Bài diễn văn ý nghĩa của HT Thích Thanh Quyết nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Học viện
Trong dịp Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (1981 – 2021) vừa qua, Hòa thượng Viện trưởng Thích Thanh Quyết – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương đã có bài Diễn văn kỷ niệm ý nghĩa sâu sắc, khái quát nhiều thành tựu và khó khăn mà thầy và trò bao thế hệ Học viện đã cùng nhau trải qua trong chặng đường 40 năm thành lập và phát triển với nhiều cung bậc cảm xúc.

Khuông Việt Online xin được trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài diễn văn ý nghĩa này:
Kính bạch Hòa thượng Chủ tịch cùng Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa Lãnh đạo GHPGVN!
Kính thưa Chư tôn đức Cựu Tăng Ni sinh cùng toàn thể Quý vị Đại biểu khách quý!
Cách đây khoảng 26 Thế kỷ, sau khi thành Đạo, Phật tổ Thích Ca thuyết giảng cho các đệ tử về giáo lý giải thoát từ chính tâm mình đã chứng ngộ. Từ đó nền Giáo dục Phật giáo đã hình thành. Cũng vậy, cách đây 40 năm, sau khi GHPGVN thành lập (1981), Ban Giáo dục Tăng Ni TW (nay là Ban Giáo dục Phật giáo TW) là một trong sáu ban đầu tiên của Giáo hội được ra đời. Đặc biệt, ngay sau những ngày lịch sử đó, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam – tiền thân của HVPGVN tại Hà Nội được khai giảng tại chùa Quán Sứ – Hà Nội.
Hôm nay, trong không khí trang nghiêm thắm tình đạo vị của Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập HVPGVN tại Hà Nội nhân ngày Đức Phật thành đạo, thay mặt Học viện, chúng con xin được bày tỏ niềm hân hoan chào đón Hòa thượng Chủ tịch HĐTS, Chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo TW Giáo hội, Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni đại diện cho các thế hệ Tăng Ni được trưởng thành từ ngôi trường chùa Quán Sứ và Sóc Sơn này, nay đã và đang đảm trách những Phật sự trọng yếu của Giáo hội.
Cũng nhân dịp này, chúng ta cùng tĩnh tâm, thành kính tri ân, tưởng niệm công đức to lớn của Chư Tôn đức Lãnh đạo Học viện, Giáo thọ sư đã viên tịch qua các thời kỳ, đặc biệt là Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Kim Cương Tử, Hòa thượng Thích Thanh Tứ – là những bậc Viện trưởng HVPGVN tại Hà Nội qua các thời kỳ đã dầy công khơi nguồn xây dựng hệ thống giáo dục Phật giáo vững mạnh, phát triển, trang nghiêm trong lòng Giáo hội và dân tộc. Kính chức Chư tôn đức, Quý liệt vị vô lượng an lạc, vô lượng cát tường.
Kính bạch Chư tôn Thiền đức cùng Quý liệt vị!
Việc tổng kết, đánh giá 40 năm trưởng thành và phát triển của Học viện chỉ trong vài trang giấy là việc khó làm, nhưng phải khẳng định: 40 năm là một chặng đường, là sự kết tinh từ hàng trăm, hàng nghìn năm của Phật giáo Việt Nam trước đó. 40 năm qua, bản thân nó vốn đầy ắp những sự kiện. Hơn nữa, tại Hội trường hôm nay, có sự hiện diện của rất nhiều vị đã và đang dấn thân, trải nghiệm qua đủ các cung bậc thăng trầm của “40 năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Tại hội trường này, chúng ta không khỏi chút xao xuyến về một thời gian khó, một thời vẻ vang của một thế hệ tăng tài tu học tại chùa Quảng Bá, rồi chùa Quán Sứ xứng danh là nơi hội tụ những “anh tú trong vườn thiền” của cả nước. Nối tiếp tinh thần đó, đến nay Học viện đã và đang đào tạo được 8 khóa Hệ cử nhân, 7 khóa Hệ Cao đẳng và 4 khóa Hệ Cử nhân Liên thông, 4 khóa hệ Sau Đại học. Học viện đã cung cấp cho Giáo hội gần 2.500 Tăng Ni đủ hạnh tuệ đảm trách Phật sự hoằng pháp trong các lĩnh vực, ở khắp mọi miền của Tổ quốc.
Về cơ cấu tổ chức:
Học viện có HĐĐH Học viện, có Văn phòng và các phòng, ban, khoa chức năng để điều tiết việc tu học của 720 Tăng Ni sinh hiện có. Đặc biệt, Hội đồng Khoa học của Học viện đã quy tụ các học giả, nhà nghiên cứu đầu ngành do Hòa thượng – Tiến sĩ Thích Thanh Đạt làm Chủ tịch và làm Giám luật định hướng cho Tăng Ni sinh tu tập.
Về nội dung đào tạo và nghiên cứu khoa học:
– Do trình độ không đồng đều của một số Học viên, Học viện liên tục điều chỉnh cục bộ khung chương trình cho sát với trình độ, theo nguyên tắc: Hiện đại trên cơ sở truyền thống và thiết thực – tích hợp kiến thức trong mỗi môn học – học để tu, tu để học. Từ gia giáo đến giáo dục để giáo hóa.
– Học viện chú trọng 3 mũi nhọn: Phật học, Luật học và Ngôn ngữ học, kết hợp Thế học và Đạo học một cách hài hòa.
– Giáo trình và Giáo sư: Học viện cung thỉnh Chư tôn đức, quý vị Giảng sư có uy tín học thuật hàng đầu của cả nước, đồng thời áp dụng những giáo trình của Ban Giáo dục Phật giáo TW biên soạn và những giáo trình có uy tín khác. Thực chất những giáo trình này chưa hẳn đã thập toàn thập mỹ, nhưng tại thời điểm này, nó vẫn là uy tín nhất, Học viện không cầu toàn, trong quá trình dạy và học sẽ điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, vì bản chất của giáo dục luôn vận động để đạt đến tính hợp lý của nó. Học viện chủ trương: Dạy những gì mà Giáo hội cần chứ không dạy những gì giáo viên có. Đã là người tu hành thì phải lấy tu – học làm chính: Bản thân việc học không hẳn đã đưa đến giác ngộ thành Phật, nhưng nếu không học thì vĩnh viễn không giác ngộ được.
– Học viện luôn luôn tổ chức những Hội thảo Khoa học quốc gia – quốc tế để nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu, giúp học sinh có cơ hội tiếp cận môi trường, lĩnh vực, tri thức mới.
Về công tác Tăng Ni sinh:
Học viện động viên Tăng Ni sinh phát huy tinh thần tự quản, tự giác, tự chịu trách nhiệm; lấy nội quy, quy chế làm chuẩn. Những gì mà học sinh không giải quyết được thì Văn phòng giải quyết, nhưng phải báo cáo hằng ngày từ việc tu, học, rèn luyện, sinh hoạt…Văn phòng làm nhiệm vụ giám sát và xử lý những việc gì mà Học sinh không xử lý được hoặc những việc gì làm không đúng với quy chế một cách công khai, minh bạch. Từ đó nêu cao ý thức, trách nhiệm của Tăng Ni sinh. Còn Tăng Ni sinh: từ khi được giao cho tự quản thì ý thức, trách nhiệm cá nhân tăng lên rất cao, mình được làm chủ thì không để mất quyền làm chủ của mình. Cuộc sống tu học của Tăng Ni sinh tự tại trong khuôn khổ, chủ động trong tư duy và hành động. Khoảng cách giữa Văn phòng với học sinh, hay nói cách khác ranh giới giữa người quản và người bị quản rút ngắn lại, phát huy tinh thần lục hòa cộng trụ trong tu học. Nhà trường chỉ làm công tác định hướng, gợi mở chứ không làm thay, không cầm tay chỉ việc.
Về cơ sở vật chất:
– Từ đầu khóa III, Chư tôn đức, đặc biệt là cố Đại lão Hòa thượng Viện trưởng Thích Thanh Tứ đã nhận thức sức ép về số lượng, chất lượng ngày càng cao, cơ sở vật chất cần cải thiện căn bản từ quy mô đến tính năng hiện đại và hiệu năng hiệu quả của công trình, cần có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động về tu và học, xứng tầm một Học viện Phật giáo ở thủ đô thời hiện đại.
– Ý tưởng đặt ra thì nhiều, nhưng trước mắt là tìm nơi thích hợp để xây dựng Học viện. Bằng tâm huyết và uy tín cá nhân: đích thân Cố Đại lão Hòa thượng Viện trưởng cùng các cộng sự đôn đáo nhiều nơi: Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm nhưng cơ duyên chưa đến. Cuối năm 2003, một nhân duyên đặc biệt, cố Hòa thượng Viện trưởng giao cho Chư tăng, Phật tử chùa Phúc Khánh Phật sự này. Từ đó như nhân duyên tiền định, làm đâu được đấy, mọi việc như tự mở ra. Chỉ hơn 2 năm, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Cố Hòa thượng Viện trưởng đã khánh thành giai đoạn I và chuyển lên địa điểm mới Sóc Sơn.
– Hiện nay Học viện ngày càng đầy đủ công năng, chức năng của một cơ sở Giáo dục: Từ giảng đường, thiền đường, niệm Phật đường, giới đường, trai đường, đại giảng đường, quảng trường, ký túc xá cho tới Bảo tàng, thư viện…với gần chục ngàn đầu sách cung cấp cho Tăng Ni sinh học tập, nghiên cứu.
Về định hướng:
Học viện luôn tiếp thu sự chỉ đạo của Chư tôn đức Lãnh đạo Giáo hội và Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo – tu học, tạo môi trường, cơ chế để Tăng Ni sinh phát huy tinh thần tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Luôn áp dụng những tri thức khoa học công nghệ mới trong giáo dục để Tăng Ni sinh ứng dụng vào tu – học. Vì giáo dục Phật giáo là động lực, nguồn lực góp phần phát triển Giáo hội và Xã hội.
Từ năm 2018, Chính phủ cho phép Học viện được đào tạo Hệ Sau đại học (Tiến sĩ – Thạc sĩ Phật học). Từ đó đã khẳng định hệ thống giáo dục đào tạo của Học viện ngang hàng với các trường Đại học trong cả nước: đầy đủ, đồng bộ và chuyên nghiệp. Hiện nay, đã chiêu sinh được 4 khóa, với tổng số 226 Học viên là Thạc sĩ và Nghiên cứu sinh Tiến sĩ. 07 vị vừa bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, đạt chất lượng cao. Tuy số lượng giảng sư chính nhiệm ít, nhưng Học viện không ngừng mở rộng, liên kết, hợp tác với các cơ sở nghiên cứu – đào tạo và các nhà khoa học có uy tín, mời thỉnh giảng, hướng dẫn Học sinh hệ sau Đại học. Hội đồng khoa học của Học viện đã tập hợp được hầu hết các nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực: Triết học, Tôn giáo học, Sử học, Văn hóa học, Ngôn ngữ học, Xã hội học…Số lượng và chất lượng tuyển sinh đầu vào của các khóa ngày càng tăng. Thời lượng, chất lượng đầu ra đảm bảo nghiêm túc, đã khẳng định vị trí, uy tín của Học viện trong xã hội và giới khoa học… Căn cứ vào khung chương trình, Học viện định hướng cho các nghiên cứu sinh đi chuyên sâu những lĩnh vực mà Học viện đang cần để rồi tạo nên một đội ngũ giảng sư cơ hữu, tự chủ, từ đó nâng cao vị trí, vai trò, chức năng của các chuyên khoa.
Kính bạch Chư tôn đức!
Kính thưa quý liệt vị!
Một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự hưng thịnh của Phật pháp đó là chất lượng tu học của Tăng Ni. Vì vậy, sự nghiệp giáo dục Tăng Ni, đào tạo Tăng tài luôn được Chư vị tiền bối quan tâm hàng đầu. Sự hiện diện của Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa lãnh đạo TW Giáo hội hôm nay là nguồn động viên, khích lệ lớn lao cho thầy trò Học viện trên sự nghiệp trồng người mà Giáo hội giao phó.
Tương lai của Phật pháp là Tăng Ni, nhưng chỉ có những Tăng Ni tài đức, xả thân vì Phật pháp mới kế thừa được những trọng trách hoằng pháp, lợi sinh trong tương lai.
Nhân kỷ niệm ngày Đức Phật thành Đạo – 40 năm thành lập HVPGVN tại Hà Nội chúng con xin nhất tâm tri ân công đức của Chư tôn đức Lãnh đạo Giáo hội và Học viện, quý vị Giảng sư, quý vị đại diện cho các cơ quan chức năng qua các thời kỳ. Cựu Tăng Ni sinh các khóa đã thường xuyên trở về động viên cho Thầy trò Học viện. Đặc biệt tri ân Hòa thượng Chủ tịch cùng Chư tôn đức Hòa thượng, Thượng tọa Lãnh đạo Giáo hội luôn luôn quan tâm để Học viện đã và đang đi đúng hướng, hiệu quả, chất lượng.
Xin chân thành tán dương các Tăng Ni, Phật tử xa gần, nhà hảo tâm đã phát tâm trong quá trình xây dựng, duy trì và phát triển Học viện.
Đặc biệt phải ghi nhận sự trưởng thành rõ nét về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của Tăng Ni sinh Học viện. Chính các vị là động lực tạo nên sự phát triển của Học viện; là động lực để HĐĐH cùng các phòng, ban cần cố gắng hơn nữa. Chỉ còn khoảng 12 giờ đồng hồ nữa thôi, 300 Tăng Ni sinh Khóa 8 đã xuất sắc hoàn thành học nghiệp trở về với trụ xứ của mình. Đây là thời khắc cuối cùng mà Thầy trò, huynh đệ, bạn bè được ở bên nhau. Một khóa đầy ắp những sự kiện; đầy ắp những thể nghiệm, trải nghiệm; đầy ắp những dấu ấn, kỷ niệm không thể nào quên cho tôi và cho chúng ta. Đặc biệt trong thời điểm mà đại dịch Covid – 19 hoành hành bên ngoài, thì phía trong cánh cổng Học viện 500 người như một. Thầy trò quyết tâm tu học, quyết tâm cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ, quyết tâm “Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật” để “chiếu kiến Covid giai không” , tự chiến thắng dịch bệnh, không để ảnh hưởng đến Giáo hội. Và cũng chính sự nhất tâm, thành tâm, chăm chỉ, tuân thủ của Tăng Ni sinh đã góp phần tích cực làm nên uy tín của Học viện. Sau khi trở về, dù đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, chúng ta luôn giữ bản lĩnh của mình, tự tin và tự hào: Mình là Tăng Ni sinh HVPGVN tại Hà Nội. Học viện còn phải tiếp tục đi, còn phải tiếp tục trở những chuyến đò đầy ắp trách nhiệm và tình thương nữa, trên hành trình đó chắc chắn còn phải tiếp tục gặp sóng to, bão lớn, rất mong chúng ta hãy bình tâm, đừng nghĩ khác, hãy quay trở về chung tay cùng Học viện để vượt khó. Còn Học viện luôn dang cánh tay rộng, luôn là điểm tựa bình yên nhất để đón những Học sinh yêu quý của mình trở về.
Kính chúc Chư Tôn đức Lãnh đạo Giáo hội, Chư tôn đức cựu Tăng Ni sinh, Chư vị khách quý, cùng toàn thể Tăng Ni Học viện sức khỏe và an lành.
Xin trân trọng cảm ơn!
Năng Lượng