Ambedkar – Vị đại cư sĩ Phật giáo Ấn Độ

                                                                THÍCH THIỆN MÃN

Đau lòng trước cảnh Phật giáo Ấn Độ suy vong suốt gần sáu thế kỷ, những con người mang trong mình tâm nguyện chấn hưng Phật giáo như Đại-đức Dharmapāla, Hòa-thượng S.U. Chandramani… và trong đó có cư sĩ Ambedkar. Tuy mãi đến cuối đời, Ambekar mới quy y Tam bảo nhưng đã tạo nên một phiên bản Phật giáo nhập thế Ambedkar đặc sắc, trong bối cảnh Ấn Độ giữa thế kỷ XX.

  1. Cuộc đời và sự nghiệp của Ambedkar

Bimrao Ramji Ambedkar (1891-1956), Trung Hoa dịch là An Bồi Khắc (安培克), sanh tại Maharastra, là con của ông Ramji Maloji Sakpal và bà Bhimabai Sakpal. Mặc dù gia cảnh nghèo khó và là người con út trong gia đình (thứ mười bốn), nhưng ông được cha mẹ quan tâm và tạo điều kiện cho đi học. May mắn thay, sự xâm lược và thống trị của thực dân Anh đã tạo điều kiện cho các giai cấp đều được đến trường, kể cả giai cấp cùng dân (Dalit). Vượt qua nghịch cảnh học đường và kỳ thị của xã hội, ông học rất giỏi và đã tốt nghiệp Trung học Elphinstone (Mumbai), Đại học Elphinstone (Mumbai), Thạc sĩ Kinh tế & khoa học chính trị của Đại học Columbia (Mỹ), Thạc sĩ Kinh tế của Đại học Kinh tế London (Anh) và Tiến sĩ Kinh tế của Đại học Columbia (Mỹ).

Ông kết hôn với Ramabai (1898 – 1935) khi 17 tuổi. Hai vợ chồng ông chỉ có duy nhất người con trai Yashwant Bhimrao Ambedkar (1912 – 1977) còn sống sót, còn lại bốn đứa con kia đều chết lúc sơ sinh. Năm 1948, Ambedkar kết hôn với Sharada Kabir (1909 – 2003) để chăm lo gia đình và sức khỏe của ông.

Năm 27 tuổi, Ambedkar làm giáo sư trường đại học, nhưng do xuất thân giai cấp nên vẫn bị kỳ thị, tiêu biểu việc uống nước chung. Ông từng làm luật sư biện hộ cho giai cấp cùng đinh trước những việc làm sai trái của giai cấp Bà-la-môn. Để giúp đỡ họ, ông thành lập trung tâm Bahishkrit Hitakaini Sabha và xuất bản các tạp chí như Mook Nayak, Bahishkrit Bharat, và Equality Janta. Vì để tránh sự trả thù của đạo Hindu và bảo vệ giai cấp mình nên ông đành chấp nhận quan điểm của Thánh M. Gandhi.

Ambedkar từng làm hiệu trưởng của trường Cao đẳng luật Chính phủ, (Bombay) từ năm 1935 đến 1937. Sau khi đất nước giành được độc lập vào ngày 15/8/1947, nhà nước Ấn Độ mời ông làm Bộ trưởng bộ Tư pháp, đảm nhận việc soạn thảo Hiến pháp mới. Sau đó, Hiến pháp được thông qua vào ngày 26/11/1949. Đến năm 1951, Ủy ban Tài chánh Ấn Độ được ông kiến nghị thành lập. Và cũng trong năm đó, ông bị Nhà nước từ chối quan điểm bình đẳng trong hôn nhân gia đình và thừa kế, đồng thời thất bại trong cuộc tuyển cử vào hạ viện.

Ông đã diễn thuyết nhiều bài phát biểu ở các hội nghị và viết nhiều tác phẩm Phật pháp và thế gian, trong đó nổi bật nhất là tác phẩm The Buddha and his Dhamma được hoàn thành vào cuối đời. Ông mất vào ngày 6/12/1956, tại New Delhi.

  1. Lộ trình đến với Phật giáo của Ambedkar

Lần đầu tiên, năm 1908, tại xứ Ấn Độ, một giai cấp cùng đinh thi đậu thủ khoa vào trường đại học Bombay. Nhân buổi lễ đó, thầy K.A. Keluskar đã tặng cho Ambedkar một quyển “Cuộc đời Đức Phật”. Khi đọc xong, trong lòng ông ngập tràn cảm xúc về đức Phật, nhưng chưa quy y Tam bảo ngay.

Vốn xuất thân từ giai cấp cùng đinh và đau buồn trước việc đối xử thậm tệ của đạo Hindu, Ambedkar cho rằng: “Nếu muốn được tôn trọng, hãy thay đổi tôn giáo. Nếu muốn được độc lập, hãy thay đổi tôn giáo. Nếu muốn được bình đẳng, hãy thay đổi tôn giáo”1. Chính vì thế, ông đã mạnh dạn phát biểu trong Hội nghị Yeola (1935) rằng: “Nhưng trong khả năng của tôi, tôi trịnh trọng tuyên bố rằng, tôi sẽ không sống và chết với tư cách là một người Hindu2

Được tin ông bỏ đạo Hindu, đạo Thiên Chúa và đạo Hồi nhanh chóng gửi thông tin vận động ông theo đạo của họ. Bằng óc phán xét của một nhà học thức cao, nếu chọn đạo Hồi thì sẽ rất nguy hiểm đối với việc gia tăng tín đồ và trở thành kẻ tội đồ của lịch sử Ấn Độ, còn nếu chọn đạo Thiên chúa thì khác nào tiếp tay ủng hộ chính quyền Anh bạo tàn tại xứ Ấn. Điều suy nghĩ đó đã được ông  trả lời phỏng vấn tờ Thời Báo Ấn Độ (1936), Ambedkar nói rằng: “Nếu giai cấp cùng đinh theo người Hồi hay Thiên chúa thì họ sẽ không còn giữ được truyền thống văn hóa Ấn Độ. Còn nếu họ theo đạo Sikh thì họ vẫn còn giữ được truyền thống, và do đó đạo Hindu sẽ không bị tổn hại gì” 3. Ông cố gắng tạo sự thân thiện với đạo Sikh để tìm sự đồng thuận, nhưng trớ trêu thay trước việc đối xử của họ với giai cấp cùng đinh khiến ông bất mãn và không quy hướng theo đạo của họ.

Nhờ sự động viên của Lokanatha (1897-1966), sự cảm hóa của ngài Chandramani cùng với việc quan sát và đánh giá các tôn giáo, ông đã chọn đạo Phật. Sau đó, ông dành thời gian để biên soạn các tác phẩm Phật giáo và tham dự Hội nghị Phật giáo ở một số quốc gia như Sri-Lanka, Nepal, Myanmar,… Năm 1956, Ambedkar đã cung thỉnh ngài Chandramani và bốn vị Tỳ-kheo Myanmar cử hành lễ quy y cho ông và 500.000 người tại thành phố Nagpur. Sau buổi lễ, ông bộc bạch niềm xúc cảm rằng: “Tôi cảm thấy rằng mình như vừa được giải thoát từ địa ngục vậy. Từ nay tôi không còn thờ các vị thần đạo Hindu nữa mà thực hành theo Chánh pháp. Tôi sẽ sống theo Bát chánh đạo mà Đức Phật đã dạy. Phật giáo là một tôn giáo chân chính và tôi sẽ hướng cuộc đời mình dưới sự chỉ dẫn của từ bi, trí tuệ và lẽ phải” 4.

  1. Cư sĩ Ambedkar nhập thế bi hùng

Vận dụng tính bình đẳng của Phật giáo, ông vận động khắp nơi “Dân hạ tiện tin theo Phật giáo5 nhằm cứu họ thoát khỏi sự khinh miệt của đạo Hindu. Sau lễ quy y, ông đã khuyên họ phát nguyện 22 điều theo tinh thần Phật giáo mới (Navayana) như là không nên tin vào thần quyền, không làm các nghi lễ mê tín, thực hành bình đẳng, tu tập con đường tám chánh và mười pháp Ba-la-mật, trải tâm từ bi đến với tất cả chúng sanh, không gian tham trộm cướp, không nói lời hư ngụy, không uống rượu và các chất kích thích,… Đồng thời trong điều phát nguyện thứ năm, ông muốn đính chính với giai cấp cùng đinh và mọi người về việc hiểu sai lầm Đức Phật là hóa thân thần Vishnu, tạo niềm tin cho các giai cấp cùng đinh khi quy y Tam bảo và thoát khỏi những hệ luỵ khổ đau.

Theo Ambedkar, Phật giáo phải lấy nền tảng Thượng-tọa bộ làm chính, bên cạnh đó có thể thêm vào phần nào đó của Đại-thừa và Mật giáo. Tiêu biểu như trong quyển The Buddha and His Dharma (Đức Phật và Giáo pháp của Ngài), Ambedkar nêu ra bốn tiêu chí mà đạo Phật nói riêng và tôn giáo nói chung cần phải đáp ứng: chú trọng vấn đề đạo đức; khế hợp với thực nghiệm khoa học; đậm nét tinh thần bình đẳng và tự do giải thoát; làm sao gắn kết các tổ chức lại với nhau mà không phân biệt giàu nghèo. Qua đó, ông đề nghị các tôn giáo và Nhà nước Ấn Độ hãy xóa bỏ cái tập tục cổ hủ qua cách nhìn đối với giai cấp Chiên-đà-la (Pariah) – một giai cấp cùng đinh, hạ tiện đã quá khổ về mặt vật chất lẫn tinh thần trong các giai cấp ở Ấn Độ. Vì thế, ông đề nghị giáo lý Tứ đế của đạo Phật, trong đó có Khổ đế, hãy đề cập them khổ còn là do áp bức xã hội, do sự bất bình đẳng giữa người với người trong cuộc sống, như vậy dễ gây thiện cảm với giai cấp nghèo đói này hơn và khuyến hóa họ tu tập theo Phật giáo trong giai đoạn phục hưng.

Trong bối cảnh bấy giờ, theo Ambedkar, Phật giáo cần phải đi vào cuộc sống, đáp ứng cho xã hội hiện thực, hơn là đưa ra các triết lý uyên thâm như nghiệp báo, thế giới tam thiên đại thiên thần bí, vi diệu pháp,… Chính từ đó, đạo Phật hướng con người xây dựng tính bình đẳng trong các mối quan hệ xã hội; qua đó tháo gỡ những ràng buộc về kinh tế, chính trị, tri thức và xã hội đương thời. Ông đã không màng đến sự nguy hiểm cho bản thân, tranh luận tới cùng với Thánh Gandhi, những con người nghèo khó không còn mặc cảm tự ti nữa, phục hồi nhân phẩm chính mình, nỗ lực phấn đấu học hành phục vụ Tổ quốc, xây dựng một xã hội công bằng, không còn những tệ nạn và thù oán nhau nữa.

Về hoằng pháp và giáo dục, Ambedkar kêu gọi chư Tăng và cư sĩ cùng nhau hoằng dương chánh pháp, hộ trì Tam bảo. Để làm được điều này, đòi hỏi chư Tăng cũng như nam nữ Phật tử phải nỗ lực trau dồi Phật học lẫn thế học, tâm bi nguyện dấn thân giúp người thoát khổ, được an vui. Nhận thấy vấn đề thiết thực như vậy, năm 1950, ông lập Học viện Siddhhatha tại Mumbai. Cũng năm đó, theo Thích Hạnh Bình và Phương Anh cho rằng: “ông tiếp tục thành lập Đại học Milind Maha Vidyalaya tại Áo-lan-ca Bột-đà6 . Khác với Hội Đại Bồ-đề của ngài Dharmapala do giới tu sĩ làm nòng cốt, thì Hội Phật giáo Ấn Độ do Ambedkar sáng lập chủ trương quan tâm giới cư sĩ nhiều hơn. Không chỉ dừng lại ở giáo lý Thượng tọa bộ như hội của ngài Dharmapala, Ambedkar còn phát triển thêm Phật giáo Đại thừa trong việc tu học và dấn thân hành đạo. Ông đề ra phương hướng hoạt động của hội theo hình thức Phật giáo mới và nhập thế, thực hiện công tác truyền  bá Phật pháp, đẩy mạnh việc nghiên cứu học thuật Phật giáo, tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội, tạo quan hệ gắn kết với nhiều phong trào của Đảng Cộng Hòa, giúp cho hội phát triển ngày cảng rộng hơn.

Sau khi ông qua đời năm 1956, theo Thích Hạnh Bình và Phương Anh ghi rằng: “Năm 1965, Hiệp hội xây dựng Viện nghiên cứu văn học Pāli ở Nã-cách-phố-nhĩ, nỗ lực nghiên cứu nền tảng cơ bản của Phật giáo” 7. Bên cạnh đó, năm 2008, chính phủ Delhi cho xây dựng trường Đại học Ambekar Delhi, lấy mẫu hình tượng học hành và quan điểm của Ambedkar làm kim chỉ nam cho đường hướng giáo dục của trường.

Về chính trị, Ambedkar đã cùng Ban soạn thảo Hiến pháp mới hoàn thành trong khoảng ba năm. Hiến pháp mới thể hiện tính công bằng xã hội trên các phương diện tôn giáo, sắc tộc, giai cấp và giới tính, đồng thời tháo gỡ hiện trạng phân biệt giai cấp. Bản Hiến pháp tạo tiếng nói bình đẳng cho mọi người trước pháp luật nhà nước Ấn Độ. Ông luôn bảo vệ quyền lợi cho giai cấp cùng đinh qua đạo Luật đề cập đến giai cấp cùng đinh (1955), bảo vệ quyền lợi cho giới phụ nữ và giới lao động.

Đóng góp cho văn học Phật giáo và nền văn học Ấn Độ, Ambedkar dành nhiều thời gian cho việc biên soạn, trước tác các tác phẩm văn học Phật giáo như Sự suy tàn và đổ vỡ của Phật giáo, Đức Phật và tương lai tôn giáo của Ngài, Đức Phật hay Karl Marx,… trong đó có quyển The Buddha and His Dharma (Đức Phật và giáo pháp của Ngài) được viết xong trước khi mất (1956). Do vì bệnh tật và áp lực nhiều việc nên ông viết khá vội vã. Tuy là một bản thảo nhưng cũng đủ minh chứng cho niềm chí thành của ông đối với đức Thế Tôn, đồng thời cũng toát yếu tính bình đẳng trong xã hội, nét đẹp nhân văn và giá trị chân thật khi nghĩ về cuộc sống hiện tại.

Ambedkar đã thành công trong các buổi diễn thuyết hùng biện, trình bày tham luận tại các hội nghị trong nước và ngoài nước. Đặc biệt đối diện với phản biện của học giả Fiske, ông cho rằng chư tăng đóng vai trò như một Đại biểu quốc hội, có những dòng tư duy khác nhau, nên phải kiến giải luận bàn các vấn đề một cách rõ ràng khúc chiết, với các quyết định phải được thông qua bằng bỏ phiếu. Phật giáo phải nhập thế đối kháng, tính bình đẳng nhưng luôn quan tâm đến phe yếu để dìu dắt họ, tùy thuận cho lợi ích một tập thể và tính lục hòa cộng trụ trong một tập thể với nhau, góp phần phát triển Phật giáo ngày một hưng thịnh hơn. Phật giáo Ambedkar đã tạo nguồn sinh khí vô tận cho hàng triệu con tim tiếp bước đạo nghiệp của ông. Nếu không nhờ những Sangharakshita có những bài pháp cảnh tỉnh kịp thời cho hàng trăm ngàn Phật tử bên bờ tuyệt vọng khi mất đi vị thuyền trưởng của con tàu. Người con trai của ông cũng đã tiếp nối sự nghiệp của cha mình, đã tổ chức hội nghị với sự có mặt của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIV.

Hành trạng dấn thân nhập thế của cư sĩ Ambedkar là một tấm gương hy sinh vì đạo pháp và dân tộc. Ở Ấn Độ có cư sĩ Ambedkar thì ở Việt Nam cũng có cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm việc trong chính quyền tỉnh và chính phủ, đã vận động lập Hội Phật học Nam Việt và phát hành tạp chí Từ Quang (1951), hai lần cung thỉnh ngọc xá lợi Tích Lan thành công (năm 1952 và 1953), xây chùa Phật học xá lợi (1955-1958), tổ chức các thời khóa tu học và từ thiện,… Hoặc hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu thân vì đạo pháp trong pháp nạn 1963, đã gởi gắm những lời tâm huyết trước khi thị tịch: “Trước khi tôi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng từ bi mà đối xử với quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo, để giữ vững nước nhà muôn thuở. Tôi thiết tha kêu gọi chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật pháp8.

Tóm lại, bằng óc quan sát thực tế và khả năng quyết đoán, Ambedkar đã vượt lên số phận của chính mình (giai cấp cùng đinh), và thực hiện một cuộc hành hương kỳ vĩ bậc nhất của đời người, vượt thời đại mà xuyên qua những khung phong hóa bằng thép tưởng như bất khả xuyên phá của đạo Hindu, trở thành vị cư sĩ của Phật giáo và vận động 500.000 người của giai cấp cùng đinh quy y Tam bảo, tạo một bước ngoặt kỳ vĩ trong trang lịch sử Phật giáo Ấn Độ. Những tác phẩm do ông biên soạn đóng góp rất lớn vào nền văn học Phật giáo đương thời và mai sau. Những trường đại học Phật giáo, Hội Phật giáo Ấn Độ do ông sáng lập đã đào tạo mọi người tu học Phật pháp, thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho hàng triệu con tim tu sĩ và cư sĩ tiếp nối sự nghiệp của ông.

1 Narain and Ahir (ed.), Dr. Ambedkar, Buddhism and Social Change, Delhi: Buddhist World Press, 2010. tr. 39

2 D. L. Ramteke, Revival of Buddhism in Modern India, New Delhi: Deep and Deep Publications, 1983. tr. 121-122

3 Lella Karunyakara, Modernization of Buddhism: Contributions of Ambedkar and Dalai Lama XIV, New Delhi: Gyan Publishing House, 2002.tr.227-228。

4 D. C. Ahir, Buddhism and Ambedkar, Delhi: B. R. Publishing Corporation, 2004. tr. 92

5 Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 1, Nxb Tổng hợp Tp. HCM, 2016. tr. 101

6 Thích Hạnh Bình, Phương Anh dịch, Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb phương Đông, 2017. tr. 159

7 Thích Hạnh Bình, Phương Anh dịch, Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb phương Đông, 2017. tr. 159

8 Thích Thiện Hoa, Phật học phổ thông, Nxb Tôn giáo, HN, 2015. tr. 145

Bình luận
Tin cùng chuyên mục