Khi Tổ quốc gọi tên, những chiến sĩ Quân y lên đường chống dịch!
Hơn 1.000 y bác sĩ, học viên Học viện Quân y tiếp tục lên đường chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam với tình thương, sự trách nhiệm, sẵn sàng san sẻ những khó khăn với bà con nhân dân.
Đại tá Chu Đức Thành, Chánh Văn phòng Học viện Quân y cho biết, đoàn công tác tăng cường gồm 1.096 cán bộ, học viên được chia thành 341 tổ quân y cơ động. Trong đó có 264 bác sĩ, 73 cán bộ điều dưỡng, 759 học viên đại học.
Nhiệm vụ của đoàn là lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin, quản lý điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu, các bệnh thông thường, quản lý chăm sóc và các trường F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác.
Tính từ đợt dịch thứ tư đến nay, Học viện đã tăng cường 1.391 cán bộ y bác sĩ và đều đã được tiêm đủ 2 mũi tiêm, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, được tập huấn kiến thức chuyên môn về phòng, chống dịch.
Tung tướng Đỗ Quyết Giám đốc Học viện Quân y cho biết: “Chúng ta đã triển khai và sẽ triển khai tại TP.HCM 451 tổ quân y cơ động, trạm y tế xã, phường. Đợt tới sẽ tổ chức mỗi tổ 1 bác sĩ và 2 sinh viên. Mỗi tổ được bố trí 1 túi y tá, 1 bộ huyết áp kế, 1 ống nghe, 1 nhiệt kế hồng ngoại và 1 máy đo nồng độ oxy và 1 thùng hàng thiết yếu gồm cơ số thuốc thông thường, khẩu trang N95, quần áo bảo hộ”.
Quân y sẽ phối hợp với phường, xã của địa phương để tổ chức hiệu quả, thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công Sở chỉ huy của Bộ Quốc phòng; cùng ăn, cùng ở với nhân dân.
Giám đốc Học viện Quân y cảm ơn lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, các nhà tài trợ trong đó có sự giúp đỡ của nhân dân.
Ông tâm sự, người dân ở Xuân La, Tây Hồ đã tặng 10.000 khẩu trang N95, 150kg muối vừng, ruốc thịt: “Những lương thực, thực phẩm sẽ chia về cho các tổ. Chúng ta sẽ cùng sử dụng đồng thời chia sẻ với bà con. Đó là những tấm lòng vô cùng quý”.
Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ phức tạp, có nhiều điểm mới so với trước đây, Trung tướng yêu cầu các thành viên trong đoàn công tác phải chấp hành nghiêm kỷ luật, tuân thủ sự chỉ đạo, điều hành cấp trên. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ hết mực thương yêu, quan tâm, chia sẻ, động viên người bệnh an tâm điều trị.
Giữa các thành viên và các tổ với nhau phải có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, thường xuyên trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm.
Lãnh đạo Học viện Quân y chia sẻ: “Chúng ta sẽ ăn, ở cùng người dân, tôi kêu gọi chúng ta hãy cùng chia sẻ, kể cả những đau thương, mất mát của người bệnh, kể cả những diễn biến tâm lý, những khó khăn khác. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải phát huy phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân, do dân và vì dân”.
Nhấn mạnh nghề y là nghề vô cùng cao đẹp vì chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho nhân dân, giúp người bệnh, Trung tướng Đỗ Quyết cho rằng các cán bộ, chiến sĩ phải biết ơn người bệnh.
“Đây là sứ mệnh, nhiệm vụ rất cao cả, chúng ta về với người bệnh, về với bà con không có gì khác ngoài lòng thương yêu. Khi trách nhiệm đủ lớn, tình thương yêu đủ lớn với người bệnh, với người dân thì chúng ta sẽ thắng, vượt qua khó khăn”, Trung tướng Đỗ Quyết nhắn nhủ.
Khi Tổ quốc gọi tên, những chiến sĩ Quân y “Áo xanh – Áo trắng” lại tiếp tục lên đường ra trận. Đại tá Lê Hữu Thăng hô vang: “Chúng ta đã thực sự Sẵn sàng”, liền sau đó hàng nghìn chiến sĩ quân y đồng lòng hô “Sẵn sàng” để thể hiện lòng quyết tâm.
Nguyên Hương