Chùa Diên Hựu thời Lý – Lộng lẫy dưới sự phục dựng 3D
Chùa Diên Hựu – dân gian quen gọi chùa Một Cột là một kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong viên lâm phía tây Hoàng thành thời Lý (thuộc khu vực vườn Bách Thảo và Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay). Dựa vào cảnh quan tự nhiên nơi đây, người ta đào hồ đắp núi, trồng cây cối hoa lá, thả chim muông làm thành một khu vườn lớn riêng cho vua quan hoàng tộc nhà Lý tới chiêm ngưỡng bái Phật.
Những hình ảnh thân quen của chùa Một Cột mà người Việt và khách quốc tế biết đến lâu nay, là bản phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng với phong cách đời Nguyễn chứ không còn nguyên bản như thời Lý, sau khi chùa bị đánh mìn vào ngày 9/11/1954.
Từ hàng nghìn mảnh vỡ khảo cổ, hiện vật còn sót lại, lần đầu tiên công chúng có thể chiêm ngắm hình ảnh cổ xưa của chùa Một Cột và bước vào không gian di sản kiến trúc vàng son thời Lý 800 năm trước. Những hình ảnh kiến trúc 3D này là kết quả nghiên cứu của nhóm SEN Heritage, kế thừa từ các học giả tiền bối. Nhóm đã phỏng dựng tổng thể chùa Diên Hựu và kiến trúc chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ số hóa thực tế ảo (VR3D). Phỏng dựng lại mới chỉ là giả thuyết từ việc nghiên cứu các hiện vật và sử liệu, cho rằng Liên hoa đài (chùa Một Cột) trong tổng thể chùa Diên Hựu là tượng trưng cho vũ trụ quan Phật giáo – thể hiện cho một Mandala hình dung về cấu trúc vũ trụ (cửu sơn bát hải vây quanh, chính giữa là ngọn núi Tu Di có toà sen nơi Đức Phật ngự). Giả thuyết này, vẫn cần được chứng thực thêm bằng các phát hiện về cứ liệu lịch sử và tôn giáo.
Hãy cùng chiêm ngưỡng những nét vàng son một thời của ngôi chùa đem lại sự “tốt lành dài lâu” (Diên Hựu) – một công trình kiến trúc đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, là biểu tượng nổi tiếng bậc nhất của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội nghìn năm văn hiến: