Về sự tiếp xúc giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu qua truyền thuyết Phật Mẫu Man Nương và Thánh Mẫu Liễu Hạnh

NGUYỄN HỮU THỤ

Với lịch sử hàng ngàn năm hình thành và phát triển của mình, xã hội người Việt nói chung, đời sống tâm linh của người Việt nói riêng đã có những thay đổi rất mạnh mẽ, luôn theo sát với sự thay đổi của xã hội.

Bên cạnh những tôn giáo lớn được du nhập vào Việt Nam với những giáo lý, tổ chức chặt chẽ mang tính hệ thống cao như Ki tô giáo, Phật giáo, Nho giáo… hay những tôn giáo được hình thành ở Việt Nam như Cao Đài, Hoà Hảo, thì còn tồn tại và phổ biến rất nhiều những hình thức tín ngưỡng dân gian, mà sức sống và sự lan toả của nó trong dân chúng đã được rất nhiều nhà nghiên cứu tiến hành tìm hiểu nhưng vẫn chưa đưa ra được những câu trả lời cuối cùng.

Có thể thấy rằng tín ngưỡng dân gian nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng là sản phẩm văn hoá của người Việt trong mối quan hệ với tự nhiên và xã hội mà nền tảng của nó chính là chế độ nông nghiệp lúa nước với gia đình tiểu nông phụ quyền làm trung tâm trong một môi trường làng xã khép kín.

Với những đặc trưng về văn hoá và tư duy của mình, người Việt, trong quá trình phát triển đã thu nhận không ít những giá trị văn hoá, tinh thần ngoại sinh để bồi đắp nên một sản phẩm tinh thần của riêng mình, khẳng định được bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Chúng ta có thể tìm thấy nhiều lớp văn hoá khác nhau được tích hợp hoặc chồng xếp lên nhau trong một loại hình tín ngưỡng cụ thể. Chính sự tiếp nhận và điều chỉnh này đã giúp các loại hình tín ngưỡng dân gian có khả năng tự điều chỉnh cao, luôn vận động, thích ứng và bám sát cuộc sống, trở thành một bộ phận không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của người Việt.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian đã tồn tại lâu đời và phổ biến tại Việt Nam

Tín ngưỡng Mẫu có thể được hiểu là một loại hình tín ngưỡng dân gian được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam phủ – Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào quyền năng của Mẫu – đấng bảo trợ cho sự tồn tại và sinh thành của tự nhiên và con người.

Trong đó, Thờ nữ thần là thờ những vị thần là nữ. Nữ thần được thờ có thể là nhiên thần như thần Sấm, thần Mây, thần Mưa, thần Chớp (Tứ pháp), Mẹ Lúa, mẹ Chim, mẹ Cá….; có thể là nhân thần như: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Âu Cơ, Ỷ Lan, Bà Trưng, Bà Triệu….

Thờ Mẫu thần là sự phát triển từ thờ Nữ thần, ở đó chỉ những nữ thần là chủ thể của sinh nở mới được tôn là Mẫu. Danh xưng Mẫu gắn với chức năng sinh đẻ, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Còn trong thờ Nữ thần có các nữ thần không bao hàm yếu tố này như những “Bà cô” (là những người phụ nữ không có chồng, con hoặc phụ nữ bị chết trẻ chưa có chồng)

Thờ Tam phủ – Tứ phủ chính là mức phát triển cao về nhiều mặt từ thờ Mẫu thần, ở tín ngưỡng Tam phủ – Tứ phủ đã có sự “chưng cất” (hay chắt lọc) từ tín ngưỡng đa nữ thần về một số vị nữ thần cơ bản và gọi là Mẹ, Mẫu. Bao gồm: Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải (Thuỷ), Mẫu Địa (Địa Tiên Thánh Mẫu).

Điện thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong phủ Tây Hồ

Bốn vị mẫu trên đại diện cho bốn không gian địa lý khác nhau; trong đó Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản ở vùng trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản ở vùng rừng núi, Mẫu Thoải cai quản ở vùng sông nước, Mẫu Địa cai quản miền đất.

Trong quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu không ngừng tiếp nhận sự ảnh hưởng từ các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác như tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo….

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới được du nhập vào nước ta từ những nãm đầu của thế kỷ I (trước, sau công nguyên) theo hai con đường: đường biển từ Ấn Độ vào thông qua các thương nhân và nhà sư người Ấn, đường bộ từ Trung Quốc xuống theo bước chân di cư và truyền đạo của tống nhõn người Hán.

Tượng tứ pháp chùa Dâu (Bắc Ninh)

Khác với Nho giáo, Phật giáo vào nước ta bằng con đường hoà bình. Những tư tưởng từ, bi, hỉ, xả.. .trong giáo lý của nhà Phật khá gần gũi với tinh thần vị tha, bao dung, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau…trong đạo lý truyền thống của người Việt. Vì vậy, Phật giáo đã nhanh chóng hoà nhập với các tín ngưỡng bản địa mà điển hình là các tín ngưỡng nông nghiệp như tục thờ Mẹ hay tục thờ Nữ thần để trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người nông dân Việt. Hình ảnh Man Nương trong Cổ Cháu Phật Bản Hạnh đã phản ánh sinh động sự gặp gỡ và kết hợp này.

Theo “Cổ chân Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục”, thời Sỹ Nhiếp, ở bên kia sông Đuống, thuộc bờ Bắc, trong chùa Linh Quang, xã Phật Tích có vị sư Khâu Đà La lập am truyền đạo. Bên này sông có một gia đình tên là Tu Định có một người con gái tên là Man Nương.

Thấy Khâu Đà La có nhiều môn đệ theo học, Tu Định liền cho con gái mình đến học đạo và hàng ngày nấu cơm nước, giúp việc cho nhà sư. Một lần nọ, Khâu Đà La đi giảng đạo về khuya, nàng Man Nương nấu cháo xong, chờ không được bèn ngồi tựa lưng vào cửa và ngủ thiếp đi. Khâu Đà La về thấy Man Nương ngủ ở cửa phòng, người “vô ý” bước qua. Thế là Man Nương có thai.

Hay tin, Tu Định tỏ ý trách nhà sư, nhà sư chỉ nhẫn nhục chịu đựng. Sau 14 tháng, vào ngày 8 tháng 4. Man Nương sinh hạ được một bé gái và mang đến trả nhà sư. Nhà sư bèn bế đứa bé đến một gốc cây cổ thụ ở ngã ba sông và lấy cây gậy chỉ vào thân cây làm phép, tức thì thân cây tách làm đôi, nhà sư bỏ đứa trẻ vào đó và cây khép trở lại như cũ.

Trước khi chia tay, Khâu Đà La trao cho Man Nương một chiếc gậy và dặn rằng khi nào có hạn hán thì cắm chiếc gậy xuống đất, sẽ có nước đề cứu dân.

Về sau, nhiều lần trời hạn hán, nhớ lời nhà sư, Man Nương đem cây gậy ra dùng thì đều ứng nghiệm. Vào một bữa nọ có một trận mưa to, gió lớn, cây cổ thụ bị đổ và trôi theo dòng nước đến khúc sông ở làng bà Man Nương thì dừng lại. Trai làng túm vào kéo mà không tài nào di chuyển được. Bà Man Nương ra sông chỉ kéo nhẹ mà cây đã ngoan ngoãn theo vào bờ.

Thấy sự lạ, người làng cưa thân cây ra làm 4 đoạn và tạc thành 4 pho tượng Pháp Ván, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện đưa vào thờ trong 4 ngôi chùa. Khi đẽo tới giữa cây, người ta thấy có một phiến đá rất cứng, búa rìu của thợ đều bị sứt hết. Ném phiên đá xuống nước thì thấy phiến đá phát ra ánh sáng (thạch quang). Dân làng bèn rước vào điện Phật mà thờ, đặt tên là Thạch Quang Phật. Bà Man Nương sau khi chết được tôn thờ là Phật Mẫu (hay Man Nương Phật Mẫu)1.

Phật Mẫu Man Nương

Với sự tiếp nhận Phật giáo, những vị nữ thần nông nghiệp (Bà Dâu, Bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn) đã trở thành những vị Phật Bà (Tứ pháp) với những yếu tố cầu mong sự sinh sôi nảy nở trong nền văn hoá nông nghiệp lúa nước vẫn còn đậm nét: Pháp Vân – Thần Mây, Pháp Vũ – Thần Mưa, Pháp Lôi – Thần Sấm, Pháp Điện – Thần Sét.

Cũng là chùa nhưng điện thần của các ngôi chùa Tứ pháp có cách bài trí không giống với những ngôi chùa thờ Phật bình thường. Pho tượng được thờ ở vị trí trung tâm, chính điện không phải là pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni mà lại là tượng các Bà Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Tượng các Bà được đặt ngồi trong khám và được làm to hơn cả. Chùa cũng có các tượng Phật Thích Ca, La Hán, Bồ Tát, Kim Cương nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều và chỉ đặt ở bên cạnh, phía ngoài, trước mặt các tượng Tứ pháp.

Trung tâm của hệ thống chùa Tứ pháp là Chùa Tổ, nơi thờ Phật Mẫu Man Nương – người mà nhiều học giả đã ví hình ảnh của bà như là một bà “Mẹ Xứ sở” của người Việt. Ở hình tượng Man Nương, chúng ta không chỉ tìm thấy tình thương, sự cứu giúp của Bà đối với dân làng trong hoàn cảnh khó khăn (hạn hán), hay Bà có thể chỉ huy các hiện tượng tự nhiên mà tượng trưng chính là hệ thống các vị thần Tứ Pháp, mà còn hơn thế khi coi Bà là Phật Mẫu, Mẹ Phật – một vị Phật với tư cách là mẹ, rất gần gũi với con người, luôn bao dung, độ lượng, che chở cho con người (như mẹ che chở cho con vậy) chứ không phải những gì là xa xôi và khác lạ.

Có thể thấy rằng sự hình thành và phát triển của hệ thống chùa Tứ Pháp chính là sự khẳng định sức sống và xu hướng đề cao vai trò nữ thần, đề cao vai trò của các bà mẹ trong tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước trước sự du nhập của đạo Phật vào Việt Nam. Cũng có nhiều học giả cho rằng với sự xuất hiện của hình tượng Man Nương trong truyền thuyết cũng như hệ thống chùa Tứ pháp trong thực tế đã đánh dấu một bước phát triển mới của Phật giáo ở Việt Nam, đó chính là bước chuyển từ “Phật giáo ở Việt Nam” thành “Phật giáo Việt Nam”.

Nếu như Man Nương là hình ảnh của sự giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Nữ thần của người Việt trong thời kỳ đầu du nhập vào Việt Nam thì hình ảnh Mẫu Liễu Hạnh cũng được coi là sự giao thoa giữa Phật giáo với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt trong thế kỷ XVI.

Trong tâm thức dân gian của người Việt, Liễu Hạnh là một trong tứ bất tử, là Mẹ, là thần chủ điện thờ Tam phủ – Tứ phủ. Nếu như Mẫu thượng Thiên cai quản vùng trời, Mẫu Thoải cai quan vùng nước, Mẫu Thượng ngàn cai quản vùng rừng núi, Mẫu Địa cai quản vùng đất, thì Mẫu Liễu Hạnh cai quản nhân gian, cai quan thế giới của loài người. Không chỉ dừng lại ở đó, đối với người Việt, thánh Mẫu Liễu Hạnh còn hoá thân cả vào Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa… và từ đó, có thể sai khiến và chỉ đạo các thế lực của tự nhiên, làm cho cuộc sống của người dân Việt trở nên thận lợi hơn bởi mưa thuận gió hoà…. Vì vậy, Mẫu Liễu là một vị nhân thần được người Việt đặc biệt tôn thờ.

Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại Đèo Ngang 

Có rất nhiều các yếu tố đã được nhiều học giả đưa ra nhằm chứng minh cho sự dung thông tam giáo trong truyền thuyết về Mẫu Liễu Hạnh. Nhưng trên hết, đó là nhu cầu tâm linh của người dân Việt, ở Thánh Mẫu Liễu Hạnh, người Việt tìm thấy hình ảnh của một người mẹ nhưng rất gần gũi với hình ảnh của một vị Bồ tát: người có thể ban phúc, ban lộc cho những người hiền lành, ăn ở đức độ; cứu giúp những người nghèo khó gặp hoạn nạn khó khăn; nhưng cũng có thể trừng phạt những kẻ tráo trở hay làm việc ác, kể cả quan lại triều đình

Chính vì vậy cũng không có gì là lạ khi kết thúc câu chuyện vể Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu đã quy y Phật pháp trở thành một tín đồ của Đạo Phật như bà đã tuyên bố: “Ta là công chúa Quỳnh Hoa ở Cung Tiên thấy Đạo Phật từ bi, nên muốn quy y tụng niệm”2. Có lẽ vì câu chuyện này mà trong các chùa làng hiện nay thường đưa ban thờ Mẫu vào thành một gian với lý do Mẫu đã quy y theo Phật và là Phật Mẫu.

Tam phủ thờ cả Ngọc Hoàng Thượng đế, Nam Tào – Bắc Đẩu, Ngũ vị quan lớn, Tứ vị chầu Bà

Trong kết cấu của các ngôi chùa hiện nay ở đồng bằng bắc bộ, chúng ta thấy chùa thường gồm ba phần: phần thờ Phật (ở gian chính), phần thờ Mẫu và phần thờ thần thánh. Nó có thể bài trí theo hướng hoặc tiền thần hậu Phật hoặc tiền Phật hậu thần hoặc cả ba ngang hàng với nhau trong một tổng thê bình đẳng nhưng vẫn có sự phân biệt chính phụ.

Như vậy, có thể thấy rằng việc Phật giáo hoà trộn với tín ngưỡng dân gian nói chung, tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng, bên cạnh đặc điểm về giáo lý của Phật giáo, không thể không xem xét đến nhu cầu tâm linh của người Việt. Chính việc tiếp nhận tín ngưỡng thờ Mẫu vào nội dung của mình thông qua truyền thuyết về Man Nương và Liễu Hạnh đã phần nào đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển bền vững của ngôi chùa trong đời sống tâm linh ở cộng đồng người Việt.

Chú thích:

  1. Dẫn theo Trần Ngọc Thêm, Sđd, tr 452.

     2. Bùi Hạnh cẩn- Lê Chân (1993), Chợ Viềng và hội Phủ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr 81

(Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 2)

Bình luận
Tin cùng chuyên mục