HỌP BÀN TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC “CON ĐƯỜNG HOẰNG HOÁ CỦA PHẬT GIÁO TRÚC LÂM YÊN TỬ”

TTHV – Mới đây tại Học viện PGVN tại Hà Nội, Học viện cùng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bắc Giang đã tổ chức cuộc họp bàn về việc tổ chức Hội thảo Khoa học “Con đường hoằng hoá của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” tại Bắc Giang – Tây Yên Tử. Hội thảo đã tập trung thống kê, trao đổi các tài liệu tạo thành bức tranh tổng thể về Yên Tử và thành lập nhóm nghiên cứu nhằm phục hưng con đường hoằng dương, hoằng hoá của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Tham dự buổi họp có HT.TS Thích Thanh Đạt – UVTT HĐTS, Chủ tịch HĐKH Học viện PGVN tại Hà Nội; HT.TS Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban GDPGTW, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội; Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Uỷ viên HĐTS, Phó Viện trưởng; GS. Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh – UV HĐTS, Phó Viện trưởng. Cùng đại biểu các nhà khoa học: PGS.TS Trần Trọng Dương – Trường Ngoại ngữ – Du lịch, Đại học Công nghiệp Hà Nội; TS. Phạm Văn Tuấn – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện HLKHXH Việt Nam; Th.S Nguyễn Đình Hưng – Viện Triết học, Viện HLKHXH Việt Nam, TS. Trịnh Văn Định – Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội; NNC Lê Quốc Việt.
Về phía lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, có Ông Vi Thanh Quyền – Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo; Ông Đỗ Tuấn Khoa – Phó Giám đốc Sở VHTTDL; ông Đặng Thiên Hùng – Trưởng phòng Tôn giáo, Sở Dân tộc và Tôn giáo.
Tại cuộc họp, HT.TS Thích Thanh Quyết nhấn mạnh, cấp thiết nghiên cứu và triển khai phục hưng con đường hoằng hoá Phật pháp của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, tập trung vào con đường tâm linh và văn hóa tâm linh, phục dựng lại con đường hoằng hóa của Phật hoàng Trần Nhân Tông tại vùng Yên Tử.
Ông Đỗ Tuấn Khoa – PGĐ Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang cho biết, dưới thời Lý – Trần, Bắc Giang đã trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng, ghi dấu sự phát triển rực rỡ của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, kết tinh thành những giá trị di sản văn hóa dân tộc phong phú, độc đáo trên hai phương diện Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Bắc Giang cũng là nơi lưu lại những dấu ấn về Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử trên các văn bia, di vật được phát hiện qua các cuộc khảo sát, điều tra khai quật khảo cổ học tại các di tích như: Chùa Vĩnh Nghiêm; hệ thống các chùa Yên Mã, chùa Hòn Tháp, chùa Bình Long, chùa Hồ Bấc, chùa Đám Trì…
Với sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, Hội thảo đã thống nhất thành lập nhóm nghiên cứu nhằm phục dựng lại con đường hoằng dương hoằng hóa của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Tỉnh Bắc Giang phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi về tài liệu nghiên cứu để nhóm nghiên cứu lập đề cương nghiên cứu.
Các nhà khoa học cho biết, việc phục hưng con đường hoằng hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử sẽ góp phần tuyên truyền sâu rộng về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang cũng như tư tưởng sâu sắc của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử; quảng bá tiềm năng du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch “Về miền đất thiêng Yên Tử” theo dấu chân Phật hoàng, đưa du lịch Bắc Giang trở thành điểm hẹn tinh hoa, điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh và thân thiện.
TTHV – Báo Khuông Việt
Bình luận
Tin cùng chuyên mục