Ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo tới văn hoá Việt Nam thời Lý- Trần (XI-XIV).

_____________

Văn hóa không chỉ là di sản mà còn là nguồn cảm hứng bất tận, là động lực để mỗi người chúng ta tự hào về cội nguồn và hướng tới tương lai, là nền tảng tinh thần cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Một thời hoàng kim của dân tộc nói chung và của Phật giáo Lý – Trần nói riêng đã lùi về quá khứ, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng mãi. Cuộc sống nhân dân thời bấy giờ được ánh sáng trí tuệ của các vị Thiền sư, các bậc vua quan sáng suốt soi sáng và dẫn đường. Văn hoá triều đại Lý –Trần mãi mãi là một dấu ấn, một điểm son tươi đẹp trong sự ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung.

_________________

Văn hóa là tấm gương phản chiếu linh hồn của một dân tộc, là sự kết tinh của lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán, nghệ thuật, tư tưởng và cả những giá trị tinh thần sâu sắc. Văn hoá luôn giữ vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước, song, để có được giá trị cho cuộc sống hôm nay là cả quá trình dài. Phật giáo, một tôn giáo lớn của khu vực và thế giới, được truyền bá đến Việt Nam vào khoảng đầu Công nguyên và người ta đã biết đến một trung tâm Phật giáo đầu tiên là vùng Luy Lâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hiện nay.

Trong bối cảnh xã hội có nhiều mâu thuẫn và phân hoá, cư dân bản địa, những người vốn quen với nghề làm nông, trồng lúa nước và thờ cúng Tổ tiên cũng như các vị thần tự nhiên, đã đón nhận Phật giáo với tinh thần khoan dung, hoà hợp. Phật giáo đã đem lại cho các cộng đồng cư dân Việt Nam những triết lý, luận giải mới về nỗi khổ và nguồn gốc muôn vàn nỗi khổ của con người, về Nghiệp và cách thức giải thoát, chấm dứt nỗi khổ đau. Với phương châm hành thiện và hướng thiện, trong bối cảnh dân tộc bị nô lệ, Phật giáo đã đem lại niềm tin về lẽ sống, về sự bình đẳng, về đức hy sinh… đồng thời chuẩn bị những kháng lực cần thiết để đối diện với tư tưởng thống trị và ách nô dịch của đế chế phương Bắc. Với những giá trị đặc trưng đó, Phật giáo đã mau chóng trở thành một bộ phận hợp thành của văn hoá, tư duy dân tộc và tìm được vị thế vững chắc trong đời sống văn hoá Việt Nam.

Tượng Phật thời Lý. Nguồn internet

 

 

 

Bởi thâm nhập giáo lý nhà Phật qua chính sách trị nước an dân nên các vua Lý – Trần đã chinh phục trái tim của nhân dân bằng đức trị thay pháp trị. Triều Lý hơn 200 năm (1009 – 1225) và triều Trần gần 200 năm (1226 – 1400), như vậy, hai triều đại Lý – Trần tồn tại gần 400 năm. Có thể nói đây là thời đại cực thịnh của Phật giáo Việt Nam mà cũng là thời đại đất nước hùng mạnh nhất trong trang sử nước nhà. Các vua thời đại Lý – Trần được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp của thế hệ trước, đồng thời biết phát huy những tinh hoa chắt lọc được từ bên ngoài rồi biến thể sao cho phù hợp với quốc dân thủy thổ mà không đánh mất bản sắc dân tộc. Lịch sử dân tộc trong giai đoạn Lý – Trần là giai đoạn quốc gia Đại Việt có bước phát triển vượt bậc so với giai đoạn trước đó, sở hữu một nền văn hóa được gây dựng bởi những con người sống trong một giai đoạn lịch sử mà Phật giáo được xem như quốc giáo với vai trò quan trọng trong ổn định đời sống tinh thần xã hội. Phật giáo đã thực thi một tinh thần khoan dung và độ lượng, những điều này giúp cho Phật giáo không chỉ đứng ở vị trí trung tâm của hoạt động chính trị, văn hoá, xã hội giai đoạn thế kỷ XI-XIV, mà còn góp phần tạo nên bản sắc văn hoá, chính trị, dân tộc trong giai đoạn lịch sử này.

Phật giáo trong mối quan hệ với văn hóa Việt Nam được biểu hiện hết sức đa dạng và phong phú trên nhiều bình diện và tầng lớp văn hóa, mối quan hệ giữa Phật giáo và văn hóa Việt Nam mới đạt đến đỉnh cao của sự hỗn dung, điều này đã tạo nên một nền văn hiến rực rỡ trong sự nghiệp xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, để lại cho mỗi con người Việt Nam lòng tự hào dân tộc.

Rất nhiều nhà nghiên cứu, rất nhiều học giả đã nghiên cứu về Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo thời đại Lý – Trần nói riêng. Từ những thập niên đầu của thế kỉ XX, Pháp sư Thích Mật Thể biên soạn bộ sách Việt Nam Phật giáo sử lược với quan niệm: “Phật giáo đã là một hiện tượng trên thế giới, nói hẹp là một tôn giáo đã truyền vào nước Việt Nam này”. Tập I bộ Lịch sử tư tưởng Việt Nam xuất bản năm 1993 do Nguyễn Tài Thư chủ biên, trong tập I (từ thời nguyên thủy đến thế kỉ XVIII), phần thứ ba đã nói về tư tưởng giai đoạn phục hồi và xây dựng quốc gia độc lập (thế kỉ X đến thế kỉ XIV). Ở phần này, tư tưởng Phật giáo thời đại Lý – Trần đã được đề cập cùng bước phát triển với tư tưởng chính trị – xã hội: “Không những thế, trong các thời Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý các cao tăng còn tham gia chính sự ở triều đình. Họ đã phát biểu chính kiến của mình trước nhà vua. Lẽ dĩ nhiên chính kiến của họ không khỏi chịu ảnh hưởng của giáo lý đạo Phật” [126, tr. 158]. Các thiền sư cũng như cư sĩ Phật tử thời ấy đã tiếp thu những lời dạy quý báu của Đức Phật, giúp cho Phật giáo Lý – Trần đưa ra tư tưởng chỉ đạo phù hợp, giúp cho sự hưng thịnh và tồn vinh của đất nước.

Kinh thành Thăng Long thời Lý

Cuối triều Tiền Lê, Lý Công Uẩn bằng sự nỗ lực, cũng như được sự ủng hộ của triều đình Hoa Lư và dân chúng đã tranh thủ thời cơ để bắt tay vào xây dựng vương triều Lý. Cho đến năm 1225, nhà Trần thay thế nhà Lý tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước. Thời đại Lý – Trần gắn với sự nghiệp phục hưng dân tộc, xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ sau nghìn năm Bắc thuộc và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập tự chủ. Người cầm quyền có những đường lối, quan điểm, xây dựng và phát triển văn hoá dân tộc, được nhân dân ủng hộ. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển Phật giáo và phát huy vai trò của Phật giáo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.  Trong các vương triều Lý – Trần, các nhà cầm quyền phần lớn vừa tiếp nhận, vừa là các nhà tu hành (chủ yếu tại gia). Cả hai triều đại Lý – Trần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo, cả nước từ vua, quan đến thứ dân đều theo Phật; đến chùa quy y, giữ giới, tụng kinh, thiền định nên mới có được một tinh thần an lạc, tinh tấn. Đất nước đã thấm nhuần lời chỉ bảo của Thiền sư Pháp Thuận:

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

(Dịch:

Vận nước như mây cuốn,

Trời Nam mở thái bình.

Vô vi trên điện các

Xứ xứ hết đao binh.)

Thời kỳ Lý – Trần là thời kỳ phục hưng của nền văn hoá Việt Cổ thời Văn Lang – Âu Lạc qua những cuộc kháng chiến của Đại Việt chống Tống, Nguyên thắng lợi. Vị thế độc lập về chính trị dẫn đến ý thức độc lập về văn hoá. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tìm về cội nguồn trong môi trường văn hoá thời Lý – Trần phát triển trên những giá trị văn hoá đạo đức. Các vương triều Lý Trần coi trọng đạo đức của người lãnh đạo để giúp ổn định và phát triển quốc gia. Các ông vua thời Lý – Trần đã dùng chính sách trị dân nhưng có tính khoan hồng, kết hợp pháp trị với đức trị – minh chứng sự hội nhập của Phật giáo vào đời sống văn hóa, chính trị và xã hội của dân tộc Việt Nam.

Thái Tổ Công Uẩn nhà Lý xuất thân từ chốn Thiền môn, tên gọi Công Uẩn được đặt theo mong muốn “chứa đạo, ôm đức” của nhà Phật  (Uẩn theo nghĩa tiếng Hán là “chứa đạo”, “bao đức” từ quan niệm của Ngũ Uẩn Phật giáo mà ra). Lý Thái Tổ đã xây dựng xã hội trên tinh thần Phật giáo, thực hiện đường lối “đức trị” theo lập trường Phật giáo, thiết lập một xã hội ổn định và đoàn kết theo tinh thần tương thân tương ái, đặt nền móng vững chắc cho các triều đại kế tiếp. Sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi, là một Phật tử thuần thành, ông liền ra lệnh hủy bỏ hết mọi hình cụ trong ngục và cho xây dựng nhiều chùa mới trong nước.

Lý Thánh Tông trở thành thế hệ thứ hai của Thiền phái Thảo Đường, trên hệ tư tưởng của Phật giáo, ông góp công sức lớn tạo ra được bản sắc đặc trưng của Phật giáo Việt Nam. Trần Nhân Tông, Phật hoàng Đệ nhất Tổ Trúc Lâm đứng đầu vương triều, nắm hai vai trò quan trọng của cuộc đời nhà vua và nhà tu hành, trực tiếp chỉ huy kháng chiến chống Nguyên năm 1285 và 1288 thắng lợi, mộ đạo khi ở ngôi, Trần Nhân Tông mang tâm thế của một nhà tu hành và truyền giáo khi khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm từ việc hợp nhất hai nhánh Vô Ngôn Thông Thăng Long và Yên Tử thành một dòng thiền nhập thế liên mật thiết với chính trị, phong hoá và xã hội. Vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia, đã không quản gian khổ nhọc nhằn, đi khắp nơi trong nước khuyên mọi người sống theo năm giới, mười thiện là những nguyên lý căn bản của đạo đức Phật giáo.

Trong bối cảnh cả dân tộc Đại Việt thời Lý – Trần đang tập trung mọi lực lượng vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống Nguyên – Mông, những tư tưởng “Đại trí”, “Đại bi” của Phật giáo chính là “ngọn suối nguồn” để tập hợp, đoàn kết, củng cố sức mạnh toàn dân làm lên những thắng lợi vẻ vang và rất tự hào trong lịch sử dân tộc (ba lần chiến thắng quân Nguyên – Mông).

 

Đức vua Trần Nhân Tông. Ảnh internet

Khi đi đến quyết định lựa chọn và tôn vinh Phật giáo, giới quý tộc triều Lý hiểu Phật giáo vốn là một tôn giáo “ngoại nhập” nhưng đã và vẫn là giá trị chung của nhiều quốc gia khu vực. Quá trình đồng hành cùng dân tộc đã tạo nhiều cơ hội cho Phật giáo đóng góp công sức cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Nhiều vị danh tăng được sự trọng dụng của những người nắm quyền điều hành đã có vai trò chính trị to lớn, là tác nhân quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đặc biệt là Thiền sư Vạn Hạnh – Ngài vì dân vì nước, đã gây dựng sự nghiệp cho nhà Lý, chủ trương dời kinh đô từ Hoa Lư ra Thăng Long là nơi hệ trọng cho đến ngày nay, ngài được nhà Lý tôn xưng làm Quốc sư.

Đạo Phật đời Lý – Trần không chấp tướng, không giáo điều, không vướng mắc vào hình thức, không bó hẹp trong chùa chiền, tu viện, càng không phải là sở hữu riêng của Tăng, Ni, miễn là biết nhìn rõ tâm mình, chuyển hóa tâm và sử dụng tâm cho tốt. Vì không chấp tướng nên Phật giáo đời Trần mới có được một nhân vật đặc biệt như Tuệ Trung Thượng Sĩ, tuy là một cư sĩ tại gia, nhưng lại được Tăng cũng như tục học hỏi cũng như tôn kính như là một bậc Thầy lớn trong đạo. Tuệ Trung Thượng Sĩ đã đưa lại cho Phật giáo đời Trần một tinh thần dấn thân tích cực vào việc giải quyết các yêu cầu chính trị của đất nước vì ông kết nối được triết lý giải thoát của Phật giáo với văn hoá Việt Nam, thông qua Trần Nhân Tông. Thậm chí Trần Nhân Tông và Pháp Loa là hai vị Tổ thứ nhất và thứ hai của phái Thiền Trúc Lâm cũng suy tôn Tuệ Trung Thượng Sĩ là Thầy của mình. Tuệ Trung từng nêu nguyên tắc: “Hãy đưa tâm ta hợp với tâm của vạn pháp và như vậy là đã đạt đến tâm Phật” (Dẫn theo Hà Văn Tấn: Phật giáo từ Ngô đến Trần (Thế kỷ X-XIV), Sđd, tr.240).

Dấu ấn của Phật giáo trong hệ thống phi vật thể trong văn hoá đạo đức của vương triều Lý Trần phong phú và đặc sắc. Thời kỳ Lý – Trần, trong đời sống của người Việt phổ biến những phong tục, tập quán tiêu biểu, mang đậm màu sắc tôn giáo của cư dân nông nghiệp. Trong các chùa, dưới các cây cổ thụ đều đặt bát hương thờ, nhiều chùa còn thờ cả những tảng đá lớn hoặc những con vật bằng đá, như nghê đá,…Tục thờ đá, thờ núi, thờ sông rất phổ biến, ví dụ, Thần Tản Viên giúp Vua Hùng chống ngoại xâm. Về phía triều đình, các thiền sư lập đàn tế để cầu quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa,..

Tuy nhiên, Phật giáo không chỉ dung hòa với các phong tục tập quán bản địa nêu trên, ngược lại, sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo cũng đã tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội của người Việt như tục thờ cúng thành hoàng, tổ tiên; tục ăn chay; lễ hội đình, chùa, đi lễ chùa vào các ngày Rằm, mồng Một,…Dưới thời Lý – Trần, xuất hiện phong tục thờ các dị vật như cau nhiều thân, rùa nhiều đầu, ngựa nhiều móng, hổ, voi, sen trắng, hươu trắng, hươu đen,…được quan niệm như là những “điềm” báo sự tốt đẹp. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ trong Phật giáo, điển tích Đức Phật khi ra đời gắn liền với những điềm báo như voi trắng, vầng hào quang, hoa sen,…Hơn nữa, dưới thời Lý – Trần, phần lớn các con vật được coi là lạ và linh thiêng trong phong tục tập quán của người Việt thì đều mang màu trắng được đặt ở vị thế cao quý, được thờ phụng ở mọi nơi như đình, đền, chùa,…

Tục thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng phổ biến nhất của người Việt Nam, bắt nguồn từ niềm tin rằng, linh hồn người chết vẫn tồn tại trong thế giới chúng ta và ảnh hưởng tới cuộc sống của những người đang sống, đặc biệt là con cháu trong gia đình. Dưới ảnh hưởng của Phật giáo, người chết được nhà chùa làm lễ cầu siêu và sau đó được “gửi” vào chùa để đức Phật che chở. Tuy nhiên, dù linh hồn người chết được gửi ở chùa nhưng quan niệm phù trợ, che chở cho con cháu vẫn giữ nguyên trong dân gian, đó là bàn thờ tổ tiên vẫn duy trì ở các gia đình. Sự “giao duyên” giữa Phật giáo và tôn giáo dân gian thời Lý – Trần còn thể hiện qua các lễ hội. Vào ngày mồng 8 tháng Tư (ngày Phật đản) hằng năm, tại các chùa đều tổ chức lễ tắm Phật – vốn cũng là một lễ thức cầu nước truyền thống của dân tộc được Phật giáo hóa. Sau lễ tắm Phật là lễ Phóng sinh, thể hiện tinh thần từ bi hỷ xả của nhà Phật.

Ở thời đại Lý – Trần, Phật giáo đã có được sự kết hợp hành công giữa nhập thế và xuất thế để có được đạo đức nhân bản. Về quan niệm nhân sinh, Phật giáo thời Trần chủ trương cách hành xử là sống hòa đồng với đời, không làm trái, đi ngược lại quy luật tự nhiên và như vậy không nhất thiết phải ăn chay, trì giới (giữ Ngũ giới) thì mới trở thành nhà tu hành hay tín đồ đích thực. Sống theo quy luật nên không sợ quy luật và nhờ đó mà đạt đến giác ngộ cùng chân lý tự do. Với thuyết nhân quả luân hồi, triết lí ở hiền gặp lành, Phật giáo khuyến khích con người ăn ở nhân đức để có cuộc sống tốt đẹp trong thế giới mai sau. Giáo lý nhà Phật đề cao lòng từ bi bác ái, yêu thương người khác, thương yêu vạn vật để có cách sống nhân nghĩa, vị tha. Nhiều khái niệm giáo lý nhà Phật đã thâm nhập vào ý thức xã hội, trở thành tiêu chuẩn của đạo đức, lối sống, luân lý, của thời đại và hòa nhập vào những nét tính cách trong con người Việt Nam. Phật giáo hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ, giúp mỗi cá thể nhận ra chân lý ngay trong đời sống thực tại chứ không phải nơi một thế giới huyễn hoặc nào khác.

Tuy nhiên, trước những thách thức của thời đại mới, khi đất nước đang mở cửa, hội nhập và phát triển thì văn hóa Phật giáo truyền thống nói chung và văn hóa Phật giáo thời Lý – Trần nói riêng đang có nguy cơ mai một, mất dần vị trí trước sự “xâm lăng” của các luồng văn hóa ngoại lai. Việc bảo tồn những giá trị văn hóa ấy là một việc cấp thiết và quan trọng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Hai triều đại Lý – Trần đã đánh dấu đỉnh cao của sự hội nhập Phật giáo vào xã hội Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nền độc lập quốc gia trong lịch sử nước nhà. Mỗi một người dân Việt Nam phải có ý thức bảo vệ giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của giáo lý Đạo Phật, nuôi dưỡng và phát huy lòng tự hào, tự tôn dân tộc vì sự tiến bộ, hòa bình, văn minh của nhân loại, tất cả vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

______________

[Tùng Chi]

Bình luận
Tin cùng chuyên mục