Hướng đi của Phật giáo Việt Nam trong thời đại phát triển (P1)

TT.TS. THÍCH THIỆN HẠNH

Ngày nay, nhân loại đã nhận thức được chân giá trị của Phật giáo, Phật giáo là Đạo của trí tuệ. Trí tuệ là đặc tính quý báu nhất của con người, cốt tủy giáo lý của Phật giáo về phương diện xã hội là lòng từ bi và chủ trương hòa bình.

Phât giáo đến với nhân dân Việt Nam bằng con đường hòa bình, như một liều thuốc xoa dịu khổ đau. Từ khi mới du nhập, với tư tưởng giải thoát khỏi mọi khổ đau, được hiểu như là giải thoát khỏi ách nô lệ áp bức của phương Bắc, Phật giáo mang đến cho nhân dân. Với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, Phật giáo đã có vị thế vững vàng và có sức lan tỏa mạnh, những công trình văn hóa Phật giáo phát triển không ngừng. Chùa chiền ngay từ buổi đầu không chỉ là những trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn là cơ sở giáo dục, y tế, tư vấn về nhiều mặt trong đời sống xã hội.

Đạo Phật là nền tảng đạo đức và tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam. Thật vậy, ảnh hưởng của Phật giáo trên nền văn hóa dân tộc thực là sâu đậm, sâu đậm đến độ người ta không còn phân biệt được đâu là văn hóa Phật giáo và đâu là văn hóa dân tộc. Đây là một sự kiện không ai có thể phủ bác. Sở dĩ như vậy là vì Phật giáo đã đi vào lòng dân tộc Việt Nam, không bằng con đường giáo điều khô cứng, không bằng con đường ru ngủ dân chúng (có tác dụng như thuốc phiện) với những hứa hẹn hão huyền, mà bằng con đường trí thức, con đường phát triển trí tuệ, tự lực tự cường, và nhất là không chống lại những truyền thống của dân tộc Việt Nam. Với những giáo lý nhân bản và những triết thuyết cao siêu, phù hợp với tinh thần khoa học, Phật giáo đã đáp ứng được những đòi hỏi suy luận trí thức của giới có học.

Với bản chất hòa bình, bao dung, bình đẳng, và những giáo lý giản dị, Phật giáo cũng đã đáp ứng được khao khát của giới bình dân, hội nhập trong dân gian, trên mọi giới, để tạo nên một tinh thần yêu nước cao độ của người Việt Nam. Phật giáo đang tiến vào một trang sử mới của thế giới. Khi đi vào thực tế, điều đầu tiên đòi hỏi chúng ta là phải có cái nhìn chính xác và tư duy đúng đắn. Từ đó nhìn vào chính mình và nhìn đến các nhân duyên kết hợp, cùng môi trường sống chung quanh từ gần đến xa khiến chúng tôi có rất nhiều điều trăn trở và thao thức, suy nghĩ về tinh thần phục vụ cá nhân đến việc Pháp pháp phục vụ dân tộc, rồi xa hơn nữa là Phật giáo làm thế nào để chuyển hóa được con người thời đại, đem lại hòa binh và hạnh phúc thực sự cho nhân loại. Tôi nghĩ giới trẻ đang rất mong chờ những tín hiệu mới từ Phật giáo, bởi hiện nay đời sống vật chất tuy phát triển nhưng đạo đức lối sống lại đi xuống. Riêng tôi thấy, Phật giáo vẫn chưa vận hành một cách nhịp nhàng với xã hội hiện đại. Được biết, Phật giáo đang là chọn lựa mới của người phương Tây, đặc biệt là giới trẻ, thế nhưng ở trong nước, Phật giáo vẫn chưa làm gì nhiều hơn cho họ. Hình như chúng ta vẫn chưa đặt ra một câu hỏi nghiêm túc: “Sẽ làm gì và làm như thế nào cho giới trẻ?”. Tôi vẫn mong chờ Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội có chính sách khuyến khích những Tăng Ni trẻ mạnh dạn dấn thân và sáng tạo trong con đường phụng sự.

Phật giáo Việt Nam ngày nay, muốn bắt kịp thời đại, muốn không bị lỡ chuyến tàu thì phỉ biết thích nghi với hoàn cảnh, biết đổi thay cùng những diễn biễn chung, biết tăng trường cùng sức sống mới của nhân loại đang tràn dâng, biết tiếp nhận những nhân duyên mới và buông đi những chấp nhận lỗi thời, biết trao kinh nghiệm cho lớp trẻ và dọn đường cho họ vươn lên để lúc nào đạo Phật cũng sinh động đầy sức sống không bị già nua làm chậm bước tiến.

Chúng tôi xin nêu lên vài ý kiến thô thiển, để góp phần vào trong tinh thần xây dựng ngôi nhà chung của Giáo hội đó chính là câu phương châm: “phụng sự Đạo pháp và Dân tộc”.

  1. ĐÀO TẠO TĂNG TÀI, DẤN THÂN NHẬP CUỘC, PHỤNG SỰ

Bốn chúng đệ tử của Phật, hàng Tăng Ni được xem là trưởng tử Như Lai. Tăng  Ni là những vị lãnh đạo, là đoàn thể nguyện sống cuộc đời tỉnh thức và hướng dẫn tín đồ. Một người lãnh đạo hoặc hướng dẫn kẻ khác thì phải đi trước, ít nhất là đi “ngang hàng” với quần chúng chứ không thể “đi sau” mà có thể lãnh đạo được người đi trước. Do đó, Tăng Ni cần phải được đào tạo quy mô, phải được trang bị đầy đủ hành trang để lãnh đạo và “lên đường” phục vụ.

Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới, “Cần đào tạo nhân tài”, để đẩy mạnh công tác giáo dục xã hội. Giáo dục sẽ hướng tới việc phát triển trí tuệ, tác phong và tư cách công dân để có thể đóng góp tích cực vào công cuộc tái thiết đất nước và chấn hưng Phật giáo. Nhân tài luôn là cái vốn quý báu nhất của quốc gia, và giáo dục chính là phương pháp hoàn hảo nhất để khuyếch  trương cái vốn cao quý ấy.

Vậy chúng ta muốn duy trì và phát triển Phật Pháp, hầu góp phần giải quyết các vấn nạn của đất nước hôm nay, không có con đường nào khác hơn là “Đào tạo tăng tài”. Tăng tài có đủ tư cách, tài, đức, trí tuệ. Tăng Ni phải ý thức sâu sắc điều nấy, thành tựu trí thức và đạo đức. Tăng Ni phải vượt trội hẳn người đời mới có thể hướng dẫn 80% dân chúng Phật tử Việt Nam được.

Đức Phật sử dụng trí tuệ như ngọn đèn chân lý soi vào cuộc sống chính xác, thấy rõ yêu cầu thế nào thì đáp ứng theo nhu cầu đó (xem bệnh cho thuốc) nhằm mục tiêu phát triển mọi người trong xã hội thành những công dân chính trực, thăng tiến, nhân bản, không để họ thành những kẻ sâu dân mọt nước.

Một mặt khác, hiện nay chương trình cao đẳng và cao cấp Phật học được công nhận tương đương với văn bằng tú tài hoặc cử nhân bên ngoài nên một số Tăng Ni phải ôm đồm một lúc hai chương trình học vấn, một trong đạo và một ngoài đời. Kinh nghiệm cho thấy, muốn biết thì cần phải học. Nhưng học quá nhiều thì cái gì cũng biết, nhưng không biết được cái gì cả. Một số tăng ni trẻ, sau khi đỗ cao đẳng hoặc cao cấp Phật học, nhưng không đủ cơ duyên để tiếp tục đường tu, họ muốn trở về đời sống của một người cư sĩ tại gia bình thường, nhưng vì nhiều năm miệt mài trong những trường lớp của Giáo hội với bằng Cao Đẳng và Cao cấp Phật học là những văn bằng rất quí, kiến thức rất cao, thậm chí có thể cao hơn trình độ tương đương học vấn bên ngoài, nhưng chưa được thừa nhận như học trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho nên những vị ra đời này không thể xin một chức thư ký trong các cơ sở hoặc một chức giáo viên tiểu học hay giáo sư trung học mà phải lao động chân tay để nuôi sống bản thân. Mặc dù biết rõ mình thiếu duyên để tiếp tục đường tu, nhưng những vị nầy vẫn cố bám vào chốn thiền môn, thân thì ở trong đạo, nhưng tâm đã dong ruổi bên ngoài. Sự phá giới phạm trai không thể không xẩy ra. Hành động lẻ tẻ này cũng đủ để mang uy tín của giới Tăng bảo xuống tận bùn đen và làm lung lay niềm tin kính của tín đồ đối với Giáo hội, với Tăng bảo mà họ hằng ấp ủ.

Lớp trẻ mới xuất gia: Sau những năm kinh tế nước nhà bắt đầu phát triển thì đợt sóng con em Phật tử trẻ xuất gia đầu Phật cũng gia tăng. Trong lớp tuổi xuất gia này có nhiều em xuất thân từ Gia đinh Phật tử, họ mang một hoài bảo rất lớn, tràn đầy đức tin và nhiệt huyết muốn hộ đạo giúp đời, mang giáo pháp của đức Như Lai đến với tha nhân và đồng loại. Bên cạnh đó cũng không thiếu những em xuất gia vì lý do kinh tê’ gia đình. Vị trụ trì trong một số tự viện lại thu nhận người xuất gia quá tải nên không đủ thì giở để giáo huấn, không đủ khả năng kinh tế để nuôi dưỡng và không đủ điều kiện để gửi đến trường mà phần lớn phải đi làm để có cái ăn cái mặc. Thành phần Tăng Ni thiếu tu và nhất là thiếu học vô tình là nạn nhân của một vài vị trụ trì do lòng từ bi nên thu nhận điệu chúng vượt ngoài khả năng nuôi dưỡng và thiếu phương tiện để cung ứng một nền giáo dục cần thiết. Thành phần tu sĩ đáng quí và cũng đáng thương này sẽ trỏ thành những tai hại cho Phật giáo. Hệ quả thất học thiếu tu của một số ít Tăng Ni trẻ cũng có thể tạo ra tình trạng đường đường tăng tướng hành động khả nghi. Một số hành vi nhỏ của vài Tăng Ni sẽ tàn phá niềm tin của tín đồ và tạo sự đàm tiếu xấu xa từ quần chúng trong xã hội.

Trong Ngũ minh Phật giáo có dạy: “Trí tuệ là nền tảng của mọi ưu tính thiện hảo, nó như bó đuốc soi đường dẫn lối trong đêm, cho nên các bậc Thầy Tổ lấy trí tuệ làm chuẩn và là phương tiện trước tiên không thể rời ra ngoài, mà bất cứ chư Tăng Ni nào đến với Phật Pháp đều coi trọng trí tuệ, dùng nó làm phương tiện để đi đến điểm giác ngộ. “trong Kinh nói: “Trí tuệ là mẹ của Bồ tát, sinh ra tất cả các công đức lành”. Là chư Tăng ai cũng biết, khi Phật giáo truyền vào nước ta, các vị Thiền sư Việt Nam có mắt trí tuệ, kết hợp Phật giáo Ấn và Hoa vào tư tưởng, tình cảm Việt Nam, sinh hoạt Việt Nam. Từ đó tạo thành Phật giáo Việt Nam “Dựng Nước và Giữ Nước”, với hai tinh thần, Phật giáo Ấn, Hoa hòa đồng, quyện vào nhau một thể duy nhất, đã trở thành truyền thống “Dân tộc và Đạo pháp”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một giáo hội đủ mạnh về tiếng nói ở trung ương, có sức thuyết phục các tổ chức khác qui tụ về mình, đủ quyền lực với cơ sở Phật giáo hạ tầng, để làm lợi ích cho nhân sinh xã hội và đem lại an lạc giải thoát cho Phật giáo đồ.

Sự phát triển tất yếu của khoa học và nhu cầu tiếp cận văn hóa giáo dục phổ thông của xã hội, đòi hỏi hệ thống giáo dục Phật giáo phải cập nhật hóa chương trình đào tạo, sao cho ngang tầm thời đại và bắt kịp các lĩnh vực nhạy cảm của nhu cầu xã hội đặt ra cho tôn giáo. Có những Tăng Ni Phật Tử đã có những trăn trở và ước vọng về xã hội hóa Phật giáo. Mà muốn xã hội hóa Phật giáo, trước hết hàng ngũ thanh niên Tăng phải cập nhật được kiến thức xã hội, mới có thể bưởc chân ra khỏi đại dương mà hội nhập vào thế giới. Phật giáo Việt Nam sau nhiều thế kỷ suy thoái, muốn có đủ sức vận động dân tộc phải xem trọng chủ trương “Đào Tạo Tăng Tài.” Lịch sử chứng minh rằng: “Phật giáo tồn tại và phát triển mạnh chỉ khi nào đệ tử của Phật đầu tư vào trí thức đạo đức, vào việc công ích cho đời”. Điển hình như Phật giáo Thời Lý, Trần, về mặt xã hội cũng vậy, không có một quốc gia nào phát triển được giàu mạnh lại không nhờ vào trí thức dân tộc .

(còn nữa)

(Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 1)

Bình luận
Tin cùng chuyên mục