Núi Cửu Hoa – Phật quốc tiên thành

Núi Cửu Hoa vốn có tên là núi Cửu Tử, là nước Phật thành tiên, nổi tiếng sánh ngang với núi Ngũ Đài, núi Nga Mi, núi Phổ Đà. Núi Cửu Hoa nằm ở phía tây nam huyện Thanh Dương tỉnh An Huy, diện tích hơn 100 km vuông. Nơi đây có 99 đỉnh núi với những đỉnh hùng vĩ nhất như đỉnh Thiên Đài, Liên Hoa, Thiên Trụ, Thập Vương. Đỉnh núi chính Thập Vương có độ cao 1342 mét so với mực nước biển. Theo ghi chép trong “Thái Bình Ngự Lãm”, núi này đẹp kì lạ, cao hơn cả tầng mây, các đỉnh với hình dạng độc đáo với số lượng là chín đỉnh nên có tên là núi Cửu Tử.

Núi Cửu Hoa tương truyền là “nổi tiếng có 99 đỉnh, không nổi tiếng có 99 đỉnh”. Núi Cửu Hoa có vô sô’ những con suối, thác nước, đá kỳ lạ, động cổ xưa, tùng xanh, trúc thắm. Cảnh non xanh nước biếc, núi non kỳ lạ tạo nên một khung cảnh độc đáo, các danh lam thắng cảnh trải khắp núi non. Lưu Vũ Tích đời Đường từng ca ngợi ngọn núi này là “kỳ phong nhất kiến kinh hồn phách” (ngọn núi kỳ lạ, nhìn mà hồn phách kinh ngạc), Vương An Thạch đời Tống cũng thốt lên “Sở Việt thiên vạn sơn, hùng kỳ thử sơn kiêm” (trăm núi ngàn non chốn đất Sở, Việt, ngọn núi này vừa hùng vĩ vừa kỳ lạ). Núi Cửu Hoa từ trước tới nay được mệnh danh là “Đông Nam Đệ Nhất Sơn”.

Đình Thiên Đài còn được gọi là Thiên Đài Chính Đỉnh. Với độ cao 1325 mét so với mực nước biển, nên đây là đỉnh cao nhất của núi Cửu Hoa. Phía đông có đỉnh Long Đầu (đầu rồng), phía tây cỏ đỉnh Long Chu (mắt rồng), giữa hai đỉnh núi có cầu vòm bằng đá với tên gọi lài cầu Độ Tiên. Trên thân cầu có khắc bốn chữ “Trung Thiên Thế Giới”, từ cầu đi xuống và vào chùa Thiên Đài. Chỗ cao nhất trên đỉnh Thiên Đài có tên Vân Hiệp, có hai hòn đá lớn, dựng thẳng đứng làm cổng, bên dưới rộng, bên trên hẹp, ngửa đầu lên nhìn qua khe đá sẽ thấy bầu trời chỉ còn là một dải hẹp màu xanh. Nơi này là chỗ lý tưởng nhất để ngắm toàn cảnh núi Cửu Hoa, xem mặt trời mọc trên biển mây. “Thiên Đài hiểu nhật” (đứng nhìn mật trời mọc trên đỉnh Thiên Đài) là một trong mười cảnh đẹp nổi tiếng của núi Cửu Hoa. Dân gian thường có câu “Lên núi Cửu Hoa không đến Thiên Đài, phí công sức mà vẫn chưa được coi là lên núi Cửu Hoa”.

Từ điện Nhị Thánh qua cầu Vĩnh Phong, ta sẽ gặp núi Bích Đào. Vì Triệu Tri Vi người nhà Đường trồng đào dưới đá núi, hoa đào nở màu xanh nên mới có tên gọi là Bích Đào. Dưới núi có một thác nước buông xuống như một dải lụa. đây là thác nước lớn nhất của núi Cửu Hoa. Nó có tên là Huyền Thuỷ. Toàn bộ khu này có chung một tên thác Đào Nham, là một trong mười cảnh đẹp của núi Cửu Hoa. Hoa đào màu xanh đã không còn từ lâu, nhưng dòng thác vẫn tồn tại. Cứ mỗi khi xuân qua hè tới, du khách lại đứng ở Phù Đào Gian có thể nhìn thấy cả một dòng thác mấy chục mét tuôn chảy từ trên núi xuống. Vì dòng nước rất mạnh, khi tuôn xuống ào ào, rơi trên những phiến đá lớn, làm bắn ra vô sô những giọt nước, dưới ánh sáng chiếu rọi của mặt trời, chúng chẳng khác nào những viên ngọc thuỷ tinh nhiều màu rực rỡ.

Từ núi Bích Đào đi về phía đông, qua đỉnh Thuý Vi, dưới đỉnh núi có một dòng suối với ba đầm hồ thu hút nhiều du khách. Dòng suối này tương truyền là nơi Thư Cô hoá cá chép, vì vậy còn gọi là suối Thư Cô, cũng là một trong mười cảnh đẹp của núi Cửu Hoa. Cảnh đầm nước in bóng trăng khiến người ta phải mê mẩn. Dòng nước suối trong xanh chảy ra từ khe núi và đổ vào suối lớn. Dòng suối lớn này có ba đầm hồ, nước sâu và xanh thẫm. Dòng trên đầu nguồn là đầm Thượng Tập, ở giữa gọi là đầm Hạ Tập, dưới cùng là đầm Anh Lạc. Từ tên gọi mà ta tưởng tượng ra cảnh sắc, mỗi nơi đều có nét đẹp riêng, cuốn hút lòng người. Đặc biệt vào những đêm trăng sáng, một bóng trăng in xuống nước, cả ba đầm đều sáng rọi như nhau. Cảnh sắc lung linh huyền ảo, biến hoá sinh động như đưa con người ta vào cảnh tiên.

Núi Cửu Hoa được đổi tên nhờ thơ của Lý Bạch, nhưng núi Cửu Tử vẫn là tên gọi cũ. Ngọn núi này ở phía đông của đỉnh Tiểu Thiên Trụ, trên đỉnh núi có chín hòn đá lớn, nhìn từ xa giống như chín người con đang quây quần vui đùa. Phía dưới có một dòng suối, băng đóng, tuyết rơi, tiếng vang dội thung lũng. Hai cảnh hợp làm một vì vậy có tên là Cửu Tử Tuyền Thanh.

Nơi đứng ngắm cảnh biển mây lý tưởng nhất của núi cửu Hoa là đỉnh Liên Hoa. Đỉnh Liên Hoa từ tây sang đông gồm đỉnh Thượng Liên, Trung Liên và Hạ Liên. Ba đỉnh này không cao so với các đỉnh khác của dãy Cửu Hoa, nhưng do dáng vẻ của nó tròn rộng, người đứng trên đó thường có cảm giác cao hơn Thiên Đài. Nhìn từ dưới lên trên, đỉnh Liên Hoa dựng đứng, có dáng như một bông hoa sen do đất trời khắc tạo, nở giữa biển mây với dáng vẻ xinh đẹp. Đây cũng là một trong mười cảnh đẹp của núi Cửu Hoa.

Phía đông chùa Hoá Thành của núi Cửu Hoa, có một dãy núi nằm theo hướng nam bắc với tên gọi đỉnh Đông. Phía tây có ao trời, suối Long Nữ, mộ Mẫn Công, Thông Tuệ Thiền Viện, di chỉ Thái Bạch Thư Đường. Phía trên có hòn đá lớn nhô lên, hình dạng giống như rồng xanh ngẩng đầu, có sừng, có răng, có vẩy. Tuy vậy ngắm nhìn lại thấy giống như chiếc thuyền cổ, bên trên khắc chữ “Thạch Phương” (thuyền đá). Từ xưa nó có tên gọi “Đông Nhai Vân Phương” (thuyền mây ở núi Đông). Đá Yến Tọa, tương truyền là nơi Kim Địa Tạng tới Cửu Hoa để tu hành, thường ngồi ở đây vì vậy mới có tên gọi này. Đây cũng là một trong mười cảnh đẹp của núi Cửu Hoa. Kim Địa Tạng có đến Cửu Hoa tu hành, rồi thường ngồi thiền không, điều này chưa được khảo cứu, nhưng nhà tư tưởng đời Minh là Vương Dương Minh đã hai lần đến núi Cửu Hoa và ngồi ở nơi này được minh chứng trong câu thơ “tận nhật nham đầu toạ lạc hoa”.

Đỉnh Thiên Trụ của núi Cửu Hoa ở bên phải chùa Tịnh Cư, tầng đá nổi lên giống như một con ngao lớn đầu mang một sừng. Đỉnh núi dốc đứng, đâm thẳng vào tầng mây, bên cạnh có năm đỉnh núi đá nhỏ, giống như người đang đi đi lại lại. Người ta gọi đây là đỉnh Ngũ Lão. Nhìn vào màn sương lãng đãng, ta có cảm giác giống như có năm vị tiên đạp mây từ từ đi đến đỉnh Thiên Trụ. Vì vậy người ta gọi đây là Thiên Trụ Tiên Tích, cũng là một trong mười cảnh đẹp của núi Cửu Hoa. Đỉnh Thiên Trụ giống như một cái cột đỡ lấy bầu trời, những tầng mây mù vây quanh, lúc tụ vào, lúc tản ra, chỉ một thoáng chốc là biến hoá khôn lường. Đỉnh Ngũ Lão, đỉnh Liệt Tiên gần đó đều hùng vĩ, tú lệ, chẳng đỉnh nào giống đỉnh nào. Đỉnh Ngũ Lão giống như năm người với năm dáng vẻ khác nhau đang đùa vây xung quanh cột trời. Đỉnh Liệt Tiên lại càng giống với những vị tiên đang đi, đang nhìn, đang múa, đang lễ, nối gót nhau lên Thiên Trụ. Cảnh trí này thật là muôn hình vạn trạng, du khách đến nơi đây, không ai là không ngây ngất trước cảnh đẹp huyền ảo của nơi này.

Tục ngữ có câu đi chơi núi không bằng ngắm cảnh. Nơi lý tưởng nhất để ngắm cảnh ở núi Cửu Hoa phải kể đến đình Vọng Hoa bên cạnh cầu Ngũ Khê. “Cửu Hoa Đồ Kí” có ghi: núi Cửu Hoa với đầu là Thiên Đài, bụng là Hoá Thành và chân là Ngũ Khê. Du khách leo lên Hoá Thành sẽ chẳng thấy gì khác ngoài chùa chiền am miếu. Thiên Đài tuy có đỉnh núi kỳ lạ, nhưng cũng không bằng Ngũ Khê sơn thuỷ hữu tình. Vì vậy, cảnh núi Ngũ Khê cũng được coi là một trong mười cảnh đẹp của núi Cửu Hoa. Ngũ Khê bao gồm Long Khê, Liêm Khê, Phiêu Khê, Song Khê, Thư Khê. Cội nguồn của Ngũ Khê chảy từ các đỉnh của Cửu Hoa, hội tụ tại Lục Tuyền Khẩu ở phía bắc núi, chảy qua sông Cửu Hoa, sông Mai Cánh đổ vào Trường Giang. Ngũ Khê là cánh cửa lớn phía bắc của núi núi Cửu Hoa. Để thuận tiện cho du khách ngắm cảnh Ngũ Khê, Tô Vạn Dân người đời Minh dựng đình Vọng Hoa ở bên cầu Ngũ Khê. Hiện giờ đình không còn nữa nhưng cảnh trí nơi đây vẫn xao động lòng người. Du khách trước khi lên núi đều dừng chân một lát ở bên cầu Ngũ Khê để ngắm nhìn cảnh núi non, suối chảy.

愿心所至,生命家园,净土禅林,极乐莲邦:九华山大愿陵园_菩萨
“Núi Cửu Hoa tương truyền là đạo tràng của Địa Tạng Vương Bồ tát” – Tượng Đức Địa Tạng vương trên núi Cửu Hoa.

Nét đặc sắc của núi Cửu Hoa, ngoài phong cảnh thiên nhiên núi rừng ra, chủ yếu vẫn là các danh lam thắng cảnh Phật giáo khắp nơi trên núi. Núi Cửu Hoa tương truyền là đạo tràng của Địa Tạng Vương Bồ Tát, là một trong bốn ngọn núi Phật giáo linh thiêng của Trung Quốc. Núi này lần đầu được mở từ đời nhà Đông Tấn, những năm Khai Nguyên nhà Đường mới xây dựng chùa chiền trên quy mô lớn, cho đến thời thịnh vượng ở nhà Minh Thanh, toàn bộ khu núi có khoảng hơn 300 ngôi chùa. Hiện còn tồn tại hơn 70 ngôi chùa như chùa Hoá Thành, Nguyệt Thân Bảo Điện, chùa Chi Viên, Vạn Tuế Cung với hơn 1500 pho tượng, lưu trữ hơn 1300 những hiện vật có liên quan tới Phật giáo. Toàn bộ núi Cửu Hoa là một kho báu văn hoá Phật giáo lớn của Trung Quốc.

Bốn ngôi chùa Chi Viên, Đông Nham, Vạn Niên, Cam Lộ có quy mô lớn nhất ở núi Cửu Hoa, có tên gọi Tứ Đại Tùng Lâm của Cửu Hoa. Phàm là những ngôi chùa có tên gọi Tùng Lâm đều có thể mở đàn truyền giới, tổ chức các hoạt động Phật sự. Vì vậy những kiến trúc Tùng Lâm này hùng vĩ, lại có nét độc đáo riêng. Chùa Chi Viên cổ kính nổi tiếng của Cửu Hoa nằm ở chân núi phía tây của Đông Nham, phía đông của chùa Hoá Thành, được xây dựng vào đời nhà Minh, đến đời Thanh trùng tu. Đây là một quần thể chùa chiền theo kiểu cung điện, quy mô đứng hàng đầu trong các ngôi chùa ở núi. Chi Viên là thánh địa Phật giáo ở Ấn Độ, tức là nơi Thích Ca Mâu Ni giảng kinh truyền bá Phật giáo. Chùa Chi Viên ở núi Cửu Hoa có tên gọi như vậy là lấy ý nghĩa trên. Đại Hùng Bảo Điện và Tứ Thiên Vương Điện phân bố ở các hướng khác nhau. Đại Hùng Bảo Điện cao khoảng 40 mét, mái bay vút cao, ngói vàng, trông lung linh đẹp mắt, trong điện có tượng Phật Tam Thế, tượng Phật Quan Âm vô cùng tráng lệ, đứng đầu trong số các tượng Phật của các chùa ở núi Cửu Hoa.

Trên đỉnh Đông Nham của núi Cửu Hoa có Bách Tuế Cung nổi tiếng. Trước đó có tên gọi là “Trích Tinh Am” (Am hái sao) sau này gọi là “Vạn Niên Thiền Tự”. Đây là một quần thể kiến trúc với tổng cộng 99 gian rưỡi rất hùng vĩ nằm ở vách núi treo leo của đỉnh Đông Nham. Trong điện còn lưu giữ một pho tượng người thật đang ngồi được dát vàng. Đây là tượng của hoà thượng Vô Hà khi ngồi hoá ở núi Cửu Hoa trong những năm Vạn Lịch đời Minh. Vô Hà là người vùng Uyển Bình Hà Bắc, từ nhỏ đã xuất gia ở núi Ngũ Đài, đến những năm Vạn Lịch nhà Minh (1573 – 1619) chu du tới núi Cửu Hoa, dựng lều cỏ ở dưới đình Trích Tinh. Vô Hà thọ 126 tuổi, người ta gọi Hòa thượng là “Bách Tuế Công”, vì vậy điện thờ cúa ngài là “Bách Tuế Cung”. Sau khi Vô Hà qua đời, các tăng ni cho rằng Hòa thượng là Bồ Đề Chuyển Thế, đem cơ thể ngài dát vàng xây tháp thờ cúng. Hoàng đế Sùng Trinh nhà Minh sau khi biết đã phong cho ngài là “ứng Thân Bồ Đề”, tặng cho tháp tên gọi “Liên Hoa Bảo Tạng”. Từ đó ở đây hương khói suốt ngày đêm. Đến năm 19 đời Đạo Quang nhà Thanh (năm 1839) mở rộng xây thành “Thập Phương Tùng Lâm”, đổi thành “Vạn Thọ Thiền Tự”, trở thành một trong Tứ Đại Tùng Lâm của Cửu Hoa. Tượng của hoà thượng Vô Hà cũng được đưa vào trong điện thờ cúng.

Năm 1982, Quốc vụ viện Trung Quốc xếp núi Cửu Hoa vào danh sách các khu danh lam thắng cảnh trọng điểm của quốc gia.

Nguyễn Thị Kim Hoa (Trích đăng từ Tạp chí Khuông Việt số 2)

Bình luận
Tin cùng chuyên mục