Sự thống nhất trong di biệt giữa Thiền và Tịnh

CS. QUẢNG TUỆ

                                                                                           

Trải qua trên 2.500 năm tồn tại và phát triển, với bản hoài của Đức Phật là ban vui cứu khổ, mọi chúng sinh đều được giác ngộ – giải thoát. Tuy nhiên, bởi căn cơ nghiệp lực của chúng sinh đa dạng cho nên Đức Phật và chư vị Bồ-tát cũng phương tiện mà đặt ra muôn vàn pháp môn cho phù hợp với mỗi chúng sinh trên lộ trình tới cứu cánh là giác ngộ – giải thoát. Tuy “Chúng sinh đa bệnh, Phật pháp đa phương” nhưng thâu tóm lại có 10 tông (theo cách lập tông của người Trung Hoa), “Đồng qui nhi thù đồ” (Mọi nẻo đường khác nhau nhưng đều qui về một đích), giáo pháp đa phương nhưng cùng một mục đích: chữa khỏi bệnh mê lầm phiền não cho chúng sinh, đưa họ đến bến bờ giác ngộ – giải thoát.

Do nhiều lí do của lịch sử, Phật giáo Việt Nam dù cũng có nhiều tông phái nhưng không có sự phân chia biện biệt rõ ràng giữa các tông phái cả trong tư tưởng lẫn hành trì hoằng pháp, trong đó có 3 tông đã phát huy được ảnh hưởng bền bỉ trong thời gian và rộng rãi trong quảng đại quần chúng hơn cả là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Đặc biệt là Thiền tông và Tịnh Độ tông, từ những thập niên đầu của thế kỉ trước đến nay (mở đầu với phong trào Chấn hưng Phật giáo) xuất hiện hai xu hướng rõ nét: đi sâu vào nghiên cứu, phổ biến những giá trị tư tưởng, khoa học, văn hóa, triết học, lối sống… của Phật giáo trên các giảng đường, báo chí  và các phương tiện thông tin đại chúng; phát triển hoằng pháp trong quảng đại quần chúng nhân dân, lấy tín tâm niệm Phật làm đầu , coi “Ứng phú đạo tràng” là phương tiện… Từ thực trạng trên, đây đó nảy sinh hai trạng thái cực đoan trong tư duy nhận thức và hoằng pháp: hoặc cho rằng Thiền tông mới là căn cốt của Phật giáo, mới phù hợp với khoa học và thời đại… còn Tịnh Độ là “pháp môn bình dân dễ dãi”, dễ tu dễ chứng, chỉ phù hợp với người già, đặt nặng tín tâm niệm Phật và “Ứng phú đạo tràng” dễ dẫn tới mê tín không phù hợp với thời đại…; hoặc cho rằng trong thời mạt pháp, nghiệp chướng sâu dày, “sở tri chướng” nặng nề, nhân tâm suy đốn, tâm tư tạp loạn… khó mà Thiền Định nhất tâm chuyên chú quán pháp, trong khi đó, chỉ cần đủ tư lương Tín – Hạnh – Nguyện,  trì danh niệm Phật nhất tâm bất loạn “Mỗi ngày mười niệm, quyết được vãng sinh” (Đại nguyện thứ 18, kinh Quán Vô lượng thọ)…

Xuất phát từ nhìn nhận vấn đề như trên, với tâm “vô úy vô ngại” của kẻ hạ căn tiểu trí nhưng xác tín rằng, trong điều kiện của Phật giáo Việt Nam, Thiền và Tịnh dù là hai pháp môn riêng biệt nhưng hẳn có cái thống nhất chung trong phương pháp và biện pháp tiến tới mục tiêu chung là giác ngộ – giải thoát. Bài viết tiếp cận phân tích từ 3 vấn đề của Thiền tông và Tịnh Độ tông: Mục tiêu, Tiền đề tư tưởng xuất phát, và Phương pháp để đạt mục tiêu

  1. Mục tiêu của Thiền tông và Tịnh Độ tông

Như chúng ta đã biết, dù là Thiền tông hay Tịnh Độ tông thì cũng đều là phép tu Đại thừa, mà đã là phép tu Đại thừa (còn gọi là Bắc tông) thì mục tiêu chung là giải thoát cho mình và cho người, giải thoát Tâm không còn phan duyên vào Cảnh; hành giả đều phát tâm Bồ-đề, trên thì nguyện cầu Phật đạo được thành tựu viên mãn, dưới thì nguyện cứu độ được hết thảy chúng sinh.

Với Thiền tông, khi tỏ ngộ Thiền cơ, thấy rõ được “bản lại diện mục”, thấy được Niết-bàn hay Cực Lạc ở chính ngay Chân Tâm của mình thì cũng ra công hoằng dương chính pháp để hưng Thiền hộ quốc theo tinh thần “Tùy duyên nhi giáo” (tùy theo căn cơ của mỗi người mà có cách khai mở chỉ bày khác nhau). Với hạng sơ cơ hạ trí, với biết bao giấy mực, Thiền sư đăng đàn thuyết pháp, khi nói Có (pháp Hữu) khi nói Không (pháp Vô), và cũng không ngần ngại dạy môn đồ cư sĩ tại gia niệm Phật cầu vãng sinh. Với bậc đại căn thượng trí, sau công phu tu tập, phá vỡ được thành trì  chấp ngã, tuệ nhật bừng sáng, thấu triệt được thực tướng của vạn pháp, địa ngục hay Niết-bàn là ở ngay chính tâm này mà ra, ở ngay thế gian này, như vậy tu mà không tu chứng mà không có cái gì để gọi là chứng đắc, độ tận chúng sinh mà không chúng sinh nào “được độ”…

  Với Tịnh Độ tông, cần có niềm tin mãnh liệt vào bi nguyện của Đức Phật, vào cõi Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà mà gắng công phu tu tập để mình và mọi người đều được vãng sinh. Tịnh Độ là thế giới mà Chính báo và Y báo đều trang nghiêm vi diệu, nơi đó tâm địa chúng sinh không nhiễm ô, không phiền não, không thoái chuyển, luôn an vui tu tập để tiến tới cứu cánh giải thoát viên mãn. Về sự tướng (việc làm, hiện tượng) là xây chùa, tạc tượng, cúng dường, bố thí… về lý tính là hoằng dương Phật pháp, phổ biến và bồi đắp niềm tin về thế giới Tịnh Độ Cực Lạc của Đức A-di-đà, lập hội Niệm Phật để cùng nhau tu niệm nguyện hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh đều được vãng sinh Tịnh Độ.

Tam Thánh Tây phương (Phật A di đà, Quan Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát) cùng chư Phật phóng quang tiếp dẫn chúng sinh về cõi Cực lạc Tây phương

2.Tiền đề tư tưởng xuất phát

Bất cứ hệ tư tưởng, học thuyết nào cũng có tiền đề tư tưởng được coi là điểm xuất phát để xây dựng nên học thuyết của mình, làm cơ sở lí luận hình thành nên những phương pháp để thực hiện mục tiêu.

2.1. Thiền là pháp môn “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” (nhìn thẳng vào tâm, thấy rõ thực tính thực tướng của vạn pháp là thành Phật). Thiền (Dhyana) được phiên âm là Thiền-na, Trung Hoa dịch nghĩa là Tịnh Lự. Trong kinh Pháp bảo đàn, Lục tổ Huệ Năng nói “Ngoài [Lục căn tiếp xúc với Lục trần] lìa tướng [hình tướng của vạn pháp] là Thiền, trong [tâm] không tán loạn là Định. Ngoài Thiền trong Định, ấy là Thiền Định”(1). Lự là Tuệ được phát sinh do kết quả của sự dứt bỏ được vọng tâm, nhiếp tâm quán chiếu mà không cầu tìm bên ngoài.

Theo quan điểm của Thiền tông “Nhất thiết duy tâm tạo” (kinh Hoa Nghiêm, Thế giới hiện tượng và sự vất đều do tâm tạo ra). Vạn pháp tồn tại khách quan trong dòng chảy liên tục sinh – trụ – dị – diệt mà không bị chi phối bởi bất cứ tha lực nào, nhưng do vô minh ngã chấp, chúng sinh căn cứ vào cái “thấy” cái “biết” (tri kiến) sai lầm của mình do các giác quan hữu hạn đưa lại mà tạo ra cái thế giới vạn pháp trong nhận thức, trong cái tâm nhị nguyên đối đãi chủ quan của mình, có cái tâm phân biệt, có hành xử phân biệt, có phiền não điên đảo… Do vậy, Thiền tông chủ trương chú trọng vào tự lực, cá nhân tập trung định lực, phản bản hoàn nguyên, không chấp bám vào câu chữ trong sách vở, Thiền sinh chỉ cần được Minh sư trực chỉ (bằng công án, thoại đầu) phá vỡ những khung định kiến cũ, là trực ngộ “bản lại diện mục” (2), tự tâm chính là Phật, kiến tính chính là nhận ra tâm Phật: “Tự thấy được bản tính, mê thì là chúng sinh, giác tức là Phật” (kinh Pháp bảo đàn), Tâm được tự tại vô ngại, không phân biệt Uế Độ và Tịnh Độ, không còn bị phan duyên chi phối bởi Cảnh (“Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”, Cư trần lạc đạo – Trần Nhân Tông), thế là thành Phật, cảnh giới Niết-bàn Cực Lạc ngay chính trong ta, không cần phải nhờ ai, không phải cầu tìm ở nơi khác. Trong kinh Bát Đại Niết bàn, Đức Phật dạy ông A-nan: “Này A-nan, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa gì khác. Dùng chính pháp làm ngọn đèn, dùng chính pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác”.

2.2. Tịnh Độ, tên đầy đủ là Thanh tịnh độ, Thanh tịnh độ quốc. “Tịnh” là không nhiễm ô, không dơ bẩn, không tạp nhiễm lỗi lầm phiền não, là thanh tịnh có đầy đủ công đức trí tuệ; “Độ” là cõi, là nước, là thế giới hay nơi chốn nương tựa chung. Nó đối lập với Uế độ, Uế quốc. Theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm, Ta-bà hay Cự Lạc cũng chỉ là một trong vô số cõi trong Hoa tạng thế giới. Trong thế giới đó có vô lượng cảnh Phật trang nghiêm thanh tịnh, mỗi cõi có một vị Phật làm chủ thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, chứ không phải chỉ có một thế giới cực lạc. Nhưng chúng sinh ở cõi Ta-bà phần đông chỉ khế hợp với  cực lạc cho nên Đức Phật nói rõ về cảnh giới Tịnh Độ Tây Phương Cực Lạc, do Đức Phật A-di-đà làm chủ, để chúng sinh dễ tiến tu, phát khởi niềm tin, phát nguyện tu hành, cầu vãng sinh Tịnh Độ qua hạnh “Nhất tâm niệm Phật”.

Y cứ vào các kinh, luận như Phật thuyết Quán vô lượng thọ kinh, Phật thuyết Vô lượng thọ kinh, Phật thuyết A-di-đà kinh,, Vãng sinh Tịnh Độ luận của Bồ-tát Thế Thân, Đại thừa khởi tín luận của Bồ-tát Mã Minh, Thập trụ Ty-bà-sa luận của Bồ-tát Long Thọ… , Tịnh Độ tông cho rằng nếu hàng Phật tử xác tín vào cảnh giới Tịnh Độ – nhất tâm nương tựa vào lòng từ bi và Phật lực của Đức Phật A-di-đà (TÍN), chuyên tâm hành trì pháp môn Niệm Phật – quán tưởng Phật – thường làm công đức và hồi hướng công đức (HẠNH), nguyện sinh về cõi Tây phương Cực Lạc (NGUYỆN), thì nhất định sẽ được như ý nguyện. Kinh Phật thuyết A-di-đà dạy rằng “Nếu người nào niệm Phật trong bảy ngày được nhất tâm bất loạn, lúc lâm chung, có Phật và Thánh chúng hiện ra trước mặt: người ấy không còn điên đảo và được vãng sinh”. Nhất tâm bất loạn có nghĩa là khi niệm Phật, ngoài sự nhớ Phật, tưởng Phật, trong tâm không còn có một vọng niệm nào xen vào. Đại nguyện thứ 18, 19 và 20 trong 48 Đại nguyện của Đức Phật A-di-đà (được chép trong kinh Quán vô lượng thọ) cũng nói: “Mỗi ngày mười niệm, quyết được vãng sinh”, “Kẻ nào phát nguyện vãng sinh Cực Lạc, lúc lâm chung sẽ có Phật đến rước”, “Kẻ nào hồi hướng công đức, nhất định được vãng sinh”. Thậm chí, kinh Phật thuyết A-di-đà còn nói “Lúc lâm chung chỉ cần niệm mười câu danh hiệu A-di-đà Phật thì dù trước đó có tạo nhiều nghiệp tội cũng được vãng sinh Cực Lạc”.

Như vậy, ở đây dường như có sự khác biệt giữa hai tông, từ tư tưởng xuất phát: Tịnh Độ tông cho rằng người Phật tử chỉ cần có đầy đủ tư lương TÍN – HẠNH – NGUYỆN thì dù ở cõi Ta-bà, nơi thánh phàm đồng cư, chưa dứt được kiến hoặc, tư hoặc, lúc lâm chung cũng có thể đới nghiệp vãng sinh Tịnh Độ; Thiền tông chủ trương Ta-bà – Phiền não, Cực Lạc – Niết-bàn, không ở đâu xa mà ở ngay chính trong tâm ta, khi có được tâm thanh tịnh, dứt trừ mọi vọng tưởng thì Tịnh Độ hiển bày, không chấp nhận tư tưởng “đới nghiệp vãng sinh”, không thể “Thiền Tịnh song tu” bởi vì tuy cùng mục đích cứu cánh là giác ngộ – giải thoát nhưng là hai pháp môn khác nhau, dựa vào tự lực hay tha lực…  (3).

Thực ra, tuy Thiền và Tịnh là hai pháp môn tu khác nhau nhưng cùng một mục tiêu là “TỊNH”, và cùng y theo tinh thần của Đại thừa, Tịnh phải bao quát đủ cả hai phương diện là chúng sinh tịnh và thế giới tịnh. Cái làm cho khác nhau là bởi sự khác nhau về căn cơ của đối tượng và phương pháp tu trì, do vậy, hai pháp môn này hoàn toàn có thể nương tựa, bổ sung cho nhau, tôn đẩy lẫn nhau để cùng về một đích. Bởi vì:

Thứ nhất, dù là Thiền hay Tịnh thì mục tiêu của hành giả cũng  trước là tịnh hóa thân tâm, sau là phát tâm Bồ-đề cứu độ hết thảy chúng sinh, chuyển Ta-bà thành Tịnh Độ.

Thứ hai, về cảnh giới “ngộ Phật tri kiến – bản lai diện mục” và “Tịnh Độ – Cực Lạc”. Kinh Tứ niệm xứ trong kinh A-hàm có nói, người nào nhất tâm quán Tứ niệm xứ (quán Thân bất tịnh, thụ là khổ, tâm vô thường, pháp vô ngã) từ một cho đến bảy ngày thì đến khi lâm chung chứng được tối thiểu là Sơ quả Tu-đà-hoàn, hoặc cao hơn là Nhị quả Tư-đà-hàm, Tam quả A-na-hàm, Tứ quả A-la-hán (4). Kinh Phật thuyết A-di-đà cũng nói: người nào niệm Phật trong bảy ngày được nhất tâm bất loạn thì không còn điên đảo và được vãng sinh. Như vậy, vấn đề cốt tủy ở đây là người Tu Thiền hay Niệm Phật là tu, niệm đến “nhất tâm bất loạn” thì đều không còn “tác ý”, tâm ý vắng lặng, tức không còn “nhân” để tạo nghiệp, không còn nghiệp lực dẫn vào vòng luân hồi sinh tử: người tu Thiền “ngộ Phật tri kiến”, nhận được Niết-bàn Cực Lạc ở ngay chính trong tâm mình; người Niệm Phật thấy được “Tự tính Di-đà, duy tâm Tịnh Độ”, tức là thấy được tính của mình chính là Phật Di-đà, tâm của mình chính là cõi Tịnh Độ.

– Thứ ba, tự lựctha lực. Đúng là Thiền tông chú trọng vào tự lực, bằng lí luận và thực chứng, xây dựng niềm tin mãnh liệt vào Phật tính và khả năng thành Phật của mình, còn Tịnh Độ tông lấy TÍN – HẠNH – NGUYỆN làm căn bản, chú tâm cầu Đức Phật A-di-đà để được vãng sinh Tịnh Độ. Tuy nhiên, ở đây là tùy duyên phương tiện mà có sự phân biệt nặng nhẹ giữa tự lựctha lực, (lí luận, tư tưởng) và sự (lời nói, việc làm), còn trong thực tiễn của nhận thức và hành động phải “sự lí viên dung”, trong sự, trong sự, trong tự lựctha lực và ngược lại.

        Thiền tông nói “Đạo đoạn ngôn ngữ” (dứt lìa ngôn ngữ khái niệm),  không được bám víu và câu chữ trong kinh sách, kể cả Thầy cả Tổ, tự thắp đuốc lên mà đi, mà “trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”… nhưng thực ra trước khi “ngộ tri kiến Phật” Thiền gia đã được trang bị rất kĩ càng chính kiến của Đức Phật, phải tu Bồ-tát đạo hành Bồ-tát hạnh, phải có trang nghiêm giới đức, rồi mới được Minh sư khai thị phá tướng hiển tính giác ngộ – giải thoát.

Với pháp tu Niệm Phật, pháp Trì danh niệm Phật là phổ biến hơn cả, chỉ sáu tiếng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT thôi nhưng hiệu quả vô cùng lớn lao (Lục tự Di Đà tiêu vạn tội), nhưng không hề đơn giản, dễ dàng: niệm Phật đến “nhất tâm bất loạn” là cần phải nhiếp tâm niệm Phật, lắng nghe từng tiếng niệm, tâm hằng tưởng Phật nhớ Phật, in ấn từng câu niệm vào tâm, tạo thành dòng chảy liên tục trong tâm thức, khi Niệm lực vững vàng, Định lực phát sinh, Trí tuệ bừng tỏ, niệm mà như vô niệm, vô niệm là niệm, đó là cảnh giới Đại Định, tâm địa hành giả trở nên thanh tịnh, tương ưng với tự tính Di Đà.

3. Phương pháp để đạt mục tiêu

Trên lộ trìnhtiến tới giácngộ – giải thoát cứu cánh, tất yếu là cần tuhọc song hành, lí và sự viên dung, giác ngộ đến đâu giải thoát đến đó, trong tuhọc trong họctu, nào sự ấy. Tuy nhiên, từ góc độ tiếp cận và điều kiện của người viết, ở đây tạm dùng phương tiện ngôn ngữ chỉ bàn về phần lí.

Trong kinh Di giáo Đức Phật nói “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” (Khi khắc chế được tâm ý, trụ tâm ở một chỗ thì không có việc gì là không sáng tỏ, biện luận được thông suốt). Tâm ý của chúng sinh là “Tâm viên ý mã” (như vượn chuyền cành, như vó ngựa trong vườn hoang), luôn sinh-diệt từng sat-na, khiến năng lực bị phân tán, trở nên hời hợt yếu ớt, do vậy cần phải cột tâm lại một chỗ, khiến cho tâm được định tĩnh sáng suốt. Tức là dứt trừ vọng tưởng mê lầm do “sở tri chướng” (cái chướng ngại do cái biết sai lầm, khiến vô minh) để trở về với cái chân tâm vốn bình đẳng nhất như, bất sinh bất diệt. Thiền tông thường dùng phương tiện công án thoại đầu, phá vỡ các khung nhận thức cũ, phá tướng hiển tính, để vào pháp tính Không. Nhưng cũng vì thế mà dễ rơi vào cực đoan phóng túng chấp Không: Giới luật không cần giữ, vì địa ngục không, Niết-bàn không, cũng không có cõi Tây phương Cực Lạc. Thực ra, Giới luật luôn làm căn bản cho mọi tông phái.

Nói riêng về Thiền tông, không có Giới thì không có cách nào thúc liễm thân tâm, không giữ được Giới thể trang nghiêm. Giới là điều kiện cần để Thiền sinh đi vào Định, từ Định mới đắc Tuệ. Cái hấp dẫn nhưng cũng rất tinh tế của Thiền gia là “khởi nghi tình khán thoại đầu”, “Đại nghi đại ngộ”. Thiền sinh phải nghi ngờ thắc mắc hết thảy, từ thấp đến cao, còn nghi ngờ là còn phiền não;  đại nghi là một hình thức của đại định, tức là nhiếp tâm vào một chỗ, một câu, một chữ… đốn bỏ mọi sở chấp, hành giả được giải thoát khỏi cái nhìn nhị nguyên của phàm phu. Nhưng không phải mọi Định đều khai thông được Trí tuệ Bát-nhã, mà chỉ khai nào Minh sư thấy đệ tử đã trang nghiêm Giới thể, đầy đủ Giới đức, viên mãn Giới tướng, lại có chí khí vững vàng mới trao cho công án: hành động bất thường, nói những câu nghịch lí hay trái với kinh điển, Thiền sinh đốn ngộ, thể nhập vào tri kiến Phật. Nếu không đủ điều kiện, công án thoại đầu chỉ khiến cho tẩu hỏa nhập ma, điên khùng mất trí.

Mã Tổ Đạo Nhất – Người khơi nguồn cho Thiền tông Lâm Tế Trung Hoa

Với pháp tu Niệm Phật, Phật tử bất luận là bậc thượng căn đại trí hay tiểu trí hạ căn, là xuất gia hay tại gia, chỉ cần đủ TÍN – HẠNH – NGUYỆN, chú tâm cầu sự tiếp độ của Đức Phật A-di-đà sẽ được vãng sinh Tịnh Độ, có tu có chứng. Tuy nhiên, người tu Niệm Phật theo đúng chính pháp cũng không khác bao nhiêu với tu Thiền, cả hai pháp môn đều lấy căn bản là “chế tâm nhất xứ” hay “nhất tâm bất loạn”, tức là vào được Thiền Định. Nếu như pháp tu Thiền phải xa lìa pháp chấp thì pháp tu Niệm Phật cần phải lợi dụng pháp chấp. Phải xây dựng niềm tin vững chắc vào cõi Tịnh Độ Di Đà với cảnh giới Chính báo và Y báo cực kì trang nghiêm tố hảo, thân này sống lâu vô lượng, không già không bệnh, không lo âu phiền não, được thân cận cùng các bậc Bồ-tát, thượng nhân thiện trí thức, nhờ môi trường tu tập hoàn hảo mà tiến tu không ngừng không ai thoái chuyển… TÍN tâm vững chắc này là cơ sở cho HẠNH và NGUYỆN phát huy.

Phương pháp Niệm Phật có ba loại

– Trì danh niệm Phật, tức là chú tâm trì tụng niệm danh hiệu Phật A-di-đà, mọi lúc mọi nơi. Nhiếp tâm niệm niệm tích lũy lâu ngày thành “nhất tâm bất loạn”, tức là đã chứng Tam muội.

– Thực tướng niệm Phật, pháp môn này vốn rất gần với Thiền tông, tức là thâm nhập quán xét nghĩa lí chân thực của lời Phật dạy (đệ nhất nghĩa đế), đạt được quả vị Chân như Tam muội, ngộ được cảnh giới Tịnh Độ.

– Quán tưởng niệm Phật, tức là y theo kinh Quán vô lượng thọ mà quán tưởng cảnh giới  Cực Lạc của Đức Phật A-d-đà, quả vị đạt được là Chính định Tam muội.

Trong ba phương pháp trên, Tịnh Độ tông thường đề cập tới phương pháp Trì danh niệm Phật bởi nó phổ thông, dễ phù hợp với căn cơ chúng sinh vào thời mạt pháp.

Người tu pháp môn Trì danh niệm Phật thường có sự hiểu chưa đầy đủ về câu Đức Phật nói trong kinh Phật thuyết A-di-đà: “Lúc lâm chung chỉ cần niệm mười câu danh hiệu A-di-đà Phật thì dù trước đó có tạo nhiều nghiệp tội cũng được vãng sinh Cực Lạc”. Cần hiểu rằng, kinh cũng nói, không thể dùng một chút ít công đức mà cầu xin vào cõi Cực Lạc được (lời kinh: “ Bất khả dĩ thiểu thiện căn phúc đức nhân duyên, đắc sinh bỉ quốc”). Hơn nữa, mặc dù trong thời điểm lâm chung, chuyển tiếp từ kiếp nọ sang kiếp kia, cái niệm tối hậu (nhất niệm tối hậu) có một năng lực mãnh liệt quyết định cho sự chuyển nghiệp (cận tử nghiệp), nhưng nếu không có công phu tích lũy niệm Phật, đến lúc lâm chung thần thức tán loạn, cái tham-sân-si nổi lên, thật khó nhất tâm niệm được một câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT chứ chưa nói mười câu.

Kết luận, Thiền và Tịnh cùng một nẻo đường tu, cùng về một đích mà chỉ khác nhau về phương tiện, như hai người cùng đích về nhà, một người phương tiện xe đạp người kia phương tiện xe máy, người tư lương sung túc kẻ tư lương có hạn, hoàn toàn có thể nương tựa hỗ trợ bổ sung cho nhau trên lộ trình về đích. 

CHÚ THÍCH

1. Trích theo H.T Thích Huệ Đăng. Khai thị luận Pháp bảo đàn kinh. NXB Tôn giáo. Hà Nội, 2013. Tr 154

2. Bài kệ Truyền giáo pháp ngoài kinh điển, tương truyền do Bồ-đề-đạt-ma (? – 535, Tổ thứ 28 Thiền tông và là Sơ Tổ của Thiền tông Trung Hoa) nêu ra:

教外別傳 Giáo ngoại biệt truyền (Truyền kinh điển ngoài giáo pháp)
不立文字 Bất lập văn tự (không lập văn tự, không bám vào câu chữ)
直指人心 Trực chỉ nhân tâm (chỉ thẳng tâm người)
見性成佛 Kiến tính thành Phật (thấy chân tính là thành Phật).

Trong pháp hội trên núi Linh Thứu, Đức Phật Thích-ca ngồi im lặng tay đưa lên một nhành hoa và chỉ có Ma-ha-ca-diếp, một đại đệ tử của Đức Phật, mỉm cười tỏ ý lĩnh hội được ý chỉ của pháp “Dĩ tâm truyền tâm”. Đức Phật liền ấn chứng cho Ca-diếp là Sơ tổ của Thiền tông. Từ đó, Thiền tông coi trọng pháp Đốn ngộ, nghĩa là vượt qua ngôn ngữ khái niệm, đi thẳng vào tâm, “giác ngộ tức thì” trên con đường tu học.   

3. H.T Thích Thanh Từ. Thiền tông và Tịnh Độ tông: chỗ gặp gỡ và không gặp gỡ (Giác Ngộ, số 196, 197, 198 tháng 01 năm 2000)

4. Tu-dà-hoàn (dịch là Dự Lưu), quả vị ở bậc thấp nhất trong bốn quả của Thanh văn thừa, do đã dứt hết “Kiến hoặc” nên còn gọi là Sơ quả. Những bậc đã chứng quả Dự Lưu ở hạng thấp nhất (Thụ sinh Dự Lưu) dù còn chưa dứt “Tư hoặc”, còn bảy lần qua lại thụ sinh ở cõi người cõi trời nhưng là bất thoái, chỉ có tiến lên ở hạng cao hơn cho đến hạng cao nhất (Hiện ban Dự Lưu) là đã dứt hết “Tư hoặc” trong ba cõi và chứng Niết-bàn. 

Bình luận
Tin cùng chuyên mục