Tái hiện nhiều nghi thức thực hành tín ngưỡng tại Lễ giỗ Tổ Hùng Vương

Từ lâu Đền Hùng đã trở thành Trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay đã được điều chỉnh phù hợp với trạng thái bình thường mới. Nhiều nghi thức thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ được tổ chức nhằm giới thiệu và quảng bá đậm nét về di sản văn hóa thế giới này đến đông đảo đồng bào trong nước và nước ngoài; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi, giải trí cũng sẽ được tổ chức phục vụ người dân trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương.

Trong dịp này, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân; lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ và lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong.

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn các huyện, thành, thị cũng được thực hiện theo nghi thức truyền thống cùng thời gian với lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Các gia đình trên địa bàn tỉnh cũng sẽ có mâm cơm (do gia đình tự chuẩn bị) trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc trong ngày 10/3 Âm lịch.

Bên cạnh đó, một số hoạt động cũng được tổ chức như chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội-Đất Tổ Hùng Vương,” bắn pháo hoa tầm cao; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; giải Bơi chải thành phố Việt Trì mở rộng; Giải bóng chuyền vô địch Quốc gia năm 2021; các chương trình diễn Hát Xoan làng Cổ tại thành phố Việt Trì; âm nhạc đường phố “Việt Trì live music;” Festival Sinh vật cảnh tỉnh Phú Thọ; cùng nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết để phục vụ du khách về Giỗ Tổ Hùng Vương 2021, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng các phương tiện giao thông; bố trí các bãi đỗ xe hợp lý; quản lý, khai thác có hiệu quả dịch vụ xe điện tạo thuận lợi cho việc di chuyển giữa các điểm tham quan; công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo, các khuôn viên vườn hoa cây cảnh thường xuyên được chăm sóc, trồng bổ sung và cắt tỉa gọn đẹp, các khu vệ sinh công cộng được bố trí đảm bảo sạch sẽ và phù hợp với cảnh quan.

Tỉnh đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh trong khu vực theo quy định; quản lý về chất lượng hàng hóa, thái độ phục vụ tại các điểm bán hàng; yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ ký cam kết thực hiện các quy định, niêm yết giá công khai và thu theo đúng giá niêm yết.

Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được chú trọng. Khu di tích đã phối hợp với Sở Y tế triển khai phun thuốc khử khuẩn tại các địa điểm dâng hương, các khu vực trong di tích trước và trong thời gian tổ chức các buổi lễ. Tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân thực hiện quy định 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế; đeo khẩu trang nơi công cộng; bổ sung biển chỉ dẫn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tại điểm đón tiếp, các khu vực đền, chùa trong di tích và các địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ cũng vừa đưa ra Tour du lịch đêm Đền Hùng “Trở về cội nguồn-Linh thiêng đất Tổ” để phục vụ du khách; đồng thời kết nối các tour tuyến du lịch, gắn di sản với du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương.

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, những năm gần đây tỉnh Phú Thọ đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm nhiều khu chức năng như rừng quốc gia Đền Hùng, Khu trung tâm lễ hội, Khu tháp Hùng Vương, Làng du lịch văn hóa Hùng Vương, Khu nhà văn hóa Hùng Vương, Khu trồng cây lưu niệm phía Bắc và phía Nam…

Các di tích Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền Quốc tổ Lạc Long Quân và nhiều công trình văn hóa khác được tôn tạo ngày càng khang trang và tôn nghiêm phục vụ đồng bào cả nước về thăm viếng Tổ tiên. Bảo tàng Hùng Vương có hàng nghìn hiện vật, tài liệu khoa học được lưu giữ và trưng bày thuộc các giai đoạn thời kì đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam.

Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng đang đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Hùng; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phục vụ chu đáo đồng bào, thu hút du khách về Đền Hùng; chủ động trong việc kết nối Đền Hùng với các tuyến, điểm di tích trong tỉnh; xây dựng và tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm, các sản phẩm du lịch học đường, giáo dục truyền thống lịch sử cội nguồn; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, đa dạng các mặt hàng lưu niệm, xây dựng môi trường du lịch sinh thái, đảm bảo văn hóa, văn minh trong khu vực Di tích, kích cầu du lịch.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hai di sản có giá trị to lớn, thuận lợi cho việc phát triển du lịch tâm linh trở về với cội nguồn dân tộc.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ tổ chức các nhóm truyền dạy nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ; gắn di sản với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương và các Di tích lịch sử thờ Vua Hùng, các nhân vật thời Hùng trong cả nước; tích cực sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở các làng quê; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương giúp người dân hiểu thêm giá trị của di sản; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở Đền thờ Vua Hùng tại các làng thuộc tỉnh Phú Thọ.

Bình luận
Tin cùng chuyên mục