Chính sách nhất quán đối với tôn giáo ở Việt Nam (Phần cuối)
PGS. TS. NGUYỄN THANH XUÂN
3. Và chính sách tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật hiện hành
Xuất phát từ nhu cầu hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong thời kỳ đổi mói và yêu cầu thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, ngày 18/6/2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XI đã thông qua Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, sau đó ngày 29/6/2004 Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2004. Ngày 01/3/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định Số 2212005/NĐ-CP Hưởng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22 đã thể hiện chính sách dân chủ, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức tôn giáo, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc những việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo do các tôn giáo tự giải quyết theo Hiến chương, Điều lệ của các tôn giáo đã được Nhà nưởc công nhận. Trách nhiệm của các cơ quannhà nước đối với việc quản lý các hoạt động tôn giáo được quy định cụ thể theo hướng cải cách các thủ tục hành chính như trình tự, thời hạn, phân cấp rõ thẩm quyền giải quyết của chính quyền các cấp trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân tôn giáo; làm lành mạnh hoá các quan hệ tôn giáo và hoạt động tôn giáo vì lợi ích chính đáng của tín đổ và tổ chức tôn giáo, vì lợi ích chung của toàn xã hội trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo với tinh thần cởi mở; một mặt vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; mặt khác, xác định yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, Nhà nước Việt Nam đã thể hiện đầy đủ sự quan tâm đến lợi ích chính đáng của công dân có tín ngưỡng, tôn giáo và thể hiện thái độ rõ ràng, dứt khoát đối với mọi hành vi vi phạm pháp luật về tôn giáo như: Nghiêm cấm việc xâm phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, ép buộc công dân theo tôn giáo hoặc bỏ tôn giáo mà họ tin theo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hoà bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thi hành quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín, dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Công dân có tín ngưỡng cũng như tín đồ các tôn giáo được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý mà mình tin theo; phục vụ lễ hội phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc; không ảnh hưởng đến tập quán, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tình đoàn kết cộng đồng; bảo đảm an toàn, tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Đồng thời tôn trọng quy định của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; quy định của lễ hội, quy định trong các hương ước, quy ước của cộng đổng và quy định của pháp luật; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo đặt ra 5 điều kiện cần và đủ để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo, trong đó điều kiện “có đăng ký hoạt động tôn giáo và hoạt động tôn giáo ổn định” là một trong những điều kiện quan trọng. Do vậy, tổ chức tôn giáo tùy theo phạm vi hoạt động cần đăng ký hoạt động tôn giáo với Ban Tôn giáo Chính phủ hoặc cơ quan quản lý nhà nưóc về tôn giáo cấp tỉnh nhằm giúp việc công nhận khi hội đủ điều kiện được thuận lợi, dễ dàng theo quy định của pháp luật.
Pháp lệnh cũng quy định thuận lợi về hoạt động của hội đoàn, dòng tu. Những hội đoàn do tổ chức tôn giáo lập ra chỉ nhằm phục vụ lễ nghi tôn giáo, khi hoạt động không phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dòng tu, Tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác chỉ cần đăng ký theo quy định với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là có quyền hoạt động hợp pháp. Những dòng tu, tu viện đã đăng ký trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì không cần đăng ký lại. Trường hợp đã có hoạt động nhưng chưa đăng ký thì tiến hành đăng ký theo quy định hiện hành.
Tổ chức tôn giáo được thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo và thực hiện theo những quy định chung về thủ tục mở trường, lớp.
Việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử trong tôn giáo là công việc nội bộ do tổ chức tôn giáo lựa chọn, quyết định theo Hiến chương, Điều lệ đã được Nhà nước phê duyệt; về pháp luật chỉ cần đảm bảo tư cách công dân. Sau khi phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, tổ chức tôn giáo đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những người này để đảm bảo quyền hoạt động tôn giáo hợp pháp cho họ. Qua đó, giúp cho các cơ quan nhà nước và các chức sắc tôn giáo tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo ra mối quan hệ thuận lợi. Trường hợp phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức sắc có yếu tố nước ngoài cần có sự thống nhất trước với Ban Tôn giáo Chính phủ.
Việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành cũng là công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo. Khi thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành, tổ chức tôn giáo chỉ cần thông báo với Uỷ ban Nhân dân cấp huyện nơi đi và đăng ký hoạt động tôn giáo với Uỷ ban Nhân dân cấp huyện nơi đến. Nhà nước có trách nhiệm quản lý xã hội, trong đó có tổ chức và hoạt động tôn giáo. Do vậy, việc đăng ký hoạt động tôn giáo hàng năm với chính quyền địa phương nhằm giúp các cơ quan chức năm chủ động hỗ trợ cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có đông tín đồ tham dự, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Người đi tu tại các cơ sở tôn giáo trên cơ sở tự nguyện, không ai được ép buộc hoặc cản trở. Đối với người chưa thành niên, phải được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Khi nhận người vào tu, người phụ trách cơ sở tôn giáo có trách nhiệm đăng ký với Uỷ ban Nhân dân cấp xã về danh sách người vào tu nhằm đảm bảo cho người dân thực hiện thực hiện đầy đủ, đúng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình mà không gặp trở ngại.
Các hoạt động khác của các tổ chức tôn giáo đều được tạo điều kiện thuận lợi như; hội nghị thường niên, đại hội hoặc việc giảng đạo, truyền đạo trong hoặc ngoài cơ sở tôn giáo trong đó có chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài; mời tổ chức, người nước ngoài vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế có liên quan đến tôn giáo; tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài của tổ chức tôn giáo; tham gia khoá đào tạo tôn giáo ở nước ngoài. Người nước ngoài khi vào Việt Nam được mang theo xuất bản phẩm tôn giáo và đồ dùng để phục vụ nhu cầu của bản thân; được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo như những tín đổ của Việt Nam; được mời chức sắc tôn giáo là người Việt Nan đến thực hiện lễ nghi tôn giáo cho mình. Tuy nhiên, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có thể bị đình chỉ nếu vi phạm một trong các trường hợp: xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc môi trường; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác làm ảnh hưởng hoặc tác động xấu đến các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ.
Nhà nước bảo hộ những tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện trong việc quản lý, sử dụng đất có các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cũng như việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Tổ chức tôn giáo được tổ chức quyên góp, nhận tài sản hiến, tặng, cho trên cơ sở tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật. Không lợi dụng danh nghĩa cơ sở, tổ chức tôn giáo để quyên góp phục vụ lợi ích cá nhân hoặc những mục đích trái pháp luật.
Việc xuất bản, in, phát hành các loại kinh, sách, bài, tạp chí và các xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo; kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu văn hoá phẩm về tín ngưỡng, tôn giáo, sản xuất đồ dùng phục vụ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất bản, pháp luật về xuất nhập khẩu văn hoá phẩm không thuộc phạm vi kinh doanh và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổ chức tôn giáo được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. Chức sắc, nhà tu hành, với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật. Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời là sự khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đối với tôn giáo, tạo môi trường pháp lý quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, không những đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo đang diễn ra rất phong phú, sống động ở Việt Nam mà còn thích ứng với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc gia nhập trong đó có Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị; đồng thời là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ ổn định, bền vững giữa Nhà nước và các tổ chức tôn giáo.
Pháp lệnh đã mở hướng thuận lợi cho các tổ chức chưa được công nhận tiến hành đăng ký để hoạt động tiến tới được công nhận về mặt tổ chức khi hội đủ điều kiện.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo tiếp tục góp phần hoàn thiện hệ thống, pháp luật Việt Nam trong việc điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tôn giáo bằng pháp luật. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm xây dựng Nhà nước pháp quyền trên lĩnh vực quản lý về tổ chức và hoạt động tôn giáo bằng việc ban hành hàng loạt nghị định, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trên nguyên tắc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và các hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo, phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức xã hội và pháp luật Việt Nam cũng như tương thích với luật pháp quốc tế về lĩnh vực này, làm cơ sở cho việc xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo trong tương lai.