Phật giáo Việt Nam phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc an dân.

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, trở thành một trong những tôn giáo truyền thống, tôn giáo dân tộc và đỉnh cao trở thành quốc giáo của Việt Nam thời Lý – Trần. Nói đến lịch sử dân tộc cũng là lịch sử phát triển của Phật giáo. Đạo Phật luôn kề vai sát cánh, cùng dân tộc trải qua nhiều dấu mốc lịch sử, từ thời Lạc Việt, Đại Việt đến Việt Nam cận đại và hiện đại. Người con Phật luôn đóng góp sức lực, trí tuệ của mình để cùng giữ vững biên cương Tổ quốc. Đó được coi là đóng góp lớn cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Bởi lẽ đó Phật giáo Việt Nam được ghi nhận là tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc với tinh thần “Hộ quốc an dân”.

_________________________________

Từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã có sự gắn bó và hòa nhập với dân tộc. Cốt lõi của Phật giáo thể hiện tinh thần sống đạo, sống theo tinh thần “Hộ quốc an dân”, được người dân theo Đạo Phật diễn giải rất chân thật, rất triết lý: “yêu nước là yêu đạo và yêu đạo chính là yêu nước”. Vì thế, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn đối với dân tộc, góp phần giúp dân tộc Việt chống lại kẻ thù xâm lược nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước phồn thịnh, chung sống hòa bình. Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn liền với vận mệnh của đất nước, cùng trải qua những thăng trầm của lịch sử nước nhà. Sự an nguy của dân tộc cũng chính là nỗi lo toan trong lòng người con Phật, bởi tất cả đều luôn mong muốn một đời sống bình an. Điều đó được thể hiện qua những trang sử vẻ vang từ thời Đinh – Tiền Lê cho đến thời Lý – Trần, và cho đến mãi các đời sau, nhất là thời đại của Hồ Chí Minh lịch sử.

Lật lại trang sử nước nhà, Phật giáo Việt Nam đều để lại những dấu ấn sâu đậm, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, giữ gìn và phát triển đất nước. Ngay từ thời kỳ sơ khai, để dựng nước, đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì ta đã phải dành nhiều thời gian, xương máu, trí lực để đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Và gần như, đã là người con Việt thì ai cũng mang trong mình tinh thần yêu nước, nó đã tạo nên một hào khí, thứ mà chỉ khi đất nước được mài giũa trong sự đấu tranh qua nhiều thế

hệ. Đương nhiên, dù ở bất cứ một tôn giáo nào, nếu đã là người con Việt thì tinh thần ấy vẫn luôn chảy trôi, chỉ là ở một cách thức hay trên một phương diện khác nhau.

Phật giáo thời Đinh – Tiền Lê

Phật giáo du nhập sang Việt Nam từ rất sớm, tuy là một hiện tượng văn hoá nước ngoài truyền vào nhưng được người dân Việt tiếp nhận và áp dụng vào đời sống thường nhật. Theo nguồn sử liệu cũ và dấu tích ghi lại, nước ta đã có trung tâm Phật giáo Luy Lâu nổi tiếng ở vùng châu thổ sông Hồng, đó là trung tâm chính trị, quân sự và thương mại của Lạc Việt. Dân tộc Lạc Việt lúc đó đã có một nền văn minh nông nghiệp lúa nước nhưng tổ chức nhà nước và tôn giáo còn đơn giản, lại thêm bị kẻ thù phương Bắc đe dọa xâm lược và đô hộ. Có thể nói rằng, Phật giáo thời kì này đóng góp, phát huy vai trò hệ tư tưởng của người Việt chống lại Hán hóa: “Trong thời Bắc thuộc, Phật giáo tuy chưa trở thành Quốc giáo nhưng đã đóng vai trò như tôn giáo dân tộc để tham gia bảo vệ văn hóa, chủ quyền dân tộc của người Việt” (1). Sau khi thoát khỏi ách đô hộ từ phương Bắc, nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ thì Phật giáo cũng không ngừng phát triển. Đến thời Đinh – Tiền Lê, nhìn thấy được chư Tăng có học thức uyên thâm, trí tuệ tài cao, triều đình bắt đầu trọng dụng một số nhà sư trên nhiều lĩnh vực. Các vua thời Đinh – Tiền Lê ban hành một số chính sách bảo trợ và phát triển hệ thống Tăng đoàn Phật giáo trong cả nước như tôn giáo chính thống, nhiều chùa lớn được xây dựng. Nhà vua còn cử phái đoàn sang Trung Quốc thỉnh kinh Phật về in và truyền bá cho dân chúng. Thời kì này, Phật giáo được phát huy vai trò là lực lượng tinh thần đắc lực cho dân tộc trong đường lối chiến lược xây dựng và ổn định nhà nước sau một thời gian dài bị phương Bắc đô hộ.

Chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt năm 938 khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán đánh dấu một bước ngoặt to lớn, vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta. Nó chấm dứt thời kỳ tối tăm hơn ngàn năm Bắc thuộc, chấm dứt cả một trường kỳ kháng chiến với biết bao nhiêu xương máu đã đổ vì nền độc lập tự do của dân tộc, xây dựng một nhà nước độc lập tự chủ, dẫn đến sự ra đời của nhà Đinh-Tiền Lê đồng thời làm tiền đề cho sự hưng thịnh phát triển thời Lý Trần. Triều đại nhà Ngô tồn tại 30 năm, sau khi Ngô Quyền mất, đất nước vẫn tự chủ nhưng giặc loạn tứ xứ. Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi năm 968, lấy tên là Đinh Tiên Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt đóng đô ở Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Nắm quyền và thế lực chưa đủ mạnh, nhà Đinh bị quân Tống xâm lược, Lê Hoàn đem quân đánh tan quân xâm lược, lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Đại Hành. Ngay khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã đổi hiệu nước là Thái Bình, các vị cao Tăng được mời vào dự việc nước, đảm nhận vai trò quân sư, cố vấn quốc gia. Dưới thời Đinh Tiên Hoàng, Phật giáo được tôn thờ, các nhà sư được đề cao và trọng dụng. Ðinh Tiên Hoàng là vị vua đầu tiên đã định giai cấp cho Tăng lữ. Năm 971, thiền sư Ngô Chân Lưu được phong làm Tăng Thống. Chế độ Tăng thống tại Việt Nam bắt đầu từ đây. Trong Đại Việt sử ký toàn thư nêu rõ: “Nguyễn Bặc làm Định Quốc, Lưu Công làm đô hộ phủ sĩ sư, Lê Hoàn làm thập đạo tướng quân, cho Tăng Thống Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt Đại sư, cho Trương Ma Ni làm tăng mục đạo sĩ” (2). Việc nhà vua ban tước hiệu Khuông Việt Đại Sư cho thiền sư Ngô Chân Lưu đồng nghĩa với việc triều đình công nhận sự đóng góp của Phật giáo trong việc cai trị đất nước, điều này thể hiện qua nền “Đức trị” với chính sách Từ bi nhân đạo. Vua Đinh rất tôn kính chư Tăng, chỉ dụ xây dựng tu bổ các chùa xưa đổ nát, đặc biệt với Quốc sư của mình, vua rất mực trung tín, luôn học hỏi tu tập nội tâm và luận bàn về việc nước trong tinh thần Đạo pháp, tất cả các mặt của xã hội, quân sự – quốc

Thời Tiền Lê, Khuông Việt Đại sư vẫn được nhà vua trọng dụng, tham gia triều chính. Mọi việc binh, việc nước nhà Vua đều cho mời Đại sư bàn bạc. Năm Thiên Phúc 986, sứ nhà Tống là Lý Giác sang nước ta, vua Lê Đại Hành nhờ ngài Khuông Việt Đại sư đón tiếp với sứ giả. Còn Thiền sư Đỗ Thuận cải trang làm ông lái đò cho Sứ giả. Thiền sư Đỗ Thuận đã để lại ấn tượng cho Lý Giác với màn đối đáp “thi trung hữu hoạ”. Và trước khi sứ trở về, quốc sư Khuông Việt đã gửi gắm ý Vua Lê Đại Hành cùng lòng quân dân đất Việt đến nhà Tống rằng:

…Phan luyến sứ tinh lang

Nguyện tương thâm ý vị biên cương

Phân minh tấu ngã Hoàng.(3)

(… Nay xin nhờ đến vị sứ lang, khi trở về nước nhà tâu rõ lên Thánh Hoàng việc biên cương giữ nước).

 

Khuông Việt Đại Sư. Nguồn Internet

Thiền Uyển tập anh còn ghi: “Vua Lê Đại Hành rất kính trọng Ngài (Ngô Chân Lưu), phàm những việc quân quốc đều đưa cho ngài cả”. Còn thiền sư Pháp Thuận là người đã dùng nghệ thuật phù sấm giúp Lê Hoàn lên ngôi: “Là một nhà bác học giỏi về nghệ thuật và thi ca, cả tài năng phụ tá nhà vua trong việc chính trị và thông hiểu về tình hình thực tại của đất nước. “Trong buổi đầu sáng nghiệp của nhà Lê, ông có công trù tính và quyết định chính sách kế hoạch, nhưng khi thiên hạ thái bình rồi thì không chịu phong thưởng. Vua Lê Đại Hành rất kính trọng, không gọi tên, chỉ xưng tên là Đỗ Pháp Sư mà thôi!”. Ta có thể thấy vua Lê Đại Hành rất kính trọng Thiền sư Pháp Thuận, ông đã đem vận nước ngắn dài ra để trưng cầu ý kiến với Thiền sư. Phải nói rằng Thiền sư được tín nhiệm tới mức độ nào đó thì Lê Hoàn mới dám đem việc nước để hỏi vì khi nói đến vận nước là nói đến vận mệnh của một triều đại. Điều đó, chứng tỏ rằng, Vua Lê Đại Hành hoàn toàn tin tưởng Thiền sư Pháp Thuận. Hơn thế nữa, Lê Đại Hành đặt câu hỏi vào thời điểm mà triều đại nhà Lê đang đứng trước khó khăn thách thức, có nguy cơ bị sụp đổ. Đây là giai đoạn thù trong giặc ngoài, nếu không có sự ủng hộ một lòng một dạ của quân dân thì Lê Hoàn đã không thể thành công, đè bẹp và tiêu diệt đám thù trong giặc ngoài. Chính trong tình thế có nhiều nguy cơ thách thức như vậy, mà vua Lê Đại Hành đã hỏi Thiền sư Pháp Thuận về vận nước dài hay ngắn. Để nhấn mạnh đến vị thế xung yếu của sự đoàn kết, Thiền sư Pháp Thuận đã trả lời nhà vua bằng bài thơ “Quốc tộ”:

Vận nước như mây cuốn
Trời Nam mở thái bình

Vô vi trên điện các
Xứ xứ hết đao Binh.(4)

Thiền sư đã lấy ngôn từ giản dị mà thâm thúy, bày tỏ chính kiến của mình. Câu trả lời ấy thể hiện một trực cảm chính trị sắc bén, ông đã ý thức được rất rõ mọi quyền lực phải từ dân mà ra và vận nước cũng thế. Người lãnh đạo biết nắm lấy dân, biết đoàn kết với dân thì vận mệnh của triều đại mình sẽ lâu dài và ngược lại thì sẽ nhào đổ một cách nhanh chóng. Có thể thấy, Phật giáo thời Đinh-Tiền Lê nhập thế tích cực, góp phần không nhỏ cho công cuộc xây dựng và giữ gìn đất nước. Hình ảnh các vị Thiền sư thấm nhuần triết lý đạo Phật nhưng cũng là những trí thức yêu nước, học thức uyên thâm, đã góp công lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.


Phật giáo thời Lý – Trần

Thiền sư Vạn Hạnh.  Nguồn Internet.

Cuối thời Tiền Lê, Lê Long Đĩnh tàn ác, bất nhân đã khiến cho quân thần và dân chúng oán giận. Thiền sư Vạn Hạnh cùng tướng Đào Cam Mộc đã vận động triều đình tôn vinh người con Phật, đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua đóng đô ở thành Thăng Long (Hà Nội) lấy hiệu là Thuận Thiên mở ra vương triều nhà Lý. Triều đại tồn tại 215 năm (1010-1225) trải qua 9 đời vua. Trong lịch sử Việt Nam, triều Lý là triều đại lớn và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Dấu ấn quan trọng nhất trên lĩnh vực chính trị là sự kiện lịch sử năm 1010, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã cho dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, và từ đó trở thành thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhà Lý chú trọng xây dựng quốc gia độc lập, tự chủ, xây dựng Thăng Long trở thành trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Triều đình thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông”, củng cố quân đội, soạn Bộ Hình Thư củng cố vương quyền, cấm ăn trộm súc vật, cấm quan lại sách nhiễu nhân dân. Nhà Lý coi trọng, phát triển tôn giáo, lấy tôn giáo làm nền tảng tinh thần để củng cố ý thức quốc gia. Sự hưng thịnh của Phật giáo thời Lý biểu hiện rõ nhất ở tổ chức Tăng đoàn, không chỉ có số lượng Phật tử đông đảo (hầu như trên cả nước từ vua, quan đến dân đều theo đạo Phật) mà Tăng đoàn còn có nguồn ruộng đất và tài sản riêng rất lớn.  Đến năm 1054, nhà Lý đặt quốc hiệu mới cho nước Đại Việt buộc nhà Tống phải thừa nhận nước ta là quốc gia có chủ quyền. Trên lĩnh vực quân sự, triều Lý để lại dấu ấn trên trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc (đánh Chiêm Thành phá tan âm mưu của nhà Tống trong việc lợi dụng Chiêm Thành để xâm lược nước ta và sau đó tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống). Ngoài ra, triều Lý cũng chăm lo phát triển kinh tế, thúc đẩy văn hóa và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ…. Các vua Lý kế thừa tổ chức Tăng quan thời Đinh – Tiền Lê, đây là tổ chức có tính chất tôn giáo liên quan chặt chẽ với hệ thống nhà nước. Tăng quan triều Lý là những người giúp quản lý các tín đồ Phật tử về mặt hành chính, đồng thời trên thực tế cũng là người bảo vệ quyền lợi của Phật giáo. Một số Tăng sĩ đắc đạo, có học vấn uyên bác thời này được các vua Lý hết sức trọng dụng trong việc nước và chấn an tinh thần. Phật giáo thời Lý trở thành quốc giáo, bởi các vị vua đều là những Phật tử thuận thành, có học thức và tri kiến Phật pháp. Lý Công Uẩn vốn là đệ tử Phật giáo nên khi ở ngôi vua, ông vô cùng sùng đạo Phật. Ngay từ khi mới lên ngôi đã ban phẩm phục cho hàng Tăng sĩ: “Năm Thuận Thiên nguyên niên (1010), Thái tổ sắc là nhiều chùa ở phủ Thiên Đức, lấy tiền kho hai vạn quan để dựng 8 ngôi: trong thành Thăng Long, dựng chùa Hưng Thiên Ngự, gần điện Thái Thanh dựng những chùa Thắng Nghiêm, thiên Vương, Cẩm Y, Long Hưng, Thánh Thọ Thiên Quang và Thiên Đức. Triều đình lại đi sắc khắp các làng hễ chùa nào đổ nát thì tu bổ”(5). Ở triều nhà Lý, một số nhà sư được ban hiệu như: Quốc sư như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông Biện, Viên Thông, Không Lộ. Vai trò chủ yếu của các Quốc sư thời Lý là những cố vấn đắc lực giúp Vua hiểu biết về giáo lý nhà Phật, ngoài ra khi cần, các Quốc sư còn cố vấn cho vua những vấn đề về chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa…

Triều đại nhà Trần tiếp nối nhà Lý lấy tinh thần Phật giáo làm chủ đạo, đoàn kết toàn dân thể hiện qua các cuộc chiến thắng chống quân Mông – Nguyên.  Nhà Trần lấy tinh thần nhập thế của Phật giáo làm hệ tư tưởng chủ đạo thực hiện tự chủ, xây dựng nên độc lập của Đại Việt về mọi mặt: Văn hóa, chính trị, kinh tế… tránh sự lệ thuộc và sự đồng hóa của phương Bắc, xây dựng bản sắc riêng của Đại Việt về mọi phương diện. Thực hiện phương châm: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức” đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

 

Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nguồn Internet

Đời nhà Trần, các vị vua như: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đều là Phật tử, các Ngài biết lấy lòng dân làm lòng mình, lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình, học – hiểu và thi hành giáo lý uyên bác của Đạo Phật, để trở thành những đấng minh quân. Nhà Trần đã rút ra những bài học kinh nghiệm từ nhà Lý, các vị vua anh minh của nhà Trần đã biết vận dụng, chọn lọc tư tưởng nhập thế tích cực của Phật giáo và phù hợp với thời đại để làm hệ tư tưởng chủ đạo của quốc gia Đại Việt thời bấy giờ. Phật giáo thời nhà Trần đã chuyển biến từ nhập thế đơn thuần của nhà Lý sang nghiên cứu và thực nghiệm giáo lý và đồng hành cùng dân tộc tạo nên bản sắc riêng, thuần hóa và hình thành nên dòng Phật giáo nhất tông “Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”. Dưới triều đại nhà Trần, Phật giáo trở thành Quốc giáo, tư tưởng Phật giáo hòa chung với nền văn hóa dân tộc, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, khát khao độc lập dân tộc và yêu chuộng hòa bình. Khi đất nước lâm nguy, Phật giáo đã phát huy sức mạnh trí tuệ và tập hợp sức mạnh tinh thần đoàn kết nhân tâm: “Ông Bụt từ bi, Phật bà cứu khổ”, hệ giáo lý sống động thực tiễn đi vào đời sống, đạo đời gắn bó làm nên sức mạnh vô song để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Phật giáo thời Trần mang tinh thần nhập thế “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Đạo và đời cả hai dung hợp, thể nhập linh động sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói các vị quân vương và các vị Thiền sư thời Trần đã sử dụng đúng tiềm năng của đạo Phật, khiến cho Phật giáo trở thành một tư tưởng triết lý hùng mạnh, có công năng uy lực xây dựng và phát triển đạo pháp, cũng như bảo vệ và mở mang đất nước dưới triều đại nhà Trần.

 

Phật giáo thời cận- hiện đại.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng, thực hiện chủ trương của Đảng, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phật giáo Việt Nam đã góp phần thành lập các tổ chức “Tăng già cứu quốc”, “Đoàn Phật giáo cứu quốc”, “Bộ đội Tăng già”, “Hội Phật giáo cứu quốc” các cấp để quy tụ, vận động và tổ chức cho tăng ni, Phật tử tham gia cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Tại Bắc Bộ, dưới sự lãnh đạo của các bậc cao Tăng như Thích Thế Long, Thích Tâm An, Thích Thanh Chân…, Hội Phật giáo cứu quốc đã tiến hành nhiều hoạt động hướng về Nam Bộ như: gửi thư động viên tinh thần chiến đấu, quyên góp tiền ủng hộ đoàn quân Nam tiến, ủng hộ quỹ Nam Bộ kháng chiến, tổ chức truy điệu chiến sĩ trận vong Nam Bộ, hiến máu nhân đạo hướng về Nam Bộ… Hầu hết các ngôi chùa ở miền Bắc đã trở thành cơ sở cách mạng, nơi dự trữ quân lương, nuôi giấu cán bộ. Trụ trì chùa Vọng Phúc – Hải Phòng là Sư tổ Tự Tâm Cẩn cũng đã động viên Tăng ni, Phật tử hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sư tổ đã răn dạy các đệ tử của mình rằng: “Nước còn thì đạo còn, nay nước lâm nguy thì đạo cũng lâm nguy, phải giữ lấy nước thì mới giữ được đạo”. Hình ảnh người con Phật “cởi cà sa khoác chiến bào” là hình ảnh 27 thầy ở thành Nam Định tự mình đứng lên thành lập một đoàn nghĩa sĩ Phật giáo. 27 người khoác áo lên đường và 12 người không trở lại. Đại tá Đinh Thế Hinh, người con chùa Cổ Lễ mang trên mình dòng máu Thích Ca: Thích Pháp Lữ, và cũng mang trên mình hào khí Đông A, từ bỏ đạo lộ để khoác trên mình trách nhiệm, nghĩa vụ với dân tộc, bùi ngùi kể lại “Cuối năm 1946, khi giặc Pháp tràn vào Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… dã tâm của chúng đã bộc lộ hung hãn muốn tái chiến Việt Nam, lúc đó tôi mới tròn 20 tuổi, là đại đức chùa Cổ Lễ”, thầy tổ đạo hiệu Thích Thế Long đã hỏi ý kiến 2 huynh đệ (Thầy Trí Không và thầy Pháp Lễ) rằng: “Giặc dữ hoành hành, cơ đồ nghiêng ngả, muôn vạn sinh linh lâm cảnh tang thương, nay thuận lời Phật dạy Đạo – Đời bất phân, hai thầy có ý kiến gì?”. Đất nước đang trong thời loạn, đâu dễ gì cho một kẻ tu hành ngồi yên thiền toạ, chuông mõ sáu thời, bởi thế mà không những thầy mà còn 26 huynh đệ trong vùng đã xin được “giải pháp y” tạm rời cửa thiền mà hoà mình vào dòng người con Việt thẳng ra chiến trường đánh đuổi giặc ngoại xâm. Băng rôn “Lễ cởi áo cà sa khoác lên chiến bào” cùng với màu cờ đỏ sao vàng là một tấm huy chương lớn của đất nước đặt lên vai người tu sĩ, là một cuốn kinh huyền diệu mà Tăng sĩ trẻ Thành Nam Định đặt để trên đỉnh đầu. Hoà Thượng Thích Thế Long đã một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước của dân tộc: “Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le quấy phá cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian giác. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các Phật tử tham gia đánh giặc cứu nước là đạo lý thiền tông…”. Mặc cho bom mìn nơi tuyền tuyến, mặc cho phân ly tử biệt, thì người con Phật vẫn làm tròn nghĩa Đạo – Đời. Sau khi độc lập trở lại, người thì đã mang theo tinh thần yêu nước nằm lại nơi đất lạnh, người thì Nam tiến dựng nghiệp, hay về lại quê hương lập gia đình nhỏ và vẫn còn đó những chiến sĩ anh hùng lần nữa cởi bỏ chiếc áo trên mình khoác lại tấm cà sa hoà theo chuông mõ mà nối bước du hành. Bên cạnh nhiệm vụ tham gia kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, Phật giáo Việt Nam cũng không quên lời dạy của Đức bổn sư: “Duy tuệ thị nghiệp” (lấy trí tuệ làm sự nghiệp) và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đó là muốn kiến thiết đất nước thì phải diệt được 3 loại giặc: “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Ở giai đoạn này, các vị sư đóng vai trò là những nhà giáo, mái già lam trở thành các trường học dạy chữ cho bà con; bên cạnh đó Tăng Ni, Phật tử còn tích cực tăng gia sản xuất, ủng hộ cho kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, Hội Phật giáo đã cho phá nhà in Đuốc Tuệ và nhiều cơ sở vật chất khác của Phật giáo để ủng hộ kháng chiến chống thực dân Pháp. Phật giáo là thế, hàng nghìn năm đồng hành và nhập thế cùng dân tộc Việt, thực hành từ bi, bác ái nhưng vô cùng kiên quyết trong việc dẹp trừ điều ác với tinh thần Từ Bi – Trí Tuệ.

Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.  Nguồn Internet

 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ thi hành những chính sách cấm đoán, bóp nghẹt tôn giáo, làm cho đồng bào Phật giáo vô cùng căm phẫn. Đỉnh cao là sự kiện phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Phật đản năm 1963, ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn với hạnh nguyện: “Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác. Tro trắng phẳng san hố bất bình”(6). Trước sự hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức cảm động và có câu đối kính viếng Hòa thượng: “Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt. Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”(7). Ngày 28-8-1963, Hồ Chí Minh lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man Tăng, Ni, Phật tử, Người viết: “Bọn Ngô Đình Diệm đốt phá chùa chiền, khủng bố Sư sãi và đồng bào theo Đạo Phật… Tội ác của chúng, Nhân dân ta đều căm giận. Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, Nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình”… Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đã đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ, nông, công, thương, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng và cảm ơn nhân dân thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử miền Nam chống chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm.

Ngày nay, Phật giáo Việt Nam vẫn góp phần xứng đáng trong quá trình phát triển đất nước. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Trong thời điểm dịch bệnh covid-19 bùng phát, Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng, chống dịch “gấp áo cà sa khoác áo blouse” thể hiện rõ tinh thần “hộ quốc an dân”. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc dân tộc rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng dân tộc và trưởng thành cùng dân tộc. Đối với công tác từ thiện xã hội, Tăng Ni và Phật tử luôn tích cực tham gia các phong trào xây dựng đất nước và an sinh xã hội. Và còn rất nhiều Tăng Ni, Phật tử tham gia vào các phong trào ích nước lợi dân, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xây cầu, mở phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí, mở lớp học tình thương, mở trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, thành lập cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt trong và ngoài nước,…Những thành quả nói trên cùng với nhiều thành quả của các hoạt động Phật sự khác nhằm mục đích làm “lợi đạo ích đời”. Phật giáo Việt Nam luôn song hành cùng dân tộc, cùng đất nước ngày càng phát triển vững mạnh.

Hai nguồn sức mạnh Yêu nước – Yêu đạo đã hóa thành sức mạnh đoàn kết vô biên, nhấn chìm sức mạnh vũ khí, bom đạn tàn khốc, cả dân tộc đứng lên với lời thệ nguyện: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” và kết quả Bắc Nam sum họp một nhà. Trong diễn trình đó, mỗi người dân, Phật tử là một một tấm lòng yêu nước, một thành trì bảo vệ đất nước; mỗi ngôi chùa là mỗi căn cứ địa của “hồn thiêng đất nước”, xứng danh sử sách muôn đời ca ngợi: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”(8). Phật giáo Việt Nam không chỉ đồng tâm, góp sức ủng hộ kháng chiến giành độc lập dân tộc mà còn hướng tín đồ tới cuộc sống tốt đẹp, xây dựng xã hội văn minh, giàu mạnh, đúng như tinh thần “âm thầm giữ gìn đạo mạch trong cơn binh lửa và ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh”. Đó là những minh chứng cho tinh thần yêu nước chân chính của Phật giáo Việt Nam hòa mình trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Nhận định về vai trò và những đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với cách mạng và dân tộc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu trong buổi tiếp Đại biểu Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Phủ Chủ tịch: “Trong quá khứ, Phật giáo Việt nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo, từ bản chất, bản sắc, từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo đã góp phần xứng đáng. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm quý báu, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam đã mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng dân tộc, và trưởng thành cùng dân tộc”.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Phật giáo vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Đạo Phật đem lại giá trị mang tính nhân văn sâu sắc với tư tưởng: Từ – Bi – Hỷ – Xả, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Phật giáo Việt với tinh thần nhập thế cao đã khẳng định được vai trò của mình trong công cuộc giữ gìn và phát triển đất nước. Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, ta thấy được Phật giáo luôn luôn chuyển biến trong mọi thời gian và không gian với những yêu cầu khác nhau của xã hội mà tồn tại. Dẫu có thịnh có suy, dẫu có thăng trầm biến dị nhưng Phật giáo vẫn hiện hữu giữa thế gian này, vẫn gắn bó và đồng hành với dân tộc và góp phần hình thành nên nhân cách của con người Việt Nam. Bởi thế có câu: “Ðạo pháp bất ly thế gian giác”, Ðạo – Ðời gắn kết bền chặt, như một chân lý tự nhiên phải có. Ðạo từ Ðời mà sinh ra và phụng sự cho Ðời. Ðời nuôi Ðạo và giúp Ðạo trường tồn. GHPGVN với tư cách là tổ chức kế thừa truyền thống vẻ vang của dân tộc vẫn sẽ tiếp tục chèo lái, dẫn dắt Tăng Ni, Phật tử phát huy truyền thống, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa các tôn giáo, hoà hợp Đạo – Đời; trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội nhằm xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh và gặt hái được nhiều thành tựu phật sự hơn nữa; đồng thời tiếp tục có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là tôn giáo “hộ quốc an dân”, tôn giáo của dân tộc. Phật giáo Việt Nam thực hiện phương châm: “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Phương châm ấy đã trở thành tôn chỉ và mục đích, định hướng cho mọi hoạt động của Phật giáo mãi mãi về sau.

[Thúy Hiền]

_____________________________

Tài liệu tham khảo:

1.          Nguyễn Đại Đồng: “Tính chất và đặc điểm của Phật giáo Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, Hà Nội, 2014

2.          Hòa thượng Thích Mật Thể (2008), Việt Nam Phật giáo Sử lược, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.

3.          Thích Thanh Tứ (2006),  Phật giáo Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, Xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 3.

4.          Đại Việt Sử ký toàn thư, Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên… soạn thảo (1272 – 1697). Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 – 1992).

5.          Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Lê Mạnh Thát

Chú thích

(1)   Hoàng Thị Thơ, Phật giáo với trách nhiệm dân tộc trong lịch sử và hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2010, tr.15.

(2)   Nguyễn Khắc Thuần (2003), Thế thứ các triều vua Việt Nam, NXB giáo dục Hà Nội

(3)   Thích Quảng Độ (2012), Nguyên thuỷ phật giáo tư tưởng luận, chương 5: Luận về mười hai duyên khởi, NXB tôn giáo Hà Nội.

(4)   Trích trong thơ văn Lý – Trần (tập 1, NXB Khoa học Xã hội 1997

(5)   Thích Mãn Giác, Nguyệt san liên hoa quế, Huế  ngày 27/2/1964.

(6)   Kệ thiêu thân cúng dường Chánh pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức viết trước lúc tự thiêu.

(7)   Phạm Hoài Nam. Bồ tát Thích Quảng Đức, ngọn đuốc xả thân vì Đạo pháp và Tổ quốc. Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 30-5-2005.

(8)   Trích bài thơ “Nhớ chùa”- Thiền sư Mãn Giác.

Bình luận
Tin cùng chuyên mục