Chùa Thiên Mụ

TT. THÍCH THANH HUÂN

Chùa Thiên Mụ (Linh Mụ tự) toạ lạc trên ngọn đồi Hà Khê phía tả ngạn sông Hương, thuộc xã Hương Long, Thành phô’ Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về phía Tây. Chùa do chúa Nguyễn Hoàng kiến thiết vào năm 1601, khi ông mới vào lập nghiệp tại Thuận Hoá.

Thiên Mụ gắn liền với huyền thoại bà Tiên áo đỏ được lưu truyền rộng rãi. Bởi vậy chùa có tên là Thiên Mụ (bà Tiên trên trời).

Đầu thế kỷ XVII để tránh sự kìm hãm của Trịnh Kiểm, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ đất Thuận Hoá để gây dựng cơ đồ riêng. Nhân khi đi du ngoạn, đặt chân đến nơi đây thấy giữa chốn đồng bằng có một gò đồi cao như hình con rồng đang quay đầu trông lại, phía trước trông ra sông, phía sau liền với hồ, cảnh trí non nước thơ mộng. Trên đồi cao ngắm nhìn bốn phía xung quanh, chợt thấy một rãnh nước cắt ngang dưới chân đồi, liền hỏi những người dân trong vùng duyên cớ vì sao lại có rãnh nước cắt ngang chân đồi. Nguời dân địa phương kể rằng: Núi này rất thiêng, đời nhà Đường có vị tướng Trung Hoa là Cao Biền thường đi khắp nước Nam xem nơi nào có vượng khí linh thiêng thì cắt yểm đi. Khi biết đồi này có một vị nữ thần thường xuất hiện, Cao Biển liền cho đào một con rãnh ở phía sau để cắt Long mạch khiến về sau khí thiêng không tụ lại được.

Vì vậy mà nữ thần từ đó biến mất. Một đêm có người nằm mộng thấy một bà già đầu tóc bạc phơ, mặc áo đỏ quần xanh ngồi ở đỉnh đồi, nói với người ấy rằng: Sau này sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa thờ Phật, lấp lại mạch đất của đồi, thu góp khí thiêng để giữ gìn long mạch. Như vậy, nhân dân mới yên ổn, đất nước mới phồn vinh.

Nói xong thì bà Tiên biến mất. Từ đó dân chúng trong làng gọi tên núi ấy là Thiên Mụ sơn hay là Bà nhà trời. Chúa Tiên nghe xong mừng rỡ, tự cho mình là chân chúa, bèn dựng chùa đặt tên là chùa Thiên Mụ.

Thực ra, trước lúc Chúa đến đất Hà Khè đã có chùa rồi. Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An vào giữa thế kỷ 16 (đời nhà Mạc) đã từng nói đến ngôi chùa Thiên Mỗ (hay Thiên Mộ), chứng tỏ là ở nơi đây từ xa xưa đã có chùa, nhưng đến khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá mới cho xây dựng lại quy mô: “Chùa Linh Mụ ở phía Nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, nóc ở đỉnh núi, chân gối dòng sông, tưởng như gang tấc bên trên vượt hẳn ba nghìn thê’ giới. Những khách đăng lâm thưởng lãm bất giác lòng lành phát động, niềm tục sạch không, đúng là một cảnh trí non Bồng nước Nhược…”.

Toạ lạc ở nơi đắc địa, phong cảnh thoát tục hữu tình, nên từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng đến các triều đại nhà Nguyễn về sau chùa luôn được trùng tu hoặc xây dựng thêm các công trình.

Năm Ất Tỵ 1665, chùa được chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu lại khang trang hơn.

Cuối năm 1695, Hoà thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) ở Quảng Đông được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) mời sang hoằng dương chính pháp tại đây, chùa càng trở nên nổi tiếng và trở thành một trung tâm tu tập có ảnh hưỏng lớn đối với Phật giáo đất kinh kỳ xứ Huế.

Năm 1710, chúa Nguyễn cũng cho đúc một đại hồng chung, được đặt trong một ngôi nhà bát giác phía bên phải tháp Phước Duyên (nhìn từ trong ra). Chuông cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m, cân nặng 3.285 cân (tương đương 1.986 kg). Đây là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng rất đặc sắc của Việt Nam đầu thế kỷ XVIII. Thân chuông khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu “chú nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an” chạm nổi những hình ảnh rồng, mây, nhật, nguyệt, tinh tú, phần dưới khắc hình bát quái và sóng nưóc. Mặt trên quả chuông có 8 chữ “Thọ” khắc theo lối chữ triện,ỏ giữa thân chuông chia làm 4 khoảng, có khắc bài Minh của chúa Nguyễn Phúc Chu.

Những hình long, vân, nhật, tinh được chạm nổi; phía dưới khắc hình bát quái và sóng nước. Chuông có chiếc quai rất lớn đúc bằng đồng, hình sóng nước. Thân chuông được phân chia ra nhiều phần trang trí khác nhau.

Nhiều vòng song song được bô’ trí đều từ quai đến đáy chuông. Vòng thứ 1: Vòng trang trí hoa dây. Vòng thứ 2: Bốn đôi rồng chầu mặt nguyệt. Vòng thứ 3: Tám chữ Phúc. Vòng thứ 4- Vòng trang trí kỹ hà. Vòng thứ 5- Bài thơ của chúa Nguyễn. Vòng thứ 6 – Những đường song song trên có 4 vòng cao. Vòng thứ 7 – Hình hậu thiên bát quái. Vòng thứ 8 – Hình bát bửu. Vòng thứ 9- Hình sóng nước.

Tương truyền trong ngày rằm Phật đản, chú nguyện đúc chuông có hàng trăm quan viên Phật tử đến quy y, thọ giới đã phát tâm thả vào vạc nấu đồng rất nhiều vật quý giá. Quả chuông đã hàm chứa một lượng hợp kim đặc biệt và những giá trị

tâm linh của muôn người tạo nên âm thanh siêu thoát. Chuông này chỉ được đặt như một pháp khí của chùa, còn quả chuông vẫn được thỉnh hiện nay được đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815), đặt trên lầu chuông bên trái cổng Tam Quan, được thỉnh vào hai thời sáng sớm (3 giờ 30) và chiều tối (19 giờ 30). Mỗi lần thỉnh 108 tiếng chuông nhằm xóa đi 108 phiền não.

Năm 1714, Chúa Nguyễn Phúc Chu lại tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều công trình huy hoàng, tráng lệ. Theo những tài liệu ghi chép lại đã có 22 công trình xây dựng, đó là lần trùng tu qui mô nhất gồm: cổng tam quan, điện Thiên vương, điện Ngọc Hoàng, điện Thập Vương, nhà thuyết pháp, lầu Tàng kinh, lầu chuông, lầu trống, nhà Vân Thủy, nhà thiền, điện Đại Bi, điện Dược sư, tăng phòng.

Chúa lại cho mở an cư kiết hạ trong vườn Tỳ Da suốt 3 tháng, và cho người sang Trung Quốc thỉnh Tam Tạng Kinh, Luật, Luận Đại thừa hơn một ngàn bộ đem về lưu giữ tại chùa. Nguyễn Phúc Chu là người rất uyên thâm Phật học, là đệ tử dòng Tào Động đời thứ 30 pháp danh Hưng Long, tự Thiên Túng Đạo Nhân, ông là người đỡ đầu tích cực cho đạo Phật.

Bài ký khắc vào bia đá “ Ngự kiến Thiên Mụ” (nghĩa là chùa Thiên Mụ do vua xây dựng) cho thấy việc cai trị đất nước thấm nhuần đạo pháp của chúa : “Tôn sùng đạo Nho mà lại kính trọng đạo Phật, con đường chính trị lấy nhân nghĩa mà cưu mang sự nghiệp. Tín mộ đạo pháp, thờ trọng chân sư nên phải gieo trồng phúc đức. “Và dạy cho dân gieo trồng phúc đức” bằng đạo lý nhân quả.

Nhờ vậy đất nước thái bình, thân tâm an lạc”. Bài bia ký còn thể hiện sự liễu ngộ tinh thần Đại Thừa: “Thế giới Quang Minh Tạng, phúc báo gồm đủ, cả thiên hình vạn trạng… tất cả mọi thứ chói rạng ấy đều bắt nguồn từ một Quang Minh Tạng,… cả bốn phương đều chung một tự thể, chẳng có xa gần Phật tính chúng sinh tính đều trôi vào biển Trí Tỳ Lô già na”. Có phải vậy, mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã đủ tài đức “Giúp quốc gia dựng cảnh thái bình, hướng dẫn lương dân vào đường lạc nghiệp”.

Theo lời văn bia miêu tả cảnh chùa Thiên Mụ sau khi làm xong thì đây là công trình kiến trúc rất qui mô gồm: cổng Tam Quan, Thiên Vương điện, Ngọc Hoàng điện, Đại Hùng bảo điện, thuyết pháp đường, Tàng kinh lâu. Hai bên là lầu chuông và lầu trống, Thập Vương điện, Vân thuỷ đường, Trị Vi đường, Thiền đường, Đại Bi điện, Dược Sư điện, Tăng xá, Thiền xá… tất cả không dưới vài mươi sở. Phía sau có vườn Tỳ da, bên trong có phương trượng và các nhà khác đều được trang hoàng lộng lẫy, nơi đây chẳng khác một thế giới vàng son. Đặc biệt Chúa cho mở an cư kết hạ trong vườn Tỳ da và sai người sang Trung Hoa thỉnh hơn 1000 bộ kinh về lưu giữ tại chùa để phát triển thêm tư tưởng Phật giáo.

Hoà thượng Thạch Liêm đã tả cảnh chùa Thiên Mụ như sau: “Chùa này, tức vương phủ ngày xưa xung quanh có trồng nhiều cây cổ thụ, quay mặt ra bờ sông, trước chùa ngư phủ, tiều phu tấp nập sớm chiều qua lại. Trong chùa cột kèo chạm trổ rất tinh xảo”.

Cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh, chùa Thiên Mụ bị tàn phá nặng nề, hoang tàn đổ nát, một thời gian dài không có sư trụ trì. Mãi đến năm ất Hợi(1815) thời Gia Long chùa mới được tu sửa.

Theo sách Dư địa chí xuất bản năm thứ 3, Dung Tân cho biết,_vào năm Gia Long 14, nhà vua ra lệnh xây dựng lại chùa Thiên Mụ: ở chính giữa là ngôi Đại Hùng bảo điện, hai bên tả hữu là hai toà nhà phụ thuộc, tiếp theo hai ngôi điện có tên là Di Lặc điện và Quan Âm điện; phía sau có các nhà Pháp bảo, Thập Điện Diêm Vương; cổng chùa có tên là Nghi Môn, hai bên có lầu chuông – lầu trống… Quần thể kiến trúc được bao quanh một vòng tường lớn với tám cửa ra vào.

Thời Minh Mạng, nhà vua đã tổ chức nhiều lễ cầu siêu tại chùa Thiên Mụ.

Năm 1884, để kỷ niệm bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (vợ vua Gia Long) thọ 80 tuổi, vua Thiệu Trị đã cho xây dựng nhiều công trình quy mô: xây thêm tháp Phước Duyên, đỉnh Hương Nguyện, dựng hai tấm bia khắc thơ văn của nhà vua.

Tháp Phước Duyên là công trình kiến trúc đặc biệt là biểu tượng của Tháp miền Trung. Tháp hình bát giác cao 7 tầng , mỗi tầng có một mái nhỏ chìa ra với những đường nét trang trí khá tinh vi, đều đặn và sinh động lạ thường. Mỗi mặt có một của cuốn khá lớn hình chữ nhật nhưng chung quanh có nhiều mô hình long nguyệt. Trên cùng là một mái nhỏ 8 cạnh. Chính giữa có trang trí một hình nậm rượu có mũi nhọn. Chung quanh có những mô hình vân vũ.

Tháp Phước Duyên

Trong tháp có hệ thống bậc thang xây cuốn để lên tháp, khi đến tầng 7 thì phải dùng thang di động. Các tầng tháp thờ 7 vị Phật khác nhau. Tầng thứ nhất thờ Phật quá khứ Tì Bà Thi; tầng thứ hai thờ Phật Thi Khi; tầng thứ ba thờ Phật Thi Xá Phù; tầng thứ tư thờ Phật Câu Lưu Tôn; tầng thứ năm thờ Phật Câu Na Hàm Mâu Ni; tầng thứ sáu thờ Phật Ca Diếp; tầng thứ bảy thờ Trung Nhiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật có hai Tôn giả Ca Diếp và Tôn Giả An Nan đứng hầu bên cạnh. Bảy tượng Phật ở tầng trên cao lớn hơn tượng Phật ở tầng thấp. Tượng Phật Tì Bà Thi ở tầng dưới cùng nặng 25kg, tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ở tầng thứ 7 nặng đến 300kg. Từ cửa sổ của tầng 7 người ta có thể nhìn quang cảnh đồng bằng xung quanh.

Sử sách thời đó chép như sau: “Vua cho xây trước cửa một tháp cao 5 trượng 3 thước 2 tấc (21,2m) đặt tên là Từ Nhân tháp. Năm sau 1885, lại đổi tên thành Phước Duyên bảo tháp và trước tháp có xây dựng thêm một đình gọi là Hương nguyện đình, trên đỉnh của đình có bánh xe pháp luân, xoay chiều theo gió thổi. Bài minh của vua Thiệu Trị còn được lưu lại ở bia đá như sau:

“Với ước vọng nối nghiệp các công trình lớn của Tiên đế để làm cho toả ánh hào quang. Ta đã xây lên 7 tầng tháp này. Đứng trên đỉnh tháp, mắt nhìn sơn thuỷ mà lòng ta sung sướng”.

Tháp chùa Thiên Mụ là một kiệt tác hài hoà với thiên nhiên đứng soi mình trên dòng sông Hương duyên dáng, làm tôn nét đẹp của quần thể các công trình kiến trúc trong khuôn viên chùa Thiên Mụ.

Đặc biệt, trong chùa có hai bia cổ của Minh Vương và của Thiệu Trị.

Để kỷ niệm các công trình xây dựng chúa Nguyễn đã cho dựng lên một bia đá có chiều cao 2m6, chiều rộng 1 m25. Bia được đặt trên một con rùa bằng đá cẩm thạch dài 2,2m, rộng 1m6 được trạm trổ uyển chuyển, tinh vi. Bộ tác phẩm bằng đá này mang giá trị cao về nghệ thuật của thời các chúa Nguyễn.

Thời Thiệu Tri đã trùng tu chùa Thiên Mụ nhiều lần. Nhà vua đã cho dựng hai bia đá bằng cẩm thạch, đặt trên đế rộng cũng bằng cẩm thạch có kích thước và trang trí giống nhau. Các nét điêu khắc trên bia giản dị. Bia bên phải khắc một bài văn của vua Thiệu Tri viết về việc xây dựng tháp Phước Duyên. Bia bên trái là các bài thờ do nhà vua sáng tác và ca ngợi chùa.

Từ sau thời Thiệu Trị, chùa Thiên Mụ tiếp tục được trùng tu vào các thời vua Thành Thái và Khải Định.

Năm Giáp Thìn(1904) một trận bão dữ dội đã gây cho chùa nhiều thiệt hại nặng nề, trong đó có đình Hương Nguyên một công trình kiến trúc ba gian bằng gỗ chạm khắc rất tinh xảo của thời Thiệu Trị bị sụp đổ.

Sau đó ba năm(1907) vua Thành Thái đã cho trùng tu ngôi chùa. Đình Hương Nguyên được đem vào dựng tại nền điện Di Lặc để thờ Đức Địa Tạng, hiện nay bộ sườn của đình vẫn được bảo lưu. Đây là nguyên mẫu của một ngôi nhà tứ giác độc đáo của hơn 150 năm trước.

Năm 1920, vua Khải Định lại cho dựng bia đá gần tháp Phước Duyên để khắc một bài thơ ngự chế ca ngợi cảnh chùa.

Những năm 1943 – 1945 chùa Thiên Mụ lâm vào cảnh hoang tàn đổ nát, đến cuối năm 1957 mới lại được tu sửa. Trong đợt này, phần lớn các bộ phận kiến trúc trong Điện Phật được thay thế bằng bê-tông và phủ bên ngoài một lớp sơn giả gỗ.

Đến mùa xuân năm 1968 chùa Thiên Mụ đã trở lại với diện mạo phong quang tươi đẹp như xưa nhờ công lao của Hoà thượng trụ trì Thích Đôn Hậu cùng tăng ni, Phật tử xa gần đứng lên đóng góp hưng công xây dựng.

Xưa nay, bất cứ ai đến viếng cảnh chùa cũng đều thừa nhận người chọn vị trí làm chùa có trình độ thẩm mỹ rất cao. Kiến trúc ngôi chùa có phần nào ảnh hưởng mô típ xây dựng của Trung Hoa, nhưng việc phân bố các khu vực kiến trúc được lồng trong một ngoại cảnh thiên nhiên nên thơ tĩnh mịch. Không gian và kiến trúc tạo nên sắc thái riêng tiêu biểu cho ngôi chùa của Phật giáo miền Trung, u tịch trầm lắng, giải thoát tục lụy của thế nhân, nhưng lại gần gũi với nhân sinh, vũ trụ.

Chùa Thiên Mụ bảo lưu được những cổ vật có giá trị văn hóa nghệ thuật như Tượng Phật, Đại Hồng chung, Khánh đồng, hoành phi câu đối văn bia đá khắc ghi dấu Ấn lịch sử. Đặc biệt nơi đây còn là nơi lưu Tôn ảnh và chiếc xe hơi của Hoà thượng Thích Quảng Đức, một vị Bồ Tát đã xả thân đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, cho sự tồn vong của đạo pháp. Từ xưa, Thiên Mụ đã được liệt vào là một trong hai mươi thắng cảnh của đất Thần kinh, bởi nét đẹp hài hòa đến mức hoàn chỉnh của kiến trúc với thiên nhiên, tạo lên sự uy nghiêm cổ kính, cảnh trí thanh thoát, xứng đáng là một danh lam thắng cảnh của đất nước.

Bình luận
Tin cùng chuyên mục