DÂU KEO – Nơi khởi nguồn Phật giáo Việt Nam

CS.QUẢNG TUỆ

Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thất tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày Mồng Tám thì về Hội Dâu

Câu ca cổ từ ngàn xưa của vùng quan họ như tiếng gọi đằm thắm thiết tha đối với biết bao thế hệ người dân Việt hành hương về nguồn cội: Về với Tháp/Phật và về với Hội/Quê.

Thành tựu nghiên cứu của các ngành khoa học nhân văn như: Khảo cổ học, Sử học, Dân tộc học, Văn hóa dân gian…giúp chúng ta ngày càng có được sự hiểu biết toàn diện – sâu sắc hơn, khoa học – tâm linh hơn về một vùng Dâu – Luy Lâu – Liên Lâu thơ mộng với bề dầy lịch sử và chiều sâu tư tưởng – tôn giáo của nó.

  1. Cảnh quan địa lý

Vào những thế kỉ trước và sau công nguyên, men theo triền các con sông Hồng, sông Đà, sông Cầu…và các chỉ lưu của nó, người Việt cổ đã dời bỏ miền chân núi tiến xuống khai thác, kinh doanh miền châu thổ. Tiếng nói của các tầng văn hóa từ sâu trong lòng đất được giới khảo cổ học “phiên dịch” cho chúng ta biết, dải viền trung du thuộc các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành (Bắc Ninh) nay là điểm dừng chân, nơi tụ cư của người Việt cổ trước ngưỡng cửa của vùng châu thổ sông Hồng phì nhiêu. Với người xưa, dòng sông thường đóng vai trò là trung tâm văn hóa, chính trị của khu vực. Bộ tộc Dâu là chủ nhân của nền văn hóa trải rộng đôi bờ sông Đuống: Dâu – Thuận Thành và Phật Tích – Tiên Du.

Địa thế chùa Dâu cao thoáng – Ảnh Vietnamnet

Địa thế của Dâu cao thoáng, thống quát được cả vùng rộng lớn đồng thời nằm ở vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt, nơi giao thông thủy bộ, với hai trục chính là quốc lộ 182 và sông Dâu. Đường 182 là tuyến giao thông chiến lược (người Pháp gọi là Đường quân xâm lược) được hình thành từ rất sớm: từ Quốc lộ 5, qua Sủi – Keo, Dâu – Luy Lâu ngang qua huyện Thuận Thành sang Gia Bình, tới Lục Đầu (Phả Lại) rồi nối với Quốc lộ 18 đi Đông Triều, Mạo Khê, Uông Bí, ra Hòn Gai cửa biển đông bắc của Tổ quốc. Vết tích sông Dâu ngày nay chỉ còn lại những con ngòi hẹp, những ao hồ đứt quãng nhưng xưa sông rộng lắm, chảy từ vùng cao Đình Bảng, qua Phật Tích xuống Dâu, rồi xuống Hà Mãn, Công Thành Đông, rẽ sang Lương Tài, Cẩm Giàng (Hải Dương), đổ nước ra sông Thái Bình rồi ra Biển Đông. Sông là tuyến chuyên chở kinh té, văn hóa huyết mạch của cả khu vực:

Lênh đênh ba bốn thuyền kề

Chiếc ra cửa bể, chiếc về sông Dâu

                   (Ca dao cổ)

2. Trung tâm văn hóa – chính trị

Do có những lợi thế về địa lý, cảnh quan và giao thông cho nên từ trước khi bị nhà Hán xâm lược và đặt trụ sở cai trị. Dâu đã là một trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả khu vực. Những di chỉ khảo cổ đậm đặc đôi bờ sông Tương, sông Dâu, sông Ngũ huyện, sông Đuống, với tầng văn hóa dầy, có niên đại liên tục từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun tới Đông Sơn đã nói lên điều đó. Hơn đâu hết trên đất nước ta, nơi đây còn lưu giữ nhiều địa danh, tộc danh thuần Việt chưa bị Hán hóa, như làng Dâu, sông Dâu…như họ Man ở làng Mãn Xá qua Phật Mẫu Man Nương…Lễ hội chùa Dâu, với tục thờ thần cây (Bà/Cây Dâu), thần đá (Đức Thạch Quang), cướp/rước nước…đã phản ánh sinh động hoạt động tín ngưỡng của cư dân Việt cổ làm nông nghiệp trồng lúa nước, đang ở giai đoạn cuối của chế độ thị tộc mẫu hệ.

Năm 111 TCN nhà Hán chinh phục Nam Việt, lập ra Giao Châu gồm có 9 quận gồm Nam Việt cũ (từ Quảng Đông, Quảng Tây, một phần Quí Châu, Vân Nam Trung Quốc trở xuống tới miền trung Việt Nam hiện nay) và đảo Hải Nam; quận Giao Chỉ (phía bắc Việt Nam) đứng đầu châu, huyện Luy Lâu đứng đầu quận. Nhận rõ vị trí địa lý tự nhiên, địa – chính trí, địa – văn hóa quan trọng của Dâu, nhà Hán đã chọn nơi đây là lỵ sở của huyện, quận và châu, thống lĩnh cả một vùng rộng lớn. Luy Lâu – Dâu còn giữ vai trò là trung tâm của đất nước cho đến cuối thế kỉ VII sau CN, trước khi dời sang Long Biên (Quế Võ), rồi về Đại La (Hà Nội).

3. Là trung tâm Phật giáo của khu vực, nơi cội nguồn của Phật giáo Việt Nam

Trước khi Phật giáo có mặt, sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt cổ vùng Dâu – Cổ Miếu đôi bờ sông Đuống còn mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng mẫu hệ: bên này sông Đuống là hình tượng Bà Dâu/Man Nương (tiếng Việt cổ, các từ Man, Mèn, Mế, Mẹ là chỉ bà Tổ Mẫu), bà Đậu, Bà Tướng, Bà Dàn, những Bà Mẹ Văn Hóa của tộc Dâu, sau này Phật giáo hóa thành Tứ Pháp; còn bên kia sông Đuống, với hình tượng Bà Tổ Cô trên dãy Nguyệt Hằng – Phật Tích, là thủy tổ của các làng Quan họ, Bà Mẹ sáng tạo và tưới tắm cánh đồng phì nhiêu Tiên Du – Phật Tích.

Với vị trí giao thông thuận lợi, sức hút văn hóa mạnh mẽ, Dâu nhanh chóng trở thành điểm dừng chân trên con đường hoằng pháp của các tu sĩ Ấn Độ theo đường biển tới, trở thành một trong 3 trung tâm Phật giáo lớn trong đế chế Hán là Lạc Dương (Hà Nam), Bành Thành (Giang Tô). Sách Thiền uyển tập anh chép, trong khi đàm đạo với Hoàng hậu Ỷ Lan, Thiền sư Trí Không đã dẫn lới sư Đàm Thiên (người thời Tùy, Trung Quốc) nới rằng “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới 20 ngôi bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 quyển kinh rồi” (s.đ.d.Truyện Quốc Sư Thông Biện).

Sách Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh (bản khắc gỗ còn lưu tại chùa Dâu), Lĩnh Nam chích quái (thế kỉ XV) và truyền thuyết vùng Dâu – Phật Tích cho chúng ta câu chuyện sinh động về sự tích Man Nương – Khâu Đà La – Tứ Pháp. Vào thời Sĩ Nhiếp cai trị nước ta (187 – 236) thì ở bên kia sông Đuống, núi Phượng Hoàng, có sư Khâu Đà La đến lập am thuyết pháp (nay là chùa Linh Quang – Phật Tích), ở bên này sông, tại làng Mãn Xá, có ông bà Tu Định sinh được người con gái đầu lòng có “Dung nghi tư cách khác thường”, đặt tên là Man Nương (cô gái họ Man). Do mến mộ Đạo Phật, lại rất phục “phép mầu” của sư Khâu Đà La nên khi Man Nương đủ 12 tuổi ông bà Tu Định cho tới thụ giáo với sư. Và, câu chuyện Man Nương – Khâu Đà La – Tứ Pháp hẳn nhiên là câu chuyện truyền kì huyền thoại, nhưng dưới góc nhìn folklore học, nó là một hình ảnh đẹp, phản ánh một thực tế sinh động của buổi đầu Phật giáo đến Dâu, buổi đầu gặp gỡ giữa Phật giáo từ bên ngoài đưa vào với tín ngưỡng dân gian bản địa. Đó là sự kết hợp hòa bình, sâu sắc từ bên trong, từ trong cấu trúc giữa Phật giáo (đại biểu là Khâu Đà La) và văn hóa tín ngưỡng bản địa (đại biểu là Man Nương) để sản sinh ra Phật giáo Việt Nam (Tứ Pháp). Phật giáo ở Việt Nam, bằng con đường tự nhiên nhuần nhị, trở thành Phật giáo Việt Nam.

Từ nhiều nguồn tài liệu trực tiếp và gián tiếp cho thấy sinh hoạt Phật giáo ở Luy Lâu rất nhộn nhịp. Tăng viện, chùa tháp được xây cất qui mô, tàng giữ hàng trăm bộ kinh. Hằng trăm cao tăng, trí thức Phật giáo người Ấn Độ, Trung Á, Trung Quốc…(như Ma Ha Kì Vực, Chi Cương Lương, Mâu Bắc,…) đã có mặt ở chùa Dâu để nghiên cứu chữ Hán, chữ Phạn, dịch kinh, học hỏi, đàm đạo thuyết pháp…Và cũng từ đó, các tăng sĩ lại tỏa đi các vùng, các nước trong khu vực để giảng kinh, truyền đạo.

Từ thế kỉ thứ VI đến thế kỉ thứ X, Dâu là trung tâm của dòng Thiền thứ nhất của Việt Nam, dòng Thiền Tì Ni Đa Lưu Chi. Tì Ni Đa Lưu Chi là người Ấn Độ, được Tổ thứ III Thiền tông Trung Hoa là Tăng Xán truyền tâm ấn, năm 580 đến chùa Dâu, năm 594 thị tịch tại đây. Sách Thiền uyển tập anhCổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh còn ghi chép khá đầy đủ các thế hệ truyền thừa của Thiền phái này, trong đó có nhiều vị là cao tăng, là Quốc sư, là tể tướng như Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Khánh Hỷ…

Chùa Dâu còn có tên Cổ Châu tự, Pháp Vân tự, Diên Ứng tự, Thiền Định tự – Ảnh st

Chùa Dâu nay (với các tên Cổ Châu tự, Pháp Vân tự, Diên ứng tự, Thiền Định tự…) thuộc làng Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, là trung tâm trong quần thể di tích bao gồm thành Luy Lâu, đền thờ và lăng Sĩ Nhiếp, hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp, khu Mộ địa, khu lò ngói – gốm sứ…Trong hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp ở nước ta hiện nay, bình đồ kiến trúc chùa Dâu ở đây là tiêu biểu. Bố cục chung của không gian chùa là “tiền Phật hậu Thánh”, với bình đồ gần vuông, trước là tiền đường, sau là hậu đường, hai bên có hai hành lang, tháp Phật (tức tháp Hòa Phong) dựng giữa sân để chư tăng đi nhiễu…Theo giới nghiên cứu lịch sử kiến trúc Phật giáo, qui mô và bình đồ kiến trúc chùa Dâu là một trong những cứ liệu quan trọng cho thấy Phật giáo từ Ấn Độn, theo đường biển, được truyền trực tiếp vào Việt Nam (Dâu) từ những thế kỉ đầu công nguyên.

Tại chùa Dâu và các chùa xung quanh hiện còn lưu giữ những di tích và nguồn tài liệu khá phong phú về nơi khởi nguồn Phật giáo Việt Nam đầu công nguyên và ảnh hưởng sâu rộng của nó trong nhiều thế kỉ sau này.

Đăng từ Tạp chí Khuông Việt bản in số 1

Bình luận
Tin cùng chuyên mục