Phật học vấn đáp – Công đức và Phúc đức

Mỗi khi thấy người khác làm các Phật sự, làm các việc thiện, hoặc cúng tiền vào các “Hòm công đức” ở chùa chiền đền miếu… chúng ta thường tán thán là người đó được nhiều công đức, đã làm được vô lượng công đức, đã làm việc phúc đức.. Vậy Công đức và Phúc đức khác nhau như thế nào?

Trong cách hiểu thông thường của thế gian, Công đức và Phúc đức có chung một ý nghĩa. Dân gian hay dùng Phúc đức, trong đạo Phật hay dùng Công đức. Tuy nhiên theo Phật pháp, Phúc đức và Công đức là hai phạm trù có mức độ khác nhau về nội dung, công năng và hiệu quả.

Phúc đức. Trong đời sống hàng ngày, thấy ai đó giầu sang, gia đình hòa thuận hạnh phúc, ta nói người đó có Phúc đức; Thấy ai thường hoan hỉ bố thí, giúp đỡ người khó khăn hoạn nạn, nhiệt tình đóng góp nhân lực và tài lực vào việc công ích như xây cất chùa miếu, ấn tống kinh sách, làm cầu, sửa đường, làm bệnh xá, xây trường học… thì nói người đó đang làm việc thiện để lại Phúc đức cho con cháu. Theo Phật giáo, tất cả những việc làm thế gian đem lại lợi ích cho nhiều người, tất nhiên sẽ đem lại cho chúng ta nhiều Phúc đức.

Tuy nhiên, Phúc đức chỉ có công năng giúp chúng ta giảm thiểu nghiệp chướng, tiêu trừ quả báo, để được tai qua nạn khỏi, để được may mắn và sung sướng trên đường đời, bớt chướng ngại trên đường Đạo, chứ không giúp chúng ta thoát ly khỏi vòng trầm luân sinh tử (con người hưởng Phúc vẫn còn trong Lục đạo luân hồi, khi thụ hưởng hết Phúc rồi thì bị đọa lạc để đền trả quả báo). Mặt khác, dù có Phúc thì được hưởng giàu sang, có nhiều của cải quyền thế được hưởng thụ vật chất đầy đủ, nhưng hưởng Phúc mà không biết tiết  kiệm, tu bồi Phúc thì cũng có ngày hết Phúc, phải chịu khổ đau trong vòng luân hồi sinh tử. Hơn nữa, do có Phúc được hưởng giầu sang dễ khiến tâm si mê tham chấp cầu mong được “trả công nhiều hơn”, khiến tâm ngã mạn “khen mình khinh người”… tăng thêm, như vậy có Phúc, làm Phúc mà càng thêm tổn Phúc.

Công đức. Theo lí Nhân Quả của Phật pháp thì Phúc đức là Quả còn Công đức là Nhân. Cũng cần chú ý, biện chứng của Phật pháp luôn nhấn mạnh: Trong Nhân có Quả, trong Quả có Nhân. Cắt nghĩa từ “Công đức”: Có bỏ ra công sức và trí tuệ, chịu hi sinh thiệt thòi về tiền của thì mới gọi là có Công, có tạo Nhân; Nhưng việc làm đó có đem lại lợi ích, đem lại an lạc cho người khác thì mới có Đức, mới tạo được Nhân “Công đức” trọn vẹn theo đúng chính pháp, nhận được Quả báo “Phúc đức” tốt đẹp ở đời này và đời sau. 

Trong kinh Pháp bảo đàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng: “Trong tâm khiêm tốn là công. Ngoài hành lễ phép là đức” (內勤劾念之功,外弘不争之德 Nội cần khắc niệm chi công. Ngoại hoằng bất tranh chi đức). Nghĩa là: “bên trong”  phải chú tâm chuyên cần loại trừ những tâm niệm kiêu ngạo, tật đố, ngã mạn, ganh tị, đố kỵ, khen mình khinh người…, để đạt được tâm niệm khiêm tốn, nhún nhường, tùy hỷ Công đức; Còn “bên ngoài” phải thực hành lễ phép, cung kính, tôn trọng tất cả mọi người, không thành kiến, không kỳ thị, không tranh cãi, không hơn thua, không thị phi, không ỷ mình là kẻ trên người trước, kẻ có nhiều công lao, kẻ có nhiều tài năng, kẻ làm được nhiều việc không ai bằng… Như vậy chúng ta có đượctrọn vẹn “Công đức”.

Theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa Bắc tông, những việc làm Công đức theo đúng chính pháp như trên không phải chỉ là làm lợi lạc cho người khác mà còn có ý nghĩa quan trọng hơn là đem lại lợi ích cho chính mình trên con đường giải thoát. Lấy ví dụ Công đức Bố thí, hạnh đứng đầu trong Lục độ Ba-la-mật của Bồ-tát đạo (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định, Trí tuệ) để làm rõ hơn ý nghĩa và công năng của Công đức đối với người Phật tử.

Phật giáo cho rằng, mục đích tối hậu của mỗi suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta là nhắm tới giải thoát cho mình và cho mọi người, do vậy, phải căn cứ vào mục đích tối hậu đó để xác định là Công đức hay không phải là Công đức. Như vậy, làm Công đức không phải theo quan niệm đạo đức thế gian “Thi ân bất cầu báo” (Làm ân không cần báo đáp), mà chính là để “Lợi cho người và cũng lợi cho mình”. Nhiều người nghĩ rằng, chỉ cần bỏ tiền vào hòm công đức là mình đã “làm công  đức” và càng bỏ nhiều nơi, nhiều “cửa”, nhiều tiền thì Công đức sẽ càng “dày”. Khi người ta hiểu sai bản chất của niềm tin, của việc làm, sẽ dẫn tới có những hành động thái quá hoặc ỷ lại (vì mình đã làm nhiều công đức).

Chẳng hạn, đối với Người thí, hay còn gọi là Thí chủ. Nếu người thí coi mình như người ra ân và ở bên trên ban xuống cho người nhận thí hay người thụ ân thì như vậy chỉ là một hành động thiện cùa thế gian chứ chưa phải là Công đức thiện – Công đức Bố thí. Phật pháp đòi hỏi thí chủ (người thí) phải có tâm “Thâm tín Nhân Quả”, cho nên còn gọi là Tín thí[1], tức là mình làm việc bố thí, cúng dường này là vì có tâm xác tín vào luật Nhân Quả, vì hạnh từ bi, và mong cầu được quả báo tốt đẹp trên con đường giải thoát. Do vậy, người hành thí phải với tâm tôn trọng người nhận thí (gọi là “Tôn trọng thí”) mới nhận được quả báo người khác tôn trọng mình; Muốn nhận được quả báo giầu sang thì phải tự tay mình hành thí (gọi là “Tự thủ thí”); Muốn được quả báo đến ngay khi mình cần đến thì phải hành thí đúng lúc người ta cần (gọi là “Ứng thời thí”); Và, muốn được quả báo giầu có lâu bền thì vật thí phải hoàn hảo và không gây khó khăn phiền hà cho người nhận (gọi là “Vô tổn thí”).

Thông thường, theo quan niệm thế gian, chúng ta cho rằng người nhận thí là người tội nghiệp đáng thương, là người cần đến mình, phải phụ thuộc mình… nhưng Phật giáo gọi Người nhận thí là “Điền”, là nơi gieo trồng hạt giống Công đức. Ví dụ cho Công đức Bố thí như việc gieo trồng: Thí chủ có tâm tốt không tham và có hành động xả ra cho (như gieo hạt giống), và người nhận thí như đất ruộng. Dù chúng ta có tâm tốt đến đâu, vật có quí tốt đến đâu nhưng nếu không có người nhận thí thì công việc bố thí cũng không thành tựu, không thể có Công đức Bố thí và quả báo bố thí.

Hơn nữa, “Điền” không phải chỉ là những người nghèo khổ bất hạnh hay vô phúc, mà còn bao gồm cả những người có ân với mình, có công công đức hơn hẳn mình, và cả những bậc công đức vô lượng vô biên. Cho nên, có bốn loại “Điền”: Các loại hữu tình gọi là “Thú điền”; Người cô cùng nghèo khổ, bệnh tật… gọi là “Khổ điền”; Người có ân với mình, như cha mẹ, thầy dạy… gọi là “Ân điền”; Các bậc thánh gọi là “Đức điền”, hay “Phúc điền”. Như vậy, dù bố thí với tâm rất hoàn hảo và với phẩm vật rất tốt đẹp, nhưng tùy theo bố thí cho loài người, loài vật, hay bậc Phật, Thánh, Bồ-tát… (gọi là “cúng”, “cúng dường”) mà dẫn tới công đức và quả báo khác nhau. Ví như, cùng người gieo hạt và hạt giống như nhau nhưng chất lượng ruộng đất (điền) khác nhau dẫn tới chất lượng hoa trái khác nhau. Trên ý nghĩa ấy, nơi Tam Bảo, một ngôi chùa, một Tự viện, một cơ sở giáo dục đào tạo Phật giáo… tồn tại từ bao đời nay tùy thuộc vào sự tùy hỉ bố thí cúng dường của thập phương tín thí, và là “Phúc điền” chính yếu của thế gian.

Người Phật tử đến với đạo Phật có hai hình thức là xuất gia và tại gia. Người xuất gia nguyện suốt đời theo lí tưởng Giác ngộ – Giải thoát, trên cầu thành Phật, dưới cứu độ chúng sinh, một lòng hi sinh vì Tam Bảo. Với Phật tử tại gia, ngoài trách nhiệm với gia đình và xã hội, cần phải nỗ lực tinh tấn từng bước thấu hiểu lí Nhân Quả – Nghiệp Báo, tùy theo điều kiện, cầu tự giác chuyển hóa khổ đau khi đối diện trước nghịch cảnh của cuộc đời, cầu tự giác phát tâm bố thí cúng dường, từng bước chuyển nghiệp theo chiều hướng tích cực, đem lại lợi lạc cho cá nhân và cộng đồng ở đời này và đời sau.   

Nam mô a di đà phật

Giác Quần


[1] TÍn thí) có hai nghĩa: Tín đồ cho, dâng cúng; Tín tâm, hoan hỉ mà cho, dâng cúng.

Bình luận
Tin cùng chuyên mục