Cố Đại lão HT. Thích Thanh Tứ – Vị Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Khuông Việt
CS. QUẢNG TUỆ
Nhân dịp Tạp chí Khuông Việt online ra mắt ngày 21/09/2021 sau 15 năm xuất bản Tạp chí Khuông Việt bản in, xin được đăng lại bài viết tưởng niệm Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Tứ, thành kính tri ân công đức vị Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí!
Tôi có duyên may lớn là ngay từ khi mới “lơ ngơ” theo anh bạn ra chùa Quán Sứ lại được quen biết và trực tiếp làm việc với Cố Đại lão Hòa thượng từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ trước, qua hai Phật sự là được giúp việc cho Học viện Phật giáo Việt Nam – tại Hà Nội và Tạp chí Khuông Việt, đến khi Hòa thượng xả thân tứ đại nhẹ bước về nơi Lạc Quốc. Tôi vẫn thường cảm ơn sự may mắn của cuộc đời đã cho mình có được ân tri ngộ đó.
Thế gian thường nói “Cái quan định luận” (Khi quan tài đóng lại rồi thì mới có thể có được những đánh giá công bằng đối với người quá cố). Thấm thoắt đã sắp tới tuần lâm tiểu tường, ngồi trước bàn phím máy tính, biết bao sự kiện buồn vui của hơn 20 năm được làm việc cùng Hòa thượng cứ ùa về trong tôi, không biết bắt đầu từ đâu, viết về cái gì… dường như bất lực trước con chữ. Bởi vì, như người xưa nói: “Ngôn ngữ đạo đoạn”, tức là lường trước cái khó khăn của người viết khi phải dùng cái hữu hạn của ngôn từ khái niệm để diễn đạt cái vô hạn của tư tưởng tình cảm.
Đã, đang, và chắc chắn sẽ còn nhiều trang viết về Cố đại lão Hòa thượng, một Danh tăng – Nhà hoạt động xã hội xuất sắc trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại. Với cái nhìn hạn hẹp của một cá nhân tài sơ đức bạc, xin ghi lại đôi dòng kỉ niệm về Ngài, với tư cách là người sáng lập – vị Tổng biên tập đầu tiên của Tạp chí Khuông Việt. Theo tôi, việc quyết định cho ra Tạp chí là cơ quan ngôn luận của Học viện Phật giáo Việt Nam – tại Hà Nội, lấy tên là Khuông Việt và trực tiếp lãnh đạo Tạp chí cho đến khi viên tịch, chỉ là một trong muôn vàn những việc làm của Cố Đại lão Hòa thượng đối với Phật giáo Việt Nam, thể hiện đức Bi – Trí – Dũng của nhà Phật.
Năm 2007, Học viện Phật giáo mới được chuyển từ chùa Quán Sứ lên địa điểm mới Sóc Sơn, công việc rất bộn bề. Tháng 5 năm 2007, vào cuối buổi họp Hội đồng Điều hành Học viện, Thượng tọa Thích Thanh Quyết và tôi có trao đổi ngắn: “Cơ sở vật chất của Học viện đã khang trang, hay là ta xin phép cho ra một tờ Tạp chí của Học viện”. Thượng tọa nhất trí ngay, kể cả tên của Tạp chí, và giục tôi cùng sang trình Hòa thượng. Thật bất ngờ, chỉ kịp trình bày chưa đầy 10 phút, Hòa thượng quyết luôn: “Nhất trí, các thầy xúc tiến nhanh thủ tục xin phép, trụ sở tạm đặt tại chùa Phúc Khánh đã, mọi việc bàn sau!”
5 năm đã qua, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hết cảm xúc kính phục quyết định chóng vánh đó. Bởi vì, chỉ có một vị có Đạo lực thâm hậu, quá từng trải việc Đạo việc đời mới tức thì nhận ra ngay tầm quan trọng cũng như những khó khăn của việc ra một tờ tạp chí phục vụ cho công tác đào tạo – nghiên cứu của một Học viện Phật giáo cũng như việc truyền bá tri thức Phật học trong quảng đại quần chúng, để có quyết định quyết đoán trong thời điểm đó. Được tiếp nguồn sức mạnh tinh thần vô giá, Thầy trò chúng tôi như quên cả thời gian và công sức làm thủ tục xin giấy phép xuất bản, lo tuyển người, lo cơ sở vật chất, chuẩn bị bài vở.… Mỗi bước đi, mỗi công đoạn, từ tầm định hướng khái quát về tôn chỉ mục đích cho đến những công việc cụ thể có tính “bếp núc” của một tờ tạp chí sắp ra đời, chúng tôi đều nhận được sự chỉ đạo nghiêm khắc nhưng cụ thể và ân cần của Hòa thượng. Nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, nhờ sự nhất tâm hợp lực của Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại dức Tăng Ni, chư thiện tri thức… và đặc biệt là nhờ ân uy – tầm nhìn thông tuệ của Hòa thượng Tổng biên tập, tháng 12 năm 2007, Tạp chí Khuông Việt tổ chức Họp báo tại chùa Quán Sứ, ra số đầu tiên kịp chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007 – 2012).
Một việc nhỏ thôi nhưng cũng để lại trong tôi ấn tượng cực kì sâu sắc về trách nhiệm “nghề nghiệp” của mình, về sự “nhạy cảm báo chí” của Đại lão Hòa thượng Tổng biên tập. Trong một số báo Xuân – tết mới phát hành, mặc dù cũng đã gợn thấy ảnh bìa hơi kém mĩ thuật và bố cục ảnh chưa thật hợp lí (do hạn hẹp về tài chính, cũng một phần do cẩu thả), chúng tôi vội mang lên khoe ngay Hòa thượng.
Nhìn tờ Tạp chí, không cần xem nội dung, nét mặt Hòa thượng tỏ ngay vẻ không vui: “Sao số Xuân – Tết mà lại làm ăn luộm thuộm thế này!” Sau này Hòa thượng nói với tôi: “Báo chí là sản phẩm văn hóa, do vậy hình thức nó cũng phải được chú trọng, độc giả rất đa dạng về trình độ tri thức và thẩm mĩ, hình thức là phương tiện hữu hiệu đưa Tạp chí đến người đọc; hơn nữa, đành rằng nhà Phật không chấp vào hình tướng nhưng là một ấn phẩm văn hóa Phật giáo phát hành rộng rãi thì cũng phải chú ý tới ‘hình tướng”, sao cho “khế lí khế cơ” thế mới vẹn toàn!” Một bài học sâu sắc, mặc dù vẫn đinh ninh ghi nhớ nhưng rồi công việc nhiều, không kiểm soát hết được, đây đó vẫn còn sai sót, chúng con thành tâm sám hối trước Giác linh Hòa thượng.
“Vạn sự khởi đầu nan”, từ Chư tôn Thượng tọa, Đại đức cho tới các Cư sĩ Phật tử trong Ban Biên tập, Ban Trị sự đều chưa một ngày làm công tác báo chí, cơ sở vật chất phải lo liệu từ đầu hoặc nhờ vào Tùng lâm Phúc Khánh, mối quan hệ với báo giới chỉ mới bắt đầu.… Trong trùng trùng khó khăn đó chúng tôi luôn luôn nhận được sự động viên khuyến tiến ân cần chu đáo của Hòa Thượng. Thành lệ, cứ cận ngày tất niên âm lịch, nhằm ngày Hòa thượng đã kết thúc những chuyến đi chúc tết phát quà cho bà con Phật tử các địa phương còn khó khăn về là thầy trò tại gia trong Tạp chí chúng tôi lại lên Quán Sứ vấn an chúc tết Hòa thượng. Mỗi dịp như vậy chúng tôi lại nhận được những lời thăm hỏi thân tình, chụp ảnh chung, tặng quà tết và dặn dò công việc.
Là Viện trưởng kiêm Tổng biên tập, Hòa thượng biết rất rõ những khó khăn của một tạp chí nói chung và tạp chí chuyên về Phật học nói riêng trong điều kiện hiện nay, và thường xuyên căn dặn tôi (với tư cách là Trưởng ban Thư kí của Tòa soạn): “Thầy giáo cần chú ý, Tạp chí của chúng ta lấy tên của Ngài Khuông Việt (người giúp đỡ, phù trợ cho nước Việt), do vậy, mọi bài viết của Tạp chí đều phải nhắm tới mục tiêu chung là giáo dục noi theo tấm gương Đạo – Hạnh của Ngài Khuông Việt, tất cả vì Đạo Phật ngày một xương minh – Quốc gia ngày càng thịnh vượng; trong bất cứ điều kiện nào cũng không được vi phạm tôn chỉ mục đích mà Tạp chí đã nêu ra, khó quá thì thôi chứ nhất quyết không được làm ảnh hưởng xấu tới danh hiệu Khuông Việt”. Cho đến nay tôi vẫn đinh ninh, và quán triệt cùng các cộng sự, đây là phương châm hoạt động của Tạp chí Khuông Việt. Từ số 5 Tạp chí được Trung tâm Thông tin Công nghệ Quốc gia cấp chỉ số ISSN, khẳng định sự tin tưởng của cơ quan có thẩm quyền về chất lượng khoa học của Tạp chí, Hòa thượng rất hài lòng.

Năm 2009 nhân được xem cuốn Cẩm nang chùa Việt Nam do Tạp chí Cộng Sản biên soạn, tôi nảy ra ý định Tạp chí Khuông Việt sẽ tổ chức biên soạn một cuốn sách có nội dung phong phú hơn, không chỉ giới thiệu danh bạ, địa chỉ tọa lạc của các ngôi chùa trong toàn quốc mà còn như một cuốn Địa chí Văn hóa Phật giáo, giới thiệu những ngôi chùa tiêu biểu của mỗi địa phương, tiện dụng cho Phật tử và khách tham quan du lịch.… Ý tưởng được trình lên, Hòa thượng hỏi ngay: “Liệu có làm nổi không?”
Tôi mạnh dạn trả lời: “Chúng con sẽ cố gắng!” Hòa thượng cười tươi, bắt tay tôi và nói: “Thế thì làm đi!” Lúc này Hòa thượng đã yếu lắm, công văn giấy tờ nhiều mà toàn phải đích thân Ngài kí: đề nghị các tỉnh/thành hội hợp tác cung cấp tài liệu, xin giấy phép xuất bản, đề nghị các cơ quan hợp tác hỗ trợ.… để ấn phẩm kịp ra đời chào mừng Kỉ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 – 7/11/2011). Không biết bao nhiêu lần, mặc dù rất mệt, phải nằm điều trị theo chỉ định của bác sĩ nhưng những khi cần kíp, Hòa thượng vẫn ân cần hỏi thăm và giải quyết công việc.
Kính ngưỡng Giác linh Hòa thượng, hôm nay, mỗi khi ngồi trước bản thảo đang bổ sung sửa chữa để tái bản lần thứ hai cuốn Danh bạ những ngôi chùa Việt Nam, trong con lại trào dâng niềm xúc cảm kính thương về tấm gương tận lực vì Phật sự cho đến cuối đời của Hòa thượng, và điều đó lại tăng thêm nguồn nghị lực để chúng con vượt lên, hoàn thành điều tâm nguyện của Người.
Kính bạch Giác linh Hòa thượng!
Với những người Phật tử tại gia chúng con, không cần “cái quan” mới “định luận”, ngay thuở còn hiện tiền, bằng việc làm thiết thực của mình, Ngài đã là một một tấm gương sáng về hạnh Bi – Trí – Dũng trong việc Đạo việc Đời. Mỗi lần tới Tùng lâm Quán Sứ, dường như vẫn thấy đâu đây hình bóng của Người. Thảng qua đôi câu đối Nôm cực hay ở ngay trước cổng Tam quan lại miên man nghĩ về Hòa thượng, suy ngẫm về Đạo về Đời – về Đời về Đạo, để rồi “phản quan tự kỉ” mà chiêm nghiệm và định hướng nhân sinh:

“Kịch trần duyên một giấc vàng, Giới – Định – Tuệ sớm tu nhân thành Phật
Tranh thế sự trăm năm bạc, Tham – Sân – Si sau mang nghiệp vào thân.”
KHỂ THỦ KÍNH BÁI!
(Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 19)