Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông và những áng thơ đậm vị Thiền
Đức Trần Nhân Tông còn là một thi sĩ trác tuyệt, có lẽ trên tiến trình lịch sử văn hoá Việt Nam, ở trong một con người hội tụ cả ba phẩm chất cao quý: anh hùng cứu quốc, triết nhân xuất sắc và thi sĩ trác tuyệt lại được kết hợp rất hài hoà là điều hết sức hiếm thấy.
Đức vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tên huý là Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ, niên hiệu Nguyên Phong thứ 8 (1258), mất năm Mậu Thân (1308) hưởng thọ 51 tuổi. Sử cũ cho biết việc đản sinh của ĐứcTrần Nhân Tông như sau: (Vua) được tinh anh như thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung (chỉ Thượng hoàng Thái Tông và vuaThánh Tông – NMT) đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn…”[1]
Bàn về hành trạng và sự nghiệp vua Đức Trần Nhân Tông, trước hết phải nhắc đến vai trò là người anh hùng lãnh đạo hai lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên (1285-1288). Sử gia thế kỷ thứ XII, Phan Huy Chú nhận định rất xá đáng về Ngài như sau: “Tính vua nhân từ có trí lược, thương dân, ơn huệ, cố kết lòng dân. Đời vua, quân Nguyên hai lần xâm phạm. Vua chọn tướng rèn quân rồi bình được giặc lớn. Cái công trùng hưng rực rỡ hơn trước”[2]. Bên cạnh vai trò người Anh hùng cứu nước, Đức Trần Nhân Tông còn là một vị giáo chủ, một triết gia lớn, sáng lập một dòng phái thiền, đó là phái thiền Trúc Lâm Yên Tử. Giới nghiên cứu Phật học trong và ngoài nước đều cho rằng: Với Thiền phái Trúc Lâm đời nhà Trần mà Tổ là Đức Giáchoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông (Đệ nhị Tổ là Pháp Loa, Đệ tam Tổ là Huyền Quang), Phật giáo Việt Nam đã phát triển rực rỡ và thể hiện được đầy đủ bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, để lại một dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng nước nhà. Nét đặc trưng nổi bật nhất của tư tưởng Thiền học Trần Nhân Tông, là tinh thần thực tiễn, chiến đấu và táo bạo.
Nhưng Đức Trần Nhân Tông còn là một thi sĩ trác tuyệt. Có lẽ, trên tiến trình lịch sử văn hoá Việt Nam, ở trong một con người hội tụ cả ba phẩm chất cao quý: Anh hùng cứu quốc, triết nhân xuất sắc và thi sĩ trác tuyệt lại được kết hợp rất hài hoà như thế là hết sức hiếm thấy. Xét về phương diện thi ca, Đức Trần Nhân Tông là người có một tâm hồn trong trẻo, phóng khoáng, một cái nhìn tinh tế thanh nhã, nhất là đối với cảnh vật thiên nhiên. Trong phần Văn tịch chí, sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú cho biết cho biết về sơ lượng và nghệ thuật thơ của Trần Nhân Tông như sau: “Trần Nhân Tông thi tập, 1 quyển. Nay còn hơn 20 bài… Bài nào cũng phóng khoáng, thanh nhã”[3]. Trong sách Thơ văn Lý – Trần, các soạn giả cho biết: Về trước tác của Đức Trần Nhân Tông “chỉ còn tìm thấy 31 bài thơ, hai cặp câu thơ lẻ, một bài minh và một bài tán. Ngoài ra, trong sách Thiền tông Bản hạnh còn có hai bài văn Nôm biền ngẫu…”[4].
Thực ra, thơ của Đức vua Trần Nhân Tông, tuy chỉ còn lại 31 bài nhưng vẽ ra trước mắt chúng ta một bức tranh khá rộng lớn, hài hoà. Tình cảm biểu hiện có khi mạnh mẽ, hiên ngang như Xuân nhật yết Chiêu Lăng, có khi nhẹ nhàng, lãng mạn như Xuân hiểu, Xuân cảnh, lại có khi điềm đạm, tĩnh lặng như Thiên Trường vãn vọng, Nguyệt… ba bài: Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn, Hoạ Kiều Nguyên Lãng vận và Tống Bắc sứ Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng lại tỏ rõ vua Trần Nhân Tông là một nhà ngại giao mềm mỏng, lời lẽ ôn hoà, đằm thắm. Nhưng có thể nói phần lớn các bài thơ hay của Trần Nhân Tông là thơ về đề tài sơn thuỷ, điền viên, nói về cuốc sống an nhiên tự tại, đời sống nông thôn và phong cảnh thiên nhiên. Đặc biệt những bài thơ về đề tài này, hầu hết là Tứ tuyệt, nghệ thuật khá cao, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo riêng của Ngài.
Trong thơ điền viên, cảnh vật nông thôn hiện lên vô cùng trong sáng, rõ ràng, cuộc sống điền viên vô cùng bình lặng, yên ả. Chỉ những người đã thực sự ngộ Thiền đạo, mới có được những ánh thơ hay và đẹp như vậy. Chúng ta thử đọc bài Thiên Trường vãn vọng dưới đây của Đức Trần Nhân Tông:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng nghịch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền[5]
Dịch thơ:
Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều dường có lại dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng
(Ngô Tất Tố dịch)
Giữa cảnh điền viên, lấy cảnh yên tĩnh làm nền, hình ảnh khói lam chiều, các em bé chăn trâu, với đôi cò trắng v.v. được nhà thơ sắp xếp hài hoà, nhàn nhã như màu sắc của quê hương làng cảnh Việt Nam vậy. Đó là tư tưởng của Đức Trần Nhân Tông đã thấm đượm màu sắc thanh tinh vo vo của Đạo Thiền, cho nên dưới ngọn bút của Ngài, cảnh điền viên cũng thanh nhàn, yên tĩnh.
Nếu Thiên Trường vãn vọng có được là bời nhà thơ phóng tầm mắt ra xa để quan sát, thì ngược lại bài Nguyệt, dường như tác giả nhìn “cận cảnh” hơn:
Bán song đăng ảnh mãn sàng thư
Lộ trích thu đình dạ khí hư
Thuỵ khởi châm thanh vô mịch xứ
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai lai sơ.
Dịch thơ:
Đèn song chếch bóng, sách đầy giường
Đêm vắng sân thu, lác đác sương
Thức dậy tiếng chày đâu chẳng biết
Trên cành hoa quế, nguyệt lồng gương
(Đào Phương Bình dịch)
Bài thơ này tả cảnh sinh hoạt của chính nhà thơ, vào cái thời trên cương vị là Thái Thượng Hoàng, có thể là đang ở hành cung Thiên Trường, hoặc tại cung Trùng Quang, an nhàn đọc sách, thâm cứu kinh điển Phật giáo. Thơ vừa nói được cảnh thiên nhiên vắng lặng của đêm thu, song vừa tả được đời sống bình dị của người dân, vừa ghi lại được vẻ diễm lệ cảu hai vật đẹp đẽ mà tạo hoá ban cho loài người, đó là hoa và trăng. Bức tranh thật tĩnh lặng, lộng lẫy hết sức nên thơ, khiến người ta phải sinh lòng cảm phục. Chúng tôi thiển nghĩ: dường như chịu cảm quan Thiền học, Đức Trần Nhân Tông muốn hoá thân mình thành “Vầng trăng mới mọc” (Nguyệt lai sơ) vậy!
Đọc thơ của Đức Trần Nhân Tông ai cũng dễ nhận thấy hình ảnh vầng trăng luôn trở đi trở lại trong thơ Ngài. Chúng tôi tự hỏi: Điều đó phải chăng là sự ngẫu nhiên? Nhưng đến khi đọc các bài luận về Thiền học của Ngài, mới hiểu rõ rằng, đólà sự dụng công, chủ ý của nhà thơ! Trăng đối với nhà thơ – Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, chính là nhờ sự giác ngộ chân lý. Trong bài Hữu cứ vô cú, Ngài đã giải thích cho chúng ta hiểu rõ điều ấy:
Hữu cú vô cú
Tự cổ tự kim
Chấp chỉ vọng nguyệt
Bình địa lục trầm[6]
Dịch thơ:
Câu hữu câu vô
Dù nay dù xưa
Quên Trăng ngắm ngón
Chết đuối trên bờ
(Băng Thanh dịch)
“Chấp chỉ vọng nguyệt” (Chỉ “chấp” ngón tay mà quên mất vầng trăng) là ý muốn nhắc đến lời nói của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được chép lại trong bộ Kinh Viên Giác. Bộ Kinh ấy có câu: “nhất thiết tu đa la giáo như tiêu chỉ nguyệt. Nhược phục kiến nguyệt liễu tri sở tiêu tất cánh phi nguyệt” (Nghĩa là: hết thảy các giáo lý trong kinh điển như cái “tiêu”chỉ lên mặt trăng. Muốn thấy mặt trăng mà mới chỉ nhìn thấy được cái “tiêu” rồi ngừng lại ở đấy, thỉốt cuộc chẳng phải trăng!”. Ở đây, Đức Phật Tổ muốn căn dặn chúng sinh: Mọi giáo lý kinh điển chỉ là phương tiện để đạt tới giác ngộ. Khi đã hoàn toàn giác ngộ rồi, không cần dừng lại ỏ giáo lý nữa. Thành ngữ Hán học gọi cảnh giới ấy là “Đắc như vong thuyên” (được cá rồi thì phải quên đi bắt cá) vậy.
Tô Đông Pha (1036-1101), nhà thơ danh tiếng nhất thời Bắc Tống của Trung Quốc từng nhận xét về thơ của Vương Ma Cật (tức Vương Duy) như sau: “Thưởng thức thơ Ma Cật, thấy trong thơ có hoạ, xen hoạ Ma Cật, thấy trong hoạ có thơ”. Chúng tôi cho rằng: lời bình luận ấy có thể tạm mượn nửa ý trên để nói về thơ tả cảnh điền viên của Đức Trần Nhân Tông chắc cũng không có gì là sai lắm. Màu sắc trong thơ của Ngài rất đẹp, cảnh tượng mới mẻ, đều có thể vẽ lên thành tranh được. Nhưng cũng như thơ của Vương Duy, thơ của Trần Nhân Tông còn có ưu điểm khác. Thơ của Ngài sinh động hơn tranh, ở chỗ những âm thanh, động tác thể hiện trong thơ như có thể nghe được, thấy được:
Lão dung ảnh lý tăng quan bế
Đện nhất thiền thanh thu tứ trường
(Đề Phổ Minh Tự thuỷ tạ)
(Dưới bóng đa già cổng chùa đứng im ỉm
Một tiếng ve đầu tiên, tứ thu man mác)
Tịch tịch thiên sơn, hồng diệp lạc
Thấp vân như mộng, viễn chung thanh.
(Vũ lâm thu vãn)
(Nghìn núi lặng lờ, lá đỏ rơi
Mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông xa vắng)
Bất cứ bức tranh nào cũng không thể biểu đạt được sắc thái đẹp và âm hưởng hay mà những câu thơ đã diễn đạt.
Thơ sơn thuỷ của Đức Trần Nhân Tông tả cảnh sắc thiên nhiên khá đa dạng. Không những Ngài miêu tả cảnh hùng vĩ, tráng lệ của núi cao, sông rộng, mà còn ghi lại cả tiếng của sáo trúc, chim rừng, chuông chiều… Dưới ngọn bút của Ngài, cảnh vật thiên nhiên muôn hình vạn trạng và sự biến hoá tinh vi của nó hiện lên một cách mới lạ, hàm súc và có âm điệu, như:
Cổ tự thê lương thu ái ngoại
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ
(Lạng châu vãn cảnh)
(Ngôi chùa cổ lạnh lẽo, sau lớp khói mùa thu
Thuyền câu hiu quạnh chuông chiều bắt đầu điểm)
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm
(Đăng Bảo Đài sơn)
(Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc
Ánh trăng sáng chan hoà trước ngực)
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn
(Sơn phòng mạn hứng)
(Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch
Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn)
Nhà thơ tả cảnh vật thiên nhiên thật tinh tế, làm cho nó có sinh khí và trở nên đẹp hơn. Thoạt xem ra, thì dường như nhà thơ chỉ ghi lại vài nét như thực của cảnh vật khách quan, song thật ra là đã được chọn lựa và ghi lại khoảnh khắc hấp dẫn nhất của cảnh vật, rồi dùng một phong cách rất hàm súc, tạo nên bức tranh đẹp, làm rung động lòng người.
Có một điều đáng lưu ý là dù tả cảnh điền viên hay cảnh sơn thuỷ, Đức Trần Nhân Tông nhiều khi vẫn nói về Thiền, Phật hoặc đem đạo lý nhà Phật gửi gắm vào cảnh vật thiên nhiên. Thí dụ: “Ma cung hồn quản thậm. Phật quốc bất thăng xuân” (khi cung ma bị quản chặt. Thì cõi Phật tràn ngập mùa xuân) hay “Viên nhàn, mã quyện, nhân ưng lão. Y cựu vân trang nhất thập Thiền” (Vượn nhàn, ngựa mỏi, người cũng đã già. Vẫn một chiếc giường Thiền ở am mây cũ)
Chúng tôi bất chợt đọc bài Khuê oán của Đức Trần Nhân Tông, mà thấy băn khoăn trong lòng: Nối oán hận của người khuê phụ (khuê oán) là tứ thơ thường thấy của nền thi ca cổ điển phương Đông. Thơ Khuê oán là lời người “Khuê phụ” hoặc là các cung nữ phòng khuê cũng vậy, oán hận các bậc quân vương đem họ đặt vào nghịch cảnh ấy, cớ chi nhà vua họ Trần lại tả nỗi hận này? Người khuê phụ ấy chẳng đã từng sống trong cung điện vương triều Trần đó sao? Nhưng bình tâm nghĩ lại, thì mới ngộ ra rằng: nhà thơ của chúng ta đã thấu hiểu đạo Thiền, cảm thương thay cho nỗi cô đơn của những người khuê phụ nói chung. Đây là một thứ tình cảm tế nhị của con người, nhà thơ miêu tả rất sinh động, tạo nên không khí rất xúc động:
Thuỷ khởi câu liêm khán truỵ hồng
Hoàng li bất ngữ oán Đông phong
Vô đoan lạc nhật Tâu lâu ngoại
Hoa ảnh chi đầu tận hướng Đông
(Khuê oán)
Dịch nghĩa:
Tỉnh giấc, rèm nâng, ngó rụng hồng
Hoàng anh im tiếng, giận Đông phong
Lầu Tây vô cớ, vầng dương lặn
Cả bóng hoa cành nở hướng Đông
(Trần Lê Văn dịch)
Đức Trần Nhân Tông tả cảnh ngộ và số phận của những người phụ nữ sống trong thâm cung, cách biệt với đời sống của con người bình thường. Bằng một giọng điệu nhẹ nhàng, miêu tả hành động hết sức thong thả, nhà thơ nói lên nỗi oán giận, u sầu kkông thẻ giãi bày được cùng ai của những người phụ nữ bị cướp mất hạnh phúc và tuổi trẻ. Qua đó, phải chăng nhà vua muốn cảnh tỉnh các nhàvua kế tiếp hạn chế bớt, hay tốt hơn, chớ để cái cảnh bất công ấy xảy ra?
Trong nền thi ca cổ điển dưới thời phong kiến Việt Nam, nếu chỉ giới hạn trong phạm vi các nhà thơ – Hoàng đế, thì thơ của Đức Trần Nhân Tông có một vẻ đẹp riêng, đó là một âm điệu hồn hậu, bao hàm một ý vị Thiền, gợi mở ra một thế giới tinh thần thanh khiết. Thơ tuyệt cú của Đức Trần Nhân Tông rất hay, rất tài hoa, trong một hình thức nhỏ gọn như thế (Ngũ tuyệt có 20 từ, thất tuyệt có 28 từ), thế mà nhà thơ của chúng ta có thẻ vẽ nên những bức tranh sinh động và chan chứa ý thơ như vậy, thì quả là kỳ tài. Nội dung khá phong phú, ngôn ngữ lưu loát, đẹp đẽ, âm điệu trong trẻo, du dương, phong cách tự nhiên. Thơ tuyệt cú của Đức Trần Nhân Tông chỉ với vài nét chấm phá, giống như một bức thuỷ mặc.
Đọc những bài thơ, nhất là thơ tả cảnh điền viên, sơn thuỷ của Đức Trần Nhân Tông, chúng ta thấy Ngài chịu ảnh hưởng khá đậm nét các thi sĩ đời Đường, đặc biệt là thơ điền viên của thi Phật Vương Duy. Không một nhà thơ nào lại không học tập cổ nhân, thậm chí họ từng có một nhà thơ – thần tượng của lòng mình. Trong Thuỳ viên thi thoại, nhà thơ, nhà phê bình đời Thanh, Trung Quốc là Viên Mai (1716-1798), nói rất hay về việc học tập cổ nhân trong việc làm thơ: “Người đời sau chưa từng có kẻ không học người đời xưa mà làm thơ, thế nhưng, kẻ học giỏi thì “được cá quên đó” (Đắc ngư vong thuyền), còn kẻ không biết học thì “Khắc thuyền tìm kiếm” (Khắc chu cầu kiếm). Người có thể thu nhận được tinh hoa của mọi nhà và nhả ra cái chất cặn bã của họ, thì ắt sẽ vứt bỏ được mọi điều xấu”.
Trong vườn hoa thi ca muôn hồng nghìn tía của Việt Nam, cây hoa sen – Thơ Trần Nhân Tông, cắm rễ rất sâu vào nền thi ca cổ điển cả Trung Hoa lẫn Đại Việt, và vì thế, đã chắt lọc được cái phần tinh tuý nhất, đặng tạo nên một thứ hương sắc rất cao quý đậm đà chất Thiền học, Phật học. Có lẽ, chính vì vậy trong thơ Thiền thời Lý – Trần ở Việt Nam, Đức Trần Nhân Tông nổi lên như một thi sĩ kiệt xuất, rất đọc đáo, khó mà ai sánh kịp!
[1] Đại Việt sử ký toàn thư.Nxb Khoa học Xã hội, H 1998, tập 2, tr. 44.
[2] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại cí. Nxb Sử học, H. 1960, tập 1, tr. 103.
[3] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. Sđd, tập 4, tr 58, 59.
[4] Thơ văn Lý-Trần. Nxb Khoa học Xã hội, H. 1989. tập 2-quyển thượng, tr452.
[5] Thơ văn Lý-Trần, Sđd, tập 2, Quyển thượng. tr 464-465
[6] Thơ văn Lý-Trần, Sđd, tập 2, Quyển thượng. tr 487
PGS.TS.Nguyễn Minh Tường (Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 4)