Thúc đẩy thí điểm xét nghiệm COVID -19 sử dụng mẫu nước bọt
Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19 yêu cầu, Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm; thúc đẩy thí điểm công nghệ xét nghiệm COVID-19 sử dụng mẫu nước bọt; nhanh chóng tiếp cận công nghệ kết hợp giữa xét nghiệm sinh học với quang học, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Khẩn trương đúc rút kinh nghiệm chống dịch trong khu công nghiệp
Qua báo cáo của các đơn vị về năng lực xét nghiệm, các ý kiến thống nhất cần tích cực chuẩn bị các giải pháp từ sớm để trong tình huống dịch xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt tại các khu công nghiệp thì tổ chức xét nghiệm ngay từ những ngày đầu.
Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm; thúc đẩy thí điểm công nghệ xét nghiệm COVID-19 sử dụng mẫu nước bọt; nhanh chóng tiếp cận công nghệ kết hợp giữa xét nghiệm sinh học với quang học, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo Bộ Y tế, công nghệ xét nghiệm COVID-19 sử dụng mẫu nước bọt và công nghệ xét nghiệm quang học đã được thực hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2, bước đầu cho kết quả khả quan. Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ đánh giá để đề xuất, triển khai thí điểm tại các vùng có dịch.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng giao Bộ Y tế khẩn trương đúc rút kinh nghiệm phòng, chống dịch trong khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, phổ biến ngay cho các địa phương, nhất là những địa bàn có nhiều khu công nghiệp để có các bước chuẩn bị, không để bị động.
Hoàn thiện chu trình quản lý khép kín người nhập cảnh
Do nhu cầu đưa đón chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài về nước hiện rất lớn, Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông cần khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ người nhập cảnh vào Việt Nam để Bộ Y tế nghiệm thu trong tuần tới.
Dự kiến, những người nhập cảnh vào Việt Nam được phân loại thành các nhóm khác nhau. Trong đó, người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được kiểm tra bằng các xét nghiệm khác nhau để khẳng định chứng minh hiệu quả việc tiêm vaccine (bởi các loại vaccine hiện hành có hiệu quả từ 70-90%), sau đó, việc thực hiện cách ly rút ngắn xuống còn 7 ngày.
Thường trực Ban Chỉ đạo và các chuyên gia nhận định, nếu kiểm soát tốt, tình hình dịch bệnh cơ bản được khống chế, dập được dịch trong tháng 6 nhưng sẽ vẫn ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ trong cộng đồng, khác với cả khoảng thời gian dài không ghi nhận ca nhiễm như trước đây.
Tuy nhiên, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 ở trong nước và nhiều nước trên thế giới chưa thể có miễn dịch cộng đồng sớm. Do đó, các lực lượng không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm thông điệp 5K.