Tam giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam
Sự hiện hữu của tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo được tìm thấy trong một số tư tưởng và biểu hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam.
Tư tưởng của đạo Khổng là đề cao chữ “Hiếu” và coi đó là nền tảng của đạo làm người. Với quan niệm “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, hiếu với cha mẹ khi chết cũng như hiếu với cha mẹ khi còn sống, Nho giáo đặt nền tảng lý luận về giá trị đạo đức, về trật tự kỷ cương xã hội cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Đặc biệt, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự giữ gìn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam. Trước hết là quan niệm của Phật giáo về cái chết, về kiếp luân hồi và nghiệp báo… Phật giáo cho rằng, sống chết là quy luật tất yếu của thế gian giống như mặt trời lặn rồi lại mọc, mọc rồi lại lặn. Sống và chết chỉ có nghĩa là thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Chết là bắt đầu của một chu kỳ sống mới, một kiếp sống mới.
Theo Đạo Phật, không có kiếp sống đầu và kiếp sống cuối cùng. Sau khi chết, linh hồn con người sẽ được tái sinh, đầu thai vào một kiếp khác. Kiếp đó là hạnh phúc hay đau khổ, tuỳ thuộc vào bản thân họ đã sống thiện hay ác trong quá khứ.
Còn Đạo giáo góp phần củng cố niềm tin vào sự tồn tại và năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay, tang lễ, mồ mả và đốt vàng mã.
Một trong những nghi lễ của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thấy rõ biểu hiện của Đạo giáo chính là lễ trai tiếu độ bạt (lễ giải oan cho người đã khuất) bắt nguồn từ lễ “Sám hối gọi trai” của Đạo giáo. Lễ trai của Đạo giáo có hai loại: Một là trai bùn, trai than – tức bôi than vào mặt, trầm mình vào bùn để sám hối những tội lỗi của mình. Thứ hai là Trai bùa vàng sám hối cho người chết.
Trai tiếu độ bạt trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam được dùng khi trong nhà có “động mồ động mả”, xuất hiện nhiều tai ương được cho là liên quan đến người đã mất, là nghiệp chướng của tổ tiên.
Dân gian có tín ngưỡng đồng bóng (gọi hồn người đã khuất) nhưng không thể cử hành được những đại lễ giải oan bạt độ, vì vậy cần phải cầu viện đến Đạo giáo phù thủy. Lễ Trai tiếu độ bạt của Đạo giáo được thực hiện theo nghi thức của pháp sư, đạo sĩ chính truyền sẽ không phù hợp với tín ngưỡng, thị hiếu của người Việt Nam nên các đạo sĩ đã linh hoạt biến đổi nghi lễ buổi lễ, phối hợp tín ngưỡng đồng bóng vào lễ chính của Đạo giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Biểu hiện của Đạo giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên còn được thể hiện trong quan niệm về sinh tử. Tín ngưỡng dân gian quan niệm, người chết sau khi hồn lìa khỏi xác phải trải qua 10 địa ngục lớn do sự cai quản của các vua âm phủ, gọi là Thập điện diêm vương. Người Việt lấy sự trừng phạt linh hồn sau khi chết để khuyến thiện trừ ác. Còn Đạo giáo có 10 điện với 88 quỷ quan trong Phong Đô bát đế thực hiện.
Điện thứ nhất do Tần Quảng Minh vương cai quản, nếu người chết là người thiện sẽ có cơ hội đầu thai làm người trở lại. Nếu là người làm nhiều điều ác sẽ bị tống giam vào địa ngục, chịu nhiều hình phạt. Điện thứ hai do Sở Giang Minh vương cai quản. Từ điện thứ hai đến điện thứ 10, mỗi điện đều có 16 địa ngục nhỏ. Linh hồn làm điều ác sẽ bị hành tội ở 16 địa ngục nhỏ, sau đó chuyển khác điện khác theo trình tự đến 10.
Một trong những biểu hiện nữa của Đạo giáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là niềm tin tang ma, nên người chết được tổ chức tang ma cẩn thận. Niềm tin về cái chết cho rằng “tử tuất quy thổ, cốt nhục tê ư, hạ âm vi giả thổ, kỳ phí phát dương ư thượng vi chiêu minh”, nghĩa là chết tất trở về với đất, xương thịt xuống thấp tan biến vào trong lòng đất, còn khí dương bay lên cao sáng rực rỡ.
Theo quan niệm của Đạo giáo, mỗi người sống gắn liền với một vì sao trên trời, vì sao đó tắt thì người qua đời. Trông coi sự sinh tử của trần thế là Nam Tào và Bắc Đẩu. Sao Nam Tào ghi sự sinh, Bắc Đẩu ghi sự chết. Bởi thế khi có người chết, dân gian thường nói xóa sổ thiên tào.
Đạo giáo đã xây dựng nhiều nhân vật thần tiên có dáng dấp của con người. Thần tiên của Đạo giáo chính là những cá nhân đã được tôn vinh thành những nhân vật trường sinh bất tử, ở nơi bồng lai tiên cảnh, lại rất thần thông quảng đại có thể cưỡi mây, đạp gió, làm được những việc phi thường. Viễn cảnh thần tiên ấy đã trở thành niềm mơ ước, khát vọng của rất nhiều người đang sống ở một thế giới mà Phật giáo cho là “biển khổ”.
Với quan niệm vạn vật hữu linh, trong nhận thức dân gian, người Việt quan niệm rằng, con người có 2 phần: phần xác và phần hồn. Đàn ông ba hồn bảy vía, đàn bà ba hồn chín vía. Hai phần này vừa gắn bó, vừa tách biệt, chúng gắn bó với nhau. Khi con người còn sống, hồn nhập vào xác điều khiển hành vi của con người.
Khi con người chết, phần hồn rời khỏi xác, thể xác của họ hòa vào cát bụi, phần hồn vẫn tồn tại và chuyển sang sống ở một thế giới khác. Thế giới ấy có thể gọi bằng những tên gọi khác nhau, là cõi ma của người Mường, hay Âm phủ (cõi Âm) theo cách nói của người Việt. Cõi Âm cũng có mọi nhu cầu như cuộc sống dương gian. Ở cõi Âm (được mô phỏng từ cõi Dương) mọi linh hồn đều có các nhu cầu như cuộc sống nơi trần thế.
Quan niệm của Đạo giáo là chết về cõi tiên nên các bức trướng phúng đám tang hiện nay thường có dòng chữ “Bồng lai tiên cảnh”. Việc đốt theo các đồ tùy táng được tìm thấy trong các ngôi mộ cổ cho thấy việc đốt vàng mã trước kia và tiền âm phủ hiện nay là biểu hiện của niềm tin vào ông bà vẫn đang sinh hoạt như trên trần thế.
Các tài liệu khảo cổ cho biết, tục chôn của cải theo người chết đã có từ văn hóa Sơn Vi. Trong các khu mộ táng người ta tìm thấy các công cụ lao động, vật liệu sinh hoạt mà đoán chừng đó là những thứ cung cấp cho người chết sử dụng ở thế giới bên kia. Như vậy theo quan niệm dân gian, chết cũng là một dạng “sống” mới trong môi trường khác.
>>Xem thêm: Thờ cúng tổ tiên của người Việt xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
Nhật Phương (Tổng hợp)