Vô thức theo quan niệm Phật giáo
Khi bàn luận về vô thức thì không thể không đề cập đến “Duy thức luận” của Phật giáo vì trong Duy thức luận đã cho thấy một thuyết rất vi diệu về thức và vô thức. Duy thức luận cho rằng nguồn gốc của vũ trụ là tâm hay Phật tánh.
Tâm dưới dạng vô thức gọi là Bhavanga (còn gọi là Tâm hộ kiếp) tương đương với A-lại-da thức trong Duy Thức Luận. Bhavanga gồm những khoảnh khắc không có những cảm xúc khi không tư duy, khi không có tâm bất thiện và tâm thiện. Những khoảnh khắc đó có tâm không? Vẫn có tâm nếu không sẽ không có đời sống, loại tâm sanh và diệt ở những khoảnh khắc đó gọi là tâm hộ kiếp (Bhavangacitta). Tâm hộ kiếp theo nghĩa đen có nghĩa là “yếu tố của đời sống”. Tâm hộ kiếp duy trì sự liên tục trong một kiếp sống. Sau khi tiến trình tâm-sinh-vật lý diễn ra, thông tin được sao lại và lưu trữ trong Bhavanga thì những dữ liệu đó thuộc dạng vô thức. Đó là dạng vô thức trong tiềm thức. Còn dạng vô thức thứ hai là những gì diễn ra trong sinh hoạt hàng ngày mà không ý thức được cũng gọi là vô thức. Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và một số hoạt động của ý thức tuy diễn ra trong cuộc sống hàng ngày nhưng đó vẫn là tâm vô nhân dị thục, nên vẫn xem như vô thức và vô ký. Chỉ khi có ý thức mới gọi là hữu thức. Hoạt động của hữu thức hay ý thức rất hạn hẹp, chỉ trên bề mặt, còn hoạt động của vô thức rộng lớn hơn nhiều. Khi hữu thức không làm việc, như lúc ngủ thì vô thức vẫn làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Có những điều hữu thức không làm được nhưng vô thức lại làm được, như một học sinh ban ngày giải bài toán không ra nhưng ngủ một đêm sáng dậy bỗng thấy ra cách giải.
Theo quan niệm của những nhà tâm lý học phương Tây, vô thức là khái niệm chỉ các hiện tượng tâm lý, hành vi, cảm nghĩ tồn tại ở một cá nhân mà cá nhân đó không nhận thức được, không diễn tả được bằng ngôn ngữ cho mình và người khác. Đó là hoạt động của hệ thần kinh ngoại hình tháp của con người. Trong trạng thái vô thức, ý thức của con người không hoạt động hoặc hoạt động rất kém. Lúc đó, hệ thần kinh trung ương không kiểm soát về nguyên nhân và hậu quả, không đặt vấn đề có mâu thuẫn hay nghi vấn mà chỉ có mục đích thỏa mãn đòi hỏi của bản năng, hành động xảy ra không có tác động đến không gian và thời gian. Ngược lại, những hành vi có ý thức luôn nằm trong phạm vi trách nhiệm, nghĩa là biết tại sao ta làm điều này và hậu quả về sau ra sao.
Trong cuốn Strangers to Ourselves: Discovering the Adaptive Unconscious, Giáo sư Timothy D. Wilson cho biết: “Cứ mỗi giây, năm giác quan của con người (mắt thấy, mũi ngửi, tai nghe, miệng nếm và thân cảm xúc) tiếp nhận khoảng 11 triệu ý tưởng từ bên ngoài đưa vào tâm. Trong 11 triệu ý tưởng đó thì mắt tiếp nhận hơn 10 triệu ý tưởng để chuyển lên não bộ. Nhưng não bộ trong một giây chỉ có thể phân tích 40 ý tưởng”. Cho nên vấn đề mà các nhà khoa học đặt ra là 10.999.960 ý tưởng không được não bộ phân tích đó đi đâu và có tác động đến ý thức con người hay không? Do đó, nhà phân tâm học Sigmund Freud mới phát minh ra “Tảng băng tâm lý”. Trong đó ông ta cho rằng phần tiền ý thức (trí nhớ và lưu trữ kiến thức) và phần vô thức chiếm đa phần trong tâm tư con người. Vô thức luôn hối thúc, lấn áp ý thức để con người có những tư tưởng, lời nói hay hành vi không thể kiểm soát được.
Theo S. Freud, có sự tương quan giữa ý thức và vô thức:
– Ý thức kiểm duyệt và kiềm chế hành vi thúc đẩy bởi vô thức: Vô thức thôi thúc chúng ta thỏa mãn dục vọng cho cái Ta, còn ý thức giúp ta nhận thức thế nào là đúng, thế nào là sai.
– Ý thức có thể hóa giải thông qua vô thức: Vô thức và ý thức liên quan mật thiết với nhau, thiếu một trong hai đều dẫn tới tư duy què quặt. Vô thức đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sáng tạo của con người, góp phần tạo nên các thiên tài, vĩ nhân, thần đồng trong mọi lĩnh vực từ âm nhạc, hội họa, kiến trúc, khoa học cho đến tâm linh…

Có một thí dụ về khoa học: Nhà bác học Mendeleev (1834-1907) đã phát minh ra bảng phân loại tuần hoàn các chất hóa học sau một giấc ngủ. Đây không phải là sự ngẫu nhiên mà là kết quả của công trình nghiên cứu lâu dài của não bộ. Tất cả quá trình nghiên cứu được lưu trữ trong vô thức và đúng thời điểm nào đó thì từ trong vô thức những khám phá đó được bộc lộ ra mà ta gọi là phát minh. Nói chung thiên tài thế giới là những người có trực giác rất cao. Họ có khả năng trực nhận tri thức từ vô thức mà tạo ra những khám phá phi thường. Rất nhiều các phát minh sáng tạo khoa học, các luận thuyết khoa học được khám phá nhờ trực giác của những người có trực giác mạnh và nhạy bén.
Khoa học cho rằng vô thức đã có từ khi mới sinh hay ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Điều này rất phù hợp với Phật giáo vì Đạo Phật chủ trương khi thần thức mới nhập vào trong noãn bào của người mẹ thì thức (ký ức, kinh nghiệm… của những đời quá khứ tức là A-lại-da thức) đã theo sát đứa bé đó rồi. Vì thế, khi sinh ra có những người rất giỏi về những bộ môn khác nhau là do vậy. Khi lớn lên chúng ta đi học, làm việc thì ý thức đó trở thành vô thức thông qua hoạt động lập đi lập lại từ lúc nào. Sự tích tụ trong ký ức đó nhà Phật gọi là “Uẩn”.
Vô thức có thể chuyển hóa thành ý thức được không?
Chẳng hạn thuở nhỏ khi vào siêu thị, chúng ta thường đòi cha mẹ mua món đồ chơi cho bằng được, nếu không thì khóc lóc, giận dỗi… Như vậy, hành động đòi mua quà của đứa bé là vô thức vì nó không thể ý thức được hành vi của nó mà chỉ đòi hỏi theo bản năng thôi. Nhưng khi lớn lên, ý thức được vấn đề, có sự chọn lựa. Bấy giờ, nó mới biết vì sao nó thích, có nên mua hay không. Do vậy, giữa ý thức và vô thức không có ranh giới rõ ràng. Chúng luôn chuyển hóa lẫn nhau và cũng vì mối liên hệ đó, con người quân bình được đời sống tâm linh, không còn căng thẳng. Tóm lại, vô thức với tính đa dạng và phức tạp vẫn là vấn đề nan giải, khó hiểu đối với khoa học. Hệ thần kinh như ma trận vẫn còn rất nhiều bí ẩn mà con người không thể nào hiểu hết được.
Theo định nghĩa của nhà phân tâm học Sigmund Freud: “Vô thức là những sự kiện tâm linh cá nhân, chìm khuất trong góc tối của tâm hồn và không bao giờ biểu hiện, không thể dùng ý chí để điều khiển được. Vô thức là động cơ tiềm ẩn, có khi trở nên mãnh liệt, thôi thúc hành động đến mức không kiểm soát được, không hợp với lý trí. Vô thức được ví như phần chìm của tảng băng tâm linh, góp phần quyết định trong việc hình thành các khuynh hướng của mỗi cá nhân. Trong cõi vô thức diễn ra cuộc đấu tranh liên tục giữa bản năng với bản ngã và bản năng bị dồn nén lại trong hàng rào kiểm duyệt không cho vượt vùng ý thức được. Nên những xung lực này chỉ biểu hiện phần nào trong giấc mơ và phần lớn trong các chứng loạn thần kinh. Vô thức nằm ở vùng sâu của tâm linh nên không thể thực nghiệm và không thể khảo sát bằng các trắc nghiệm được.”
Bây giờ, ta thử phân tích “tảng băng tâm lý” của S. Freud để xem nó có những trùng hợp nào với triết lý của Phật giáo không?
– Mức độ ý thức: Theo Freud có hai phần là suy nghĩ và nhận thức. Đây tương ứng với thức thứ 6 tức là “ý thức” của Phật giáo.
– Mức tiền ý thức: bao gồm trí nhớ và lưu trữ kiến thức. Như vậy “trí nhớ” tương ứng với tưởng uẩn và “lưu trữ kiến thức” thì thuộc về “thức uẩn”.
– Mức vô thức: theo Freud thì “mức vô thức” bao gồm “lo sợ, thôi thúc tình dục bị đè nén, các nhu cầu vị kỷ, các trải nghiệm xấu, các đòi hỏi phi lý…”. Nói chung tất cả những gì Freud diễn tả ở mức vô thức không gì khác hơn những tác ý của hành uẩn. Nhưng Freud chỉ bao gồm những tác ý bất thiện, những tham vọng bất chánh trong khi đó “hành uẩn” của Phật giáo lai còn chứa những tác ý thiện, chân chánh nữa.
Trong khi khoa học hiện nay vẫn còn dò dẫm về ý thức và vô thức thì Phật giáo đã có nhận định rất rõ ràng sự vận hành của Ngũ uẩn mà trong đó, tất cả những tác ý đều có thể dùng tỉnh thức chánh niệm để kiểm soát nó. Đức Phật dạy: Thức là tâm vương, là đầu mối cho bất kỳ suy nghĩ, lời nói hay hành động của con người. Còn thọ, tưởng, hành là tâm sở, là những trợ duyên để tâm vương thực hiện ý định đó. sắc, thọ, tưởng, hành, thức là năm giềng mối bổ túc cho nhau. Nếu không có thọ, tưởng thì không thể có thức. Cũng như nếu không có sắc thì không thể nào có thọ hay tưởng được. Hiểu biết những biến hành của tâm, hành giả có thể làm chủ thân, khẩu, ý thì cuộc đời sẽ không còn hệ lụy khổ đau.
Khi bàn luận về vô thức thì không thể không đề cập đến “Duy thức luận” của Phật giáo vì trong Duy thức luận đã cho thấy một thuyết rất vi diệu về thức và vô thức. Duy thức luận cho rằng nguồn gốc của vũ trụ là tâm hay Phật tánh. Khi có niệm phân biệt nổi lên thì tâm trở thành thức. Vũ trụ vạn vật chỉ là thức mà thôi, nền tảng của vũ trụ là thức chứ không phải là vật chất, vật chất chỉ là vọng tưởng.
Tâm có 8 thức bao gồm :
– Tiền ngũ thức: 5 thức đầu tiên là nền tảng, gồm có : nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức và thân thức.
– Thức thứ 6 là ý thức: cái biết tổng hợp từ thông tin của 5 thức đầu.
– Thức thứ 7 là Mạt-na thức (manas): thức chấp ngã của chúng sinh, của con người.
– Thức thứ 8 là A-lại-da thức (alaya) hay Tàng thức: bao gồm cả bảy thức trước.
Tuy phân ra 8 thức như vậy nhưng thực tế chỉ là một và gọi chung là tâm thức. Người đời thường chỉ biết lục căn, lục trần và lục thức gọi chung là 18 giới nhưng không biết Mạt-na thức và A-lại-da thức (tàng thức, vô thức).
Vậy vô thức mà S. Freud đề cập có phải là A-lại-da thức hay không? Chắc chắn là không phải. Vô thức của Freud chỉ là Mạt-na thức mà thôi bởi vì Vô thức mà Freud đề cập là vô thức cá nhân, tương ứng với Mạt-na thức. Học trò của Freud là Carl Jung có đề cập tới vô thức tập thể, đó có thể là A-lại-da. Tuy nhiên có một điều mà cả Freud và Jung đều chưa hiểu, đó là số lượng không có thật (vô lượng) nên mọi phân biệt đều là tương đối, không phải tuyệt đối. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất thiết tức nhất, nhất tức nhất thiết” (Tất cả là một, một là tất cả). Vạn vật dữ ngã nhất thể, chúng sinh bổn vô khu biệt (vạn vật là cùng một thể với ta, chúng sinh vốn không phân biệt).
Não bộ con người có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh (nơ-rôn). Năm 1920, Wilder Penfield chứng minh được rằng các tế bào Engram nằm trong những vùng nhất định của não bộ có chức năng ghi nhớ. Engram là nhóm tế bào thần kinh hay mạch thần kinh được kích hoạt bởi nhận thức của một số thông tin nhất định. Bộ nhớ phụ thuộc vào điểm kết nối thần kinh giữa các tế bào Engram. Điểm kết nối hoạt động giống như mạch bán dẫn trong con chip tin học.
Tại phòng thí nghiệm sinh học Yerkes, Florida, nhà thần kinh học Karl Lashley đã luyện tập cho chuột một số kỹ năng rồi cắt bỏ những vùng trong não bộ có liên quan đến kỹ năng đó. Song một điều ngạc nhiên là dù cắt bỏ bao nhiêu đi nữa, kỹ năng được luyện tập vẫn tồn tại. Và K. Lashley kết luận: Trí nhớ không được lưu trữ tại một nơi nhất định mà phân bố trong toàn não bộ. Vào năm 1960, Pribram, nhà phẫu thuật thần kinh chuyên nghiên cứu sâu về ký ức, nhân đọc một bài báo đăng trên “Scientific American” về cấu tạo của hologram (toàn ảnh) thì ông hiểu rằng não bộ là một toàn ảnh (hologram). Hologram là một ảnh 2D nhưng khi được nhìn dưới những điều kiện chiếu sáng nhất định thì tạo nên một hình ảnh 3D trọn vẹn. Mọi thông tin mô tả vật thể 3D đều được mã hoá trên bề mặt 2D. Như vậy chúng ta có hai thực tại 2D và 3D tương đương với nhau về mặt thông tin. Từ thông tin chứa trong 2D có thể phóng hiện thành hình 3D. Một tính chất quan trọng khác của hologram là nếu chỉ lấy một phần của nó người ta cũng có thể khôi phục được hình ảnh 3D của toàn bộ vật. Thông tin chứa trong vô thức hay tàng thức là dạng 2D. Thông tin này có thể phóng hiện thành thế giới thực tế 3D.
Từ những nghiên cứu trên, người ta có thể hiểu sức mạnh của vô thức hay tàng thức là vô cùng lớn, không thể tưởng tượng nổi. Đó là điều mà Duy thức luận gọi là “Nhất thiết duy tâm tạo” (tất cả đều là do tâm tạo, tâm tưởng tượng ra như thật). Vô thức chứa vô lượng thông tin. Phật giáo đã có đóng góp giúp nhân loại hiểu rõ về chính bản thân mình.
Theo BS. Nguyễn Văn Thông
Nguồn: Thư Viện Hoa Sen