Phật giáo với công tác giáo dục văn hóa cội nguồn cho thanh, thiếu niên

“Một năm khởi đầu từ mùa Xuân/ Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ/ Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại”. Bất cứ thời đại nào thanh, thiếu niên đều là tương lai của đất nước. Đối với Việt Nam, các thế hệ tiền nhân đã mở ra kỷ nguyên độc lập tự do và hàng ngày, hàng giờ, đất nước không ngừng được bổ sung và thay thế bởi thế hệ trẻ.

“Tre già, măng mọc”, trong tiến trình ấy, Phật pháp là ngọn lửa thắp sáng con đường dẫn dắt rất nhiều thanh, thiếu niên tiến bước trong giai đoạn hiện nay.

Phật giáo đã thấm sâu trong đời sống xã hội Việt Nam sau hàng nghìn năm tồn tại trong lòng dân tộc. Trong quá trình phát triển, Phật giáo có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Phật giáo sớm hoà mình với tín ngưỡng và văn hoá bản địa, hình thành nền Phật giáo Việt Nam. Càng phát triển trong đời sống xã hội, Phật giáo càng gắn bó với dân tộc. Lịch sử hàng nghìn năm tồn tại và phát triển cho thấy rõ một nền Phật giáo nhập thế, yêu nước, đồng hành như một thành tố không thể chia cắt trong đời sống xã hội của người dân Việt Nam.

Trẻ em cũng thích đọc Kinh Phật

Do đó, công tác giáo dục văn hóa cội nguồn cho thanh, thiếu niên là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp. Việc giáo dục thanh, thiếu niên phải nằm trong hoạt động hoằng pháp dành cho nhóm đối tượng này. Bởi vì, giáo lý nhà Phật dựa trên nền tảng khoa học. Phật giáo không dạy người ta tin vào những điều mê tín, mà luôn chỉ dẫn người ta con đường tu tập để tiến đến an lạc. Giáo lý nhà Phật rất phù hợp với thế hệ trẻ. Sự giác ngộ Phật pháp nhanh chóng ở thanh, thiếu niên. Hoạt động hoằng pháp hiệu quả cũng là ở nơi tuổi trẻ. Vì vậy, thanh, thiếu niên ngày nay hoàn toàn có thể thực hành giáo lý của nhà Phật để xây dựng bản thân, gia đình, xã hội tốt đẹp hơn.

Để giúp thế hệ trẻ hiểu rõ lợi ích của Phật pháp mang lại cho mỗi người, gia đình, xã hội, cần phải gắn giáo dục văn hóa cội nguồn cho thanh, thiếu niên với đẩy mạnh công tác hoằng pháp. Công tác này của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cần tập trung vào mấy vấn đề sau đây:

Một là, giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước: Theo quan điểm của Phật giáo, giáo dục lòng yêu nước là giáo dục lòng biết ơn đối với đất nước, một trong “tứ trọng ân”. Yêu nước là tình cảm thuần khiết nhất và cao thượng nhất của mỗi người dân Việt Nam. Qua lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta, các thế hệ thanh, thiếu niên càng thấm thía hơn sự hy sinh của ông cha để có được đất nước ngày nay vinh quang tươi đẹp, từ đó thêm trân trọng hơn nguồn cội, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm đối với Tổ quốc. Người hoằng pháp cần giáo dục thanh, thiếu niên lòng yêu nước, sự biết ơn tiền nhân có công dựng nước và giữ nước theo tinh thần “tứ trọng ân” của Phật giáo. Thấm nhuần được điều này, thế hệ trẻ sẽ biết trân trọng tinh hoa văn hóa dân tộc, từ đó sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho đất nước.

Hai là, giáo dục cho thế hệ trẻ về hiếu đạo: Yêu nước là tình yêu lớn, tình cảm thiêng liêng, cũng là trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước. Nhưng tình yêu lớn ấy sẽ không thể có được nếu như không khởi đầu từ tình yêu của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Chính vì vậy, giáo dục văn hóa cội nguồn cho thanh, thiếu niên trong giai đoạn hiện nay còn phải gắn với giáo dục hiếu đạo.

Dân gian từng tổng kết: “Nước sông nọ có nguồn mới chảyHạt thóc kia có cấy mới lênPhàm phu cho đến thánh hiềnVí không cha mẹ sao nên thân người”. Một đứa trẻ sinh ra đón nhận tình yêu vô bờ bến từ ông bà, cha mẹ, anh chị; lớn lên đi học nhận được sẻ chia từ thầy cô, bè bạn… Bằng tình yêu ấy, đứa trẻ sẽ lớn lên, trưởng thành và biết yêu thương. Người nào không có tình yêu đối với bậc sinh thành và giáo dưỡng thì không thể nào có được tình yêu đối với quê hương, đất nước. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống gia đình, kỷ niệm thơ ấu sẽ theo một con người đến suốt cuộc đời. Bởi vậy, một con người được sinh ra và lớn lên không chỉ cần được trau dồi kiến thức, kỹ năng sống mà còn cần được giáo dục lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ. Đây là điều cần được giáo dục đầu tiên trong đạo đức làm người. Một đứa trẻ biết ơn những người trưởng dưỡng, bảo vệ và vun đắp không gian bé sống, bát cơm bé ăn, cốc nước bé uống, cuốn sách bé đọc sẽ là một đứa trẻ giàu lòng vị tha, nhân ái. Đây là bước giáo dục đầu tiên để gieo mầm cho một tình yêu lớn hơn sau này là tình yêu đối với quê hương, đất nước.

Ba là, giáo dục cho thế hệ trẻ về tính trung thực và tinh thần trách nhiệm: Đây là một trong những giá trị đạo đức được đề cao trong Phật giáo. Giới trẻ không chỉ cần có chí khí, quyết tâm, dám xả thân vì lý tưởng mà còn cần có tính trung thực, dũng cảm, dám chấp nhận thất bại và sửa sai. Một con người ngay từ tuổi trẻ được giáo dục tính trung thực và tinh thần trách nhiệm sẽ là một con người có đạo đức và tránh được sự vi phạm 5 giới đối với phật tử tại gia là không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối trá và không sử dụng các chất gây say. Một thế hệ trẻ được quan tâm giáo dục tính trung thực và tinh thần trách nhiệm thì trong tương lai chắc chắn sẽ đóng góp nhiều trí tuệ, sức lực vào sự nghiệp phát triển nước nhà, thúc đẩy tiến bộ xã hội và phồn vinh dân tộc.

Bốn là, giáo dục cho thế hệ trẻ về sự cân bằng, hài hòa giữa vật chất và tinh thần, cá nhân và xã hội, gia đình và sự nghiệp: Ngày nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đem đến nhiều lợi ích cho xã hội, giúp con người cải thiện đời sống vật chất, đưa con người lên một tầm cao mới, là cơ hội quý báu để một đất nước vươn lên sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Thế nhưng, sự phát triển khoa học kỹ thuật nhiều khi và nhiều nơi chưa tương xứng với đời sống tinh thần. Khi cuộc sống ấm no, tiền của dư giả, nhiều người lại bị phiền não bởi những tham vọng thái quá của chính mình. Luật nhân quả trong giáo lý của nhà Phật chỉ rõ, hạnh phúc thật sự không thể đạt được bằng cách sở hữu vật chất, bằng sự ích kỷ, giẫm đạp lên người khác. Hạnh phúc chỉ đạt được khi con người biết chia sẻ hạnh phúc của mình với người khác.

Một số khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục văn hóa cội nguồn đối với thanh, thiếu niên thời gian tới

Thứ nhất, tổ chức các lễ hội hướng về cội nguồn để phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo hướng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh mới: Việc tổ chức các lễ hội hướng về cội nguồn nên có sự phối kết hợp tốt giữa chính quyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp để vừa có yếu tố Phật giáo, vừa có yếu tố tín ngưỡng Hùng Vương trong lễ hội. Điều này một mặt thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo, mặt khác thông qua giáo dục văn hóa cội nguồn để lan tỏa Phật pháp đến những người chưa biết đến Phật giáo.

Khoá tu mùa hè cho thiếu niên Hè năm 2019 tại Yên Tử

Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác giáo dục văn hóa cội nguồn cho thanh, thiếu niên: Để thực hiện tốt công tác này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp cần xây dựng chiến lược hoằng pháp khoa học, phù hợp về nội dung, đối tượng và hình thức. Thời đại ngày nay, nhờ phương tiện truyền thông hiện đại nên phật tử có điều kiện lắng nghe và thẩm định nội dung các bài giảng pháp. Do vậy, công tác hoằng pháp cần chú trọng nâng cao chất lượng, đặc biệt là đào tạo đội ngũ giảng sư. Những vị tang, ni nghiêm trì giới luật, công phu tu hành có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoằng pháp. Bởi vì, phật tử chỉ bị thuyết phục khi họ thấy vị giảng sư hơn họ về đạo hạnh chứ không đơn thuần hơn về Phật học.

Thứ ba, tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin trong công tác hoằng pháp: Thời đại ngày nay, để tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin trong giáo dục văn hóa cội nguồn cho thanh, thiếu niên thì công tác truyền thông cần được Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp tiến hành trên cả 3 kênh: báo chí chính thống, website Phật giáo và mạng xã hội. Tuy nhiên, thời đại công dân mạng, truyền thông số, ai cũng có thể làm truyền thông. Để truyền thông hiệu quả, rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, trong đó sự liên kết hiệu quả, bài bản, chuyên nghiệp là điều mà cộng đồng phật tử mong chờ. Một trong những nội dung và cách thức là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để tránh sự chia rẽ các pháp môn trong Phật giáo, làm xấu hình ảnh của từng tăng, ni nói riêng và tăng đoàn nói chung.

Thứ tư, nhân rộng các khóa tu của Phật giáo dành cho thanh, thiếu niên: Các khóa tu dành cho thanh, thiếu niên do các chùa tổ chức thường xuyên thời gian gần đây là một trong những hoạt động nhập thế nổi trội của Phật giáo Việt Nam để tạo nên một sân chơi lành mạnh, bổ ích và hướng thiện cho giới trẻ. Tham dự các khóa tu, giới trẻ được giảng dạy giáo lý nhà Phật, được giáo dục lòng hiếu thảo, sự yêu thương, kỹ năng sống, tính tự lập. Nhiều thanh, thiếu niên sau khóa tu đã lựa chọn cho mình các hoạt động có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và xã hội, như tìm việc làm thêm để trang trải chi phí cho năm học mới, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện… Đa phần thanh, thiếu niên hiếu thuận với cha mẹ hơn, biết sống vì người khác hơn. Nhờ những chuyển biến tích cực như vậy, nên các khóa tu dành cho thanh, thiếu niên do các chùa tổ chức hằng năm ngày càng tăng về số lượng. Thời gian tới, mô hình này rất cần tiếp tục được nhân rộng hơn nữa.

Đại đức Thích Khải Thành,

Bình luận
Tin cùng chuyên mục