Phật giáo Nghệ An trong dòng chảy lịch sử dân tộc
Suốt hơn 2.000 năm hình thành và phát triển, với tinh thần Từ bi, Trí tuệ, Hòa hợp, Hướng thiện và Nhập thế, Phật giáo xứ Nghệ nói chung và Phật giáo Nghệ An nói riêng đã luôn đồng hành và đóng góp tích cực cùng với dòng chảy lịch sử của Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Nhà xuất bản Tôn giáo vừa phát hành cuốn sách “Lịch sử Phật giáo Nghệ An”. Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về lịch sử – văn hóa Phật giáo trên vùng đất Nghệ An từ khởi thủy cho đến những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI.
Sách do Tiến sỹ, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Đồng đồng chủ biên; PGS.TS Nguyễn Quang Hồng, TS. Đinh Văn Viễn và TS. Đặng Như Thường biên soạn.
Sách “Lịch sử Phật giáo Nghệ An” bao gồm 8 chương và 8 phụ lục. Chương 1 giới thiệu những nét khái quát nhất về tài nguyên, vị thế, địa hình, đất đai, khí hậu, thời tiết,… đến truyền thống lịch sử, văn hóa của các thế hệ cư dân tiếp nối trên vùng đất Nghệ An. Trọng tâm nội dung ở chương 2 tập trung làm rõ bức tranh Phật giáo trên địa bàn Nghệ An từ khi Chử Đồng Tử được Thiền sư Phật Quang truyền đạo ở núi Nam Giới (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vào khoảng thế kỷ thứ III TCN cho đến khi họ Khúc dựng nền tự chủ vào năm 905. Trên cơ sở kế thừa các thành tựu nghiên cứu về Phật giáo của những người đi trước, kết hợp với việc đối sánh nhiều nguồn tư liệu khác nhau, bức tranh Phật giáo trên vùng đất Nghệ An suốt 13 thế kỷ đã được phục dựng một cách khá sinh động, hệ thống và toàn diện.
Từ chương 3 đến chương 6 là bức tranh toàn cảnh về Lịch sử – Văn hóa Phật giáo trên vùng đất Nghệ An từ thế kỷ X đến thế kỷ XV cho đến: Phật giáo Nghệ An thời Cận – Hiện đại (1945 -2021) từ các phương diện như: Bối cảnh lịch sử và những nhân tố ảnh hưởng đến Phật giáo Nghệ An, những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến sự hưng thịnh của Phật giáo trên đất Nghệ An (bao gồm cả các vị vua, vương công quý tộc, quan lại, thiền sư), những ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng, trùng tu, sửa chữa trên đất Nghệ An từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XXI.
Trong chương 7, các tác giả cố gắng trình bày một số nét đặc trưng của Phật giáo Nghệ An như: Các dòng thiền trên đất Nghệ An, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc chùa tháp ở Nghệ An, Phật giáo trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An, sự đồng hành của Tăng ni, Phật tử Nghệ An trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam,…
Bên cạnh đó, diện mạo Phật giáo ở 21 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Nghệ An được trình bày một cách khái quát trong chương 8 của cuốn sách,…
Trong Lời giới thiệu, Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An khẳng định: “Suốt hơn 2.000 năm hình thành và phát triển, với tinh thần Từ bi, Trí tuệ, Hòa hợp, Hướng thiện và Nhập thế, Phật giáo xứ Nghệ nói chung và Phật giáo Nghệ An nói riêng đã luôn đồng hành và đóng góp tích cực cùng với dòng chảy lịch sử của Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Đây chính là cội nguồn sâu xa để đông đảo các thế hệ cư dân tiếp nối từ các huyện đồng bằng ven biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò đến các huyện miền núi phía Tây kính tín và lấy Phật giáo làm điểm tựa về đời sống tín ngưỡng tâm linh, ứng dụng luật nhân quả để dựng xây lối sống đạo đức cho con người và xã hội, vận dụng tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha để hình thành tư tưởng yêu nước thương nòi, cố kết nhân tâm nhằm xây dựng và phát triển quê hương Nghệ An cũng như đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Cho dù vận nước có lúc thịnh suy, thay ngôi, đổi chủ, nhưng Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nghệ An nói riêng, từ khi du nhập đến nay, chưa bao giờ đi ngược với dòng chảy lịch sử của dân tộc, luôn thể hiện được tinh thần đồng cam, cộng khổ cùng với nhân dân và đất nước…”.
Đây chính là nét đẹp văn hóa xuyên suốt dòng chảy lịch sử Phật giáo trên vùng đất Nghệ An suốt hơn 2.000 năm qua mà các thế hệ Tăng ni, Phật tử dọc đôi bờ sông Lam hôm nay và mãi mãi về sau cần kế thừa, phát huy để viết tiếp những trang sử vàng cùng quê hương, đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu bùng nổ cách mạng 4.0.
Cuốn sách cũng là một trong những công trình kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 – 2021), chào mừng Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ III (2021 -2026).
>>Xem thêm: Phật giáo Nghệ An đẩy mạnh tu bổ, nâng cấp nhiều ngôi chùa
Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Hồng
(Đại học Vinh)