Hoà thượng Thích Thanh Quyết phát biểu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Sáng ngày 01/06/2023, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Đại biểu Quốc hội, Hoà thượng Thích Thanh Quyết đã phát biểu về tình hình kinh tế – Xã hội.
Bày tỏ ý kiến ghi nhận kết quả đã đạt được về kinh tế xã hội 06 tháng đầu năm trong báo cáo của Chính phủ, Hoà thượng đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành và giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn, như tăng trưởng GDP quý I thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và doanh nghiệp vừa và nhỏ; các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp; các doanh nghiệp giải thể tăng; công nhân nhiều nơi mất việc làm; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người; dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, an ninh trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn còn tiềm ẩn nguy cơ…
Nguyên nhân bao gồm cả khách quan lẫn chủ quan, trong đó chủ yếu do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Công tác phân tích, dự báo, phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai…
Hoà thượng Thích Thanh Quyết đưa ra 05 giải pháp đề nghị Chính phủ cần chú trọng để cải thiện tình trạng trên:
– Một là: Tiếp tục giữ vững: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, phát huy vai trò của thị trường trong nước. Bên cạnh đó quan tâm hơn nữa đến phát triển bền vững kinh tế – xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
– Hai là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính, không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian. Đặc biệt, Chính phủ phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền xuống cấp dưới để họ chủ động trong thực thi nhiệm vụ, như vậy Chính phủ cùng các cơ quan Trung ương mới có thời gian chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc cấp dưới làm đúng tiến độ, chất lượng, quy hoạch, kế hoạch.
–Ba là: Kế thừa thành quả đối ngoại thời gian qua, tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập Quốc tế. Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế – xã hội Đất nước.
– Bốn là: Tình trạng nhiều công chức, thầy thuốc, thầy giáo xin nghỉ việc trong thời gian ngắn vừa qua cần phải được đánh giá nguyên nhân một cách khách quan, có giải pháp tháo gỡ kịp thời, tránh thừa thiếu thầy một cách cục bộ. Xã hội ta là xã hội văn minh, hiện đại có thể thiếu nọ thiếu kia chứ không thể thiếu thầy được.
– Năm là: Tiếp tục quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các vùng miền. Hoàn thiện chính sách lao động, tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt thực hiện nhanh, mạnh, tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Nếu không nhanh, chỉ khoảng 10 năm nữa thôi chúng ta muốn ưu đãi với họ thì cũng không còn để mà ưu đãi nữa.
Năng Lượng