Tranh “Thập mục ngưu đồ” trong Phật giáo mang ý nghĩa gì?

Bạn Thanh Hà, phố Nguyễn Khắc Cần (Hà Nội) hỏi:Vào chùa, xem lịch và đọc sách tôi thấy có vẽ 10 cảnh chú bé chăn trâu (Thập mục ngưu đồ), mong quý Tạp chí cho biết về nguồn gốc và ý nghĩa của những bức tranh đó?

Trả lời: Với người Việt, con trâu là hình ảnh của sự cần cù, nhẫn nại và cam chịu, “con trâu là đầu cơ nghiệp”… Trong chuyện dân gian Lục súc tranh công (trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn tranh nhau kể công tố khổ với chủ) con trâu được coi là vất vả và bị đối xử bất công nhất, nhưng trâu cũng trình bày có lý có tình với lời lẽ ôn tồn nhất. Có lẽ vì thế mà từ xa xưa trong chốn già lam đã xuất hiện nhiều bộ tranh chăn trâu do các cao tăng dựa vào kinh điển sáng tác ra, nhằm dụ cho việc tu hành truyền dạy cho chúng tăng.

Về xuất xứ và ý nghĩa của tranh chăn trâu còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất giữa các nhà nghiên cứu, có thuyết cho là có 4 bức, có thuyết cho là 5 hay 6 bức v.v… phản ánh những chủ trương, biện pháp khác nhau trong tu tập và chứng nghiệm. Đại để, phổ biến hơn cả là bộ Mười bức tranh chăn trâu (Thập mục ngưu đồ) tương truyền do Thiền sư Khuyếch Am Sư Viễn thời Tống (1100-1200) sáng tác, trong quá trình phát triển, nội dung phản ánh hai khuynh hướng cơ bản trong tu tập là Đại thừa và Thiền tông. Tuy cách trình bày có khác nhau nhưng đều dùng trâu để dụ cho tâm thức.

1. KHUYNH HƯỚNG ĐẠI THỪA

1. Chưa chăn (vị mục), với hình ảnh dưới vầng mây đen, trâu dơ bẩn hung hăng chạy dẫm đạp lên lúa mạ (phá hoại điều thiện); 2. Mới chăn (Sơ điều), mục đồng nắm dây chế ngự trâu, mây đen biến mất; 3. Chịu khuất phục (thụ chế), trâu bị giơ roi dọa và dắt đi, đầu trâu đã sạch, vầng trăng xuất hiện từ xa; 4. Quay đầu lại (Hồi thủ), trâu biết quay đầu lại với người chăn, cổ đã sạch nhưng vẫn bị ràng buộc bởi dây ở mũi, vầng trăng cũng xuất hiện nhưng không có mây trắng; 5. Đã thuần hóa (Thuần phục), trâu sạch hai chân trước và ngửa mình, mục đồng chỉ cầm roi và dây (không còn cột vào mũi nữa) để dè chừng; 6. Hết e ngại (Vô ngại), trâu đã sạch toàn thân, người chăn ngồi chơi thổi sáo, trâu nằm lắng nghe, không có trăng; 7. Tự nhiên (Nhậm vận), trâu và người đều ở trạng thái tự nhiên ngủ nghỉ; 8. Cùng quên (Tương vong), trăng sao xuất hiện trong mây trắng, trâu và người đều không lệ thuộc vào nhau; 9. Độc chiếu, chỉ còn một mình mục đồng với trăng sao và ít mây trắng; 10. Song dẫn, chỉ còn vầng trăng lớn và sáng

2. KHUYNH HƯỚNG THIỀN TÔNG

Theo quan điểm của Thiền tông, tu là “tiệm”, tức là tu tập Thiền phải có quá trình từ từ theo thời gian nhưng chứng là “đốn”, là chứng ngộ đột ngột bất ngờ, đạt chứng rồi trở về trạng thái an nhiên tự tại, tu như không tu, chứng như không chứng… Bộ tranh Thập mục ngưu đồ của Thiền tông cũng được trình bày theo thứ bậc ấy.

Từ bức thứ nhất đến bức thứ 6 (với các tên Tầm ngưu – tìm trâu, Kiến tích – thấy dấu, Kiến ngưu – thấy trâu, Đắc ngưu – được trâu, Kị ngưu quy gia – cưỡi trâu về nhà) thuộc Tâm hữu vi: Chú mục đồng đi tìm trâu rồi thấy dấu vết của chân trâu lờ mờ hiện ra; trâu vẫn đấy, tìm sẽ thấy; thấy trâu rồi sợ mất trâu, không dám xa lìa, phải nắm chắc sợi dây để giữ trâu; trâu cũng thuần hóa dễ dàng, mục đồng yên chí dắt trâu ngoan ngoãn về nhà miệng thổi sáo hân hoan…

Bức thứ 7 và thứ 8 (Vong ngưu tồn nhân – quên trâu còn người; Nhân ngưu câu vong – trâu và người đều quên) là thuộc Tâm vô vi, tâm ta không còn sự biện biệt mất – còn, đi – về, đạt đến cõi tĩnh lặng tự nhiên, không còn tạp niệm, chỉ có một tinh nguyên trong suốt và chân không tuyệt đối…

Bức thứ 9 và thứ 10 (phản bản hoàn nguyên – trở về nguồn cội, nhập triền thùy thủ – thõng tay vào chợ) nhưng niềm vui trần thế vốn không làm ta vui trọn vẹn vì sự hư hao mất – còn của nó, và sự trống vắng đến tột cùng trong cõi tĩnh lặng hư vô… khiến lòng ta xao xuyến với trần gian. Thế là mục đồng hoát nhiên đại ngộ, chứng đắc Tâm an vi: trở về với nguồn cội, trở về với đất trời và với cuộc đời, với tâm bình thường, hòa quang đồng trần, làm mà như không làm, tu mà như không tu (cơ tắc san hề khốn tắc mien – hễ đói thì ăn mệt ngủ liền…), không chấp trược phân biệt (đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền). Quá trình tu – chứng đã đạt tới cứu cánh.

GIÁC QUẦN

Bình luận
Tin cùng chuyên mục