Sự kết tập kinh điển Đại – Tiểu thừa Phật giáo
Hỏi: Sau khi Phật nhập Niết bàn bao lâu thì kinh điển Phật được kết tập? Cả kinh Đại thừa và Tiểu thừa cùng kết tập một lúc hay có trước sau?
Đáp: Các kinh Đại thừa Liễu nghĩa và kinh Tiểu thừa không kết tập một lượt, nay các nước Tiểu thừa không công nhận có Đại thừa. Năm 1974, tôi đi thăm Thái Lan hơn một tháng, gặp các sư Thái Lan và Tích Lan. Nước Tích Lan lấy Phật giáo làm quốc giáo, tất cả quan chức đều là Phật giáo đồ, nhưng không biết có Phật A Di Đà, luôn cả hiệu Phật cũng không biết? Lại nữa Tu sĩ các nước Tiểu thừa chỉ thọ giới Tỳ kheo, không thọ giới Bồ tát.
Trước kia, Phật thuyết pháp Tiểu thừa bằng tiếng Pali, tiếng Pali là tiếng địa phương, chỉ có âm, không có chữ! truyền đến Thái Lan thì dùng chữ Thái viết ra kinh Pali, truyền đến Tích Lan cũng vậy. Ngoài ra, nước Campuchia, Lào v.v … đều dùng chữ của nước họ viết ra Kinh Pali. Còn Phật thuyết Đại thừa bằng tiếng Phạn.
Chớ nói giữa kinh Đại thừa và Tiểu thừa có sự khác biệt, chỉ nói trong Kinh Tiểu thừa thôi cũng có khác. Lúc kết tập Tiểu thừa thì giống nhau, sau đó chia thành hai bộ, tức Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ; hai bộ đó lại chia thành 9 bộ phái và 11 bộ phái, thành ra Tiểu thừa có 20 bộ phái khác nhau, nhưng tất cả đều không thừa nhận có Đại thừa.
Cũng như nay ở Đại học Vạn Hạnh Việt Nam, Hòa thượng Thích Minh Châu dạy về pháp Tiểu thừa, lấy Kinh Pali làm Đại Tạng Kinh, trong đó không có kinh Đại thừa. Còn trong Đại Tạng Kinh của Đại thừa thì bao gồm cả Đại, Trung, Tiểu thừa.
Nay chỉ nói về ngày Đản sinh của Phật Thích Ca, cũng có mấy mươi thuyết khác nhau, đến gần đây, Hội Phật giáo thế giới họp tại Campuchia mới thống nhất ngày lễ Phật Đản vào 15 tháng 04 Âm lịch, còn ở Trung Quốc thì mùng 08 tháng 04 Âm lịch.
Về Phật lịch, tính theo Thiền tông thì năm nay là 3021 năm, còn theo Phật lịch Tiểu thừa là 2537 năm, chênh lệch cả mấy trăm năm.
Có phật tử hỏi tôi về Phật lịch, rốt cuộc là 2537 năm? Hoặc như Kinh Pháp Hoa nói là từ vi trần kiếp trước? Hoặc 3021 năm? Cái nào đúng? Tôi nói: Nói đúng thì tất cả đều đúng, hễ nói sai thì tất cả đều sai. Chính đức Phật đã nói là “Vô thỉ”, tức chẳng có sự bắt đầu, cũng là nghĩa vô sinh. Nếu có sự sinh khởi, tức phải có bắt đầu vốn là chẳng có sự sinh khởi làm sao có bắt đầu? Chẳng những con người không có sự bắt đầu, tất cả vũ trụ vạn vật đều không có lý bắt đầu.
Nhưng nay chúng ta thấy có sự sinh diệt rõ ràng, có sự bắt đầu rõ ràng, vậy cái bắt đầu đó từ đâu? Phật nói ấy là do bệnh nhặm mà thấy có hoa đốm trên không. Cũng trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật nói với A Nan:
– Nay ngươi thấy có ngươi có ta, thấy núi sông đất đai, vũ trụ vạn vật, đều là bệnh đã thành từ vô thỉ, do tâm tạo mới có.
Sự thật chẳng phải là không có, chỉ là không có sự bắt đầu; không có sự sinh khởi chứ chẳng phải đoạn diệt hoàn toàn chẳng có gì cả.
Thiền sư Thích Duy Lực