chúng ta thấy rằng những giá trị đạo đức của Phật giáo như đã đề cập ở trên (lòng từ, lòng bi, lòng hoan hỷ, năm giới, mười thiện…) rất phù hợp với những nguyên tắc đạo đức làm người, do đó chúng được xã hội loài người chấp nhận nhưng chấp nhận ở mức nào là tùy thuộc vào mỗi cộng đồng dân tộc, tộc người, quốc gia. Những giá trị đạo đức Phật giáo thấm sâu vào tiềm thức, vào văn hóa của người Việt.
Theo đạo Phật, lòng từ là sự đối đãi từ ái với tất cả mọi chúng sinh trên cõi Ta-bà, lòng từ của đạo Phật được ví von như là tình thương, tấm lòng của bà mẹ dành cho đứa con duy nhất của mình. Lòng từ là tâm trạng đẹp nhất của con người trong cuộc sống. Lòng từ của đạo Phật luôn gắn với lòng bi. Phật và Bồ-tát thương yêu tất cả chúng sinh như con một, đó là lòng từ. Thông cảm sâu sắc với nỗi khổ của chúng sinh, đó là lòng bi. Lòng từ bi của Phật và Bồ-tát là hoàn toàn vị tha, vô ngã, mọi tư tưởng “của mình” đều xóa sạch. Theo đạo Phật, những người tu tập lòng từ, được tám lợi ích như: “Ngủ yên vui, thức dậy yên vui, không ác mộng, được người khác yêu quý, được loài phi nhân quý trọng, được loài Trời bảo vệ, không bị hại bởi thuốc độc, sau khi mệnh chung, tái sinh lên cõi Trời Phạm thiên” [Kinh Bộ Tăng chi II, III] [1].
Đạo Phật luôn khuyến khích con người làm Mười điều thiện, pháp thiện (thập thiện) như: Không sát sinh mà phóng sinh, không trộm cắp mà bố thí, không tà dâm mà sống trong sạch, không nói dối mà nói lời thực, không nói ác mà nói dịu hiền, không nói chia rẽ mà nói đoàn kết, không nói vô nghĩa mà nói lời có ích, không tham mà biết từ bỏ, hay bố thí, không sân mà có lòng từ, không si mà sáng suốt, có trí, tỉnh giác [2]. Trong đạo Phật còn có phép tu gọi là từ bi quán, tức phép tu bao quát hết tất cả mọi chúng sinh khắp 10 phương trong lòng từ bi rộng lớn vô biên của mình. Từ Thị, một danh hiệu chỉ Đức Phật Di Lặc là Đức Phật vị lai ở cõi Ta-bà này. Các Đức Phật biểu thị một lòng từ vô biên đối với tất cả chúng sinh. Sách Phật thường gọi Đức Phật là đấng Từ phụ, tức người cha có lòng từ.

Trong các kinh kệ Phật giáo có nói về sức mạnh lòng từ của Đức Phật Thích Ca đã thu phục được rất nhiều chúng sinh quay đầu, hướng thiện như trường hợp của tên tướng cướp khét tiếng Angulimala giết người không gớm tay ở xứ Taxila, hay trường hợp của dâm nữ Ambapāli ở thành Vaisali, hoặc trường hợp Đức Phật thu phục con voi điên do Đề-bà-đạt-đa xua đến để hãm hại Ngài v.v… Nhiều kinh kệ khác cũng kể đến lòng từ của các vị Phật, Bồ-tát đã hóa độ cho chúng sinh nói chung, loài người nói riêng như kinh Từ Bi (một đoạn kệ ngắn trong phẩm Con rắn (Uraga Vagga) thuộc Kinh Tập (Sutta Nipata), là một bộ phận của Tiểu bộ kinh (Khuddaka) trong hệ thống Nikaya).
Đạo Phật đã để lại nhiều dấu ấn trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt là hệ giá trị đạo đức như lòng từ, lòng bi, lòng hoan hỷ, những giá trị đạo đức của năm giới, mười thiện v.v… Giá trị đạo đức của lòng từ đạo Phật nên được phát huy và vận dụng hơn nữa để chúng ta có một xã hội tốt đẹp hơn, nhân bản hơn, hướng con người đến những cái đích của chân, thiện, mỹ và nâng xã hội loài người lên một tầm cao mới.
>>Xem thêm: Thực hành lối sống đạo đức chính là cốt lõi và điểm chính yếu của Đạo Phật
Nhật Phương (Tổng hợp)
___________
(1) Dẫn lại Thích Minh Châu & Minh Chi 1991: Từ điển Phật học Việt Nam, NXB. Khoa học Xã hội, tr.621.
(2) Dẫn lại Thích Minh Châu & Minh Chi 1991: Từ điển Phật học Việt Nam, NXB. Khoa học Xã hội, tr.663.