Bệnh viện dành cho tu sĩ Phật giáo tại Thái Lan

Priest Hospital ở Bangkok là một bệnh viện đặc biệt dành riêng cho chư Tăng tại Thái Lan. Đây là một bệnh viện với sức chứa 300 giường với nhiều chuyên khoa điều trị.

Được thành lập vào năm 1949, đến nay, Priest Hospital vẫn là địa điểm đáng tin cậy nhất trong việc chăm sóc và điều trị cho các tu sĩ Phật giáo cũng như thực hiện các nghiên cứu về y tế, cung cấp hệ thống phục vụ y tế cho tất cả các tu viện, chùa chiền Phật giáo trên khắp đất nước Thái Lan.

Mặc dù bệnh viện này do chính phủ điều hành, nhưng một phần lớn ngân sách đến từ sự đóng góp của các cư sĩ, Phật tử thuần thành. Bên cạnh đó, tất cả dịch vụ thăm khám cho chư Tăng đều miễn phí.

Priest Hospital bắt đầu được xây dựng vào đúng dịp Vesak năm 1949. Trưởng lão Vajirayanawong là người đã chủ trì buổi lễ khởi công và đặt tên cho bệnh viện là Priest Hospital (tạm dịch: Bệnh viện Tu sĩ). Ngày 21-2-1951, công trình hoàn thành và được giao cho Cục Khám chữa bệnh của Bộ Y tế quản lý. Bác sĩ WirajMakduangkaew là giám đốc đầu tiên quản lý và điều hành công việc nơi đây. Bệnh viện được chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 1-3-1951.

Sau đó, Đại Tăng thống Phật giáo Thái Lan lúc bấy giờ là ngài Kittinophon, trụ trì wat Benjamabophit, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Thái Lan, nhận thấy các hoạt động của Priest Hospital ngày càng phát triển; các vị tu sĩ bị bệnh tìm đến đây càng ngày càng đông; mặc dù hệ thống phục vụ y tế của bệnh viện đã hỗ trợ rất đắc lực nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định liên quan đến giới luật, sự tu tập và vấn đề phát triển tâm linh của chư Tăng. Vì lý do này, bệnh viện cần có một bộ phận thực hiện những công việc không liên quan đến tôn giáo, và một bộ phận chuyên về các vấn đề về sự tu tập. Hai bộ phận này sẽ cộng tác với nhau để thực hiện tốt những chức năng đặc thù của Priest Hospital.

Bộ phận đầu tiên với tên gọi là “Ủy ban chăm sóc chư Tăng của Priest Hospital” được Đức Đại Tăng thống thành lập ngày 24-8-1953. Những thành viên này chuyên về việc chăm sóc, hỗ trợ y tế, điều trị và nghiên cứu phương pháp trị liệu đối với chư Tăng và các Sa-di trên tinh thần tuân thủ theo các giáo lý của Phật giáo. Họ chăm lo về mặt tiện ích và sức khỏe thể chất của chư Tăng.

Gần hai tháng sau, ủy ban thứ hai thuộc bệnh viện được thành lập với tên “Ủy ban Tăng sĩ Priest Hospital”. Thành viên của bộ phận này gồm các vị Tăng sĩ đa văn và thông tuệ. Mỗi ngày, họ sẽ sắp xếp lịch làm việc của mình để dành thời gian cho các tu sĩ là bệnh nhân đang điều trị tại đây. Nhiệm vụ chính của họ là giải quyết các vấn đề về giới luật, hành trì và giáo lý trong các tình huống, hoạt động mà bệnh viện hay các bệnh nhân yêu cầu.

Khoảng 95% dân số Thái Lan theo đạo Phật và chư Tăng rất được kính trọng. Khác với những người không theo tôn giáo, chư Tăng tuân thủ những giới điều đặc thù và có đời sống hướng đến sự phát triển tâm linh. Vì vậy, có thể nói việc để chư Tăng và người thế tục điều trị cùng một khu vực sẽ đem lại nhiều bất tiện; điều đó dẫn đến việc cần có một khu chữa bệnh riêng biệt dành cho chư Tăng. Mặc dù nhiều bệnh viện ở Thái Lan đã cố gắng đáp ứng nhu cầu này, nhưng số lượng bệnh nhân càng ngày càng tăng khiến hai nhóm này thường phải nằm chung với nhau trong cùng một khu vực. Việc thành lập Bệnh viện Priest Hospital nhằm giải quyết ba mục tiêu:

– Tránh sự lẫn lộn không phù hợp giữa chư Tăng và người thế tục trong một khu khám chữa bệnh.

– Giúp các vị Tỳ-kheo và Sa-di giữ được các giới pháp mà họ đã thọ lãnh, đồng thời có sự hỗ trợ về mặt tu tập tâm linh trong thời gian điều trị tại bệnh viện.

– Tuân theo lời dạy của đức Phật: “Yo Pikawemang Uppatathaheyaya So kilanang Uppatathaheyaya” (tạm dịch: Chăm sóc các Tỳ-kheo bị bệnh chính là chăm sóc cho Như Lai).

Bình luận
Tin cùng chuyên mục