Những nhà sư xả thân vì nền độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân (1945 – 1975).

Đã hơn hai nghìn năm trôi qua, kể từ khi có mặt trên dải đất hình chữ S, Phật giáo như người bạn, đồng hành cùng dân tộc Việt trên mọi nẻo đường, đồng cam cộng khổ cùng dân tộc trong mọi biến cố, thăng trầm. Sự an nguy của dân tộc cũng chính là nỗi lo toan trong lòng người con Phật, bởi tất cả đều luôn mong muốn một đời sống bình an. Sự gắn kết mật thiết này đã hòa quyện nhuần nhuyễn giữa truyền thống đạo đức của tổ tiên với tinh thần từ, bi, trí tuệ, vị tha, vô ngã của đạo Phật. Điều đó được thể hiện qua những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhiều vị thiền sư, danh tăng đã hết lòng phù trợ để xây dựng đất nước phát triển, để lại những chiến công lưu danh cho hậu thế.

 

Nguồn ảnh: internet.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ (1945 – 1975) nhiều nhà sư đã xả thân mình vì nền độc lập dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng, thực hiện chủ trương của Đảng, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phật giáo Việt Nam đã góp phần thành lập các tổ chức “Tăng già cứu quốc”, “Đoàn Phật giáo cứu quốc”, “Bộ đội Tăng già”, “Hội Phật giáo cứu quốc” các cấp để quy tụ, vận động và tổ chức cho tăng ni, Phật tử tham gia cách mạng, ủng hộ kháng chiến. Tại Bắc Bộ, dưới sự lãnh đạo của các bậc cao Tăng như Thích Thế Long, Thích Tâm An, Thích Thanh Chân…, Hội Phật giáo cứu quốc đã tiến hành nhiều hoạt động hướng về Nam Bộ như: gửi thư động viên tinh thần chiến đấu, quyên góp tiền ủng hộ đoàn quân Nam tiến, ủng hộ quỹ Nam Bộ kháng chiến, tổ chức truy điệu chiến sĩ trận vong Nam Bộ, hiến máu nhân đạo hướng về Nam Bộ…

 

Hầu hết các ngôi chùa ở miền Bắc đều trở thành cơ sở cách mạng, nơi dự trữ quân lương, nuôi giấu cán bộ. Phong trào ủng hộ, tham gia kháng chiến lan rộng khắp các cơ sở Phật giáo ở các tỉnh, thành phố: ở Hà Nội có chùa Quảng Bá, Linh Quang, Ngọc Hồi, Tự Khánh, Thanh Trì, Sùng Giáo, Diên Phúc; Hải Phòng có chùa Trại Sơn, Trúc Động, Vũ Lao; Nam Định có chùa Ninh Cường, Cổ Lễ, Vọng Cung; Ninh Bình có chùa Hoa Sơn, Bích Động… Trụ trì chùa Vọng Phúc – Hải Phòng là Sư tổ Tự Tâm Cẩn cũng đã động viên Tăng ni, Phật tử hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sư tổ đã răn dạy các đệ tử của mình rằng: “Nước còn thì đạo còn, nay nước lâm nguy thì đạo cũng lâm nguy, phải giữ lấy nước thì mới giữ được đạo”.

 

Nguồn ảnh: internet.

Hình ảnh người con Phật “cởi cà sa khoác chiến bào” là hình ảnh của 27 thầy ở thành Nam Định tự mình đứng lên thành lập một đoàn nghĩa sĩ Phật giáo. 27 người lên đường vì màu cờ sắc áo và 12 người không quay trở lại. Đại tá Đinh Thế Hinh, người côn chùa Cổ Lễ mang trên mình dòng máu Thích Ca: Thích Pháp Lữ, người cũng mang trên mình hào khí Đông A, từ bỏ đạo lộ để khoác trên mình trách nhiệm, nghĩa vụ với dân tộc, bùi ngùi kể lại: “Cuối năm 1946, khi giặc Pháp tràn vào Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… dã tâm của chúng đã bộc lộ hung hãn muốn tái chiến Việt Nam, lúc đó tôi mới tròn 20 tuổi, là đại đức chùa Cổ Lễ”, thầy tổ đạo hiệu Thích Thế Long đã hỏi ý kiến 2 huynh đệ (Thầy Trí Không và thầy Pháp Lễ) rằng: “Giặc dữ hoành hành, cơ đồ nghiêng ngả, muôn vạn sinh linh lâm cảnh tang thương, nay thuận lời Phật dạy Đạo – Đời bất phân, hai thầy có ý kiến gì?”. Đất nước đang trong thời loạn, đâu dễ gì cho một kẻ tu hành ngồi yên thiền toạ, chuông mõ sáu thời, bởi thế mà không những thầy mà còn 26 huynh đệ trong vùng đã xin được “giải pháp y” tạm rời cửa thiền mà hoà mình vào dòng người, ra chiến trường đánh đuổi giặc ngoại xâm:“… Nghe theo tiếng gọi của núi sông/ Cà sa gửi lại chốn thư phòng/ Xông ra trận tuyến trừ hung bạo/ Thực hiện từ bi lực phải hùng” (lời thệ nguyện của đại đức Thích Pháp Lữ).

 

Đại tá ĐINH THẾ HINH (Thích Pháp Lữ).

Băng rôn “Lễ cởi áo cà sa khoác lên chiến bào” cùng với màu cờ đỏ sao vàng là một tấm huy chương lớn của đất nước đặt lên vai người tu sĩ, là một cuốn kinh huyền diệu mà Tăng sĩ trẻ Thành Nam Định đặt để trên đỉnh đầu. Hoà Thượng Thích Thế Long đã một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp đấu tranh giữ nước của dân tộc:“Giặc ngoại xâm đe doạ chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le quấy phá cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian giác. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các Phật tử tham gia đánh giặc cứu nước là đạo lý thiền tông…”. Mặc cho bom mìn nơi tuyền tuyến, mặc cho phân ly tử biệt, thì người con Phật vẫn làm tròn nghĩa Đạo – Đời.

Sau khi độc lập trở lại, người thì đã mang theo tinh thần yêu nước nằm lại nơi đất lạnh, người thì Nam tiến dựng nghiệp, hay về lại quê hương lập gia đình nhỏ và vẫn còn đó những chiến sĩ anh hùng lần nữa cởi bỏ chiếc áo trên mình khoác lại tấm cà sa hoà theo chuông mõ mà nối bước du hành:“Dường như Bồ Tát giáng dương trần/ Cứu nguyện chúng sinh nguyện xả thân/ Danh tiết nhà sư lưu dấu ấn/ Phần đời cửa Phật tiếng chuông ngân” (Bia “Nghĩa sĩ Phật tử” – chùa Cổ Lễ, Nam Định).

Nguồn ảnh: internet.

Vào thời chiến, ngoài việc “cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào” như hình ảnh 5 vị sư chùa Thắng Phúc (Tiên Lãng – Hải Phòng) cùng với 3 Tăng Ni đã anh dũng hy sinh trên chiến trường, được nhà nước truy điệu là Liệt sĩ kháng chiến chống Pháp, hay Tăng chúng đóng góp hết đồ thờ tự bằng đồng cho cách mạng liền đốt cháy chùa vì không muốn chùa trở thành căn cứ cho địch, thì vẫn còn đó những ngôi già lam tăng gia sản xuất phục vụ cho tuyền tuyến. Đó là những căn cứ bảo vệ cho chiến sĩ ta, như chùa Cỏ Thum – Ninh Thạnh Lợi A, Hồng Dân, Bạc Liêu, hiện tại ngay trong vườn cây thốt nốt sau vườn vẫn còn căn hầm bí mật che chở, cứu thương cho các chiến sĩ ta trong hai cuộc kháng chiến.

Cũng tại địa phương này, ngôi chùa Phong Lợi trở thành nơi trú đóng của Văn phòng xứ uỷ Nam bộ do đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo, là cơ sở trú Quân khu 9 (1960 – 1975) và còn nhiều chùa khác như Phước Ninh, chùa Dì Quán, Chùa Quan Đế, chùa Ngan Dừa… hay chùa Ấp Sóc – Trà Vinh, chùa Ha, chùa Triều Dương – Nhã Lộng, Phú Bình, Thái Nguyên,… còn rất nhiều những ngôi chùa như thế. Không những thế, 15 sư Tăng thuộc tổ chức Bộ đội Tăng già ở Thủy Nguyên, Hải Phòng cũng tình nguyện lên đường nhập ngũ, và 3 nhà sư đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ cho chính nghĩa đó.

 

Nguồn ảnh: internet.

Bên cạnh nhiệm vụ tham gia kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, Phật giáo Việt Nam cũng không quên lời dạy của Đức bổn sư: “Duy tuệ thị nghiệp” (lấy trí tuệ làm sự nghiệp) và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đó là muốn kiến thiết đất nước thì phải diệt được 3 loại giặc: “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Ở giai đoạn này, các vị sư đóng vai trò là những nhà giáo, mái già lam trở thành các trường học dạy chữ cho bà con; bên cạnh đó Tăng Ni, Phật tử còn tích cực tăng gia sản xuất, ủng hộ cho kháng chiến.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, Hội Phật giáo đã cho phá nhà in Đuốc Tuệ và nhiều cơ sở vật chất khác của Phật giáo để ủng hộ kháng chiến chống thực dân Pháp. Phật giáo là thế, hàng nghìn năm đồng hành và nhập thế cùng dân tộc Việt, thực hành từ bi, bác ái nhưng vô cùng kiên quyết trong việc dẹp trừ điều ác với tinh thần Từ Bi – Trí Tuệ.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ thi hành những chính sách cấm đoán, bóp nghẹt tôn giáo, làm cho đồng bào Phật giáo vô cùng căm phẫn. Đỉnh cao là sự kiện phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Phật đản năm 1963. Ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn với hạnh nguyện:“Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác/ Tro trắng phẳng san hố bất bình”( Kệ thiêu thân cúng dường Chánh pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức viết trước lúc tự thiêu).

Nguồn ảnh: internet.

Trước sự hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức cảm động và có câu đối kính viếng Hòa thượng: “Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt. Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”( Phạm Hoài Nam. Bồ tát Thích Quảng Đức, ngọn đuốc xả thân vì Đạo pháp và Tổ quốc.
Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 30-5-2005). Ngày 28-8-1963, Hồ Chí Minh lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man Tăng, Ni, Phật tử, Người viết: “Bọn Ngô Đình Diệm đốt phá chùa chiền, khủng bố Sư sãi và đồng bào theo Đạo Phật… Tội ác của chúng, Nhân dân ta đều căm giận.
Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, Nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình”… Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đã đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ, nông, công, thương, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng và cảm ơn nhân dân thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh của Tăng Ni, Phật tử miền Nam chống chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm.

Khi đắm mình trong những trang sử nước nhà, bất cứ ai, dù là Tăng sĩ Phật giáo hay một tôn giáo nào đó, miễn là người con đất Việt thì chẳng ai là không tự hào về đất nước mình. Và cũng hãnh diện thay khi chính chúng ta là người con Phật, là một cá thể trong một đoàn thể đã gắn bó phát triển lâu đời hơn 2000 năm với đất nước, đóng góp vào mọi mặt trong sự phát triển của nước nhà.

Hai nguồn sức mạnh Yêu nước – Yêu đạo đã hóa thành sức mạnh đoàn kết vô biên, nó nhấn chìm sức mạnh vũ khí, bom đạn tàn khốc, cả dân tộc đứng lên với lời thệ nguyện:“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi” và kết quả Bắc Nam sum họp một nhà.

Trong diễn trình đó, mỗi người dân, Phật tử là một một tấm lòng yêu nước, một thành trì bảo vệ đất nước; mỗi ngôi chùa là mỗi căn cứ địa của “hồn thiêng đất nước”, xứng danh sử sách muôn đời ca ngợi: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”(Trích bài thơ “Nhớ chùa”- Thiền sư Mãn Giác).

Phật giáo Việt Nam không chỉ đồng tâm, góp sức ủng hộ kháng chiến giành độc lập dân tộc mà còn hướng tín đồ tới cuộc sống tốt đẹp, xây dựng xã hội văn minh, giàu mạnh, đúng như tinh thần “âm thầm giữ gìn đạo mạch trong cơn binh lửa và ủng hộ Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh”. Đó là những minh chứng cho tinh thần yêu nước chân chính của Phật giáo Việt Nam hòa mình trong dòng chảy lịch sử dân tộc.

Những đóa hoa dâng đời, “Vì nước quên thân hiến máu đào”, vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc nhưng sự hy sinh của những nhà sư liệt sĩ là tấm gương sáng cho các thế hệ sau. Các nhà sư đã tô thắm thêm truyền thống “Hộ quốc an dân đồng hành cùng dân tộc” của Phật giáo Việt Nam; là minh chứng cho sự nhập thế tích cực của Phật giáo Việt Nam: “Ðạo pháp bất ly thế gian giác”, là hiện thân cho giáo lý nhà Phật hòa quyện chặt chẽ giữa Đạo và Đời, kế tục sự nghiệp phò vua giúp nước của các bậc Thiền sư, Pháp sư, Phật tử từ thời Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần. Họ là biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất, anh dũng, quyết thắng của nhân dân Việt Nam.

Để “Tri ân báo ân” những nhà sư đã hiến dâng cả thân mình vì nền độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng danh hiệu liệt sĩ và các huân – huy chương cao quý tới những nhà sư cống hiến, dệt nên gấm vóc non sông. Chư Tăng và đồng bào Phật tử Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và không ngừng nâng cao ý thức tu tâm dưỡng tính, đồng thời, nguyện đồng sức, đồng tâm xây dựng đạo Phật ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh, phồn thịnh.

_________________________

[Thúy Hiền]

Bình luận
Tin cùng chuyên mục