Thượng toạ Thích Đạo Hiển: Cha mẹ còn sống trong nhà giống như đức Phật còn ở với đời

Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những lễ rất quan trọng của đạo Phật, đề cao tinh thần báo ân, hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, tổ tiên

Theo Phật giáo có 4 ân nặng gọi là tứ trọng ân, trong đó có ân Tam bảo, ân quốc gia dân tộc, ân những bậc nuôi dạy mình nên người, ân chúng sinh vạn loại. Tứ trọng ân này còn là nền tảng đạo đức, truyền thống văn hóa phương Đông.

Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những lễ rất quan trọng của đạo Phật được tổ chức hàng năm vào dịp rằm tháng 7, đề cao tinh thần báo ân, hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, tổ tiên. 

Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển- Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, lễ Vu Lan bắt nguồn từ kinh Vu Lan. Khởi nguồn của việc ấy là từ một vị đệ tử lớn thời đức Phật còn tại thế là Mục Kiền Liên. Khi ngài Mục Kiền Liên tu hành đắc đạo rồi, ngài rất đau khổ khi thấy mẹ mình bị đọa đầy ở địa ngục. Ngài dâng các lễ vật cho mẹ mình ăn thì bà không sử dụng được. Thương mẹ quá, Mục Kiền Liên về bạch với Đức Phật Thích Ca, muốn cứu mẹ khỏi cõi đó thì làm thế nào.

Đức Phật dạy, nhân lễ Vu Lan rằm tháng 7, vào lễ tự tứ kết thúc 3 tháng an cư của các vị sư tăng, thỉnh thập phương tam chúng tụng kinh, chú nguyện, hồi hướng cho những vong linh rơi vào cõi đau khổ của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nhờ thần lực ấy, các vong linh được vãng sinh miền lạc cảnh hay đến miền an vui hơn.

Sau này, Phật giáo tiếp tục duy trì truyền thống ấy, đó là nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu Lan, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết.

Cũng trong kinh Phật dạy, dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi khắp thế gian này cũng chưa báo đáp được ân sâu cha mẹ. Hạnh phúc cho những ai mà cha mẹ vẫn còn trong cuộc đời này.

Theo quan điểm của Phật giáo, phủ mẫu tại đường như Phật tại thế. Cha mẹ còn sống trong nhà giống như đức Phật còn ở với đời. Cho nên, không chỉ sắp lễ cúng vong linh tiền tổ mà chúng ta phải có trách nhiệm kính trọng, báo ân, báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ cả 365 ngày trong năm.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết thêm, Phật giáo cũng đề cao tứ trọng ân nên nhân dịp này lập những đàn tràng cầu an, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ…Không những cứu tế chúng sinh mà Phật giáo cũng làm rất nhiều việc với tinh thần nhân đạo để giúp đời, giúp người như hiến máu, đăng ký hiến mô tạng, ủng hộ từ thiện, xây nhà cho người nghèo…

Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, lễ Vu Lan nếu theo đúng nghi thức Phật giáo thì phải đến những nơi có tăng ni tu hành để thiết đàn lễ trai tăng cúng dàng Tam bảo, từ đấy hồi hướng cho vong linh gia tiên tiền tổ.

Ở nơi tổ chức lễ Vu Lan có tăng ni,  không chỉ cúng lễ mà còn thuyết giảng, giải thích ý nghĩa của lễ Vu Lan cho mọi người, từ đó lan tỏa tinh thần hiếu đạo. Người dân đến chùa thì giữ được nét truyền thống của Phật giáo. Còn nếu không, mọi người vẫn có thể tổ chức ở gia đình để bảo lưu truyền thống văn hóa dân tộc, dạy cho con cháu về lòng hiếu thảo.

Các gia đình Việt Nam thờ Phật thì ngày rằm tháng 7 chúng ta vẫn có thể thiết lễ dâng cúng Vu Lan tại nhà. Vật phẩm nhiều không nói lên ý nghĩa của lễ Vu Lan. Cúng lễ theo truyền thống văn hóa Việt Nam cũng đơn sơ thôi, không nên mâm cao cỗ đầy bởi ý nghĩa của lễ ấy là dạy cho con người lòng hiếu thảo, chủ yếu là tâm thành cầu nguyện gia tiên an lạc. 

Nhân mùa Vu Lan PL2565 – DL2021, Học viện tổ chức Lễ cầu nguyện dịch bệnh tiêu trừ, quốc thái dân an và Cầu siêu tiến cho đồng bào tử nạn, chiến sĩ trận vong, cửu huyền thất tổ, thập loại cô hồn vãng sinh Lạc quốc, với sự tham gia của 500 TNS.

Học viện tiếp nhận danh sách cầu siêu, cầu an của tín đồ Phật tử và nhân dân trong cả nước. Với diễn biến dịch Covid19 còn nhiều phức tạp, buổi lễ sẽ được phát trực tuyến qua các trang Facebook: Học Viện Phật Giáo Việt Nam Tại Hà Nội; Phật Sự Học Viện; và được phát lại trên Website Khuongviet.vn và một số kênh Youtube…

Thời gian đăng ký từ nay đến ngày mồng 10/7 năm Tân Sửu.

Danh sách đăng ký xin gửi qua email: hocvienphatgiaohanoi@gmail.com

Mọi chi tiết xin liên hệ:

* Học viện Phật giáo Việt nam tại Hà Nội – Đc: Xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội

*Gmail: hocvienphatgiaohanoi@gmail.com

*Ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh Bắc Thăng Long.

Số tài khoản : 116000144830

*Thầy Thích Đạo Mẫn – Chánh Văn Phòng, SĐT: 0981766899

*Thầy Thích Bản Tường – Trưởng ban Nghi lễ, SĐT: 0989088399

*Sư cô Thích Hạnh Phương – phụ trách tiếp nhận trai phạn cúng dàng, SĐT 0962303145

* Phật tử Quản Thị Hà – nhân viên VP, SĐT: 0984816999

*Phật tử Nguyễn Thị Thu Huyền – nhân viên VP, SĐT: 0966203656

Nguyên Hương

Bình luận
Tin cùng chuyên mục