Nghị định 72 của Bộ TT-TT quản “livestream” như thế nào?
Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) vừa ra dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, gây chú ý với những quy định được coi là siết chặt quản lý với các hoạt động livestream, kiếm tiền trên mạng xã hội, buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tuân thủ những quy định của Việt Nam.
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đã đề xuất chỉ các mạng xã hội đã được Bộ TT-TT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Và điều kiện để các mạng xã hội nói chung và các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin qua biên giới dưới hình thức mạng xã hội cho phép các tài khoản, trang, kênh tại Việt Nam được phát livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức là các tài khoản, trang, kênh này đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT-TT. Hiện nay mọi tài khoản đáp ứng điều kiện của các mạng xã hội đều có thể livestream và bật kiếm tiền.
Cũng theo dự thảo dù livestream hay không, các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với bộ.
Những tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thông báo thông tin liên hệ với bộ, nhưng nếu muốn livestream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thông báo.
Quy định cho thời hạn để gỡ bỏ nội dung vi phạm đối với video livestream cũng thấp hơn các nội dung vi phạm khác. Trong khi với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ TT-TT thì đối với livestream vi phạm pháp luật phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của bộ.
Nhiều người cho rằng “dự thảo là cần thiết, trong đó đáng chú ý là việc bổ sung quy định về cơ chế quản lý đối với cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, cũng như yêu cầu giấy phép thiết lập mạng xã hội đối với mạng xã hội có lượng tương tác lớn. Tuy nhiên, dự thảo cần tính đến tính khả thi của các quy định pháp luật khi áp dụng đối với công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam.