Chất Thiền thấm đẫm trong thư pháp và sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Lấy chủ đề “Hương thơm quê mẹ – thể hiện nếp sống tỉnh thức qua nghệ thuật thư pháp”, triển lãm thư pháp và sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chính thức khai mạc từ ngày 13/4 đến 26/4 /2021 tại Hà Nội.
Triển lãm chuyển đến thông điệp yêu thương gửi đến cho đất mẹ – hành tinh xanh và xinh đẹp đã dưỡng nuôi và chở che con người. Hình ảnh quê hương thể hiện trong sách khiến mỗi người nhận ra thiền định không phải điều xa lạ mà ở ngay chính cuộc sống bình dị, những sinh hoạt thường ngày.
Các tác phẩm thư pháp thiền được triển lãm lần này từng gây tiếng vang lớn tại các cuộc trưng bày trước đây tại Pháp, Đức, Canada, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông, thu hút sự quan tâm đông đảo của những người mộ điệu và giới truyền thông quốc tế.
Nối tiếp thành công đợt triển lãm tại TP.HCM từ 26-3 đến 5-4 vừa qua, “Hương thơm quê mẹ” có hơn 145 đầu sách tiếng Việt đã được xuất bản trong nước và 100 tác phẩm thư pháp, do chính Thiền sư Thích Nhất Hạnh chấp bút. Người xem có cơ hội thưởng lãm chất tiếng Việt trong di sản văn hóa dân tộc được Thiền sư gìn giữ và truyền tải trong tất cả các tác phẩm thi ca, thư pháp và văn học.
Triển lãm mang đến một không gian an lạc, đưa con người trở về với xứ sở của giây phút hiện tại, từ đó, thực tập nếp sống tỉnh thức và hạnh phúc. Đây là lần đầu tiên tại Hà Nội, bộ sưu tập thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được giới thiệu đến công chúng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh xa Việt Nam từ năm 1962, đến năm 1967, Ngài đã được đề cử giải Nobel vì Hoà Bình. Tạp chí Human Architecture đã công nhận Thiền sư là một kiến trúc sư của nhân loại thế kỷ 21. Trong khi đó, Tạp chí The Buddhist World đã vinh danh Ngài là một trong 14 vị đại sư của mọi thời đại từ thời Đức Phật. Là tác giả của hàng trăm cuốn sách, trong đó, rất nhiều cuốn được xếp hạng bán chạy nhất (bestseller) như: An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, Đường xưa mây trắng, Giận, Chúa ngàn đời, Bụt ngàn đời…
Được biết, trong thời gian diễn ra triển lãm tại Hà Nội, mỗi ngày đã có rất đông Tăng Ni, Phật tử, người yêu mến Thiền sư đến thăm quan.
Những tác phẩm của Thiền sư lan tỏa năng lượng của tuệ giác, chuyển tải được tinh thần văn hoá dân tộc và nếp sống tỉnh thức. Ở đó, nghệ thuật, văn hoá và nếp sống tỉnh thức hòa quyện với nhau một cách rất tuyệt vời.
Năng lượng/ ảnh Làng Mai