Phật giáo Nam tông Khmer trong đời sống người dân miền Tây Nam bộ (P1)
PHƯƠNG ANH
Từ hàng ngàn năm nay, Phật giáo Nam tông đã thâm nhập, phát triển đồng hành với cuộc sống của người Khơme. Tín ngưỡng Phật giáo Nam tông trở thành phong tục, tập quán và có vai trò cực kỳ quan trong trong đời sống hàng ngày của người Khơme ở vùng đất Tây Nam bộ nước ta. Thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:
Vai trò của tầng lớp sư sãi đối với đời sống của người Khơme
Trong đời sống tâm linh của người Khơ me, sư sãi mang một ý nghĩa đặc biệt, nhà sư là người đại diện cho đức Phật để chứng giám những hành động, lòng thành kính của tín đồ, nhà sư còn !à cầu nối giữa tín đồ tới đức Phật.
Nam giới người Khơ me, hầu như người nào cũng phải vào chùa tu một thời gian, việc tu trước hay tu sau là tuỳ ở hoàn cảnh từng người, thời gian tu dài hay ngắn là tuỳ duyên, ít nhất là một tháng, ai muốn tu trọn đời đều được. Người nam giới được chấp nhận làm sư sãi trong chùa phải thực hiện nhiều quy định nghiêm túc, khắt khe.
Yêu cầu cao và đòi hỏi nghiêm khắc đối với các vị sư thực hiện đúng giới luật đã tạo ra cho người nam qua tu hành có nếp sống chuẩn mực, có đạo hạnh. Theo quan niệm của người Khơ me, người nam trải qua tu hành mới có đạo đức, có phật tính, có hiểu biết, và được tôn vinh kính trọng. Vì vậy họ rất dễ làm ăn, dễ lấy vợ… Trước đây, khi nhà sư còn mặc áo cà sa, dù có phạm pháp vẫn không bị pháp luật hoặc người đời xét xử, chỉ khi hội đồng giới luật xét xử bỏ áo cà sa, cho ra khỏi chùa, khi đó pháp luật mới được xét xử.
Quan niệm này đã khuyến khích nam giới người Khơ me vào chùa tu học từ rất sớm. Từ năm 12 tuổi trở lên đã có thể vào chùa đi tu để đến năm 18 – 20 tuổi là xuất sư, “sất” về nhà lấy vợ làm ăn, ai còn nhân duyên tiếp tục ở tu hoặc tu trọn đời tuỳ ý. Người nam giới đi tu đã “sất” về nhà lấy vợ, làm ăn, khi muốn có thể trở lại chùa đi tu một thời gian, miễn là phải thực hiện đúng yêu cầu của giới luật trước khi vào chùa.
Xã hội người Khơ me là xã hội sống trong môi trường của niềm tin và hành động theo đạo Phật truyền thống. Nam giới sau thời gian đi tu, trở về cuộc sống đời thường, lập gia đình, có vợ con, trở thành chủ của mỗi gia đình, sẽ có ảnh hưởng tác động rất lớn tới gia đình, vợ con theo nền nếp đạo đức Phật giáo. Đây là nét khác biệt, đặc trưng của Phật giáo Nam tông của người Khơ me.
Người Khơme từ khi sinh ra được cầu an cho đến khi chết được hoả thiêu và nhập cốt vào tháp đều có sự tham gia của các nhà sư. Cuộc đời của người Khơme theo đạo Phật gắn liền với ngôi chùa “sống gửi thân, chết gửi cốt”. Những công việc dù lớn nhỏ họ đều hỏi ý kiến của các nhà sư. Qua điều tra xã hội học cho thấy, có tới 95% số tín đồ được hỏi đều trả lời trong gia đình có việc đều đến hỏi ý kiến các vị sư, chỉ có 5% không trả lời. Điều này nói lên vai trò cực kỳ to lớn của các nhà sư trong đời sống cộng đồng của người Khơme ở Nam bộ.
Triết lý Phật giáo đã ngấm sâu vào ý thức mỗi người dân Khơ me ở miền Tây nam bộ. Nó trở thành tiềm thức, trở thành triết lý sống của mỗi người. Khi vừa chào đời họ mặc nhiên được xem là một tín đồ của Phật giáo, từ bé đã được cha mẹ giáo dục nếp sống theo triết lý sống của đạo Phật, bởi thế người Khơ me, con nối tiếp cha, đời tiếp đời, sống trong niềm tin theo triết lý Phật giáo.
Vai trò của chùa đối với đời sống của người Khơme
Ngôi chùa của Khơme là mẫu hình kiến trúc độc đáo, vừa mang tính tôn giáo vừa mang nhiều yếu tố truyền thống dân tộc. Ngôi chùa có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Khơ me, nó vừa là trung tâm tín ngưỡng tôn giáo vừa là trung tâm văn hoá, trường học… của cộng đồng người Khơ me thuộc khu vực chùa.
Chùa là trung tâm tôn giáo: Với người Khơ me, chùa là nơi thiêng liêng, nơi thờ Phật, nơi gửi gắm niềm tin qua những việc làm hiện tại, qua mong ước hy vọng ở cõi cực lạc Niết bàn trong tương lai. Ngôi chùa gắn bó với người Khơ me suốt đời, bắt đầu sinh ra đã được làm lễ cầu an ở chùa tới khi chết được làm lễ hoả thiêu, nhập cốt gửi vào chùa. Bởi thế người Khơme luôn quan tâm tới ngôi chùa, chùa là niềm tự hào của phum, sóc. Chùa càng to càng đẹp càng thể hiện lòng thành kính của tín đồ tới đức Phật. Ngôi chùa trở thành nơi chứng nghiệm công quả của tín đồ để xem họ có đủ điều kiện lên cõi cực lạc hay không, vì vậy người Khơ me dành nhiều tiền của, công sức chăm lo cho ngôi chùa. Một người dù xa quê hương tới đâu khi có phước làm ăn khá giả đều không quên ngôi chùa của phum, sóc, không quên gửi tiền của về cúng chùa. Mỗi khi người đi xa về quê bao giờ cũng tới viếng chùa, lễ phật, gặp sư.
Trong phum, sóc, người già dù bận làm ăn giúp con cháu, nhưng bao giờ cũng dành thời gian để thường xuyên qua lại chùa trò chuyện với các vị sư, trao đổi về giáo lý về các công việc liên quan tới gia đình, phum, sóc. Người trẻ, tháng đôi lần vào ngày sóc, vọng tới chùa lễ Phật, khi có công việc, họ tới để thỉnh ý kiến các vị sư hoặc có của ngon vật lạ cũng đem tới chùa cúng dường chư tăng.
Hàng năm vào các ngày lễ, dân trong phum sóc tập trung về chùa làm lễ, tổ chức hội hè. Mọi người vừa được tỏ lòng thành kính với đức Phật, vừa là dịp để mọi người vui chơi sau những tháng ngày lao động vất vả, đồng thời đây cũng là dịp các chùa tổ chức cho đồng bào trong các phum, sóc đua tài qua các cuộc thi đấu thể thao, văn nghệ, thể hiện sự nhanh nhẹn, khéo léo, dẻo dai qua đua ghe ngo, đua bè…vv.
Ngôi chùa không chỉ là nơi gửi gắm tâm linh mà còn gắn bó với người Khơ me bởi những kỷ niệm của cuộc đời đã trở thành một phần máu thịt của mỗi’ con người. Ngôi chùa trở thành biểu tượng đặc trưng cho người Khơ me như cây đa, giếng nước, sân đình gắn với cuộc sống làng quê của người Việt cổ xưa.
Chùa là trường học: Ngôi chùa Khơ me ngoài vai trò tín ngưỡng tôn giáo, chùa còn có vai trò là trường học của người Khơ me từ xưa tới nay.
+ Là Trường học chữ: Trước đây khi không có trường công lập ở bên ngoài, chùa là ngôi trường giữa vai trò chính trong việc dạy chữ cho người Khơ me. Trong chùa các vị sư biết chữ pali dạy cho các vị sư chưa biết chữ để đọc kinh Phật. Ngoài ra chùa còn tổ chức lớp học chữ pali cho trẻ em để các em lớn lên vào chùa biết đọc để thỉnh kinh.(Đây chính là yếu tố góp phần to lớn trong việc bảo tồn chữ viết và văn hoá của người Khơ me)
Nhiều thế kỷ qua đã chứng kiến lịch sử thăng trầm của người Khơ me và đó cũng là lịch sử thăng trầm đối với Phật giáo Nam tông của Khơme ở Nam bộ. Đã có nhiều giai đoạn Phật giáo Nam tông của người Khơ me Nam bộ đứng trước đe doạ bị sự đồng hoá. Thời Nhà Nguyễn, các sư Khơ me Nam tông bị ép phải mặc áo nâu, cổ vuông như Phật giáo Đại thừa; thời Pháp chữ Pali bị cấm dạy trong chùa, các vị sư bị cưỡng chế, dụ dỗ theo Công giáo; Thời Mỹ – Diệm xóa bỏ dạy chữ P’ali, chỉ cho học chữ quốc ngữ với lý do thống nhất văn tự. Trước những khó khăn đó, các chùa của người Khơ me ở Nam bộ vẫn âm thầm duy trì dạy chữ pali; người Khơ me vẫn truyền học chữ truyền thống để duy trì chữ viết, để bảo tồn kinh Phật viết bằng chữ pali.
Sau giải phóng miền Nam năm 1975, trường học công lập phổ thông được Nhà nước mở tới tận các xã, mọi trẻ em đều được cắp sách tới trường học chữ quốc ngữ. Trường chùa không còn là yếu tố duy nhất dạy chữ cho con em người Khơme. Nhưng đối với những người cơ nhỡ và những người có nhu cầu được trở thành nhà sư thì việc học chữ pali trong các chùa trở thành nhu cầu và do đó trường chùa đã không bị cấm đoán mà còn được khuyến khích để các sư tổ chức dạy chữ pali. Bất chấp những khó khăn, việc dạy của các sư và việc học của trẻ em người Khơme vẫn diễn ra nghiêm túc, chăm chỉ. Chùa nào không tổ chức dạy chữ được cho trẻ, các sư vẫn tổ chức dạy cho nhau học. Người Khơ me ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như người Khơme ở Campuchia và khu vực có tín đồ theo Phật giáo Nam tông rất kính trọng người biết chữ pali. Họ xem học chữ pali không chỉ để đọc được kinh Phật, mà còn là ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày. Vì thế, các gia đình luôn khuyến khích con em tới chùa học chữ.
+ Là Trường dạy giáo lý, đạo đức:
Người Khơ me theo Phật giáo Nam tông cho rằng người nam giới phải qua chùa đi tu để rèn luyện tâm tính theo giới luật và triết lý nhân sinh của nhà Phật để giảm bớt “thâm – sân – si”, tập làm điều thiện, tránh không làm điều ác.
Vào chùa được học giáo lý, học đạo đức, thực hành theo giới luật, theo quy trình nghiêm khắc của nhà chùa, đây là môi trường tốt rèn luyện đạo hạnh của con người. Chuẩn mực theo triết lý Phật giáo Nam tông là tiết chế dục vọng xa lánh tham, sân, si, thực hành vô ngã vị tha, chuẩn mực này phù hợp với chuẩn mực cơ bản của đạo đức xã hội, của con người mới xã hội chủ nghĩa. Như thế, nhà chùa Khơ me đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục đạo đức lối sống tạo nên nhân cách con người trung thực giàu lòng yêu thương, yêu quý trong con người. Chính nhân cách đó là chất keo gắn kết cộng đồng người Khơ me để họ rất mực thuỷ chung bên nhau vượt qua nhiều thử thách để bảo tồn được truyền thống dân tộc còn nguyên vẹn tới ngày nay.
(còn nữa)